UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 391/2002/QĐ-UB | Lào Cai, ngày 13 tháng 9 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA VƯỜN QUỐC GIA HOÀNG LIÊN TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 19 tháng 8 năm 1991;
Căn cứ Quyết định số 90/2002/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2002, của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa thành vườn quốc gia Hoàng Liên;
Căn cứ Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001, của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên;
Theo đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Lào Cai,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của vườn quốc gia Hoàng Liên tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Các ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên, Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan căn cứ quyết định thi hành;
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các quyết định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
| TM. UBND TỈNH LÀO CAI |
QUY ĐỊNH
VỀ VỊ TRÍ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA VƯỜN QUỐC GIA HOÀNG LIÊN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 391/QĐ-UB ngày 13/9/2002 của UBND tỉnh Lào Cai)
Điều 1. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Vườn quốc gia Hoàng Liên:
A. Chức năng:
Vườn quốc gia Hoàng Liên tỉnh Lào Cai là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc UBND tỉnh Lào Cai; chịu trách nhiệm trước Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ, xây dựng và sử dụng Vườn quốc gia Hoàng Liên, theo đúng quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã được ban hành tại Quyết định số: 08/2001/QĐ-TTg ngày 1/1/2001 và Quyết định số: 90/2002/QĐ-TTg ngày 12/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Vườn quốc gia Hoàng Liên chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Nông nghiệp & PTNT, chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ chuyên ngành của Chi cục Kiểm lâm tỉnh; có tư cách pháp nhân, được phép sử dụng con dấu và mở tài khoản riêng để hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao.
B. Nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên rừng và xây dựng phát triển vốn rừng:
- Tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Vườn quốc gia (bao gồm: Thực hiện các biện pháp nhằm phát triển bền vững tài nguyên sinh vật, tài nguyên đất, tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên khác; thực hiện các biện pháp phòng, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng; ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại phá hoại rừng và môi trường gây thiệt hại đến Vườn quốc gia).
- Khôi phục và bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái, bảo tồn tính đa rạng sinh học của vườn quốc gia.
- Lập và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Vườn quốc gia, dự án đầu tư vùng đệm về phát triển lâm nghiệp, nhằm phát triển rừng và hệ sinh thái rừng.
- Tổ chức cho số dân cư đang sinh sống trong Vườn quốc gia và vùng đệm tham gia việc bảo vệ rừng, bảo vệ Vườn quốc gia; đồng thời tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế nâng cao đời sống.
2. Nghiên cứu khoa học và họp tác quốc tế:
- Tổ chức nghiên cứu khoa học khu hệ thực vật rừng, khu hệ động vật rừng (nhất là đối với các loài động, thực vật quý hiếm có giá trị) nhằm bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật của Vườn quốc gia, theo đúng các quy định về nghiên cứu khoa học trong các khu rừng đặc dụng do Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ban hành.
- Nghiên cứu xây dựng mô hình lâm nghiệp trang trại ở vùng đệm, mô hình làng du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân trong vườn quốc gia và vùng đệm thực hiện.
- Tìm kiếm, lựa chọn các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hợp tác, tài trợ, đầu tư xây dựng Vườn quốc gia, hợp tác nghiên cứu khoa học tại vườn quốc gia, theo đúng quy đinh của pháp luật và theo đúng sự hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
3. Tổ chức du lịch:
Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan: xây dựng dự án du lịch trong Vườn quốc gia trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tổ chức thực hiện dự án đó trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và tài nguyên rừng, không làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên và môi trường của Vườn quốc gia. Tạo nguồn thu từ du lịch để đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển Vườn quốc gia và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
4. Ngoài 3 nhiệm vụ chính trên Vườn quốc gia Hoàng Liên có trách nhiệm:
Quản lý và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quản lý công chức, viên chức, quản lý tài chính, tài sản được giao theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và của tỉnh; thực hiện các nhiệm vụ khác khi được UBND tỉnh giao.
Điều 2. Tổ chức bộ máy và biên chế của Vườn quốc gia Hoàng Liên tỉnh Lào Cai:
I. Tổ chức bộ máy:
A. Lãnh đạo Vườn quốc gia Hoàng Liên, gồm:
- Giám đốc, và có từ 2 đến 3 Phó Giám đốc.
- Giám đốc Vườn quốc gia là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về nhiệm vụ quyền hạn được giao cho Vườn quốc gia.
- Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc thực hiện một hoặc một số công tác do Giám đốc phân công;
B. Bộ máy giúp việc cho Giám đốc Vườn Quốc gia gồm:
1. Phòng Hành chính Tổng hợp,
2. Phòng xây dựng và phát triển tài nguyên rừng,
3. Phòng khoa học và hợp tác quốc tế,
4. Ban quản lý du lịch,
5. Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên.
Ngoài số phòng, ban trên, Vườn quốc gia Hoàng Liên còn có Ban quản lý dự án của Vườn, trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý Dự án 661 Sa Pa với Ban Quản lý Dự án khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa; Giám đốc Vườn quốc gia có trách nhiệm xây dựng phương án cụ thể về nhân sự của Ban Quản lý dự án Vườn quốc gia Hoàng Liên, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Vườn, Phó Giám đốc Vườn và các chức vụ lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên thực hiện theo đúng phân cấp về công tác tổ chức cán bộ của tỉnh và theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Vườn, để quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho các đơn vị trực thuộc.
II. Biên chế:
- Biên chế của Vườn quốc gia Hoàng Liên được UBND tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể hàng năm, theo đề nghị của Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh; Trong năm 2002 được giao 25 biên chế, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh có trách nhiệm cân đối bổ sung cho Vườn quốc gia Hoàng Liên đủ số biên chế tỉnh đã giao trên.
- Việc bố trí cán bộ, công chức của Vườn quốc gia Hoàng Liên theo đúng tiêu chuẩn chức danh Nhà nước quy định và phải đảm bảo tinh gọn, hợp lý, phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ công chức.
- Việc quản lý cán bộ, công chức theo đúng phân cấp về công tác tổ chức cán bộ của tỉnh và Pháp lệnh Cán bộ công chức của Nhà nước đã ban hành.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu cần điều chỉnh vấn đề gì, Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên phối hợp với Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- 1 Quyết định 21/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Vườn Quốc gia Hoàng Liên tỉnh Lào Cai kèm theo Quyết định 391/2002/QĐ-UB
- 2 Quyết định 21/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Vườn Quốc gia Hoàng Liên tỉnh Lào Cai kèm theo Quyết định 391/2002/QĐ-UB
- 1 Quyết định 90/2002/QĐ-TTg về việc chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa thành Vườn quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 08/2001/QĐ-TTg về Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 4 Luật Bảo vệ và phát triển rừng 1991