Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC CHĂN NUÔI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 397/QĐ-CN-MTCN

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH HƯỚNG DẪN PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHU CHĂN NUÔI TẬP TRUNG

CỤC TRƯỞNG CỤC CHĂN NUÔI

Căn cứ Quyết định số 665/2014/QĐ-BNN-TCCB ngày 04/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Chăn nuôi;

Căn cứ Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ Về tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản;

Căn cứ Chỉ thị số 9729/CT-BNN-KHCN ngày 17/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;

Theo đề nghị của Trưởng phòng Môi trường chăn nuôi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn phương án bảo vệ môi trường trong khu chăn nuôi tập trung.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Cục, Trưởng phòng Môi trường chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- TT Vũ Văn Tám (để b/c);
- Lưu: VT, CN.

CỤC TRƯỞNG




Hoàng Thanh Vân

 

HƯỚNG DẪN

PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHU CHĂN NUÔI TẬP TRUNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 397/QĐ-CN-MTCN ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi)

I. Mục tiêu

Tài liệu kỹ thuật này hướng dẫn các phương án bảo vệ môi trường trong khu chăn nuôi tập trung.

II. Những quy định cụ thể

2.1. Vị trí, địa điểm xây dựng chuồng trại

a) Cơ sở chăn nuôi xây dựng mới phải được bố trí trong vùng đã được quy hoạch hoặc ở vùng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Vị trí xây dựng phải đảm bảo khoảng cách theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ Quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường, chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm; QCVN 01-14: 2010/BNNPTNT; QCVN 01 - 15: 2010/BNNPTNT; TCVN 9121: 2012 và các quy định hiện hành.

+ Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, tinh, phôi, trứng giống vật nuôi phải cách các khu vực ô nhiễm môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật; khu xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện, trường học tối thiểu 500m;

+ Đối với cơ sở chăn nuôi thương phẩm phải xây dựng cách biệt, cách xa bệnh viện, trường học, chợ, công sở và khu dân cư đông người và đường giao thông tiên tỉnh, liên huyện ít nhất 100m.

2.2. Yêu cầu đối với chuồng trại

2.2.1. Đối với chuồng nuôi gia súc lớn

- Trại chăn nuôi gia súc phải có tường hoặc hàng rào bao quanh.

- Phải bố trí riêng biệt các khu: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khử trùng, thay quần áo cho công nhân và khách thăm quan; khu cách ly gia súc ốm; khu tập kết và xử lý chất thải; khu làm việc của cán bộ chuyên môn và các khu phụ trợ khác (nếu có). Khu chăn nuôi cũng cần bố trí chuồng nuôi riêng cho từng nhóm vật nuôi.

- Chuồng nuôi cách ly, chuồng nuôi tân đáo phải bố trí cách biệt với khu chăn nuôi.

- Cổng ra vào trại chăn nuôi, các khu chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng cho các phương tiện vận chuyển và người ra vào trại, cần có vị trí thuận lợi lên xuống cho xuất nhập gia súc giống.

- Chuồng nuôi gia súc phải bố trí hợp lý, có kích thước phù hợp khi gia súc đứng, nằm, khoảng cách giữa các dãy gia súc nằm và đảm bảo an toàn cho gia súc. Diện tích chuồng nuôi trung bình đối với mỗi gia súc tối thiểu từ 4m2 đến 5m2 chưa kể diện tích máng ăn, máng uống và hành lang phân phối thức ăn. Diện tích chuồng nuôi cho mỗi gia súc non từ 2m2 đến 4m2. Diện tích sân chơi gấp 2 lần diện tích chuồng nuôi.

- Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và có độ dốc từ 2% - 3%, thoát nước tốt, tránh đọng nước.

- Dóng chuồng phải bằng các vật liệu chắc, nhẵn, không có góc nhọn hoặc cạnh sắc, đảm bảo gia súc không bị tổn thương khi cọ sát vào dóng chuồng.

- Mái chuồng cao, thoáng có khả năng chống nóng, không bị dột.

- Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.

- Các thiết bị dùng trong chăn nuôi, máng ăn, máng uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa.

- Các dụng cụ khác trong chuồng trại: xe đẩy thức ăn, xẻng, xô phải đảm bảo dễ vệ sinh, tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng.

- Các kho: thức ăn, thuốc thú y, hóa chất và thuốc sát trùng, thiết bị... phải được thiết kế đảm bảo an toàn, thông thoáng, tránh ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

2.2.2. Đối với chuồng chăn nuôi lợn

- Trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại.

- Trại chăn nuôi phải bố trí riêng biệt các khu: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu tắm rửa, khử trùng, thay quần áo cho công nhân và khách thăm quan; khu cách ly lợn ốm; khu mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm; khu tập kết và xử lý chất thải; khu làm việc của cán bộ chuyên môn; các khu phụ trợ khác (nếu có).

- Cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng.

- Chuồng nuôi lợn phải bố trí hợp lý theo các kiểu chuồng về vị trí, hướng, kích thước, khoảng cách giữa các dãy chuồng theo quy định hiện hành về chuồng trại.

- Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước đối với chuồng sàn, có độ dốc từ 3% - 5% đối với chuồng nền.

- Vách chuồng phải nhẵn, không có góc sắc, đảm bảo lợn không bị trầy xước khi cọ sát vào vách chuồng.

- Mái chuồng phải đảm bảo không bị dột nước khi mưa.

- Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.

- Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa.

- Các dụng cụ khác trong các chuồng trại (xẻng, xô,...) phải đảm bảo dễ vệ sinh; tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng.

- Các kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hóa chất và thuốc sát trùng, kho thiết bị,... phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

2.2.3. Đối với chuồng nuôi gia cầm:

- Có hàng rào hoặc tường kín bao quanh cách biệt với bên ngoài để bảo đảm hạn chế người và động vật từ bên ngoài xâm nhập vào trại.

- Trước cổng có hố khử trùng và phương tiện khử trùng, tiêu độc, có biển báo một số điều cấm hoặc hạn chế đối với khách ra vào trại.

- Có phòng làm việc của các cán bộ chuyên môn, nơi mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm (đối với trại có quy mô lớn),

- Có nơi để dụng cụ, thuốc, sổ sách ghi chép tình hình sản xuất, dịch bệnh và sử dụng vác xin, thuốc của đàn gia cầm.

- Có phòng thay bảo hộ lao động, khử trùng, tiêu độc trước khi vào khu chăn nuôi.

- Có thiết bị tẩy uế khử trùng các loại phương tiện vận chuyển, người và vật dụng tại cảng ra vào trại, khu chăn nuôi.

- Có kho chứa thức ăn cách biệt với khu chăn nuôi, phải khô ráo, thoáng mát, thường xuyên có biện pháp diệt chuột, mối mọt, gián và các loại côn trùng gây hại khác. Không để các loại thuốc sát trùng, hóa chất độc hại trong kho chứa thức ăn. Không dự trữ thức ăn trong kho quá thời hạn sử dụng.

- Yêu cầu đối với chuồng nuôi:

+ Chuồng trại phải bảo đảm thông thoáng, ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ phù hợp với các giai đoạn nuôi dưỡng gia cầm (gia cầm con, hậu bi, sinh sản).

+ Có hố khử trùng ở lối ra vào chuồng nuôi, có ngăn cách giữa các khu chăn nuôi (Khu nuôi gia cầm con; khu nuôi gia cầm hậu bị; khu nuôi gia cầm sinh sản).

+ Cống rãnh thoát nước thải phải có độ dốc thích hợp khoảng 3-5%, không bị ứ đọng nước.

+ Diện tích chuồng nuôi phải phù hợp với số lượng gia cầm.

+ Máng ăn, máng uống được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

+ Hệ thống đèn chiếu sáng, đèn chụp sưởi và các dụng cụ khác phải bảo đảm an toàn cho người chăn nuôi và gia cầm,

- Yêu cầu đối với nhà ấp trứng: Đối với các trại chăn nuôi gia cầm giống, có khu vực ấp trứng gia cầm thì tuân theo các điều kiện sau đây:

+ Có hàng rào ngăn cách với bên ngoài và các khu vực khác trong trại chăn nuôi.

+ Nhà ấp trứng được bố trí phải phù hợp thuận lợi bảo đảm nguyên tắc một chiều tránh ô nhiễm chéo trong khu vực bao gồm nơi nhận, phân loại và sát trùng trứng; kho bảo quản trứng; phòng để máy ấp trứng và soi trứng; phòng để máy nở; phòng chọn trống mái, đóng hộp gia cầm con và phòng xuất sản phẩm.

2.3. Quy định biện pháp bảo vệ môi trường

a) Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại từ 1.000m2 trở lên phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại Điều 6 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

- Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, tổ chức thẩm định.

- Đối với các cơ sở chăn nuôi đã đi vào vận hành chính thức nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước ngày 01/4/2015, phải có đề án bảo vệ môi trường chi tiết trước ngày 01/4/2018.

+ Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết được quy định tại Điều 4 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

+ Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường.

b) Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại từ 50 m2 đến dưới 1.000 m2 phải có kế hoạch bảo vệ môi trường.

- Hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 33 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

- Hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi về Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, ủy quyền xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

- Đối với các cơ sở chăn nuôi đã đi vào vận hành chính thức đến trước ngày 01/4/2015 chưa có bản cam kết bảo vệ môi trường, phải có đề án bảo vệ môi trường đơn giản trước ngày 01/4/2018.

+ Hồ sơ đề nghị đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản được quy định tại Điều 11 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

+ Hồ sơ đề nghị đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản gửi về Ủy ban nhân dân huyện.

c) Khi có thay đổi quy mô chuồng trại chủ cơ sở chăn nuôi có trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường bổ sung phù hợp với loại hình, số lượng vật nuôi, đảm bảo đúng theo quy định.

III. Biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi

Các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống, giải pháp xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.

3.1. Xử lý chất thải rắn

a) Chất thải rắn được thu gom, xử lý bằng một hoặc một nhóm các biện pháp sau: phương pháp ủ compost, công trình khí sinh học (biogas), chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học, xử lý bằng nhiệt hoặc các giải pháp khác trước khi sử dụng trong cơ sở chăn nuôi hoặc đưa ra khỏi cơ sở chăn nuôi,

b) Chất thải rắn được đem đi xử lý bên ngoài cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo các quy định về vận chuyển chất thải hiện hành.

c) Xác chết vật nuôi, vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch được xử lý theo:

- QCVN 01- 41: 2011/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu xử lý vệ sinh đối với việc tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật;

- Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

c) Chất thải có các thành phần nguy hại từ quá trình vệ sinh chuồng trại được xử lý theo hướng dẫn tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

3.2. Xử lý nước thải

a) Nước thải phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng hệ thống riêng và tách biệt với nước mưa

b) Nước thải phải được xử lý bằng một hoặc một nhóm các giải pháp sau: công trình khí sinh học, bể lắng, bể lọc, ao sinh học, chế phẩm sinh học hoặc các phương pháp khác đảm bảo hạn chế phát sinh mùi hôi, thối hoặc không chảy tràn ra môi trường xung quanh.

c) Cơ sở chăn nuôi tập trung có biện pháp xử lý chất thải lỏng, bảo đảm nước thải trước khi thải ra môi trường đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành về nước thải chăn nuôi.

d) Nước thải trước khi thải ra nguồn tiếp nhận nước thải phải đáp ứng được các thông số ô nhiễm trong nước thải quy định tại QCVN 62-MT: 2016/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi.

TT

Thông số

Đơn vị

Giá trị C

A

B

1

pH

-

6-9

5,5-9

2

BOD5

mg/l

40

100

3

COD

mg/l

100

300

4

Tổng chất rắn lơ lửng

mg/l

50

150

5

Nitơ tổng số (theo N)

mg/l

50

150

6

Coliform tổng số

MPN hoặc CFU/100ml

3000

5000

Cột A quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Cột B quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Mục đích sử dụng của nguồn tiếp nhận nước thải được xác định tại nguồn tiếp nhận nước thải.

3.3. Xử lý khí thải

Chuồng trại được vệ sinh, sử dụng các chế phẩm sinh học, khơi thông cống rãnh, thu gom chất thải rắn, lỏng để xử lý thường xuyên nhằm giảm thiểu phát thải khí trong quá trình chăn nuôi.

3.4. Xử lý tiếng ồn

- Cơ sở chăn nuôi tập trung phải có tường bao, trồng cây xanh nhằm giảm thiểu và xử lý tiếng ồn không gây ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư xung quanh theo quy định tại QCVN 26: 2010/BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

TT

Khu vực

Đơn vị

Từ 6 giờ - 21 giờ

Từ 21 giờ - 6 giờ

1

Khu vực đặc biệt

dBA

55

45

2

Khu vực thông thường

dBA

70

55

- Đối với dẫn dụ, gây nuôi chim yến: Thiết bị phát âm thanh dẫn dụ đảm bảo không vượt quá 70 dBA.

IV. Tài liệu viện dẫn

4.1. Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm;

4.2. Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

4.3. Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28/5/2015 của Bộ Tài nguyên và môi trường quy định về đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

4.4. Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

4.5. Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại;

4.6. Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

4.7. QCVN 01-14: 2010/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học;

4.8. QCVN 01 - 15; 2010/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Điều kiện đảm bảo trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học;

4.9. QCVN 26: 2010/BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn;

4.10. QCVN 01- 41: 2011/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu xử lý vệ sinh đối với việc tiêu huỷ động vật và sản phẩm động vật;

4.11. QCVN 62-MT; 2016/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi;

4.12. TCVN 9121: 2012 /BNNPTNT Tiêu chuẩn kỹ thuật về trại chăn nuôi gia súc lớn./.