Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 39-NN/QĐ

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 1961 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TẠM THỜI THÀNH LẬP CÁC PHÒNG KIỂM DỊCH THỰC VẬT TẠI CÁC TỈNH 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 152-CP ngày 05/10/1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Nông nghiệp;
Căn cứ yêu cầu công tác kiểm dịch thực vật hiện nay;
Trong khi chờ đợi Hội đồng Chính phủ ban hành chính thức điều lệ kiểm dịch thực vật.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay tạm thời thành lập các phòng kiểm dịch thực vật tại các tỉnh sau đây:

1. Phòng kiểm dịch thực vật Hà Nội (phạm vi hoạt động: Hà Nội, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Sơn Tây, Hòa Bình).

2. Phòng kiểm dịch thực vật Hải Phòng (phạm vi hoạt động: Hải Phòng, Hồng Quảng, Kiến An, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh).

3. Phòng kiểm dịch thực vật Lạng Sơn (phạm vi hoạt động: Lạng Sơn, Cao bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang).

4. Phòng kiểm dịch thực vật Lào Kay (phạm vi hoạt động: Lào kay, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc).

5. Phòng kiểm dịch thực vật Nghệ An (phạm vi hoạt động: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh).

6. Phòng kiểm dịch thực vật Khu Thái Mèo

7. Phòng kiểm dịch thực vật Hải Ninh.

Điều 2. Các phòng kiểm dịch thực vật có nhiệm vụ và quyền hạn.

a) Nhiệm vụ:

Tiến hành kiểm dịch tất cả các loại hàng hóa, vật phẩm (kể cả hành lý bưu phẩm) bao bì về thực vật khi xuất nhập khẩu, hàng hóa vật phẩm thực vật có khả năng mang theo sâu bệnh cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch vận chuyển trong nước qua những vùng có quy định kiểm dịch và tất cả công cụ vận tải bảo quản chế biến có liên quan.

- Hướng dẫn việc khử trùng các loại hàng hóa thực vật và công cụ vận tải bảo quản, chế biến có liên quan.

- Phát hiện và ngăn ngừa các thiếu sót về kiểm dịch trong việc bốc dỡ, chuyển vận, sắp xếp, bảo quản hàng hóa thực vật xuất, nhập khẩu.

- Phát hiện và ngăn ngừa những hành vi phạm luật lệ kiểm dịch.

- Kiểm tra tình hình vệ sinh, trùng bệnh ở các kho chứa hàng thực vật, thực hiện biện pháp kiểm dịch nếu ở đó có trùng bệnh cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch, hoặc tham gia ý kiến về vệ sinh, sát trùng đối với những loại trùng bệnh cỏ dại khác.

- Phát hiện những vùng có sâu bệnh, cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch, thực hiện biện pháp kiểm dịch ở đó.

b) Quyền hạn:

Các phòng kiểm dịch thực vật có quyền:

- Cấp giấy phép cho xuất, nhập, vận chuyển hàng thực vật, sau khi đã làm đầy đủ các thủ tục kiểm dịch.

- Quyết định tiến hành khử trùng các loại hàng hóa thực vật công cụ vận tải trước khi cho xuất, nhập, vận chuyển.

Điều 3. Các phòng kiểm dịch thực vật là những đơn vị trực thuộc Bộ, do Bộ quản lý trực tiếp là toàn diện, nhưng do tính chất và điều kiện công tác, Bộ ủy nhiệm Ủy ban hành chính địa phương kiểm tra đôn đốc các phòng kiểm dịch thực vật thực hiện tốt nhiệm vụ và quản lý về mặt chính trị, sinh hoạt và một số công tác về hành chính quản trị của phòng.

Điều 4. Các phòng kiểm dịch thực vật có một trưởng phòng chịu trách nhiệm chung và có phó phòng giúp việc.

Tổ chức của mỗi phòng gồm có 3 bộ phận:

- Kiểm dịch thực vật đối ngoại

- Kiểm dịch thực vật đối nội

- Thí nghiệm

Các phòng kiểm dịch thực vật sẽ tổ chức những trạm kiểm dịch ở những nơi cần thiết.

Chi tiết về tổ chức biên chế, lề lối làm việc và quan hệ công tác sẽ quy định riêng.

Điều. 5. Các phòng kiểm dịch thực vật được sử dụng con dấu, các giấy tờ chứng nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu vận chuyển và các loại sổ sách về kiểm dịch thực vật kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1962.

Điều 6. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ, Cục trưởng cục bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHỆP
THỨ TRƯỞNG




Phan Văn Chiêu