ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 384/QĐ-UBND | Hà Nam, ngày 24 tháng 3 năm 2017 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008; Nghị định 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008;
Căn cứ Nghị quyết 29/NQ-CP ngày 26/02/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hà Nam;
Căn cứ Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Hà Nam đến 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016 -2025;
Căn cứ Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 395/QĐ-UBND ngày 17/02/2012 của UBND tỉnh Hà Nam về phê duyệt quy hoạch phát triển Công nghiệp-Thương mại tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tại Tờ trình số 185/TTr-BQLKCN ngày 21 tháng 3 năm 2017.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ doanh nghiệp Khu công nghiệp giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025”.
Điều 2. Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Công thương, Công ty Điện lực Hà Nam và các đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ PHỤC VỤ DOANH NGHIỆP KHU CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2017-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 384/QĐ-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2017 của UBND tỉnh tỉnh Hà Nam)
CĂN CỨ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Căn cứ Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Hà Nam đến 2020;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016-2025;
Căn cứ Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 395/QĐ-UBND ngày 17/02/2012 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển Công nghiệp-Thương mại tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định 48/QĐ-UBND ngày 12/01/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030;
II. Sự cần thiết xây dựng Đề án:
Trong những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các KCN tập trung cũng ngày càng phát triển. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 06 KCN (Đồng Văn I, Đồng Văn II, hỗ trợ Đồng Văn III, Đồng Văn IV, Châu Sơn, Hòa Mạc) đã đi vào hoạt động, số lượng các doanh nghiệp tăng nhanh, đi kèm hoạt động của doanh nghiệp là nhu cầu các dịch vụ về điện, nước sạch, xử lý nước thải, nhà ở cho công nhân, thông tin liên lạc, giao thông, các hạ tầng xã hội khác, đòi hỏi phải được đáp ứng nhanh chóng và kịp thời.
Việc thực hiện 10 cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư, trong đó có nhiều cam kết về dịch vụ phục vụ doanh nghiệp đã đạt được kết quả tốt như: Hệ thống giao thông, cung cấp điện, cung cấp nước sạch, thoát nước mưa, nước thải, dịch vụ viễn thông, liên lạc, dịch vụ bảo vệ... đã cơ bản từng bước đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, yếu kém: Hiện tượng mất điện, nháy điện, điện áp không ổn định vẫn xảy ra nhiều; hạ tầng cấp thoát nước nhiều lúc vẫn chưa đạt yêu cầu; một số trạm thu gom, xử lý nước thải công suất còn thấp, chất lượng chưa đạt yêu cầu, một số doanh nghiệp thứ cấp chưa chấp hành tốt việc xử lý, thu gom, vận chuyển nước thải và chất thải rắn; vẫn còn xảy ra tỉnh trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại cổng Khu công nghiệp Đồng Văn vào giờ cao điểm; việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân còn chậm; các hạ tầng xã hội phục vụ người lao động còn chưa đồng bộ, một số dịch vụ khác còn mang tính tự phát... công tác hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn hạn chế...Sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các dịch vụ phục vụ các doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, bất cập. Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ doanh nghiệp khu công nghiệp” là cần thiết để các khu công nghiệp của tỉnh có đầy đủ các dịch vụ, tiện ích phục vụ các doanh nghiệp, để Hà Nam trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư.
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP DỊCH VỤ TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
I. Nhóm các dịch vụ hạ tầng cơ sở:
Các dịch vụ về cơ sở hạ tầng được cung cấp đến chân hàng rào doanh nghiệp và ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cụ thể:
1.1. Về cấp điện:
Hiện nay, nguồn điện để cung cấp cho các KCN đã được tách riêng, hệ thống đường dây được kéo đến chân hàng rào doanh nghiệp: Tại KCN Châu Sơn nguồn điện lấy từ Trạm 220kV Châu Sơn; các KCN Đồng Văn I, II, III và Hòa Mạc được lấy từ Trạm biến áp 110kV Đồng Văn. Riêng lộ điện cung cấp cho KCN Hòa Mạc còn đi chung phục vụ cung cấp điện cho khu dân cư (8 xã) của huyện Duy Tiên nên tần xuất xảy ra các sự cố nhiều hơn.
1.2. Về cấp nước sạch:
Có 03 đơn vị cung cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt tại các doanh nghiệp; các đơn vị đã đầu tư hệ thống đường ống cung cấp nước đến hàng rào doanh nghiệp, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu sử dụng cho doanh nghiệp, cụ thể:
Tại KCN Đồng Văn I và một phần KCN Đồng Văn II do Công ty cổ phần cấp nước Setfil Hà Nam cung cấp, tại KCN Đồng Văn II do Công ty cổ phần nước sạch Đồng Văn cấp một phần, tổng công suất cấp tại KCN Đồng Văn I và II là khoảng 6.000 m3/ngày đêm;
Tại KCN Hòa Mạc do Nhà máy nước Mộc Nam cung cấp với công suất cấp khoảng 1.000 m3/ngày đêm; các KCN Châu Sơn, KCN hỗ trợ Đồng Văn III và Đồng Văn IV do Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam cung cấp với công suất cấp khoảng 4.000 m3/ngày đêm.
1.3. Về dịch vụ thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải:
Các Khu công nghiệp và các doanh nghiệp đang hoạt động đều được quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng biệt: Có 04 Khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Các doanh nghiệp thứ cấp xử lý sơ bộ nước thải đạt tiêu chuẩn loại B (đối với KCN Đồng Văn II, Hòa Mạc, Châu Sơn và Đồng Văn III), sau đó được thu gom về xử lý tại trạm xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi xả thải ra môi trường (đối với KCN Đồng Văn I hiện nay mới thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn loại B trước khi thải ra môi trường). Việc thu gom nước mưa, thu gom và xử lý nước thải cơ bản triệt để, đáp ứng được yêu cầu.
1.4. Về dịch vụ vệ sinh môi trường, cảnh quan KCN:
Hệ thống giao thông bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia trong KCN, đã có hệ thống biển báo, gờ giảm tốc tại các ngã 3, ngã 4 các tuyến đường trong KCN; hệ thống chiếu sáng, cây xanh, vệ sinh môi trường, cảnh quan trong KCN cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các KCN thường xuyên được quét dọn vệ sinh với tần xuất trung bình 02 ngày một lần; hệ thống cây xanh thường xuyên được phát quang, cắt tỉa và trồng thay thế khi đổ gẫy hoặc chết.
- Về cấp điện: Chất lượng điện không ổn định, còn xảy ra tình trạng nháy điện; hiện tượng mất điện còn xảy ra nhiều; mất điện không thông báo trước; việc thông báo nguyên nhân mất điện và thời gian có điện trở lại cho doanh nghiệp chưa kịp thời, tình trạng khắc phục sự cố sau mất điện còn chậm.
- Về cấp nước sạch: Áp lực nước cấp và chất lượng nước cấp tại KCN, đôi khi chưa đạt yêu cầu theo quy chuẩn.
- Về thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải: Vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường trong KCN khi trời mưa to; chất lượng nước thải không ổn định, việc thu gom chưa triệt để; việc phát hiện và xử lý khắc phục sự cố đường ống thu gom, xử lý nước thải còn chậm.
- Về vệ sinh môi trường, cảnh quan KCN: Các tuyến đường trong KCN vẫn còn hiện tượng đất cát vương vãi ra chưa được vệ sinh sạch sẽ; cây xanh được trồng cũng nhưng việc cắt tỉa cành đối với những cây to còn hạn chế, cỏ cây dại chưa cắt nhổ kịp thời; điện chiếu sáng KCN có chỗ chưa đủ độ sáng.
3. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại:
- Về cung cấp cấp điện: Tiến độ thi công một số công trình đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện, trạm biến áp còn chậm; một số lộ, nhánh lưới điện còn khá dài và không có cầu dao phân đoạn dẫn tới việc đấu nối, sửa chữa của một doanh nghiệp phải cắt điện cả KCN; thủ tục đấu nối, sửa chữa, nghiệm thu... khắc phục sự cố chưa linh hoạt, mất nhiều thời gian; một số doanh nghiệp KCN chưa thường xuyên thực hiện thí nghiệm bảo dưỡng định kỳ các trạm biến áp và các thiết bị điện, thiếu cán bộ chuyên môn vận hành, chưa huấn luyện quy tắc an toàn trong việc sử dụng điện, chưa có máy cắt tự động tại vị trí đấu nối với lưới điện chung.
- Về cấp nước sạch: Chất lượng nguồn nước đầu vào không ổn định nên chất lượng nước sạch có lúc chưa đảm bảo; việc chăm sóc khách hàng của đơn vị cung cấp nước sạch còn hạn chế, chưa kịp thời.
- Về thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải: Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng chưa chú trọng nhiều đến công tác nạo vét, khơi thông các tuyến cống, chưa chủ động trong việc bơm tiêu nước kịp thời; việc phối hợp giữa các Công ty kinh doanh hạ tầng với Công ty khai thác công trình thủy lợi chưa chặt chẽ, chưa kịp thời; ý thức trách nhiệm của một số doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường chưa cao; sự phối hợp, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp thu gom, xử lý nước thải và doanh nghiệp xả thải chưa nhịp nhàng, hiệu quả chưa cao.
- Về vệ sinh môi trường, cảnh quan KCN: Các KCN được xây dựng theo hình thức cuốn chiếu, phân theo giai đoạn nên đất cát còn vương vãi và bụi; điện chiếu sáng còn tiết kiệm, chưa thay bóng cháy kịp thời; đơn vị quản lý hạ tầng có thời điểm còn chưa chú trọng đến việc dọn vệ sinh, cải tạo cảnh quan Khu công nghiệp.
II. Nhóm dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp:
Trong những năm vừa qua, các dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp đã từng bước được cải thiện, nâng cao chất lượng, số lượng dịch vụ cung cấp và các đơn vị cung cấp ngày càng đa dạng,.. từng bước đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cụ thể:
1.1. Dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn:
Các doanh nghiệp thu gom, phân loại chất thải theo ba nhóm chính là chất thải sinh hoạt, chất thải rắn sản xuất và chất thải nguy hại; việc thu gom, phân loại cơ bản theo đúng quy định. Các doanh nghiệp đều có hợp đồng thu gom vận chuyển với các đơn vị có chức năng thu gom vận chuyển và xử lý. Chất thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại các cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Đối với các chất thải nguy hại các doanh nghiệp hợp đồng thuê các đơn vị đủ điều kiện để xử lý tại các tỉnh lân cận (Bắc Ninh, Hưng Yên...).
1.2. Dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin:
Hệ thống các dịch vụ viễn thông hiện cung cấp cho các doanh nghiệp trong KCN hiện nay chủ yếu do VNPT và Viettel cung cấp, luôn đảm bảo thông suốt, tốc độ đường truyền nhanh trên hệ thống cáp quang kéo tới tất cả các doanh nghiệp trong KCN cung cấp các dịch vụ viễn thông như: Các dịch vụ truyền dữ liệu, thuê kênh riêng, các dịch vụ điện thoại di động, điện thoại cố định, Fax,... Các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin như chữ ký số; kê khai thuế, hải quan, Bảo hiểm xã hội trực tuyến qua mạng,...
1.3. Về dịch vụ bảo vệ an ninh trật tự:
Công tác bảo vệ an ninh trật tự KCN được đảm bảo, ngoài đơn vị bảo vệ của KCN thì các doanh nghiệp thứ cấp cũng có đơn vị bảo vệ riêng tại nhà máy. Tại KCN Đồng Văn và Hòa Mạc đã xây dựng được mô hình điểm về bảo đảm an ninh trật tự KCN Đồng Văn. Thực hiện việc hướng dẫn an toàn giao thông, phối hợp với công an khu vực xử lý các vụ việc vi phạm nội quy, an toàn trật tự giao thông KCN, phát hiện kiểm tra các hành vi trộm cắp, phá hoại tài sản của nhà nước, doanh nghiệp. Thường xuyên duy trì công tác tuần tra, phát hiện kịp thời các biểu hiện, các hiện tượng tụ tập đông người, kích động đình công, lãn công, ngừng việc tập thể báo cáo kịp thời về các cơ quan chức năng để xử lý.
1.4. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng:
Hệ thống ngân hàng (bao gồm 12 ngân hàng TMCP và 02 ngân hàng chính sách), các tổ chức tài chính, tín dụng tại các địa bàn trong tỉnh đáp ứng đầy đủ, thuận tiện nhu cầu của tất cả các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên các ngân hàng mới chỉ dùng lại ở dịch vụ trả lương cho người lao động qua thẻ và các hợp đồng cho vay tín dụng. Còn các dịch vụ gia tăng khác như thanh toán quốc tế, bảo lãnh tín dụng, tư vấn tài chính, hợp đồng tín dụng tương lai... vẫn còn ít và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
1.5. Dịch vụ Logistics:
Chưa có dịch vụ logistics tập trung tại tỉnh, hiện nay các doanh nghiệp tại các KCN chủ yếu ký hợp đồng với các đơn vị dịch vụ ngoại tỉnh để thực hiện việc vận chuyển hàng hóa cũng như kê khai hải quan,... Việc vận chuyển hàng hóa đi và đến các KCN chủ yếu là thực hiện bằng đường bộ, còn vận chuyển bằng đường sông và đường sắt rất ít.
1.6. Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng và cung cấp vật tư cho máy móc, thiết bị công nghiệp cho các doanh nghiệp:
Hiện nay, nhu cầu về việc sửa chữa, bảo dưỡng các máy móc thiết bị công nghiệp của các doanh nghiệp KCN ngày càng tăng nhưng việc cung cấp dịch vụ này tại tỉnh còn hạn chế, chưa có nhà cung cấp, các doanh nghiệp vẫn phải hợp đồng thuê từ các đơn vị tại tỉnh ngoài (chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng) hoặc mời các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài sang để thực hiện nên chi phí cao và thời gian khắc phục sự cố của các máy móc, thiết bị có thể kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
- Đối với việc thu gom, xử lý chất thải rắn: Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới công tác thu gom, phân loại, quản lý chất thải nguy hại theo đúng quy định; công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt hiện tại trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chôn lấp thủ công hoặc lò đốt rác do đó cũng gây ô nhiễm môi trường cho khu vực xung quanh; đối với chất thải nguy hại hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy xử lý nên doanh nghiệp phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng của địa phương khác để chuyển đi xử lý nên thời gian lưu ở doanh nghiệp còn dài.
- Về viễn thông, công nghệ thông tin: Việc đầu tư phát triển hạ tầng của các nhà mạng ít được thực hiện theo kế hoạch dài hạn, các hạng mục đầu tư chủ yếu đáp ứng nhu cầu trước mắt dẫn đến sự bất cập về phát triển hạ tầng, mỹ quan chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng dịch vụ cung cấp đã được cải thiện nhưng đôi khi vẫn xảy ra các hiện tượng như nghẽn mạng, bị ngắt giữa chừng, âm thanh không ổn định, băng thông cho các dịch vụ dữ liệu bị hạn chế không theo đúng hợp đồng hoặc cam kết cung cấp dịch vụ.
- Về bảo vệ an ninh trật tự: Tại cổng, trục đường chính KCN Đồng Văn vẫn còn tình trạng đậu, đỗ xe không đúng quy định; còn hiện tượng ùn tắc giao thông cục bộ vào đầu giờ làm việc và giờ tan ca; việc phân làn cho các phương tiện chưa triệt để, công nhân đi lại còn lộn xộn, chưa đúng làn đường.
- Đối với dịch vụ Logistics: Năng lực cung ứng dịch vụ logistics tại tỉnh chưa đáp ứng kịp nhu cầu, chưa có nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ logistics; chưa xây dựng được các cảng ICD; năng lực tiếp nhận tàu của các cảng sông còn hạn chế, giới hạn tải trọng là 36 TEU (hàng container) và 1.200 tấn (hàng rời).
3. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại:
- Các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng chưa thực sự quan tâm triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường; một số doanh nghiệp trong KCN chưa thực sự quan tâm tới việc thu gom, phân loại, quản lý chất thải rắn theo đúng quy định; trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào có khả năng xử lý chất thải nguy hại.
- Các KCN đã đầu tư hạ tầng được thực hiện theo hình thức phân kỳ, hệ thống đường giao thông thực hiện trước, hệ thống phục vụ các dịch vụ viễn thông thực hiện sau, gây ảnh hưởng đến các hạng mục của KCN đã đầu tư. Do vậy việc triển khai các dịch vụ mới gặp khó khăn và gây ảnh hưởng đến mỹ quan KCN; chất lượng các dịch vụ viên chưa ổn định.
- Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận công nhân lao động trong Khu công nghiệp còn chưa cao.
- Chưa có điểm thông quan nội địa, chưa xây dựng cảng ICD; hạ tầng cảng sông, cảng đường sắt trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, năng lực vận tải, bốc xếp chưa lớn nên chi phí cao hơn vận tải đường bộ.
III. Nhóm các dịch vụ liên quan đến người lao động và dịch vụ cao cấp phục vụ nhà đầu tư
1.1. Về nhà ở công nhân:
Các KCN trên địa bàn đã có quy hoạch có khu vực xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Tuy nhiên, việc thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân còn hạn chế. Hiện tại, mới có một nhà đầu tư được giao cho xây dựng khu nhà ở công nhân tại KCN Đồng Văn I với quy mô đáp ứng cho khoảng 400- 500 người.
1.2. Về dịch vụ vận tải, đưa đón công nhân:
Hiện nay, chưa có các tuyến xe buýt đi đến các KCN và mới có hơn 50 xe đưa đón công nhân nhưng chủ yếu do các chủ xe ký hợp đồng với các doanh nghiệp có số lượng công nhân đông, còn lại công nhân đi làm chủ yếu bằng phương tiện cá nhân. Vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra tình trạng xe dừng, đỗ không đúng quy định gây ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông.
1.3. Về giáo dục, đào tạo nghề:
Các Trường Cao đẳng và dạy nghề phát triển đa dạng. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề cho người lao động chưa cao, chưa phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Các địa phương nơi có KCN có tốc độ tăng cơ học nhanh về số lượng học sinh từ mầm non cho đến trung học cơ sở nhưng cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.
1.4. Về Y tế:
Dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu và đang tiếp tục thu hút xây dựng các bệnh viện quốc tế, các trung tâm nghiên cứu khám chữa bệnh chuyên khoa,... Tuy nhiên, so với sự phát triển của các KCN tập trung, số lao động tăng nhanh nên việc cung cấp dịch vụ y tế cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp trong thời gian qua còn chưa đáp ứng được nhu cầu.
1.5. Các dịch vụ cao cấp:
Cơ sở hạ tầng xã hội, các dịch vụ cao cấp phục vụ sinh hoạt đời sống, vui chơi và giải trí cho các nhà đầu tư đã được củng cố, phát triển. Tuy nhiên các dịch vụ phục vụ đời sống, vui chơi, giải trí dành cho các nhà đầu tư còn hạn chế như: Khách sạn tiêu chuẩn, sân Gold, nhà hàng, trung tâm mua sắm, giải trí.... chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.
- Chưa có nhà ở công nhân được xây dựng theo quy hoạch tại các KCN; tiện ích các phòng trọ hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân lao động; an ninh trật tự không đảm bảo; các khu nhà trọ xa nơi làm việc, xa nhà trẻ, nhà mẫu giáo, sinh hoạt không thuận lợi.
- Dịch vụ vận tải, đưa đón công nhân chưa phát triển nhiều, chưa có nhiều tuyến xe bus đến các KCN, mới chủ yếu là xe hợp đồng phục vụ đưa đón công nhân từ các huyện đến các KCN, và tự phát do tư nhân cung cấp.
- Việc cung cấp dịch vụ y tế cho người lao động tại các địa phương nơi có các khu công nghiệp trong thời gian qua còn hạn chế, bất cập như: Đội ngũ cán bộ y tế nhất là cán bộ chuyên ngành y tế lao động còn thiếu và yếu về năng lực, cơ sở vật chất chật hẹp, trang thiết bị thiếu...
- Các dịch vụ cao cấp phục vụ nhà đầu tư chưa nhiều và chất lượng còn hạn chế; cơ sở hạ tầng dịch vụ còn thiếu, chưa thu hút được nhiều sự tham gia đầu tư phát triển các dịch vụ cao cấp của các nhà đầu tư nước ngoài.
3. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại:
- Hiện nay, các KCN có quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng; các doanh nghiệp cũng chưa thật sự quan tâm đến nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động tại doanh nghiệp; chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân lao động còn nhiều hạn chế, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia.
- Nguồn lực đầu tư cho các cơ sở y tế, giáo dục tại các địa phương nơi có KCN còn hạn chế; chưa có nhiều chính sách hỗ trợ đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục, y tế tại các KCN.
- Nhu cầu về các dịch vụ cao cấp tại tỉnh chưa cao nên chưa tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư quan tâm đầu tư phát triển các dịch vụ này tại tỉnh.
Đến năm 2020, dự kiến có khoảng 500 dự án đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, với tổng vốn hơn 3 tỷ USD; số lao động làm việc tại các doanh nghiệp có khoảng 70.000 người đến 90.000 người, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 35%, lao động nữ chiếm khoảng 70%; nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp khoảng 900 triệu kwh; nhu cầu sử dụng nước sạch khoảng 30.000 m3/ngày đêm; nước thải khoảng 25.000m3/ngày đêm... Để phục vụ tốt hơn các doanh nghiệp, cần tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp, phục vụ hoạt động của các KCN ngày càng tốt hơn.
II. Mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ Khu công nghiệp:
Cung cấp điện đầy đủ về công suất và chất lượng điện cho doanh nghiệp. Không để mất điện do lỗi chủ quan của ngành điện, hạn chế thấp nhất mất điện do sự cố lưới điện. Khắc phục không để xảy ra sự cố nháy điện. Thực hiện nguyên tắc bình đẳng trong hợp đồng mua bán điện, phân định rõ trách nhiệm bồi thường khi mất điện xảy ra do lỗi của đơn vị cung cấp hoặc của khách hàng.
Cung cấp nước sạch đáp ứng đầy đủ số lượng, lưu lượng, chất lượng đến 100% doanh nghiệp KCN; không để xảy ra mất nước trong KCN.
Thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy định, 100% chất thải rắn (sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại) cho các doanh nghiệp KCN. Quy hoạch và triển khai xây dựng một điểm xử lý chất thải nguy hại. 100% các khu công nghiệp thu gom chất thải hữu cơ phát sinh từ các doanh nghiệp, theo đúng tần xuất quy định, tránh ảnh hưởng tới môi trường chung.
Thu gom 100% nước thải của các doanh nghiệp và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
Đảm bảo thông suốt hệ thống viễn thông, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về thông tin liên lạc.
An ninh trật tự KCN được duy trì ổn định, không có tai tệ nạn trong KCN; cảnh quan KCN ngày càng xanh sạch đẹp. Không có ngập úng trong KCN.
Xây dựng khu nhà ở phục vụ công nhân lao động với các tiện ích như nhà trẻ, mẫu giáo, siêu thị, phòng y tế...
Đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp Khu công nghiệp.
Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động dịch vụ KCN; chủ động phòng ngừa, giải quyết xử lý các đơn vị cung ứng dịch vụ vi phạm pháp luật, các doanh nghiệp sử dụng nhà cung cấp dịch vụ không đủ năng lực làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như môi trường sống, môi trường tự nhiên, qua đó phục vụ tốt nhu cầu phát triển công nghiệp theo hướng ổn định, bền vững.
III. Một số giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ phục vụ doanh nghiệp Khu công nghiệp
1. Nhóm dịch vụ hạ tầng cơ sở:
1.1. Cung cấp điện:
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thành các trạm 110KV Hòa Mạc, trạm 110KV Kim Bảng, trạm 110KV Đồng Văn III và trạm 110KV Kiện Khê trong năm 2017; xây dựng đường dây trung thế 35kV cấp điện riêng cho KCN Hòa Mạc hoàn thành trong quý II/2017. Tập trung nâng cấp trạm 110KV Châu Sơn và trạm 110KV Đồng Văn trong năm 2018.
- Các đơn vị cung cấp điện phải thường xuyên kiểm tra lại tất cả các tuyến đường dây và kịp thời thay thế, sửa chữa nâng cấp bảo đảm việc cung cấp điện 24/24h phục vụ doanh nghiệp. Khi cắt điện các phải thông báo cho tất cả các doanh nghiệp KCN về nguyên nhân mất điện, thời gian khắc phục đóng điện trở lại.
- Các đơn vị cung cấp điện thành lập đội dịch vụ sửa chữa nhanh cho doanh nghiệp khi gặp sự cố, thông tin đầy đủ đơn giá sửa chữa và số điện thoại liên lạc để doanh nghiệp biết liên hệ; tiết giảm tối đa các thủ tục cũng như thời gian cắt điện thí nghiệm đấu nối tại các KCN.
- Các doanh nghiệp trong KCN: Lắp đặt máy cắt tự động trước điểm đấu nối với hệ thống điện chung của KCN; định kỳ thực hiện thí nghiệm thiết bị và máy biến áp, bố trí lực lượng kỹ thuật có chuyên môn để vận hành hệ thống điện; thường xuyên tập huấn quy tắc an toàn trong việc sử dụng điện cho công nhân; thống nhất thời gian cắt điện để thực hiện bảo trì bảo dưỡng của các doanh nghiệp.
1.2. Cung cấp nước sạch.
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy nước Mộc Bắc trong quý I/2018.
- Các đơn vị cấp nước sạch cần phải tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị để đảm bảo áp lực nước, lưu lượng nước đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
- Tuân thủ định kỳ xét nghiệm các mẫu nước sạch tại các KCN; đảm bảo chất lượng nước sạch theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế phục vụ doanh nghiệp.
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm, phong cách phục vụ doanh nghiệp.
1.3. Dịch vụ thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải:
- Đối với các khu công nghiệp đã hoạt động phải nạo vét hố ga, cửa xả, tu bổ hệ thống thoát nước mưa không để ngập lụt xảy ra.
- Các công ty kinh doanh, khai thác hạ tầng KCN và Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam phối hợp chặt chẽ trong việc tiêu nước trong KCN.
- Thường xuyên rà soát lại toàn bộ hệ thống đường ống thu gom nước thải tại các KCN để kịp thời phát hiện các sự cố hỏng hóc đường ống và sửa chữa; nghiên cứu thay thế hệ thống đường ống thu gom nước thải bằng ống nhựa HDPE đảm bảo không có hiện tượng thấm ra ngoài môi trường.
- Các đơn vị xử lý nước thải tập trung đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý nước thải tập trong đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong các KCN.
- Xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó các sự cố hỏng hóc nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, không để ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xử lý nước thải sơ bộ tại các doanh nghiệp KCN, để đảm bảo chất lượng nước thải đầu vào của nhà máy xử lý nước thải tập trung được ổn định, giảm xảy ra các sự cố trong công tác vận hành.
- 100% các nhà máy xử lý nước thải tập trung phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước thải tự động và kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý.
- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữa doanh nghiệp xả thải và doanh nghiệp làm dịch vụ thu gom, xử lý nước thải để chất lượng nước thải luôn đảm bảo theo quy định.
- Đối với các khu công nghiệp mới hình thành chỉ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án thứ cấp khi khu công nghiệp đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu theo quy định.
1.4. Dịch vụ vệ sinh môi trường, cảnh quan KCN:
- Các đơn vị quản lý, vận hành hạ tầng phải thường xuyên cắt tỉa, trồng bổ sung cây xanh, cây bóng mát tạo cảnh quan, mỹ quan KCN.
- Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống thu gom nước mưa, nước thải, nạo vét hố ga, cửa xả theo định kỳ và đột xuất.
- Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp san lấp mặt bằng có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng rơi vãi vật liệu san lấp xuống lòng đường.
2. Nhóm dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
2.1. Dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn:
- Các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng phải bố trí đội vệ sinh môi trường, địa điểm tập kết rác thải hữu cơ (sinh hoạt) để phục vụ công tác vận chuyển xử lý chất thải loại này theo đúng quy định.
- Rà soát lại quy hoạch các điểm xử lý rác thải sinh hoạt và điều chỉnh cho phù hợp đồng thời kiên quyết đóng cửa những bãi rác không có công trình xử lý môi trường theo quy định.
- Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào công tác nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải (hoạt động tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn trong khu công nghiệp).
2.2. Dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin:
- Khi thực hiện quy hoạch xây dựng các KCN đồng thời thực hiện quy hoạch đầu tư các hạ tầng viễn thông, để khi triển khai xây dựng KCN thì triển khai luôn hệ thống hạ tầng viễn thông đảm bảo đồng bộ, mỹ quan.
- Các doanh nghiệp viễn thông cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng mạng lưới để đảm bảo và nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ; rà soát, tối ưu hóa mạng lưới, đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông cung cấp cho các doanh nghiệp đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đã cam kết và công bố. Nâng cao chất lượng vùng phủ sóng, vùng cung cấp dịch vụ di động, đảm bảo tốc độ truy nhập tương ứng với các gói dịch vụ cung cấp ra thị trường.
2.3. Dịch vụ bảo vệ an ninh trật tự:
- Phối hợp với chính quyền địa phương, đồn công an KCN, công an địa phương trong công tác bảo vệ an ninh trật tự KCN; không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự KCN.
- Không để xảy ra ùn tắc giao thông tại cổng KCN vào giờ đi làm hoặc tan ca; không để đậu, đỗ xe không đúng nơi quy định. Trong các KCN có quy hoạch bãi đỗ xe phục vụ các doanh nghiệp.
- Hướng dẫn phân làn cho các phương tiện giao thông trong KCN nhất là vào thời điểm tan ca.
2.4. Đối với dịch vụ tài chính, ngân hàng:
Các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng cung cấp đầy đủ các dịch vụ dịch vụ gia tăng khác như thanh toán quốc tế, bảo lãnh tín dụng, tư vấn tài chính, hợp đồng tín dụng tương lai,... với chất lượng cao và chi phí cạnh tranh phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp tại KCN.
Ngân hàng nhà nước tỉnh đôn đốc các ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi nhất về hồ sơ, thủ tục cho vay phục vụ với hoạt động đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý. Có thể xem xét thành lập quỹ hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tạo ra giá trị gia tăng lớn.
2.5. Đối với dịch vụ Logistics:
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cảng ICD tại KCN Đồng Văn III, nâng cấp mở rộng cảng sông Yên Lệnh và hoàn thành trong năm 2018.
- Thành lập điểm thông quan nội địa tại khu vực cảng cạn ICD Đồng Văn để phục vụ hoạt động thông quan hàng hóa cho các doanh nghiệp KCN.
- Xây dựng cơ chế, chính sách về đất đai, tài chính phục vụ phát triển dịch vụ Logistics. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động cung ứng dịch vụ Logistics.
2.6. Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng và cung cấp vật tư cho máy móc, thiết bị công nghiệp cho các doanh nghiệp:
Có chiến lược đầu tư và thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng và cung cấp vật tư cho máy móc, thiết bị công nghiệp về đầu tư xây dựng cơ sở tại tỉnh để phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp KCN.
3. Nhóm dịch vụ liên quan đến người lao động và các dịch vụ cao cấp phục vụ nhà đầu tư
3.1. Dịch vụ nhà ở công nhân lao động:
- Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, Nhà đầu tư triển khai dự án xây dựng nhà ở cho công nhân. Đến năm 2020 có 2-3 khu nhà ở cho công nhân.
- Xây dựng nhà ở công nhân phải phù hợp và thích ứng với nhu cầu sử dụng của công nhân lao động như khoảng cách với nơi làm việc và nhà trẻ, mẫu giáo, siêu thị, phòng y tế có nội quy quản lý khu nhà ở phù hợp với tính chất làm việc của người lao động.
3.2. Dịch vụ vận tải, đưa đón công nhân trong Khu công nghiệp:
- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và xã hội hóa dịch vụ vận tải, đưa đón công nhân trong KCN; quy hoạch, xây dựng các điểm chờ xe phù hợp và các bãi đỗ xe hợp lý tại các KCN.
- Xây dựng các tuyến xe buýt hợp lý từ các huyện, thành phố trong tỉnh đến các KCN, phát triển thêm các tuyến bus từ Hà Nam đến các địa phương lân cận để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển nhanh, an toàn.
- Làm việc với các doanh nghiệp có nhu cầu đưa đón công nhân, các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải trong và ngoài tỉnh nhằm kết nối, quản lý tốt dịch vụ.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh cung cấp dịch vụ, khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký kinh doanh vận tải, đưa đón công nhân tại Hà Nam để tăng thu ngân sách và thuận lợi cho việc quản lý kiểm soát.
3.3. Về giáo dục, y tế:
- Về giáo dục, đào tạo:
+ Chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong KCN. Tiếp tục triển khai và phát triển có hiệu quả chương trình đào tạo lao động cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp tại các KCN. Phát triển các trung tâm đào tạo tiếng Nhật, tiếng Hàn trên địa bàn.
+ Đẩy mạnh công tác đầu tư hạ tầng và thu hút các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo nghề chuyên sâu trong và ngoài nước về đầu tư xây dựng cơ sở tại Khu đô thị Đại học Nam Cao.
+ Tập trung nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và các trường, viên nghiên cứu có vốn đầu tư nước ngoài tạo lập các cơ sở đào tạo, các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh chuyên ngành điện, điện tử và viễn thông. Trong đó chú trọng việc kết nối, liên kết trong đào tạo giữa doanh nghiệp, nhà trường và người lao động thông qua các hợp đồng và cam kết của các bên được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
+ Phát triển thêm các cơ sở giáo dục tại địa bàn các KCN để phục vụ nhu cầu học tập của con em công nhân lao động tại các KCN (đặc biệt là lao động ngoại tỉnh), trong đó chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục nhà trẻ, trường mầm non.
- Về Y tế:
+ Đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng Phòng khám Đa khoa khu vực Đồng Văn thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hoàn thành trong năm 2018 để thực hiện chức năng cấp cứu, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
+ Các doanh nghiệp KCN tổ chức bộ phận y tế hoặc bố trí cán bộ làm công tác y tế doanh nghiệp bảo đảm thường trực theo ca sản xuất và sơ cứu, cấp cứu có hiệu quả. Số lượng và trình độ cán bộ y tế tùy thuộc vào số lao động và tính chất đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
3.4. Nâng cao chất lượng các dịch vụ cao cấp phục vụ nhà đầu tư:
- Xây dựng các cơ chế hiệu quả, tích cực thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị cao cấp dành cho chuyên gia nước ngoài và người có thu nhập cao; quan tâm phát triển đồng bộ các dịch vụ liên quan như: y tế, giáo dục,... phục vụ hoạt động của các KCN.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành các dự án lớn của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu các dịch vụ có chất lượng cao như Bệnh viện, Sân golf, Khách sạn cao cấp, Trung tâm thương mại... để nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ phục vụ đời sống cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài.
1. Ban Quản lý các Khu công nghiệp:
Tổ chức theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện Đề án., trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát đánh giá toàn diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong khu công nghiệp; tổ chức khảo sát, đánh giá các nhu cầu sử dụng các dịch vụ của các doanh nghiệp trong KCN.
- Nghiên cứu đề xuất, đề nghị bổ sung các chính sách của địa phương về công tác quản lý đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong khu công nghiệp; xây dựng các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ KCN.
- Trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các Chủ đầu tư hạ tầng trong quá trình đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống hạ tầng của KCN đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác sử dụng; phối hợp, đôn đốc các đơn vị cung cấp dịch vụ KCN trong việc cung ứng đầy đủ các dịch vụ cho doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.
- Thường xuyên nắm bắt nhu cầu sử dụng và phối hợp giải quyết kịp thời vướng mắc trong quá trình cung cấp các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Đặc biệt phối hợp với ngành điện tuyên truyền hướng dẫn khách hàng sử dụng điện thực hiện thí nghiệm, kiểm định trang thiết bị trên lưới điện theo quy định.
- Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển điện lực, phát triển việc ứng dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn KCN.
- Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện cho các đơn vị điện lực trên địa bàn tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ an toàn điện cho nhân viên, công nhân kỹ thuật thuộc các doanh nghiệp KCN.
- Quy hoạch và quản lý các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ truyền thống... phục vụ cho công nhân lao động.
- Chủ động đầu tư xây dựng các trạm 110kv, dây 110kV liên kết và cấp hỗ trợ giữa các trạm 110kV, đường dây 35kV, 22kV theo quy hoạch được phê duyệt.
- Xây dựng các lộ, đường nhánh dây cấp điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện có yêu cầu cao về chất lượng điện năng trong KCN.
- Phối hợp với các Sở, ngành và Ban quản lý các KCN hướng dẫn phổ biến công khai quy trình, thủ tục, thời gian và chi phí đấu nối tiếp cận điện năng và các dịch vụ khác theo quy định hiện hành.
4. Các đơn vị cung cấp dịch vụ Khu công nghiệp.
- Phối hợp với Ban Quản lý KCN, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ theo đúng quy hoạch, đảm bảo chất lượng phục vụ theo yêu cầu của doanh nghiệp.
- Đổi mới phương pháp, phong cách phục vụ, đáp ứng nhanh chóng kịp thời các yêu cầu về dịch vụ của doanh nghiệp..
- Thường xuyên kiểm tra và tiến hành duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng đảm bảo cho hoạt động của các doanh nghiệp.
5. Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố nơi có khu công nghiệp trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình thường xuyên tổ chức, kiểm tra hướng dẫn các Công ty kinh doanh hạ tầng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và hoạt động tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật./.
- 1 Quyết định 48/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Hà Nam ban hành
- 2 Nghị định 114/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 3 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4 Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 5 Chỉ thị 22/2013/CT-UBND về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ tổ chức và công dân tỉnh Thái Nguyên
- 6 Nghị quyết 29/NQ-CP năm 2013 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu tỉnh Hà Nam do Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 1226/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Quyết định 364/QĐ-UBND năm 2011 về phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
- 9 Chỉ thị 20/2010/CT-UBND tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 10 Quyết định 4848/QĐ-UBND năm 2008 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khoẻ sinh sản tỉnh Ninh Thuận
- 11 Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 1 Quyết định 4848/QĐ-UBND năm 2008 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khoẻ sinh sản tỉnh Ninh Thuận
- 2 Chỉ thị 20/2010/CT-UBND tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 3 Chỉ thị 22/2013/CT-UBND về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ tổ chức và công dân tỉnh Thái Nguyên