ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3970/1999/QĐ-UB-VX | TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 07 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI BẢO TRỢ TRẺ EM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ quyết định số 1237/QĐ-UB-NC ngày 18/8/1993 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc cho phép Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố được đổi tên thành “Hội Bảo trợ trẻ em thành phố Hồ Chí Minh” ;
Theo biên bản Đại hội Hội Bảo trợ Trẻ em thành phố ngày 14 tháng 12 năm 1996 ;
Xét đề nghị của Chủ tịch Bảo trợ Trẻ em thành phố Hồ Chí Minh tại công văn số 71/HBT ngày 14/4/1999 và của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố (tờ trình số 58/TCCQ ngày 04/5/1999) ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội Bảo trợ Trẻ em thành phố Hồ Chí Minh kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Chăm sóc trẻ em thành phố, Thủ trưởng các Sở ngành có liên quan và Chủ tịch Hội Bảo trợ Trẻ em thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
ĐIỀU LỆ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI BẢO TRỢ TRẺ EM THÀNH PHỐ
(Được phê duyệt kèm theo quyết định số 3970/QĐ-UB-VX ngày 09 tháng 7 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố).
Chương I.
TÊN GỌI - MỤC ĐÍCH
Điều 1. Tổ chức lấy tên là Hội Bảo trợ Trẻ em thành phố Hồ Chí Minh , tên đối ngoại là HOCHIMINH CITY CHILD WELFARE FOUNDATION (HCWF).
Điều 2. Hội Bảo trợ Trẻ em thành phố là tổ chức xã hội, tự nguyện gồm các cá nhân và tổ chức có khả năng, nhiệt tình, quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Điều 3. Mục đích của Hội là góp phần cùng với Nhà nước và cộng đồng xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, phát triển trẻ em, đặc biệt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, khuyết tật, trẻ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục, nguy cơ vi phạm pháp luật.
Hội hoạt động theo luật pháp Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố ; chịu sự quản lý Nhà nước của Ủy ban Chăm sóc Trẻ em thành phố và các cơ quan chức năng thuộc lĩnh vực có liên quan.
Điều 4. Hội Bảo trợ Trẻ em thành phố Hồ Chí Minh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và mở tài khoản ở ngân hàng (kể cả tài khoản ngoại tệ).
Trụ sở: đặt tại số 18 Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Chương II.
NHIỆM VỤ CỦA HỘI
Điều 5.-Hội Bảo trợ Trẻ em thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ:
1- Vận động và tập hợp sự giúp đỡ, đóng góp về vật chất và tinh thần của các cá nhân, các tổ chức kinh tế-xã hội, từ thiện và nhân đạo trong và ngoài nước để:
- Góp phần với Nhà nước bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thành phố Hồ Chí Minh nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: mồ côi, khuyết tật, trẻ đường phố, lao động sớm, bị lạm dụng tình dục, nạn nhân các tệ nạn xã hội, có nguy cơ phạm pháp...
- Phối hợp, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, kỹ năng giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ, phương pháp hoạt động của Hội trong cộng đồng xã hội thành phố.
2- Đẩy mạnh công tác truyền thông biện hộ, tư vấn để vận động thực hiện Quyền trẻ em.
3- Phối hợp cùng các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội khác tích cực phấn đấu thực hiện Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em Việt Nam và Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em của Liên hiệp Quốc thông qua các chương trình xã hội trên địa bàn dân cư.
4- Hội mở rộng quan hệ hợp tác Quốc tế với các tổ chức xã hội, nhân đạo, từ thiện trong khu vực và thế giới tranh thủ sự ủng hộ tài trợ vật chất tinh thần, trao đổi kinh nghiệm hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước.
5- Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo kết quả tình hình hoạt động của Hội cho Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Ủy ban Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan.
Chương III.
HỘI VIÊN
Điều 6.
1- Hội viên Hội Bảo trợ Trẻ em là những cá nhân, tổ chức quan tâm đến việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ, tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện gia nhập và tham gia các hoạt động của Hội.
2- Hội viên gồm:
- Hội viên danh dự là người có công đóng góp vào việc thành lập và phát triển Hội, được Ban Chấp hành nhất trí mời gia nhập.
- Hội viên chính thức là những hội viên tham gia đóng góp công sức hoạt động hoặc đóng góp tài chính thường xuyên, không thường xuyên hay bảo trợ một số công trình của Hội.
Điều 7. Hội viên có quyền và nghĩa vụ như sau:
1- Tham gia Đại hội, được quyền ứng cử và bầu cử vào Ban chấp hành và các cơ quan của Hội.
2- Đề xuất, thảo luận, biểu quyết, giám sát công việc Hội.
3- Dự các sinh hoạt chuyên đề về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong nước và nước ngoài.
4- Được quyền xin ra Hội khi xét thấy không thể hoặc không muốn tham gia Hội.
5- Thường xuyên tham gia thực hiện các chương trình hoạt động của Hội. Được Hội giúp đỡ và phát huy khả năng làm công tác Hội của Hội.
6- Tuyên truyền mục đích của Hội để vận động nhiều người tham gia vào Hội.
7- Không được lợi dụng danh nghĩa Hội để hoạt động không đúng mục tiêu của Hội.
8- Tự nguyện tham gia đóng góp tiền của, công sức phục vụ mục đích của Hội.
9- Đóng Hội phí hàng tháng theo quy định.
10- Hội viên danh dự được quyền như Hội viên chính thức, trừ các quyền ứng cử, bầu cử và biểu quyết.
Điều 8. Cá nhân, tổ chức nào tán thánh Điều lệ Hội, tự nguyện làm đơn xin gia nhập và được Ban Chấp hành Hội công nhận, cấp thẻ hội viên đều trở thành Hội viên của Hội.
Chương IV.
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
Điều 9. Đại hội là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Hội, Đại hội có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
1- Thông qua báo cáo hoạt động của Ban Chấp hành.
2- Quyết định nhiệm vụ, phương hướng và chương trình hoạt động của Hội.
3- Quyết định số lượng và bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra.
4- Quyết định bổ sung sửa đổi Điều lệ Hội (nếu có yêu cầu).
Đại hội tiến hành 5 năm một lần. Trong trường hợp cần thiết có thể Đại hội bất thường, theo yêu cầu 1/2 số thành viên Ban Chấp hành.
Điều 10. Ban Chấp hành có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
1- Tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết và chương trình hoạt động của Đại hội.
2- Bầu ra Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch
3- Bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành (khi cần thiết).
4- Ban Chấp hành họp 6 tháng một lần để sơ kết, kiểm tra, đánh giá hoạt động của Ban Chấp hành. Khi cần thiết Ban Chấp hành sẽ họp bất thường theo yêu cầu của Chủ tịch hoặc 1/2 số ủy viên Ban Chấp hành.
Điều 11. Ban Thường vụ gồm có Chủ tịch, một số Phó Chủ tịch và ủy viên do Ban Chấp hành quy định. Ban Thường vụ phân công thành viên chuyên trách điều hành cơ quan, lập các Ban và bộ phận cần thiết để tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch của Ban Chấp hành Hội.
Ban Thường vụ họp một tháng một lần. Khi cần thiết Ban Thường vụ sẽ họp bất thường theo yêu cầu của Chủ tịch hoặc của Thường vụ.
Điều 12. Ban Kiểm tra có nhiệm vụ và quyền hạn.
1- Giám sát, giúp đỡ việc thi hành Điều lệ Hội, thực hiện Nghị quyết của Đại hội và của Ban Chấp hành được đúng đắn và hiệu quả.
2- Kiểm tra định kỳ, 6 tháng, 1 năm hoặc kiểm tra đột xuất khi cần thiết việc thu-chi tài chánh và sử dụng tài sản của Hội báo cáo Ban Chấp hành Hội.
Điều 13. Hội có văn phòng và một số Phòng, Ban (nếu có nhu cầu) giúp việc cho Ban Chấp hành về mặt kế toán, tài vụ, tổ chức nhân sự, hành chánh quản trị.
Chương V.
TÀI SẢN VÀ TÀI CHÁNH CỦA HỘI
Điều 14. Nguồn thu của Hội gồm:
1- Hội phí.
2- Hội viên tự nguyện đóng góp.
3- Sự ủng hộ, đóng góp của cộng đồng, các tổ chức kinh tế-xã hội, cá nhân và các tổ chức phi Chính phủ trong nước và nước ngoài theo quy định của Nhà nước.
4- Hoạt động gây quỹ của Hội theo quy định của Nhà nước.
Điều 15. Các khoản chi chủ yếu của Hội.
1- Chi thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Hội.
2- Chi cho công tác quản lý, điều hành của Hội.
3- Đào tạo kỹ năng và chăm sóc đội ngũ làm việc với trẻ.
Điều 16. Tài sản và tài chánh của Hội được quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương VI.
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 17. Các đơn vị, cá nhân, hội viên có nhiều thành tích trong hoạt động, công tác được Hội khen thưởng hoặc đề nghị các cơ quan Nhà nước khen thưởng.
Điều 18. Hội viên nào làm trái Điều lệ Hội, làm tổn hại đến uy tín, quyền lợi của Hội, vi phạm pháp luật sẽ bị thi hành kỷ luật. Tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị phê bình, khiển trách, cảnh cáo, khai trừ, truy tố trước pháp luật.
Chương VII.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Bản Điều lệ này có hiệu lực từ ngày Đại hội Hội Bảo trợ Trẻ em thành phố Hồ Chí Minh thông qua và được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Điều 20. Chỉ có Đại hội Hội Bảo trợ Trẻ em thành phố mới có quyền sửa đổi bổ sung Điều lệ và được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt mới có giá trị thi hành./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ