Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3859/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CUỘC VẬN ĐỘNG “NÓI KHÔNG VỚI TIÊU CỰC TRONG THI CỬ VÀ BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Trên cơ sở ý kiến của lãnh đạo Bộ và các cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng và thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ, giám đốc các Sở giáo dục và đào tạo, giám đốc các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường phổ thông và cơ sở giáo dục mầm non chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chủ tịch nước (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội (để b/c);
- Ban KGTW, TT-VH TW (để b/c);
- BBT TW Đoàn TNCS HCM (để phối hợp);
- Đài THVN, các báo, đài (để phối hợp);
- Công đoàn GD VN (để phối hợp);
- Lưu VT; TH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC CUỘC VẬN ĐỘNG “NÓI KHÔNG VỚI TIÊU CỰC TRONG THI CỬ VÀ BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3859/QĐ-BGDĐT  ngày 28 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. Mục đích và ý nghĩa:

-Tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục là hai vấn đề bức xúc nhất hiện nay mà xã hội và bản thân các thầy cô giáo đòi hỏi ngành giáo dục phải có giải pháp khắc phục quyết liệt.Với sự đồng lòng của lãnh đạo ngành và các thầy cô giáo, của các em học sinh, sinh viên, sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và các đoàn thể chính trị xã hội, sự chỉ đạo kiên quyết của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp và từ thực tiễn chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích có kết quả của nhiều địa phương, chúng ta có khả năng tổ chức thắng lợi cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Kết quả của cuộc vận động sự lập lạai kỷ cương trong dạy và học, sự khuyến khích mạnh mẽ sức sáng tạo của các thầy cô - là các tiền đề mới rất quan trọng để triển khai những giải pháp khác nhằm khắc phục và yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao hiệu quả giáo dục đào tạo, nâng cao đời sống của thầy, cô giáo.

- Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được xác định là khâu đột phá của năm học 2006-2007 để toàn ngành giáo dục – đào tạo cả nước tự khẳng định, đổi mới vì sự phát triển của đất nước, của ngành, vì sự nghiệp và cuộc sống của mỗi thầy, cô giáo, theo tinh thần và nhiệm vụ mà các nghị quyết số 40 và 41 của Quốc hội khoá X và Nghị quyết số 37 của Quốc hội khóa XI, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và luật giáo dục năm 2005.

- Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” chính là một sự cụ thể hóa yêu cầu “dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” đang được triển khai trong các nhà trường hiện nay.

- Từ khâu đột phá “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục ” sẽ tạo nên những bước phát triển mới như một quá trình tự nhiên, tất yếu, phá vỡ các vòng tiêu cực luẩn quẩn đang tồn tại hiện nay, đưa giáo dục nước ta phát triển lành mạnh, bền vững và từng bước hội nhập quốc tế.

II. Yêu cầu:

1. Khơi dậy và phát huy niềm tự hào và tự trọng nghề nghiệp của mỗi thầy, cô giáo, khẳng định trách nhiệm và sứ mạng vẻ vang của ngành giáo dục, của mỗi nhà trường và thầy, cô giáo trước tương lai của đất nước trong việc tạo ra nguồn vốn lớn nhất và quý nhất để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thế kỷ 21 - đó là hàng chục triệu thanh niên Việt Nam, có tri thức và kỷ năng cần thiết, biết chung sống và làm việc theo pháp luật, có khả năng tự học suốt đời và lao động sáng tạo, có bản sắc văn hóa Việt Nam.

Khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh, sinh viên về tương lai của chính mình, trách nhiệm lớn lao của gia đình đối với sự phát triển và tương lai của con em mình, thống nhất nhận thức trong toàn xã hội: chống gian dối trong học tập, thi cử; học tập và rèn luyện để có năng lực thực chất là con đường tốt nhất để chuẩn bị cho các em vào đời, làm người, có nghề.

Phát hiện và biểu dương các địa phương, các trường, các thầy cô giáo đã chủ động chống tiêu cực trong thi cử và không chấp nhận bệnh thành tích trong giáo dục.

2. Phát huy sáng kiến, chủ động của mỗi cơ sở giáo dục, mỗi thầy cô giáo và mỗi địa phương trong việc tổ chức các phong trào thi đua thiết thực nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của mỗi học sinh, sinh viên, mỗi trường, mỗi địa phương; góp phần vào sự phát triển của toàn ngành và cả nước.

3. Khuyến khích và khai thác tối đa các nguồn lực của mọi lực lượng trong xã hội, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế và bề bạn của Việt Nam để tham gia giải quyết các khó khăn của mỗi địa phương, mỗi vùng miền, tạo nguồn lực mới để phát triển giáo dục phù hợp với điều kiện và nhu cầu cụ thể của mỗi địa phương, mỗi vùng.

4. Cuộc vận động được triển khai ngay từ đầu, tháng đầu của mỗi năm học 2006-2007, có sự chuẩn bị kỹ tại mỗi cơ sở giáo dục, tại mỗi sở giáo dục và đào tạo trong cả nước. Đặt cuộc vận động dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, đạt biệt là với công đoàn ngành giáo dục, Đoàn TNCS HCM, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cha mẹ học sinh, Hội khuyến học và Hội Cựu giáo chức.

5. Ngay trong năm học 2006-2007, tạo được chuyển biến về chất trong việc đấu tranh và khắc phục tiêu cực trong thi cử, trong đổi mới công tác thi đua của toàn ngành giáo dục từ cơ sở. Công tác thanh tra các cấp phải được tăng cường và đổi mới, phục vụ thiết thực hiệu quả cho cuộc vận động củng cố và mở rộng kết quả cuộc vận động trong năm học 2007-2008 và các năm sau, làm cho cuộc vận động này được duy trì bền vững.

6. Cuộc vận động phải được tổ chức chỉ đạo và triển khai quyết liệt từ lãnh đạo Bộ, các sở giáo dục và đào tạo tới mỗi thầy, cô hiệu trưởng các cơ sở giáo dục, tập trung chủ yếu vào hai khâu là: Tổ chức kiểm tra, thi cử, và thi đua trong ngành giáo dục. Kết quả của cuộc vận động nhằm giải quyết một các cơ bản và nhanh chóng vấn nạn tiêu cực trong thi cử và bệnh chạy theo thành tích trong giáo dục. Đồng thời tạo tiền đề quan trọng để mỗi thầy cô giáo, mỗi cơ sở giáo dục, mỗi địa phương và toàn ngành tiến hành các nhiệm vụ thường xuyên và thực hiện kế hoạch phát triển với kết quả thực chất ngày càng cao.

Những địa phương nào trong thời gian qua rất ít tiêu cực trong kiểm tra, thi cử thì tập trung chỉ đạo mới thi đua từ cơ sở và triển khai các biện pháp chống tiêu cực trong thi cử kết hợp với nâng cao chất lượng đào tạo như tổ chức dạy và thi với yêu cầu phát huy sang tạo (kể từ bậc trung học không đọc và chép trong giờ giảng, không học thuộc lòng để thi là chủ yếu, thực hiện ra đề mở, thi trắc nghiệm).

III. Kế hoạch thực hiện.

- Ngày 31/7/2006: tổ chức lễ phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” tại Hội nghị tổng kết năm học 2005-2006 và triển khai nhiệm vụ năm học 2006-2007.

- Từ ngày 01 – 15/8/2006: các Sở giáo dục và đào tạo báo cáo và tham mưu cho Tỉnh ủy, thành ủy và UBND tỉnh, thành phố có Nghị quyết và ra chỉ thị thực hiện cuộc vận động nói trên hoặc thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, có Nghị quyết chỉ đạo cuộc vận động.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành liên quan tham gia hỗ trợ cuộc vận động này.

- Từ ngày 15 - 20/8/2006: tổ chức Hội nghị chuyên đề về đổi mới công tác thi đua-khen thưởng trong khối giáo dục phổ thông (theo các khu vực trong cả nước) để việc thi đua đem lại tác dụng thiết thực và có hiệu quả cho mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo,cho mỗi địa phương.

- Từ ngày 20 – 25/8/2006: tổ chức cuộc làm việc với Hiệu trưởng các trường Đại học và Cao đẳng để triển khai cuộc vận động này và đề án kiểm định chất lượng đào tạo trong các trường Đại học và Cao đẳng trong cả nước.

- Từ ngày 25/8 – 5/9/2006: Ban giám hiệu các trường phối hợp với Công đoàn cơ sở tổ chức đợt sinh hoạt trong toàn thể giáo viên, đoàn viên, công đoàn, học sinh, về thực trạng kỷ luật thi cử và hiệu quả công tác thi đua của đơn vị mình và tổ chức ký cam kết không quy phạ quy chế kiểm tra, thi cử và không chấp nhận bệnh thành tích ở đơn vị.

- Khai giảng năm học 2006-2007: các trường công bố cam kết của mình, báo cáo Sở giáo dục và đào tạo. Sở giáo dục và đào tạo báo cáo cho HĐND, UBND các tỉnh, thành phố và sao đó thông báo đến nhân dân toàn tỉnh, thành phố về quyết tâm và kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” tại địa phương.

- Tháng 9 – 10/2006: Tổ chức diễn đàn trao đổi trong các đoàn thể xã hội, Đoàn TNCS HCM, Công đoàn giáo dục, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, Ban đại diện cha mẹ học sinh về trách nhiệm, các biện pháp tham gia cuộc vận động nói trên.

- Tháng 10/2006: Tổ chức hội nghị giao ban lần thứ nhất do Bộ trưởng và các thứ trưởng chủ trì về tiến độ triển khai cuộc vận động, thống nhất nội dung thi đua và tiêu chí thi đua của năm học 2006-2007.

- Tháng 11/2006: Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức ba đoàn nghiên cứu về chiến lược và các mô hình giáo dục – đào tạo của một số nước ( Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc) cho tất cả các giám đốc sở giáo dục và đào tạo.

- Tháng 12/2006: các trường tổ chức kiểm tra, thi học kỳ nghiêm túc, đánh giá rút kinh nghiệm chuẩn bị các kỳ thi còn lại cho năm 2007.

- Tháng 01/2007: Tổ chức Hội nghị giao ban vùng lần hai về “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

- Tháng 02 – 3/2007: Các trường và sở giáo dục và đào tạo viết các tài liệu giới thiệu các gương thầy cô giáo tận tụy với học sinh, sinh viên, lao động sáng tạo và hiệu quả trong gỉng dạy và quản lý, giới thiệu các trường có những đổi mới, đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục (để cùng Bộ giáo dục và đào tạo xuất bản sách “Gương mặt giáo dục Việt Nam năm 2007”).

- Tháng 04/2007: Tổ chức Hội nghi giao ban vùng lần ba về “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, chuẩn bị cho thi kết thúc năm học 2006-2007, tổng kết năm học 2006-2007 và tuyển sinh năm học 2007-2008.

- Tháng 05 – 07/2007: Các trường tổ chức thi nghiêm túc kết thúc năm học và tuyển sinh, đặc biệt là các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

- Tháng 07/2007: Tại Hội nghị tổng kết năm học 2006 – 2007, sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá 1 năm thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, làm cho cuộc vận động này từ năm học 2007 – 2008 trở thành hoạt động thường xuyên của ngành. Khen thưởng các Sở GD&ĐT, các trường và lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã có đóng góp xuất sắc trong cuộc vận động. Phát hành cuốn sách “Gương mặt giáo dục Việt Nam năm 2007”.

- Tháng 08/2007: Tổ chức Hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và lộ trình tự chủ đại học ở Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, sự lập lại kỷ cương trong dạy và học, sự khuyến khích mạnh mẽ sức sáng tạo của các thầy cô giáo, nhu cầu của xã hội và xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục – đào tạo, sẽ xác định các nội dung chỉ đạo tập trung mỗi năm học trong toàn ngành.

Dự kiến chủ đề các năm học sắp tới như sau:

Năm học 2007 – 2008: Chủ đề “Dạy thêm, học thêm và dạy để biết tự học” (khối giáo dục phổ thông) và “Đào tạo và nghiên cứu khoa học theo nhu cầu xã hội” (khối đại học, cao đẳng, dạy nghề)

Năm học 2008 – 2009: Chủ đề “Nâng cao năng lực quản lý dự án của các sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; nâng cao năng lực quản lý tài chính của các trường phổ thông, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp”.

Năm học 2009 – 2010: Chủ đề “Chất lượng giáo dục, đào tạo quốc tế ở các trường Việt Nam”, tổng kết 5 năm đổi mới và phát triển giáo dục – đào tạo Việt Nam, chiến lược cho giai đoạn 2011 – 2016 (Hội nhập quốc tế về giáo dục và tái cấu trúc hệ thống giáo dục – đào tạo Việt Nam).

IV. Giải pháp

1. Làm tốt công tác tuyên truyền đến toàn thể giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các tầng lớp xã hội hiểu mục dích, yêu cầu của cuộc vận động, nhằm nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, thống nhất ý chí, hành động và quyết tâm thực hiện trong cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, các nhà giáo và người học trong các nhà trường và cơ sở giáo dục khác, đồng thời, tạo sự đồng thuận trong xã hội (có chương trình đối thoại định kỳ về giáo dục – đào tạo hàng tháng ở VTV, các báo trong nước và địa phương có chuyên đề, trang chuyên định kỳ về GD&ĐT).

2. Xây dựng mô hình tổ chức thi, kiểm tra phù hợp với từng cơ sở giáo dục để đảm bảo kết quả khách quan, chính xác. Đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá học sinh và đánh giá kết quả giáo dục (áp dụng các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức dự giờ đánh giá giữa các giáo viên với nhau trên cơ sở các tiêu chí đánh giá khoa học).

Ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện, quản lý họat động kiểm tra, đánh giá và thi cử chặt chẽ, khách quan, khoa học.

3. Xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua và xác lập cách đánh giá kết quả thi đua mang tính khoa học, khả thi (dễ làm, dễ kiểm tra), loại trừ bệnh thành tích, phù hợp với từng cấp học và từng vùng miền.

4. Hoàn thiện cơ sở pháp lý của công tác thanh tra giáo dục và tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt đối với một số địa phương, các cơ sở giáo dục mà tình trạng tiêu cực trong thi cử diễn ra liên tục nhiều năm. Xử lý nghiêm, kịp thời theo quy chế đối với mọi hành vi và biểu hiện tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong thi đua khen thưởng.

5. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Lắng nghe ý kiến phản ánh từ địa phương, giải quyết nhanh, dứt điểm, nghiêm túc các vụ việc tiêu cực đã được phát hiện. Bảo vệ, biểu dương các thầy cô giáo có đóng góp tích cực vào việc chống tiêu cực, bệnh thành tích.

6. Chủ động, tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trong và ngoài nhà trường, các cơ quan báo chí nhằm triển khai có hiệu quả cuộc vận động.

V. Tổ chức thực hiện

1. Bộ giáo dục và Đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” với cơ cấu như sau:

*Trưởng ban: Bộ trưởng; 02 Phó trưởng ban thường trực: Thứ trưởng phụ trách công tác thi đua – khen thưởng và thanh tra, Thứ trưởng phụ trách công tác thi đua, đánh giá chất lượng giáo dục; các ủy viên: Các Thứ trưởng còn lại, Chủ tịch Công đoàn GDVN; đại diện lãnh đạo Trung ương Đòan TNCS HCM; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Bộ: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục chuyên nghiệp, Đại học và Sau đại học, Giáo dục Thường xuyên, Công tác học sinh, sinh viên, Pháp chế, Tổ chức cán bộ, Kế hoạch – Tài chính và Khoa học công nghệ, Thanh tra, Cục KT&KĐCL, Văn phòng.

*Bộ Giáo dục và Đào tạo mời đại diện Ban Khoa giáo Trung ương, Ủy ban VHGDTN, TN và NĐ của Quốc hội, Ban tư tưởng – Văn hóa Trung ương và Đài truyền hình Trung ương tham gia Ban chỉ đạo cuộc vận động.

*Giúp việc Ban chỉ đạo có Bộ phận thư ký thường trực, phụ trách bộ phận này là một đồng chí lãnh đạo Văn phòng. Các thành viên tổ thư ký là chuyên viên các vụ: Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục chuyên nghiệp. Đại học và Sau đại học, Giáo dục Thường xuyên, Công tác học sinh, sinh viên, Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Cục KT&KĐCL, Thanh tra, Văn phòng (Phòng Thi đua – khen thưởng, Phòng Báo chí – Tuyên truyền), Công đoàn giáo dục Việt Nam.

*Văn phòng Bộ, các báo của ngành có trách nhiệm thường xuyên phát hiện, nêu gương tốt và phê phán các hiện tượng tiêu cực trong thi cử, bệnh chạy theo thành tích trong giáo dục.

*Vụ Kế hoạch tài chính xây dựng kế hoạch kinh phí xong trước ngày 20/8/2006 để triển khai cuộc vận động cả năm học (giới thiệu tiên truyền ở VTV và báo chí, in sách “Gương mặt tiêu biểu giáo dục Việt Nam 2007”, khen thưởng thi đua…). Các Vụ và cơ quan khác của Bộ xây dựng chương trình công tác chi tiết của mình để triển khai cuộc vận động theo đối tượng và lĩnh vực mình phụ trách hoàn thành trước ngày 20/8/2006.

*Lãnh đạo Bộ được phân công theo dõi và chỉ đạo cuộc vận động ở các tỉnh, thành phố và các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học (trên địa bàn được phân công phụ trách) triển khai cuộc vận động như sau:

- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, một số trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

- Thứ trưởng Trần Văn Nhung: các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.

- Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng: các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Bắc.

- Thứ trưởng Bành Tiến Long: các tỉnh Bắc Trung bộ tới Thừa Thiên Huế và các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

- Thứ trưởng Phạm Vũ Luận: các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

- Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai: các tỉnh Đông Nam bộ.

Ban chỉ đạo cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” của Bộ giáo dục và đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc toàn ngành thực hiện kế hoạch của cuộc vận động. Trong trường hợp cần thiết, kế hoạch này được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với thực tế và việc triển khai cuộc vận động đạt kết quả cao nhất.

2. Các Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Căn cứ kế hoạch thực hiện cuộc vận động này, các giám đốc sở giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, giám đốc các học viện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” trong phạm vi, lĩnh vực quản lý của cơ quan đơn vị và nhà trường trong năm học 2006-2007, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong việc chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

Giám đốc các Sở GD&ĐT, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, đôn đốc việc thự chiện các cam kết của cá nhân và đơn vị trong phạm vị trách nhiệm được giao.

Thiết lập các kênh thông tin (đường dây điện thoại, trang Web) tại các địa phương, cơ sở giáo dục và tại Bộ GD&ĐT để thu thập thông tin về việc đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục để kịp thời xử lý và báo cáo về Ban chỉ đạo cuộc vận động của Bộ Giáo dục và Đào tạo.