Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3728/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG “SẢN PHẨM, DỊCH VỤ THƯƠNG HIỆU VIỆT TIÊU BIỂU HƯỞNG ỨNG CUỘC VẬN ĐỘNG NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” NĂM 2017

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 51/2000/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020;

Căn cứ Quyết định số 72/QĐ-BCT ngày 11 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt các dự án, nhiệm vụ và kinh phí năm 2017 thực hiện Nhóm chương trình hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng thuộc Danh mục của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020;

Thực hiện Kế hoạch số 383/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 04 tháng 5 năm 2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” về việc triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2017;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Xét tặng Giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Tổng Biên tập Báo Công Thương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban TĐKT Trung ương;
- Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
- Bộ trưởng;
- Website MOIT;
- Lưu: VT, VP, TTTN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Đỗ Thắng Hải

 

QUY CHẾ

XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG “SẢN PHẨM, DỊCH VỤ THƯƠNG HIỆU VIỆT TIÊU BIỂU HƯỞNG ỨNG CUỘC VẬN ĐỘNG NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” NĂM 2017
(Kèm theo Quyết định số 3728/QĐ-BCT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc xét tặng và trao giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017 (sau đây gọi tắt là Giải thưởng) cho các doanh nghiệp thương hiệu Việt cung ứng sản phẩm, dịch vụ thuộc nhóm hàng hóa thương hiệu Việt có chất lượng tại thị trường trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng, đồng thời tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn từ năm 2014-2017.

Điều 2. Đối tượng áp dụng1

Giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017 dành cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, gồm:

a. Sản phẩm:

a.1. Đồ uống; Thực phẩm chế biến;

a.2. Hàng gia dụng;

a.3. Dệt may; Da giày;

a.4. Hàng điện tử và điện dân dụng;

a.5. Nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ tiêu dùng và sản xuất trong nước;

a.6. Hóa chất, phân bón và các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp;

a.7. Hóa mỹ phẩm; Dược phẩm; Thiết bị y tế;

a.8. Thiết bị giáo dục, đồ dùng học tập;

a.9. Vật liệu xây dựng;

a.10. Một số sản phẩm khác...

b. Dịch vụ:

b.1. Dịch vụ phân phối, bán buôn, bán lẻ;

b.2. Dịch vụ Tài chính, Ngân hàng;

b.3. Dịch vụ bưu chính, viễn thông;

b.4. Dịch vụ du lịch;

b.5. Dịch vụ logistics;

b.6. Dịch vụ Y tế; Giáo dục;

b.7. Một số dịch vụ khác...

Điều 3. Thời điểm xét tặng và trao giải thưởng

Giải thưởng được xét tặng, công bố và trao giải vào tháng 12 năm 2017.

Điều 4. Nguyên tắc xét tặng và trao giải thưởng

1. Việc xét tặng được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Báo Công Thương, Báo Công Thương Điện tử và trang website của Ban Tổ chức Giải thưởng, các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định có thể đăng ký tham gia.

2. Việc tuyển chọn được thông báo, giới thiệu thể lệ, tiêu chí và quy trình xét chọn của Chương trình đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề liên quan và trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Báo Công Thương, Báo Công Thương điện tử và trang website của Ban Tổ chức.

3. Việc xét chọn được thực hiện thông qua Hội đồng xét tặng trình Ban Tổ chức xem xét, quyết định.

Chương II

TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG

Điều 5. Điều kiện tham dự của doanh nghiệp

1. Các doanh nghiệp được tham dự xét tôn vinh và trao giải thưởng trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương và các Sở Công Thương, Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề hoặc các doanh nghiệp tự ứng cử.

2. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng, đấu thầu, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

3. Tổ chức sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển. Đảm bảo đời sống, việc làm ổn định cho người lao động.

4. Chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, về sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác có liên quan.

6. Thực hiện nghiêm các quy định khác của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

7. Tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, sáng tạo trong tổ chức, phối hợp thực hiện các chương trình quảng bá hàng sản xuất trong nước với quy mô cả nước, chú trọng đến vùng sâu, vùng xa.

8. Có thời gian hoạt động kể từ khi được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập doanh nghiệp và cấp đăng ký kinh doanh từ 05 năm trở lên.

Điều 6. Tiêu chí xét tặng giải thưởng đối với doanh nghiệp

1. Tiêu chí bắt buộc

a) Doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, phân phối sản phẩm thương hiệu Việt, cung ứng dịch vụ thương hiệu Việt có chất lượng tốt tại thị trường trong nước;

b) Doanh nghiệp đã tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;

c) Thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước;

đ) Chiến lược kinh doanh hướng tới thị trường trong nước có khả năng cạnh tranh cao, phát triển bền vững, duy trì đà tăng trưởng;

e) Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2. Tiêu chí xem xét thêm

a) Các sản phẩm, dịch vụ có áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, các sáng chế mới...; doanh nghiệp tham gia các Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; Bình ổn thị trường;...

b) Ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước khi thực hiện mua sắm trang bị phương tiện làm việc, hoạt động;

c) Tỷ lệ nguyên, vật liệu nội địa trong cấu thành sản phẩm, hàng hóa đạt mức cao;

d) Đã có thành tích khen thưởng bằng các hình thức gồm: Giấy chứng nhận, giải thưởng và Bằng khen...

đ) Các doanh nghiệp đạt giải “Thương hiệu Quốc gia năm 2014, 2016”; “Thương mại Dịch vụ Việt Nam - Vietnam Top Trade Services Awards 2013, 2016”.

Điều 7. Thanh điểm chấm “Giải thưởng”

1. Nguyên tắc chấm điểm

1.1. Các doanh nghiệp được chấm điểm phải đạt tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng.

1.2. Các doanh nghiệp đạt “Giải thưởng” được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên với các tiêu chí được đánh giá theo thang điểm 100 cho từng lĩnh vực. Các doanh nghiệp đạt giải được lựa chọn từ điểm số cao xuống cho đến khi đủ số lượng cho từng lĩnh vực theo quyết định của Ban tổ chức.

1.3. Các doanh nghiệp cùng lĩnh vực có số điểm bằng nhau thì bên cạnh việc so sánh quy mô, tốc độ tăng trưởng sẽ tính đến yếu tố vùng - miền để đảm bảo tính ưu tiên tại các vùng sâu, vùng xa.

2. Thang điểm

2.1. Sản phẩm

2.1.1. Đồ uống, thực phẩm chế biến (100 điểm)

- Có Chứng nhận an toàn thực phẩm do các cơ quan có thẩm quyền cấp; (20 điểm);

- Căn cứ số lượng các giải thưởng/chứng nhận trong và ngoài nước đã đạt được về sản phẩm trong thời gian 03 năm trở lại (30 điểm);

- Các chỉ số ROA (tỷ suất lợi nhuận ròng/tài sản), ROE (tỷ suất lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) đạt trên mức trung bình của ngành tại thời điểm tham gia giải (20 điểm);

- Có sản phẩm tham gia các Chương trình “Bình ổn giá”, “Đưa hàng Việt về nông thôn” hoặc các Hội chợ Hàng Việt do Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương, Bộ Công Thương tổ chức (30 điểm).

2.1.2. Hàng Gia dụng/Dệt may, Da giầy/Hàng điện tử và dân dụng/Nhiên, nguyên liệu phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh/Hóa chất, phân bón và các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp... /Một số sản phẩm khác: có chung tiêu chí đánh giá (100 điểm)

- Căn cứ số lượng các giải thưởng/chứng nhận trong và ngoài nước đã đạt được về sản phẩm trong thời gian 03 năm trở lại (30 điểm);

- Các chỉ số ROA, ROE đạt trên mức trung bình của ngành tại thời điểm tham gia giải (20 điểm);

- Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền có công nghệ vận hành vượt trội, máy móc thiết bị tiên tiến so với thị trường và các doanh nghiệp cùng lĩnh vực (20 điểm);

- Có sản phẩm tham gia các chương trình “Bình ổn giá”, “Đưa hàng Việt về nông thôn” hoặc các Hội chợ Hàng Việt do Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương, Bộ Công Thương tổ chức (30 điểm).

2.2. Dịch vụ

2.2.1. Dịch vụ Tài chính, Ngân hàng (100 điểm)

- Căn cứ số lượng các giải thưởng/chứng nhận trong và ngoài nước đã đạt được về dịch vụ trong thời gian 03 năm trở lại (30 điểm);

- Các chỉ số ROA, ROE đạt trên mức trung bình của ngành tại thời điểm tham gia giải (20 điểm);

- Có các chương trình, cam kết, liên kết sử dụng chéo sản phẩm/dịch vụ Việt trong quản lý điều hành (20 điểm);

- Có tài trợ tín dụng/quan hệ tài chính với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tham gia các Chương trình “Bình ổn giá”, “Đưa hàng Việt về nông thôn” hoặc các Hội chợ Hàng Việt do Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương, Bộ Công Thương tổ chức (30 điểm).

2.2.2. Dịch vụ phân phối Bán buôn, bán lẻ (100 điểm)

- Căn cứ số lượng các giải thưởng/chứng nhận trong và ngoài nước đã đạt được về dịch vụ trong thời gian 03 năm trở lại 30 điểm);

- Các chỉ số ROA, ROE đạt trên mức trung bình của ngành tại thời điểm tham gia giải (20 điểm);

- Có hệ thống rộng khắp trên phạm vi toàn quốc hoặc khu vực (20 điểm);

- Quy chuẩn về hàng hóa, dịch vụ: Nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tỷ lệ hàng Việt đạt tối thiểu 70% số lượng mặt hàng kinh doanh tại cơ sở (giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp) (30 điểm).

2.2.3. Dịch vụ Du lịch (100 điểm)

- Căn cứ số lượng các giải thưởng/chứng nhận trong và ngoài nước đã đạt được về dịch vụ trong thời gian 03 năm trở lại (30 điểm);

- Tỷ lệ lấp đầy phòng đạt mức cao so với mức trung bình ngành (20 điểm);

- Có các dịch vụ thuần Việt đặc sắc trong các gói tour dành cho khách hàng trong và ngoài nước (chứng nhận) (20 điểm);

- Có Quy chuẩn về quản lý chất lượng (ISO) (30 điểm).

2.2.4. Dịch vụ Y tế, Giáo dục (100 điểm)

- Căn cứ số lượng các giải thưởng/chứng nhận trong và ngoài nước đã đạt được về dịch vụ trong thời gian 03 năm trở lại (30 điểm);

- Các chỉ số ROA, ROE đạt trên mức trung bình của ngành tại thời điểm tham gia giải (20 điểm);

- Tích cực hưởng ứng các chương trình sử dụng chéo sản phẩm, dịch Việt (20 điểm);

- Quy chuẩn về chương trình giảng dạy/khám chữa bệnh (Trung tâm ngoại ngữ, tin học đối với Giáo dục và Bệnh viện, Phòng khám đối với Y tế) (30 điểm).

2.2.5. Dịch vụ Logistic, Bưu chính viễn thông, dịch vụ khác...

- Căn cứ số lượng các giải thưởng/chứng nhận trong và ngoài nước đã đạt được về dịch vụ trong thời gian 03 năm trở lại (30 điểm);

- Các chỉ số ROA, ROE đạt trên mức trung bình của ngành tại thời điểm tham gia giải (20 điểm);

- Tích cực hưởng ứng các chương trình sử dụng chéo sản phẩm, dịch Việt (20 điểm);

- Có Quy chuẩn về quản lý chất lượng (ISO) (30 điểm).

Chương III

TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG

Điều 7. Các cấp của Hội đồng Xét tặng giải thưởng

Việc xét tặng Giải thưởng được tiến hành theo hai cấp:

1. Cấp cơ sở;

2. Cấp Bộ.

Điều 8. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng xét tặng giải thưởng

1. Hội đồng xét tặng giải thưởng gồm: Các nhà quản lý có uy tín, khách quan, có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu về lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.

2. Mỗi thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét và đánh giá hồ sơ đề nghị xét thưởng bằng văn bản, Hội đồng Xét tặng giải thưởng cấp cơ sở và cấp Bộ phân công 2 chuyên gia am hiểu sâu về lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ làm phản biện viết nhận xét, đánh giá hồ sơ của các doanh nghiệp.

3. Hội đồng xét tặng giải thưởng hoạt động theo nguyên tắc:

a) Kỳ họp đánh giá xét thưởng của Hội đồng xét tặng giải thưởng phải có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền và ủy viên phản biện, trường hợp ủy viên phản biện vắng mặt, phải có nhận xét đánh giá bằng văn bản;

b) Hội đồng xét tặng giải thưởng phải đánh giá hồ sơ của doanh nghiệp theo nguyên tắc công bằng, dân chủ và khách quan;

c) Các doanh nghiệp được trao Giải thưởng phải được các thành viên của Hội đồng xét tặng giải thưởng bỏ phiếu kín đồng ý, với tỷ lệ phiếu bầu đạt từ 70% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng.

Điều 9. Các bước tiến hành bình chọn trao giải

1. Ban Thư ký thông báo, giới thiệu thể lệ, tiêu chí và quy trình xét chọn của Chương trình đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề liên quan và trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Báo Công Thương, Báo Công Thương điện tử và trang website của Ban Tổ chức.

2. Doanh nghiệp gửi Hồ sơ đăng ký đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các Sở Công Thương, Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề hoặc trực tiếp gửi Hồ sơ đăng ký tham gia giải thưởng đến Ban Thư ký;

3. Sau khi nhận được Hồ sơ tham dự của doanh nghiệp, Ban Thư ký bước đầu tiến hành đánh giá, phân loại và thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp đăng ký tham gia Giải thưởng, thu thập ý kiến phản ánh của khách hàng, người tiêu dùng... báo cáo kết quả với Hội đồng xét tặng.

4. Hội đồng xét tặng tiến hành họp xem xét, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp đạt giải, trình Ban Tổ chức xem xét, quyết định và công bố danh sách doanh nghiệp đạt giải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương, Báo Công Thương, Báo Công Thương Điện tử, www.baocongthuong.com.vn và trang website của Ban Tổ chức (hangviettieubieu.com.vn) giải trình Ban Tổ chức xem xét, quyết định.

5. Họp báo thông báo Chương trình tổ chức Lễ tôn vinh và trao giải thưởng với một số cơ quan báo chí truyền thông.

6. Lễ tôn vinh và trao giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam hoặc trên sóng của Đài Truyền hình Trung ương khác trong trường hợp Đài Truyền hình Việt Nam không thu xếp được lịch phát sóng, đồng thời, được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của các cơ quan thông tấn báo chí khác.

Điều 10. Hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng

1. Phiếu đăng ký tham gia giải thưởng, đăng ký lĩnh vực (theo mẫu).

2. Tóm tắt thông tin cơ bản về quá trình phát triển doanh nghiệp (theo hướng dẫn).

3. Mô tả về lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và sản phẩm của doanh nghiệp.

4. Bản sao Giấy Đăng ký kinh doanh; Giấy Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, (công chứng).

5. Báo cáo kết quả hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

6. Bản sao các thành tích: Chứng nhận, giải thưởng và Bằng khen của Trung ương và địa phương.

7. Hình ảnh hoạt động, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp...(Ảnh chụp).

8. Logo, Marquate quảng cáo, bài giới thiệu về doanh nghiệp (bằng files Corel).

Điều 11. Quyền lợi và nghĩa vụ đối với doanh nghiệp đoạt giải

1. Quyền lợi về Danh hiệu

a) Được Ban Tổ chức vinh danh và tuyên dương tại Lễ trao giải;

b) Được nhận Cúp và Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức;

c) Được dùng hình ảnh danh hiệu trong chiến lược quảng bá, phát triển sản phẩm.

2. Quyền lợi về Truyền thông

a) Tên doanh nghiệp đạt giải được đọc và vinh danh trong Lễ trao giải thưởng.

b) Đăng logo, bài viết giới thiệu doanh nghiệp trên Báo Công Thương và Báo Công Thương Điện tử (baocongthuong.com.vn), trang web của Ban tổ chức (hangviettieubieu.com.vn).

c) Giới thiệu thông tin doanh nghiệp trên sách “Trang vàng Thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

3. Những quyền lợi khác

Dự các buổi hội thảo, hội nghị do Ban Tổ chức giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức.

4. Nghĩa vụ chung đối với doanh nghiệp đạt giải

4.1. Lãnh đạo doanh nghiệp phải cung cấp thông tin đầy đủ chính xác về doanh nghiệp, tuân thủ quy chế của giải thưởng, chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về hồ sơ tham gia giải thưởng.

4.2. Khuyến khích tham gia giới thiệu thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp trên sách “Trang vàng sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Điều 12. Các Danh hiệu được trao giải thưởng

1. Top 10 Sản phẩm Thương hiệu Việt xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;

2. Top 10 Doanh nghiệp có Dịch vụ Thương hiệu Việt xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;

3. Top 80 Doanh nghiệp Thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Điều 13. Ban Tổ chức, Hội đồng xét tặng và Ban Thư ký giải thưởng

1. Ban Tổ chức và Hội đồng xét tặng giải thưởng do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành lập.

2. Hội đồng xét tặng giải thưởng có trách nhiệm xem xét, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xét thưởng; lập biên bản đánh giá để trình Ban Tổ chức xem xét, quyết định.

3. Ban Thư ký do Tổng biên tập Báo Công Thương quyết định thành lập. Ban Thư ký có nhiệm vụ giúp việc cho Ban Tổ chức và Hội đồng xét tặng giải thưởng trong việc triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình Lễ tôn vinh và trao giải thưởng.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về kết quả xét trao giải thưởng và việc vi phạm quy định, trình tự thủ tục xét chọn và trao giải thưởng.

2. Tổ chức, cá nhân khiếu nại, tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại liên lạc và gửi Bộ Công Thương là cơ quan thành lập Hội đồng xét tặng giải thưởng và phải chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại, tố cáo. Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ, điện thoại liên lạc hoặc mạo danh; trình Bộ Công Thương xử lý vi phạm, thu hồi quyề

n lợi của Doanh nghiệp đã được trao Giải thưởng theo quy định tại Điều 31, Thông tư 26/2015/TT-BCT ngày 17 tháng 8 năm 2015 của Bộ Công Thương.

Điều 15. Sửa đổi bổ sung

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị, cá nhân kịp thời phản ảnh về Bộ Công Thương để xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.



1 Hàng Việt Nam, hàng hóa Thương hiệu Việt, hàng hóa dịch vụ trong nước được định nghĩa tại Tài liệu tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, phát hành tháng 11 năm 2012.