Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2015/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 07 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG THPTCHUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Xét đề nghị của Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời chính sách, chế độ ưu đãi đối với các Trường THPT chuyên trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016 và thay thế các Quyết định sau đây:

- Quyết định số 40/2001/QĐ-UB ngày 24/5/2001 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định tạm thời một số chính sách, chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn;

- Quyết định số 61/2002/QĐ-UB ngày 18/6/2002 và Quyết định số 154/2003/QĐ-UB ngày 29/8/2003 của UBND tỉnh Bình Định về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 40/2001/QĐ-UB ngày 24/5/2001 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ, Hiệu trưởng các trường THPT chuyên của tỉnh Bình Định; Thủ trưởng các đơn vị liên quan và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Thanh Thắng

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Kèm theo Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 07/12/2015 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng:

- Quy định này được áp dụng trong các trường trung học phổ thông chuyên trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Nhà trường).

- Đối tượng áp dụng:

+ Cán bộ quản lý giáo dục (Ban giám hiệu Nhà trường);

+ Giáo viên trực tiếp giảng dạy;

+ Học sinh các lớp chuyên;

+ Cán bộ khoa học có trình độ cao và giáo viên dạy giỏi ở ngoài trường được mời tham gia giảng dạy tại Nhà trường;

Điều 2. Về các môn học chuyên và không chuyên: thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương II

CÁC CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI

Điều 3. Chính sách, chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh của Nhà trường: Ngoài các chính sách, chế độ ưu đãi đang được hưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước, các đối tượng nêu tại Điều 2 được hưởng thêm các chính sách, chế độ ưu đãi sau đây:

1. Đối với học sinh các lớp chuyên

a. Chỗ ở nội trú tại Nhà trường: học sinh là con em gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật được ưu tiên bố trí chỗ ở nội trú trong Nhà trường (nếu Nhà trường có ký túc xá).

b. Hỗ trợ tiền điện, nước sinh hoạt cho học sinh ở nội trú tại Nhà trường:

- Định mức hỗ trợ tối đa đối với điện sinh hoạt là 25kwh/HS/tháng, nước sinh hoạt 4m3/HS/tháng.

- Thời gian hỗ trợ: không quá 10 tháng/năm học.

c. Học bổng:

- Đối với học sinh đạt kết quả học tập tiên tiến trở lên và môn chuyên từ 8,5 điểm trở lên hoặc đạt từ giải 3 trở lên tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh: được cấp học bổng với mức bằng 3 lần mức thu học phí/tháng của Nhà trường được phép thu;

- Đối với học sinh là thành viên đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc thi học sinh giỏi Olympic 30/4 toàn miền Nam: được cấp học bổng với mức bằng 5 lần mức thu học phí/tháng của Nhà trường được phép thu;

- Thời điểm cấp học bổng: Học sinh đủ điều kiện được cấp học bổng thì được xét cấp học bổng vào cuối học kỳ hoặc vào cuối năm học.

2. Đối với cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy:

a. Được hưởng phụ cấp ưu đãi:

- Đối với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy môn chuyên: Được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi 60% tiền lương theo ngạch, bậc đang hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp vượt khung (nếu có);

- Đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy môn không chuyên trong các lớp chuyên của Nhà trường: Được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi 30% tiền lương theo ngạch, bậc đang hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp vượt khung (nếu có);

- Thời gian được hưởng phụ cấp ưu đãi: 10 tháng/năm học;

- Mức phụ cấp ưu đãi nêu trên không áp dụng để tính trả tiền làm thêm giờ, dạy thêm giờ; các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn.

b. Được hưởng tiền làm thêm giờ:

- Mỗi tiết dạy môn không chuyên trong các lớp chuyên theo phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo được tính tiền dạy thêm giờ bằng 1,2 tiết dạy theo giờ chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng không vượt quá 200 giờ/người/năm.

- Đối với giáo viên tham gia dạy bồi dưỡng học sinh giỏi các lớp 10, 11 chuẩn bị thi học sinh giỏi cấp tỉnh trong năm học (đối với các môn có dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh) thì được thanh toán bằng 20% mức lương cơ sở/tiết dạy, nhưng số tiết giảng dạy không quá 150 tiết/môn học (không quy đổi).

- Đối với giáo viên tham gia dạy bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 12 (đối với môn học có dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh) thì được thanh toán bằng 20% mức lương cơ sở/tiết dạy, nhưng số tiết giảng dạy không quá 100 tiết/ môn học (không quy đổi).

c. Nhà trường được tổ chức dạy chuyên đề nâng cao kiến thức và luyện thi đại học cho học sinh của trường trên cơ sở nhu cầu của học sinh và phụ huynh học sinh.

- Việc tổ chức dạy chuyên đề nâng cao kiến thức và luyện thi đại học cho học sinh của Nhà trường chỉ được tổ chức thực hiện sau khi có sự thống nhất của Hội đồng trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.

- Về kế hoạch giảng dạy, thời gian giảng dạy, nội dung chi phí và mức thu: Tổ chức thực hiện theo Quyết định số 1797/QĐ-UBND ngày 08/7/2013 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 4. Chế độ ưu đãi đối với cán bộ khoa học có trình độ cao hoặc giáo viên dạy giỏi được mời tham gia giảng dạy tại Nhà trường (không phải là cán bộ, giáo viên của Nhà trường)

a. Giáo viên dạy giỏi và giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh được mời tham gia giảng dạy trực tiếp các môn chuyên cho Nhà trường thì được hưởng chế độ thù lao bằng 20% mức lương cơ sở/tiết dạy.

b. Cán bộ khoa học có học hàm, học vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ hoặc giáo viên dạy giỏi ở ngoài tỉnh được Nhà trường mời thỉnh giảng hoặc trao đổi kinh nghiệm thì được chi trả: chi phí đi lại, ăn, ở (theo thực tế) và trả thù lao giảng dạy bằng 50% mức lương cơ sở/tiết dạy.

c. Hiệu trưởng Nhà trường quyết định mời cán bộ khoa học, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng, giáo viên dạy giỏi ở trong và ngoài tỉnh tham gia giảng dạy, thỉnh giảng, trao đổi kinh nghiệm tại Nhà trường sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Lập dự toán, thanh toán và quyết toán

1. Hàng năm, Nhà trường có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách, chế độ này; gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của ngành giáo dục và Đào tạo.

Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện chính sách, chế độ này, gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét, quyết định giao dự toán theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Việc quản lý, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách, chế độ này theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Nguồn kinh phí thực hiện: Do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong dự toán hàng năm cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Điều 6. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp cần phải điều chỉnh, bổ sung chính sách, chế độ; chủ động, kịp thời tổng hợp, đề xuất cho UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2. Sở Tài chính

Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh bảo đảm kinh phí thực hiện chính sách, chế độ này hàng năm. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, chế độ này tại các trường THPT chuyên trên địa bàn tỉnh.

3. Các trường THPT chuyên

- Có trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách, chế độ này theo đúng quy định; Tổ chức phổ biến Quy định này đến cán bộ, giáo viên, học sinh và các cá nhân có liên quan biết thực hiện và chỉ đạo thực hiện Quy định này.

- Kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, chế độ này; báo cáo tình hình và kết quả thực hiện cho UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan; chủ động đề xuất cho Sở Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh các vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung (nếu có) phù hợp với tình hình thực tế của Nhà trường, đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.