Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 393-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ THEO KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC CHO CÁC DỰ ÁN ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TÀU ĐÁNH BẮT VÀ TÀU DỊCH VỤ ĐÁNH BẮT HẢI SẢN XA BỜ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế về quản lý và sử dụng vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước cho các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ.

Điều 2.- Quy chế này áp dụng cho các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt, tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ bằng vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước năm 1997.

Điều 3.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, Bộ trưởng các Bộ: Thuỷ sản, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thủ trưởng các Bộ, ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Trần Đức Lương

(Đã Ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN TÍN DỤNG CHO CÁC DỰ ÁN ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TÀU ĐÁNH BẮT VÀ TÀU DỊCH VỤ ĐÁNH BẮT HẢI SẢN XA BỜ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 393/TTg, ngày 09 tháng 6 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Quy chế này quy định trình tự, điều kiện và cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước để thực hiện các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ. (Sau đây gọi chung là dự án đóng tàu đánh cá xa bờ).

Điều 2.- Đánh cá xa bờ tạm thời quy định là đánh cá ở vùng biển được giới hạn bởi đường đẳng sâu 30 mét từ bờ biển trở ra đối với vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Đông và Tây Nam Bộ, Vịnh Thái Lan, và đường đẳng sâu 50 mét từ bờ biển trở ra dối với vùng biển miền Trung.

Tàu đánh cá xa bờ là tàu có lắp máy chính công suất từ 90 CV trở lên; Có đăng ký hành nghề đánh cá xa bờ tại địa phương nơi cư trú hoặc giấy phép hành nghề đánh cá xa bờ do cơ quan bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cấp.

 

Chương 2:

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3.- Các dự án đóng tàu đánh cá xa bờ sử dụng một phần vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước được ưu đãi về một số điểm sau đây:

1. Lập và trình duyệt dự án khả thi, không qua nghiên cứu tiền khả thi.

2. Không bắt buộc đầu thầu thực hiện dự án.

3. Lãi suất vốn vay là 0,81% tháng.

4. Doanh nghiệp Nhà nước không phải thế chấp khi vay vốn. Tổ chức kinh tế khác và hộ ngư dân khi vay vốn, được dùng tàu hoặc tài sản sẽ hình thành bằng vốn vay làm tài sản thế chấp.

5. Thời hạn cho vay tối đa không quá 7 năm, thời hạn bắt đầu trả nợ (cả gốc và lãi) là sau 24 tháng, kể từ ngày vay vốn.

6. Các doanh nghiệp Nhà nước bị lỗ từ các năm trước, tuy chưa được xử lý, nhưng nếu có phương án kinh doanh có hiệu quả và được Bộ chủ quản, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp thuận thì vẫn được cho vay tiếp. Các hộ ngư dân đã vay vốn của Ngân hàng, nếu gặp khó khăn thì được giãn nợ cũ và tiếp tục được vay mới để đóng tàu.

Điều 4.- Trình tự lập, xét duyệt các dự án đóng tàu đánh cá xa bờ:

1. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản, các đối tượng được vay vốn quy định tại Quy chế này (chủ dự án) lập dự án cụ thể, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Bộ chủ quản (đối với chủ dự án thuộc Bộ quản lý) phê duyệt và gửi về Bộ Thuỷ sản.

2. Bộ Thuỷ sản tập hợp các dự án được duyệt, kiểm tra và lựa chọn số lượng dự án phù hợp với yêu cầu của các địa phương, đơn vị, đảm bảo cân đối theo kế hoạch phát triển của ngành và phù hợp với tổng số vốn được thông báo. Hồ sơ các dự án được lựa chọn gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào tổng mức vốn đầu tư tín dụng cho các dự án đóng tàu đánh cá xa bờ đã được Thủ tướng Chính phủ xác định hàng năm và số lượng các dự án được duyệt để phân bổ danh mục các dự án và tổng mức vốn cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ chủ quản, đồng thời gửi cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thuỷ sản và các tổ chức được chỉ định cho vay.

Điều 5.- Vốn đầu tư cho các dự án đóng tàu đánh cá xa bờ được huy động từ nhiều nguồn, trong đó có một phần bằng nguồn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước hàng năm. Riêng năm 1997 mức vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước cho các dự án đóng tàu đánh cá xa bờ là 400 tỷ đồng Việt Nam. Trường hợp nguồn vốn bố trí kế hoạch, sử dụng vốn ngắn hạn của các Ngân hàng thương mại để đầu tư thì việc bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng thương mại thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6.- Các đối tượng dưới đây được vay vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước để đóng tàu đánh cá xa bờ:

- Các đơn vị kinh tế có đăng ký hành nghề đánh cá xa bờ và thực hiện các dịch vụ đánh cá xa bờ, bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ ngư dân.

Điều 7.- Hồ sơ chủ dự án nộp cho tổ chức cho vay gồm:

1. Đơn xin vay vốn.

2. Hợp đồng đóng tàu.

3. Quyết định hoặc giấy phép thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy phép hành nghề do cơ quan bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cấp tỉnh hoặc Bộ Thuỷ sản cấp.

Riêng hộ ngư dân yêu cầu có giấy phép hành nghề và xác nhận của chính quyền cấp xã đảm bảo việc hộ ngư dân vay vốn là để đầu tư thực hiện dự án đóng tàu đánh cá xa bờ.

4. Văn bản thế chấp. (Đối với chủ dự án quy định phải có thế chấp).

Điều 8.- Trả nợ:

Việc trả nợ vốn vay áp dụng theo Quy chế trả nợ của Tổ chức cho vay. Tổ chức cho vay cần có hướng dẫn việc khuyến khích các chủ dự án trả nợ trước thời hạn và xử lý các trường hợp dây dưa khi quá hạn.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9.- Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình đánh cá xa bờ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình này.

Điều 10.- Bộ Thuỷ sản với chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành có nhiệm vụ:

1. Phê duyệt thiết kế và dự toán mẫu các loại tàu cá thích hợp với từng vùng biển, từng loại nghề và tập quán sử dụng của ngư dân; danh sách các cơ sở có khả năng và điều kiện đóng tàu, (sau khi đã thống nhất với Bộ Giao thông vận tải), để công bố cho các chủ dự án lựa chọn và ký kết hợp đồng đóng tàu theo mẫu thiết kế được duyệt.

2. Quy định cỡ, loại tàu cũ được cải hoán để đánh cá xa bờ.

3. Hướng dẫn các chủ dự án lựa chọn và sử dụng các loại máy thuỷ, các thiết bị dò cá, máy thông tin liên lạc, nghi khí hàng hải cần thiết trang bị cho tàu đánh cá xa bờ.

4. Lập kế hoạch và làm việc với Bộ Nông nghiệp và Pháp triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành có liên quan về cung ứng gỗ cho các dự án đóng tàu đánh cá xa bờ, đào tạo thuyền viên và tổ chức hệ thống thông tin liên lạc.

5. Kiểm tra các chủ dự án sử dụng vốn vay đúng mục đích; đóng tàu theo đúng mẫu mã do Bộ quy định; trang bị máy và các thiết bị hàng hải phù hợp với hướng dẫn của Bộ.

Điều 11.- Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: cân đối nguồn vốn để cho vay; giao danh mục dự án và tổng mức vốn vay cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ chủ quản và tổ chức cho vay. Căn cứ kế hoạch khai thác gỗ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao cho các tỉnh có rừng chỉ tiêu khai thác gỗ cho đóng tàu đánh cá xa bờ.

2. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bố trí vốn theo kế hoạch và chỉ đạo các tổ chức cho vay tiến hành các thủ tục cho vay đến chủ dự án theo mức vốn được duyệt.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào nhu cầu gỗ của Bộ Thuỷ sản đã được duyệt để tổ chức giám sát việc khai thác, cung ứng gỗ cho đóng tàu đánh cá xa bờ.

4. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Thuỷ sản trong việc lựa chọn và công bố mẫu tàu và cơ sở có đủ điều kiện đóng tàu; chỉ đạo việc đăng kiểm tàu nhanh, gọn và đúng quy định.

Điều 12.- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ chủ quản có nhiệm vụ:

1. Chỉ đạo chủ đầu tư lập dự án; phê duyệt dự án, duyệt dự toán cụ thể của từng tàu trên cơ sở thiết kế và dự toán tàu mẫu Bộ Thuỷ sản công bố và giao chỉ tiêu vốn tín dụng đến từng dự án, đồng thời gửi các hồ sơ này cho các tổ chức cho vay ở địa phương và Trung ương, để làm cơ sở cho việc vay vốn.

2. Theo dõi, kiểm tra đôn đốc các chủ dự án về tình hình thực hiện dự án, tổ chức sản xuất và trả nợ theo đúng tiến độ.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh có rừng chỉ đạo việc khai thác gỗ cho đóng tàu đánh cá xa bờ theo kế hoạch được giao.

Điều 13.- Tổ chức cho vay vốn phải cấp tín dụng theo đúng kế hoạch và đảm bảo đúng tiến độ thực hiện dự án của chủ dự án.

Điều 14.- Trách nhiệm của chủ dự án: Chủ dự án là người vay và sử dụng vốn vay để thực hiện dự án, có trách nhiệm:

1. Xây dựng các dự án khả thi và trình duyệt theo quy định.

2. Sử dụng thêm nguồn vốn tự đầu tư và vay từ các nguồn tín dụng khác ngoài phần tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước, để đầu tư thực hiện dự án.

3. Bắt buộc mua bảo hiểm thân tàu, hoặc bảo hiểm các tài sản mới hình thành bằng vốn vay.

4. Tiến hành các thủ tục vay vốn và sử dụng vốn vay vào đúng mục đích được duyệt; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng tàu và vốn vay sai mục đích.

5. Thực hiện việc trả nợ đối với các tổ chức cho vay theo đúng kế hoạch và cam kết khi vay vốn.

Điều 15.- Trong quá trình thực hiện Quy chế này, các Bộ, ngành Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền các mắc mứu phát sinh, những vấn đề vượt quá thẩm quyền cần báo cáo Ban chỉ đạo Nhà nước về chương trình đánh cá xa bờ để xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.