Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2007/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 24 tháng 7 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2004/NQ/HĐ-VIII ngày 17/01/2005 của HĐND tỉnh khóa VIII, kỳ họp thứ 3 về chính sách dân số;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh tại Công văn liên tịch số 2818/LS-TC-UBDSGĐ&TE ngày 05/6/2007 về việc ban hành Quy định tạm thời về một số chế độ trợ cấp của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chế độ trợ cấp thực hiện công tác dân số từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38/2007/QĐ-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về dân số, kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh. Được sự thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại Công văn số 370/HĐND-TH ngày 10/7/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quy định một số chế độ trợ cấp thực hiện công tác dân số từ nguồn ngân sách Nhà nước như sau:

I. Chế độ cho người thực hiện kế hoạch hóa gia đình tại cơ sở y tế Nhà nước bị tai biến hoặc có thai lại

1. Đối với người đình sản:

a) Nếu bị tai biến hoặc có thai ngoài tử cung, phải điều trị tại bệnh viện Nhà nước (không hỗ trợ đối với những trường hợp điều trị tại các bệnh viện tư nhân), ngoài số tiền do bảo hiểm y tế chi trả theo quy định, người đình sản được bồi dưỡng 30.000 đồng/1 ngày nằm viện (bồi dưỡng tối đa là 07 ngày), được thanh toán chi phí tiền tàu, xe đi và về (nếu có) theo giá vé phương tiện vận chuyển hành khách thông thường.

Trường hợp bị tai biến nặng, cần phải chuyển viện lên tuyến trên điều trị thì được thanh toán chi phí chuyển viện theo quy định hiện hành;

b) Nếu có thai lại và sinh tại cơ sở y tế Nhà nước: được chi trả tiền viện phí, được bồi dưỡng 200.000 đồng/ca, được chi phí tiền tàu, xe đi và về (nếu có) theo giá vé phương tiện vận chuyển hành khách thông thường. Khoản tiền bồi dưỡng và chi phí này chỉ được cấp một lần;

c) Nếu có thai lại và thực hiện nạo hút thai: được bồi dưỡng 100.000 đồng/ca nếu hút thai, được bồi dưỡng 150.000 đồng/ca nếu nạo thai. Khoản tiền bồi dưỡng này chỉ được cấp một lần.

2. Đối với người đặt vòng:

Nếu bị tai biến phải xử lý bằng phẫu thuật tại bệnh viện Nhà nước: được bồi dưỡng 30.000 đồng/1 ngày nằm viện (bồi dưỡng tối đa là 07 ngày), được chi phí tiền tàu, xe đi và về theo giá vé phương tiện vận chuyển hành khách thông thường. Trường hợp tai biến nặng, cần phải chuyển viện lên tuyến trên điều trị thì được thanh toán chi phí chuyển viện theo quy định hiện hành.

3. Người đình sản hoặc đặt vòng nếu bị tai biến phải điều trị tại các bệnh viện Nhà nước ngoài tỉnh do các bệnh viện trong tỉnh chuyển đi được chi trả tiền viện phí và các khoản bồi dưỡng, chi phí khác theo khoản 1, khoản 2 nêu trên.

4. Các chế độ trên chỉ thực hiện đối với người thực hiện đình sản, đặt vòng tại cơ sở y tế Nhà nước bị tai biến hoặc có thai lại trong vòng 36 tháng kể từ ngày đình sản, đặt vòng.

5. Nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung trên được sử dụng trong kế hoạch ngân sách tỉnh hỗ trợ cho công tác dân số kế hoạch hóa gia đình hàng năm.

II. Chế độ bồi dưỡng thêm cho cộng tác viên, cán bộ y tế cấp xã và kíp phẫu thuật thực hiện đình sản chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh

1. Phạm vi áp dụng:

a) Chế độ này được áp dụng tạm thời trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong khi chờ các bộ, ngành ban hành thông tư mới thay thế Thông tư Liên tịch số 95/2002/TTLT-BTC-UBDSGĐTE ngày 22/10/2002 của Bộ Tài chính và Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em về hướng dẫn nội dung và mức chi chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình;

b) Nguồn kinh phí thực hiện chế độ này, ngoài chi từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình do Trung ương hỗ trợ, phần còn lại được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh;

c) Đối tượng thụ hưởng: cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tỉnh Bình Thuận, cán bộ y tế cấp xã và kíp phẫu thuật đình sản.

2. Chế độ cụ thể:

a) Đối với dự án nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số:

Chi bồi dưỡng cho cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em: 50.000 đồng/người/tháng (trong đó: chi từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình do Trung ương hỗ trợ: 25.000 đồng/người/tháng, ngân sách tỉnh hỗ trợ: 25.000 đồng/người/tháng);

b) Đối với dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (chi thực hiện chính sách đình sản):

- Chi bồi dưỡng cho kíp phẫu thật thực hiện đình sản: 58.000 đồng/ca (trong đó: chi từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình do Trung ương hỗ trợ: 38.000 đồng/ca, ngân sách tỉnh hỗ trợ: 20.000 đồng/ca);

- Chi thù lao cho cán bộ y tế cấp xã chăm sóc người đình sản tại nhà sau phẫu thuật: 10.000 đồng/ca đình sản.

III. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh:

Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện chế độ nói trên đúng định mức và đúng đối tượng quy định.

2. Sở Tài chính:

Trình UBND tỉnh ghi kinh phí để thực hiện chế độ nói trên trong kế hoạch dự toán thu, chi ngân sách hàng năm.

3. Quá trình thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình và thực tế tại từng thời điểm, thì các ngành chức năng phối hợp với Sở Tài chính báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.