Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2016/QĐ-UBND

Long An, ngày 19 tháng 07 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUY HOẠCH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

n cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP; Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1791/TTr-SXD ngày 04/7/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 2. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra VB QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm tin học;
- Phòng (KT1+2 + NC);
- Lưu: VT, SoXD, S.
Phan cap_QHXD

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Cần

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUY HOẠCH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 38/2016/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2016 của UBND tỉnh Long An)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

1. Quy hoạch xây dựng

a) Giao Sở Xây dựng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lập:

- Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện, các vùng khác thuộc đơn vị hành chính tỉnh; trừ vùng liên tỉnh, vùng chức năng đặc thù có ý nghĩa quốc gia, vùng dọc tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế liên tỉnh;

- Quy hoạch chung và quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù; trừ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù cấp quốc gia và quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

b) Giao Ban Quản lý Khu kinh tế tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

c) Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực được giao quản lý hoặc đầu tư.

d) Ủy ban nhân dân xã tổ chức việc lập quy hoạch xây dựng nông thôn gồm quy hoạch chung xây dựng cho toàn bộ ranh giới hành chính của xã và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

đ) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực được giao quản lý hoặc đầu tư.

2. Quy hoạch đô thị

a) Giao Sở Xây dựng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lập:

Quy hoạch chung đô thị mới; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên, khu vực trong đô thị mới và khu vực có ý nghĩa quan trọng trừ quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên.

b) Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố tổ chức lập quy hoạch chung thị xã, thành phố; quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu vực trong đô thị do mình quản lý.

c) Ủy ban nhân dân huyện tổ chức lập quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch chi tiết các khu vực trong thị trấn.

d) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư.

3. Quy hoạch chi tiết xây dựng được lập trên cơ sở quy hoạch phân khu đã được phê duyệt; quy hoạch phân khu được lập trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt.

Điều 4. Trách nhiệm lấy ý kiến trong quá trình lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

1. Trách nhiệm lấy ý kiến

a) Đối với quy hoạch xây dựng:

- Sở Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện, các vùng khác thuộc đơn vị hành chính tỉnh;

- Sở Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù khi được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tổ chức lập;

- Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực được giao quản lý hoặc đầu tư;

- Ủy ban nhân dân xã phối hợp với khóm, ấp, mặt trận, đoàn thể có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn;

- Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực được giao quản lý hoặc đầu tư.

b) Đối với quy hoạch đô thị:

- Sở Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung đô thị mới; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên, khu vực trong đô thị mới và khu vực có ý nghĩa quan trọng;

- Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung thị xã, thành phố; quy hoạch phân khu và chi tiết các khu vực trong đô thị do mình quản lý;

- Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân thị trấn có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch chi tiết các khu vực trong thị trấn;

- Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư.

2. Hình thức, thời gian lấy ý kiến

a) Đối với quy hoạch xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật Xây dựng năm 2014.

b) Đối với quy hoạch đô thị thực hiện theo quy định tại Điều 21 của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

1. Trách nhiệm của cơ quan thẩm định và phê duyệt

a) Đối với quy hoạch xây dựng thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngay 06/5/2015 của Chính phủ.

b) Đối với quy hoạch đô thị thực hiện theo quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Khoản 1 Điều 31 của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ.

2. Trách nhiệm của cơ quan thẩm định

a) Sở Xây dựng:

- Thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; quy hoạch chung và quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù, các khu chức năng ngoài đô thị, trừ quy hoạch chung xây dựng khu du lịch, khu sinh thái, khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng, khu nghiên cứu, đào tạo, khu thể dục thể thao, khu chức năng đặc thù khác cấp quốc gia; nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng khác thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV, V và đô thị mới có quy mô dân số dự báo nhỏ hơn đô thị loại III; quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu vực trong đô thị có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai huyện, thị xã, thành phố trở lên, khu vực có ý nghĩa quan trọng, khu vực trong đô thị mới trừ khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử của quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Đối với những đồ án quan trọng, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt. Sở Xây dựng là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định;

- Gửi kết quả thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bằng văn bản đến cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng để làm cơ sở hoàn chỉnh nội dung nhiệm vụ và đồ án trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

- Sau khi nhận được hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị hoàn chỉnh, Sở Xây dựng báo cáo kết quả thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

b) Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, Phòng Quản lý Đô thị thị xã, thành phố:

- Thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong đô thị; quy hoạch chi tiết các khu chức năng đặc thù; quy hoạch xây dựng nông thôn (gồm quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn) trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý, trừ các đồ án do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

- Đối với những đồ án quan trọng, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt. Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, Phòng Quản lý Đô thị thị xã, thành phố là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định;

- Gửi kết quả thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bằng văn bản đến cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng để làm cơ sở hoàn chỉnh nội dung nhiệm vụ và đồ án trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phê duyệt;

- Sau khi nhận được hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị hoàn chỉnh, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, Phòng Quản lý Đô thị thị xã, thành phố báo cáo kết quả thẩm định, trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xem xét, quyết định.

3. Trách nhiệm của cơ quan phê duyệt

a) Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 của Luật Xây dựng năm 2014; quy hoạch đô thị theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009;

- Lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt đối với các đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù; quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù có quy mô trên 200ha; quy hoạch chung đô thị từ loại IV trở lên và đô thị mới;

- Trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trước khi xem xét, phê duyệt đồ án quy hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lập hoặc do Sở Xây dụng, Ban Quản lý Khu kinh tế tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lập.

b) Ban Quản lý Khu kinh tế điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt của khu công nghiệp, các khu chức năng trong khu kinh tế nhưng không làm thay đổi chức năng sử dụng khu đất và cơ cấu quy hoạch.

c) Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

- Phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 của Luật Xây dựng năm 2014; quy hoạch đô thị theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 của Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009;

- Lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Xây dựng trước khi phê duyệt đối với các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền của mình phê duyệt;

- Trình Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố quyết định trước khi xem xét, phê duyệt đồ án quy hoạch do mình tổ chức lập.

d) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết theo quy định tại Khoản 5 Điều 44 của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Điều 6. Trách nhiệm rà soát quy hoạch

1. Rà soát quy hoạch xây dựng

a) Sở Xây dựng tổ chức rà soát các đồ án quy hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lập.

b) Ban Quản lý Khu kinh tế tổ chức rà soát các đồ án quy hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lập.

c) Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát quy hoạch chi tiết khu chức năng đặc thù (trừ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này) và quy hoạch nông thôn mới. Đồng thời phối hợp với Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế rà soát các đồ án quy hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh giao hai cơ quan này tổ chức lập.

2. Rà soát quy hoạch đô thị

Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát quy hoạch chung đô thị mới, thị trấn, thị xã, thành phố; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực trong đô thị do mình quản lý.

Điều 7. Điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

1. Điều chỉnh tổng thể quy hoạch:

- Điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng thực hiện theo Khoản 1 Điều 37 và Điều 38 của Luật Xây dựng năm 2014;

- Điều chỉnh tổng thể quy hoạch đô thị thực hiện theo Khoản 1 Điều 49 và Điều 50 của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

2. Điều chỉnh cục bộ quy hoạch:

- Điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng thực hiện theo Khoản 2 Điều 37 và Điều 39 của Luật Xây dựng năm 2014;

- Điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thực hiện theo Khoản 2 Điều 49 và Điều 51 của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Điều 8. Trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Công bố công khai quy hoạch

- Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Xây dựng công bố đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh; quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù cấp quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức công bố đồ án quy hoạch xây dựng vùng khác có liên quan trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

- Cơ quan, tổ chức lập đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tổ chức công bố đồ án quy hoạch do mình tổ chức lập, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan có trách nhiệm phối hợp trong việc công bố đồ án quy hoạch.

2. Cung cấp thông tin quy hoạch:

a) Sở Xây dựng cung cấp thông tin quy hoạch cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu tại các khu vực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng; tại các khu vực đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch chung và quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù; trừ các quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này;

b) Ban Quản lý Khu kinh tế cung cấp thông tin quy hoạch cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu trong phạm vi đồ án quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế do mình quản lý;

c) Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố cung cấp thông tin quy hoạch cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu tại các khu vực đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chung thị trấn, thị xã, thành phố; các khu vực đã được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phê duyệt đồ án quy hoạch.

3. Quy định cắm mốc giới ngoài thực địa

a) Đối với quy hoạch xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 44 của Luật Xây dựng năm 2014 và Thông tư số 10/2016/TT-BXD ngày 15/3/2016 của Bộ Xây dựng quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng.

b) Đối với quy hoạch đô thị thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Thông tư số 10/2016/TT-BXD ngày 15/3/2016 của Bộ Xây dựng quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng.

Điều 9. Thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

1. Giấy phép quy hoạch xây dựng

a) Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép quy hoạch xây dựng cho dự án đầu tư xây dựng trong khu chức năng đặc thù cấp quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử của tỉnh và các dự án có ranh giới nằm trên phạm vi hai huyện, thành phố, thị xã trở lên;

b) Ủy ban nhân dân thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường và Ủy ban nhân dân các huyện cấp giấy phép quy hoạch cho các trường hợp còn lại trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.

2. Giấy phép quy hoạch đô thị

a) Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép quy hoạch cho các trường hợp sau:

- Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết có quy mô trên 50ha hoặc các dự án có quy mô dưới 50ha nhưng có ranh giới nằm trên phạm vi hai huyện, thành phố, thị xã trở lên;

- Dự án đầu tư xây dựng có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử của tỉnh;

- Dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại khu vực chưa có quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị (trừ nhà ở) và dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết được duyệt, nhưng cần điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị đối với một lô đất trên địa bàn thành phố Tân An.

b) Ủy ban nhân dân thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường và Ủy ban nhân dân các huyện cấp giấy phép quy hoạch cho các trường hợp còn lại trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh; có trách nhiệm:

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến lập và thực hiện theo quy hoạch được duyệt;

- Tổng hợp các vấn đề có liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo định kỳ để báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng;

- Phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong công tác lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;

Tăng cường hướng dẫn công tác chuyên môn cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, đặc biệt là công tác công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và địa phương kiểm tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng và công trình xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, giấy phép xây dựng bảo đảm chất lượng kiến trúc, cảnh quan và môi trường.

2. Ban Quản lý Khu kinh tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng về Sở Xây dựng theo định kỳ hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu.

3. Các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định, có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan; tham gia Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được phê duyệt trên địa bàn quản lý; báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị về Sở Xây dựng theo định kỳ hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn quản lý.

6. Tổ chức tư vấn lập quy hoạch báo cáo công tác lập và giám sát đánh giá thực hiện quy hoạch khi có yêu cầu của Sở Xây dựng hoặc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.

7. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung Quy định này, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.