Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3733/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

CÔNG BỐ TUYẾN VẬN TẢI VEN BIỂN TỪ QUẢNG BÌNH ĐẾN BÌNH THUẬN

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

Căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 61/2013/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (QCVN 72:2013/BGTVT);

Căn cứ Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 4291/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải sông pha biển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Công bố tuyến vận tải ven biển

Công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận giữa các cảng, bến thủy nội địa, cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận (chi tiết tại các Phụ lục 1, 2, 3, 4 ban hành kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Tàu, thuyền viên hoạt động trên tuyến vận tải ven biển

1. Tàu hoạt động trên tuyến vận tải ven biển tối thiểu mang cấp VR-SB theo quy định tại Thông tư số 61/2013/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (QCVN 72:2013/BGTVT).

2. Thuyền viên làm việc trên tàu phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định.

3. Tàu phải được cơ quan có thẩm quyền tổ chức, quản lý, đăng ký hành chính theo quy định.

4. Chủ tàu, thuyền viên phải theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và khả năng chịu sóng gió của tàu để đảm bảo an toàn trong quá trình hành hải, đặc biệt trong mùa gió mùa đông bắc và mùa bão; đối với các tàu hoạt động tại khu vực Quảng Ngãi - Bình Thuận, cần lưu ý tới tác động của dòng hải lưu (chảy mạnh và có xu hướng chảy ra ngoài khơi).

Điều 3. Thủ tục vào, rời cảng, bến

1. Thủ tục tàu vào, rời cảng biển thực hiện theo quy định của pháp luật hàng hải.

2. Thủ tục tàu vào, rời cảng, bến thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan

1. Trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam:

a) Tổ chức khóa đào tạo cấp chứng chỉ cho thuyền viên điều khiển tàu VR- SB, đào tạo theo pháp luật đường thủy nội địa cho các thuyền viên có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hàng hải, thủy sản có nhu cầu chuyển đổi sang giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đường thủy nội địa;

b) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với phương tiện, thuyền viên và luồng đường thủy nội địa trong phạm vi trách nhiệm được giao;

c) Chủ trì, phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan khác để đảm bảo cho tàu hoạt động an toàn trên đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật;

d) Chỉ đạo Chi cục Đường thủy nội địa, Cảng vụ Đường thủy nội địa hàng tháng báo cáo tình hình hoạt động vận tải trên tuyến vận tải ven biển và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh;

đ) Tuyên truyền, phổ biến các quy định có liên quan đến an toàn, an ninh, tìm kiếm cứu nạn đường thủy nội địa;

e) Hướng dẫn, thông báo đến các doanh nghiệp, đơn vị liên quan biết việc hình thành tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

2. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam:

a) Phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức quản lý hoạt động trên tuyến vận tải ven biển cho tàu VR-SB từ Quảng Ninh đến Kiên Giang;

b) Chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa và các cơ quan liên quan quản lý hoạt động của tàu bảo đảm an toàn, an ninh, và phòng ngừa ô nhiễm môi trường;

c) Tổ chức và hướng dẫn công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển theo quy định;

d) Tuyên truyền, phổ biến các quy định, về an toàn, an ninh, tìm kiếm, cứu nạn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường;

đ) Kịp thời báo cáo, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải những vấn đề phát sinh liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu hoạt động trên tuyến;

e) Hướng dẫn, thông báo đến các doanh nghiệp, đơn vị liên quan biết việc hình thành tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

3. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam:

Hướng dẫn và thực hiện việc phân cấp tàu cho các chủ tàu có nhu cầu chuyển đổi sang cấp VR-SB.

4. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải, các tỉnh, thành phố:

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, hướng dẫn và thực hiện đăng ký đối với tàu chuyển sang cấp VR-SB;

b) Phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan để đảm bảo cho tàu hoạt động an toàn theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến các quy định có liên quan đến an toàn, an ninh, tìm kiếm, cứu nạn hàng hải;

d) Chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa hàng tháng báo cáo tình hình hoạt động vận tải trên tuyến vận tải ven biển và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh;

đ) Hướng dẫn thông báo đến các doanh nghiệp, đơn vị liên quan biết việc hình thành tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

2. Vụ trưởng Vụ Vận tải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hàng quý báo cáo lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện./

 


Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, NN&PTNT;
- UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận;
- Các Thứ trưởng;
- Phòng TM&CN Việt Nam (VCCI);
- Website Bộ GTVT;
- Lưu VP, VT (Hg5).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng