Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐAKLAK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3762/2001/QĐ-UB

Buôn Ma Thuột, ngày 03 tháng 12 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG LÒ GIẾT MỔ GIA SÚC TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH DAK LAK

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 15/2/1993.

Căn cứ Nghị định số 93/CP ngày 27/11/1993 của Chính phủ ban hành, hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Thú y.

Xét tờ trình số: 165/TT-TY ngày 19/9/2001 của Sở Nông nghiệp và PTNT, văn bản số: 1101/CV-STP ngày 19/10/2001 của Sở Tư pháp tỉnh Đaklak.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế quản lý và hoạt động lò giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn tỉnh Đaklak.

Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND và UBND, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các văn bản trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

 

 

Nơi nhận:
-Bộ nông nghiệp & PTNT (thay b/c)
-Cục Thú y (để biết)
-Thường trực tỉnh ủy (thay b/c)
-Thường trực HĐND tỉnh (thay b/c)
-Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.
-Như điều 3.
-Các cơ quan thông tin đại chúng.
-Lưu: VT, NL, TH, TM.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐAKLAK
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Quyết

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG LÒ GIẾT MỔ GIA SÚC TẬP TRUNG
(Ban hành kèm theo QĐ số 3762/QĐ-UB ngày 03 tháng 12 năm 2001 của UBND tỉnh Daklak)

Điều 1. Quy định về lò giết mổ gia súc tập trung:

Lò giết mổ gia súc, gia cầm và thủy cầm (gọi chung là lò giết mổ gia súc) là cơ sở được UBND các cấp cho phép thành lập do cơ quan Thú y kiểm soát giết mổ để tiêu thụ trong nước.

Điều 2. Lò giết mổ gia súc tập trung phải có các điều kiện sau:

- Có đăng ký kinh doanh do chính quyền địa phương cấp.

- Có đăng ký điều kiện về vệ sinh Thú y, vệ sinh Môi trường và được cơ quan chuyên môn thẩm định, chứng nhận.

- Có đủ phương tiện, dụng cụ hành nghề chuyên dùng để giết mổ gia súc.

- Người hành nghề giết mổ gia súc phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm do cơ quan Y tế địa phương cấp.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của chủ lò giết mổ gia súc tập trung.

Quyền lợi của chủ lò mổ:

- Được giết mổ hoặc tổ chức giết mổ gia súc, gia cầm, thủy cầm tại lò theo đúng công suất thiết kế của lò mổ.

- Được thu tiền chi phí để giết mổ gia súc (khấu hao, điện, nước, quản lý, sửa chữa thường xuyên…) của các chủ thể hành nghề giết mổ tại lò theo quy định của chính quyền địa phương.

- Được quyền từ chối không cho nhập gia súc hoặc giết mổ gia súc ngoài thời gian quy định của cơ quan Thú y.

- Được quyền từ chối không cho xuất ra khỏi lò những sản phẩm động vật chưa được cơ quan Thú y kiểm tra.

Nghĩa vụ của chủ lò mổ:

- Chấp hành nghiêm chỉnh Pháp lệnh Thú y về kiểm soát giết mổ gia súc và kiểm tra vệ sinh Thú y sản phẩm có nguồn gốc từ động vật.

- Chấp hành và chịu sự kiểm tra của các cơ quan chức năng: Thú y, Y tế, Môi trường, Thuế… khi có quyết định thanh tra hoặc kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để giết mổ gia súc tại lò: Điện, nước… và các vật dụng khác, đảm bảo an toàn lao động.

- Chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

- Phải đảm bảo hoạt động thường xuyên, đúng thời gian quy định, không gây khó khăn, phiền nhiễu cho người hành nghề giết mổ gia súc tại lò, không được tự ý đặt ra các điều kiện ngoài quy định mà chính quyền địa phương cho phép.

- Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu làm mất gia súc đã nhập lò chờ giết mổ. Nếu gia súc chết, phải báo cơ quan Thú y kiểm tra, xác minh tình trạng chết của gia súc để có biện pháp xử lý kịp thời, nếu không báo sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Điều 4. Chủ lò giết mổ gia súc tập trung phải tuân theo những quy định của Pháp lệnh Thú y và Quy chế hoạt động lò giết mổ gia súc tập trung. Nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo mức độ nặng nhẹ mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 5. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chi cục Thú y chỉ đạo, hướng dẫn triển khai và kiểm tra thực hiện quy chế này.

Trong quá trình thực hiện bản quy chế này, nếu có khó khăn vướng mắc cần báo cáo về UBND tỉnh để xem xét, điều chỉnh, bổ sung.