Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2001/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 10 tháng 12 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NUÔI VÀ CHẾ BIẾN THUỶ SẢN XUẤT KHẨU THỜI KỲ 2001 - 2005

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Nghị định số 251/1998/QĐ-TTg ngày 25/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình xuất khẩu thủy sản đến năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 8/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999- 2010;

Căn cứ Quyết định số 09/2001/QĐ-UB ngày 18/4/1001 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành chương trình nuôi và chế biến thủy sản xuất khẩu thời kỳ 2001-2005;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản và các ban ngành liên quan,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi và chế biến thủy sản xuất khẩu tại Quảng Bình thời kỳ 2001-2005”.

Điều 2: Giao cho Giám đốc Sở Thủy sản chủ trì cùng với Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch - Đầu tư, thủ trưởng các ban, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã hướng dẫn và tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả chương trình phát triển nuôi và chế biến thủy sản xuất khẩu thời kỳ 2001-2005.

Điều 3: Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2001.

Điều 4: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch - Đầu tư, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- Bộ TS, Bộ TC, Bộ KH&ĐT;
- TV Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lưu.

TM. UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NUÔI VÀ CHẾ BIẾN THỦY SẢN XUẤT KHẨU THỜI KỲ 2001 ÷ 2005
(Kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ-UB ngày 10/12/2001 của UBND tỉnh Quảng Bình)

Thực hiện Quyết định số 251/1998/QĐ-TTg ngày 25/12/1998 và Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 8/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra Quyết định 09/2001/QĐ-UB ngày 18/4/2001, về việc ban hành Chương trình phát triển nuôi và chế biến thủy sản xuất khẩu thời kỳ 2001 - 2005.

Để tạo điều kiện khuyến khích mọi người dân, mọi thành phần kinh tế khai thác tiềm năng đất đai, mặt nước, bãi triều... vào phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), tăng nhanh sản lượng thủy sản xuất khẩu, tạo việc làm, thu hút lao động và xoá đói giảm nghèo cho nhân dân; đồng thời góp phần xây dựng, phát triển ngành Thủy sản Quảng Bình thành một ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài các cơ chế, chính sách Nhà nước đã quy định, UBND tỉnh Quảng Bình căn cứ các chính sách, chế độ hiện hành và điều kiện cụ thể của địa phương nhằm cụ thể hóa một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi và chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn toàn tỉnh như sau:

Chương I

ĐỐI TƯỢNG

Điều 1: Mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có tham gia vào chương trình phát triển nuôi và chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều được áp dụng chính sách khuyến khích này:

Chương II

CÁC CHÍNH SÁCH CỤ THỂ

I. CHÍNH SÁCH VỀ ĐẤT ĐAI

Điều 2: - Tỉnh khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư, khai thác tiềm năng đất đai, mặt nước hoang hóa, bãi triều ven sông, ven biển, đất cát ven biển, đất ngập úng và chuyển đổi ruộng nhiễm mặn, ruộng lúa năng suất thấp, đất làm muối kém hiệu quả sang NTTS theo các quy định, chính sách hiện hành của Nhà nước.

- Các tổ chức, cá nhân có điều kiện sản xuất giống được ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi trong việc cho thuê đất để xây dựng trại giống.

Điều 3: Miễn tiền sử dụng đất cho đầu tư NTTS đối với các miền núi, vùng cao; vùng núi; vùng đầm lầy ven sông ven biển; giảm 74% tiền sử dụng đất cho đầu tư NTTS tại các xã vùng đồng bằng.

Điều 4: Miễn tiền thuê đất 15 năm đối với các xã miền núi, vùng cao, vùng cát và vùng đầm lầy ven sông, biển, miễn tiền thuê đất 5 năm đối với những vùng khai hoang phục hóa để phát triển nuôi trồng thủy sản cho các vùng còn lại.

II. CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ

Điều 5: Vốn ngân sách đầu tư cho phát triển nuôi trồng thủy sản, thực hiện theo Quyết định 224/1999/QĐ-TTg ngày 8/12/1999 và Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày 7/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Ngân sách Nhà nước đầu tư lập các dự án; quy hoạch và thiết kế các vùng nuôi tập trung; xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng cho các cùng nuôi tập trung, bao gồm: đê bao, cống, hệ thống kênh cấp, thoát nước chính, đường giao thông, điện, trạm bơm... Mức đầu tư tuỳ theo từng dự án được UBND tỉnh phê duyệt.

Ngoài quy định chung nói trên, ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: giao thông, điện lưới, trạm bơm nước mặn, nước ngọt... cho các dự án sản xuất giống, thức ăn phục vụ NTTS. Mức hỗ trợ cụ thể, UBND tỉnh sẽ có quyết định phê duyệt riêng cho từng dự án.

Điều 6: Vốn tín dụng hỗ trợ đầu tư giải quyết cho các tổ chức, cá nhân vay để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các ao đầm nuôi, cơ sở sản xuất giống, sản xuất thức ăn, bột cá...Mức cho vay thực hiện theo quyết định phê duyệt dự án của cấp thẩm quyền và đơn vị cho vay; Đối với các dự án xây dựng trại sản xuất tôm giống được vay vốn của Quỹ hỗ trợ đầu tư và phát triển mức vay tối đa bằng 90% tổng giá trị đầu tư nhưng không quá 1 tỷ đồng và được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp.

Điều 7: Vốn tín dụng thương mại: Các tổ chức tín dụng thương mại tập trung nguồn vốn và ưu tiên giải quyết cho các tổ chức, cá nhân vay để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh thủy sản, các vật tư chuyên dùng cho NTTS. Đối với các hộ tham gia nuôi trồng thủy sản, thì mức cho vay đến 10 triệu đồng/hộ có từ một ha trở xuống, đếm 20 triệu đồng/hộ có trên một ha nuôi và đến dưới 50 triệu đồng/1 trại sản xuất tôm giống thì không cần thế chấp tài sản. Trên mức đó thì thực hiện thế chấp theo quy định hiện hành của các tổ chức tín dụng.

Điều 8: Tỉnh khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng phát triển cơ sở sản xuất giống tôm và các thủy đặc sản khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo quy hoạch chung của tỉnh và được hưởng chính sách khuyến khích như sau:

- Hỗ trợ mua sắm thiết bị và tôm bố mẹ cho cơ sở sản xuất giống trong năm đầu sản xuất với mức 10 triệu đồng cho một triệu tôm P­15 sản xuất được và cung cấp cho nhu cầu nuôi trên địa bàn. Thời gian thực hiện: năm 2002 và 2003.

- Hỗ trợ tiền thuê chuyên gia trong năm đầu sản xuất cho các cơ sở sản xuất tôm giống đạt công suất từ 05 triệu tôm giống P­15­/năm trở lên, mỗi cơ sở được hỗ trợ một lần với mức 20 triệu đồng, thời gian thực hiện từ 2001 đến 2003.

III. CHÍNH SÁCH BẢO TRỢ RỦI RO VÀ TRỢ GIÁ

Điều 9: - Khi xảy ra các rủi ro bất khả kháng, có biện pháp xác định mức độ thiệt hại của Hội đồng cấp huyện và xã. Hội đồng cấp tỉnh tiến hành thẩm định cụ thể, có văn bản trình UBND tỉnh xem xét ra quyết định hỗ trợ; ngân hàng và các tổ chức tín dụng sẽ xem xét gia hạn hoặc trình cấp có thẩm quyền khoanh nợ, xoá nợ, miễn, giảm lãi tiền vay theo quy định.

- Hội đồng xác định giá trị rủi ro cấp huyện gồm: Phòng Tài chính, NN&PTNT, Kế hoạch, Thống kê, Tổ chức xã hội, Uỷ ban nhân dân cấp xã, cơ quan cho vay, do Phòng Tài chính chủ trì; cấp tỉnh gồm các Sở Tài chính Vật giá, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Thủy sản, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước, đơn vị cho vay, do Sở Tài chính - Vật giá chủ trì.

Điều 10: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% tiền giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, cho các mô hình di nhập đối tượng nuôi mới lần đầu theo dự án Tỉnh phê duyệt.

Điều 11: Trợ giá 20% tiền giống cho các tổ chức, cá nhân đăng ký và thực hiện nuôi tôm xuất khẩu theo phương thức bán thâm canh và thâm canh (mật độ từ 10 con/m2 giống 2 ÷ 3cm trở lên) theo giá thời điểm cho 01 năm đầu sản xuất. Kinh phí từ ngân sách cấp, theo danh sách, biên bản xác nhận của xã, huyện, Sở Thủy sản và có hợp đồng với các trại tôm giống trong tỉnh; các hộ gia đình và tổ chức nuôi trồng thủy sản được hưởng các chính sách ưu đãi nói trên, thông qua hợp đồng bán sản phẩm cho các doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu thủy sản thuộc địa bàn tỉnh Quảng Bình.

IV. CHÍNH SÁCH KHUYẾN NGƯ

Điều 12: - Về tổ chức biên chế và sử dụng cán bộ kỹ thuật: Ngoài việc tăng cường cán bộ kỹ thuật giỏi cho Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, mỗi huyện, thị xã cần có 1-2 cán bộ chuyên trách công tác Khuyến ngư. tuỳ điều kiện và quy mô phát triển thủy sản về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, mỗi xã, phường, thị trấn có 1 cộng tác viên khuyến ngư.

- Cán bộ khuyến ngư cấp huyện, thị xã được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng và hưởng mức lương theo quy định của Nhà nước; cộng tác viên Khuyến ngư ở xã, phường, thị trấn được hưởng mức sinh hoạt phí tuỳ theo khả năng cân đối của xã và hiệu quả công việc do HĐND xã quyết định.

- Khuyến khích và tạo điều kiện hết sức thuận lợi trong việc tiếp nhận cán bộ khoa học, kỹ sư NTTS về công tác tại địa phương.

Điều 13: Tăng cường nguồn lực kinh phí và cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động Khuyến ngư:

- Hàng năm, trích từ ngân sách tỉnh 0,5% tổng thu ngân sách trên địa bàn để hỗ trợ cho hoạt động Khuyến ngư nhằm thực hiện trợ giá, hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật các vùng nông thôn...

- Ưu tiên đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, kiểm dịch và bảo đảm các trang thiết bị để kiểm tra tình hình dịch bệnh, quản lý môi trường các vùng nuôi và giúp ngư dân xử lý bệnh động vật thủy sản.

- Hàng năm, các huyện, thị xã bố trí ngân sách để triển khai các hoạt động khuyến ngư trên địa bàn. Mỗi huyện, thị xã dành ít nhất 1 hecta đất, mặt nước hạng tốt để xây dựng các mô hình trình diễn khuyến ngư, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Chương II

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14: Sở thủy sản chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính - Vật giá, Nông nghiệp và PTNT, Địa chính, các ngành cấp tỉnh liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định nói trên, nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ phong trào nuôi và chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh.

- Chi nhánh Quỹ hỗ trợ và phát triển Tỉnh, chi nhánh Ngân hàng Đầu tư, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cần ưu tiên vốn, tăng cường hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các tổ chức vay đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Trong quá trình thực hiện, có điểm nào chưa phù hợp, các đơn vị báo cáo về UBND tỉnh và Sở Thủy sản để xem xét điều chỉnh bổ sung, tạo điều kiện thực hiện thành công chương trình Phát triển nuôi và chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh thời kỳ 2001-2005./.