Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2017/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 16 tháng 10 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VÀ CÁC HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM LIÊN QUAN TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Thi đua khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng ngày 16/11/2013;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17/6/2014;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15/11/2010;

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 31/12/2015;

Căn cứ Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ;

Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;

Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

Căn cứ Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh tại Tờ trình số 182/TTr-BATGT ngày 25/8/2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định trách nhiệm và các hình thức khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/10/2017.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tư pháp, Nội vụ, Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM VÀ CÁC HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM LIÊN QUAN TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 40/2017/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trách nhiệm và các hình thức khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương (sau đây viết tắt là người đứng đầu), cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Người được giao “Quyền” đứng đầu hoặc được giao “Phụ trách” cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng cụ thể áp dụng tại Quy định này bao gồm:

1. Trưởng ban Ban An toàn giao thông tỉnh.

2. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Phó Trưởng ban Ban An toàn giao thông tỉnh.

3. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh.

4. Phó Giám đốc Công an tỉnh - Phó Trưởng ban Ban An toàn giao thông tỉnh.

5. Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh.

6. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai.

7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa (dưới đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) kiêm Trưởng ban Ban An toàn giao thông cấp huyện.

8. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã) kiêm Trưởng ban Ban An toàn giao thông cấp xã.

9. Người đứng đầu các phòng, ban trực thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong quá trình đề xuất, tham mưu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

10. Cấp phó của người đứng đầu quy định tại Khoản 1, 3, 6, 7, 8, 9 của Điều này nếu được cấp trưởng phân công.

11. Cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

12. Người có trách nhiệm liên quan: Chiến sỹ Công an nhân dân, chiến sỹ Quân đội nhân dân, thanh tra viên, người lao động trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Người đứng đầu: Là để chỉ thiết chế giữ vị trí pháp lý cao nhất trong cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức, đơn vị, địa phương thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; có nghĩa vụ và quyền cao nhất trong việc tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình đứng đầu.

2. Cấp phó của người đứng đầu: Là người được phân công giúp người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, quản lý, phụ trách một hoặc một số lĩnh vực nhất định trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khi được phân công bằng văn bản ủy quyền, bằng quyết định của người đứng đầu hoặc cơ quan chủ quản cấp trên. Cấp phó của người đứng đầu chịu trách nhiệm trước người đứng đầu và phải chịu trách nhiệm về vai trò chỉ đạo, điều hành, quản lý của mình trước công việc được giao (dưới đây được viết chung là người đứng đầu).

3. Trách nhiệm của người đứng đầu; của cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định tại Chương II Quy định này là những việc phải làm, được làm với kết quả tốt, nếu kết quả không tốt sẽ phải chịu trách nhiệm.

4. Những từ, cụm từ được viết tắt: Ủy ban nhân dân (UBND), An toàn giao thông (ATGT), giao thông vận tải (GTVT), tai nạn giao thông (TNGT),

5. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bao gồm: Bảo đảm trật tự ATGT lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

6. Các hành vi vi phạm an toàn giao thông, gồm: Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

7. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bao gồm: Công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ hoạt động giao thông và hành lang an toàn đường bộ.

8. Kết cấu hạ tầng đường sắt: Là công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn đường sắt.

9. Kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, gồm: Đường thủy nội địa; cảng, bến thủy nội địa; kè, đập giao thông và các công trình phụ trợ.

10. Phương tiện giao thông được nêu trong Quy định này, gồm: Phương tiện giao thông đường bộ; phương tiện thủy nội địa; phương tiện giao thông đường sắt.

11. Hành lang ATGT được nêu trong Quy định này, gồm: Hành lang an toàn đường bộ; hành lang an toàn đường sắt và hành lang bảo vệ luồng chạy tàu, thuyền.

Điều 4. Nguyên tắc xác định trách nhiệm, khen thưởng và xử lý

1. Khi xem xét trách nhiệm người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan để khen thưởng, xử lý phải khách quan, đúng người, đúng việc trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cá nhân.

2. Việc xử lý phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm gây ra, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng và những quy định của pháp luật mà người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan vi phạm.

3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu có cùng hành vi vi phạm pháp luật có tính chất và mức độ như nhau, thì người đứng đầu bị xử lý nặng hơn một mức so với cấp phó của người đứng đầu.

4. Việc khen thưởng, xử lý vi phạm người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Thi đua khen thưởng; Luật Công an nhân dân; Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân; Luật Quân nhân chuyện nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ (dưới đây viết tắt là Nghị định số 157/2007/NĐ-CP); Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (dưới đây viết tắt là Nghị định số 56/2015/NĐ-CP); Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức (dưới đây viết tắt là Nghị định số 34/2011/NĐ-CP); Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức (dưới đây viết tắt là Nghị định số 27/2012/NĐ-CP).

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU; TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM LIÊN QUAN TRONG VIỆC PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ ATGT

Điều 5. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan

Người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa để mọi cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân biết và tự giác thực hiện đúng quy định.

Điều 6. Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông

Người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác trong các lĩnh vực như sau:

1. Sửa chữa kịp thời hư hỏng của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, bảo đảm cho hoạt động giao thông luôn thông suốt, an toàn.

2. Rà soát, điều chỉnh, lắp đặt hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa một cách đầy đủ, khoa học, dễ thực hiện, hướng người tham gia giao thông đúng luật, an toàn.

3. Tổ chức, phân luồng giao thông khoa học, hợp lý phòng chống ùn tắc giao thông; có phương án giải quyết dứt điểm các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

4. Chủ động lộ trình xóa bỏ đường ngang dân sinh; nghiên cứu mở rộng thêm việc bố trí người gác tại các đường ngang nguy hiểm về ATGT; tiếp tục xây dựng thêm đường gom, rào chắn ven đường sắt, ngăn chặn việc mở đường ngang trái phép qua đường sắt.

5. Tổ chức điều tiết, phòng ngừa phương tiện đường thủy đâm va trụ cầu vượt sông, kịp thời kiến nghị ngành chức năng xây dựng các trụ chống va đập.

6. Thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các “Điểm đen” về TNGT trên đường bộ, không để phát sinh thêm điểm đấu nối trái phép vào quốc lộ, đường tỉnh.

7. Quản lý chặt chẽ hoạt động của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nhân viên tuần đường, gác chắn; hoạt động của cảng, bến thủy nội địa, cảng vụ và hoa tiêu đường thủy nội địa.

8. Thường xuyên bảo đảm an toàn hành lang đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, kiên quyết xử lý, không để tái lấn chiếm.

Điều 7. Triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và tuần tra kiểm soát

1. Hàng năm người đứng đầu có trách nhiệm xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình hoạt động của đơn vị liên quan đến công tác ATGT, các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát (đối với các cơ quan, đơn vị có chức năng theo quy định của pháp luật như: Công an, GTVT) nhằm bảo đảm trật tự ATGT trên phạm vi địa bàn chịu trách nhiệm quản lý.

2. Đối với các biện pháp nhằm đảm bảo trật tự ATGT mang tính phức tạp, cần nhiều lực lượng tham gia thì người đứng đầu có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành.

3. Cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ liên quan đến công tác ATGT, thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát theo kế hoạch đề ra.

Điều 8. Thực hiện các biện pháp khác bảo đảm trật tự ATGT

Người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức người có trách nhiệm liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác trong các lĩnh vực như: Hoạt động kiểm định phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; công tác đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy, xe máy chuyên dùng; hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Mục 2. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU; TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM LIÊN QUAN TRONG VIỆC PHÁT HIỆN VÀ XỬ LÝ CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ ATGT

Điều 9. Trách nhiệm phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông

1. Người đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng, cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan theo phạm vi trách nhiệm của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt, thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, cụ thể:

a) Các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, tín hiệu giao thông đường sắt và tín hiệu của phương tiện thủy.

b) Các hành vi vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

c) Các hành vi vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường sắt và phương tiện thủy nội địa.

d) Các hành vi vi phạm quy định về người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhân viên gác chắn tại đường ngang; nhân viên tuần đường; thuyền viên và người lái phương tiện thủy.

đ) Các hành vi vi phạm quy định về vận tải, quản lý hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, kinh doanh đường sắt, xử lý các vi phạm về vận tải.

e) Vi phạm quy định về hoạt động của cảng, bến thủy nội địa, cảng vụ và hoa tiêu đường thủy nội địa.

g) Các hành vi vi phạm khác liên quan đến trật tự an toàn giao thông.

2. Cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ do người đứng đầu chỉ đạo tại Khoản 1 Điều này.

Điều 10. Trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT

1. Khi phát hiện các hành vi vi phạm hoặc các hành vi có nguy cơ gây mất ATGT, gây TNGT trong phạm vi đơn vị, địa bàn phụ trách, người đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp cần thiết và phù hợp theo thẩm quyền để hạn chế thấp nhất hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

2. Cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan phải nêu cao trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn hoạt động giao thông vận tải, phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM

Điều 11. Các mức độ đánh giá trách nhiệm người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan

Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được phân công trách nhiệm cụ thể trong Quy chế hoạt động của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai và Quy định này. Kết quả việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương để xem xét, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan theo các mức sau đây:

1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ.

3. Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (đối với cán bộ, công chức). Hoàn thành nhiệm vụ (đối với viên chức);

4. Không hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 12. Khen thưởng

1. Người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan có thành tích trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn ùn tắc giao thông, TNGT hoặc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông thì được xem xét, đề nghị khen thưởng theo quy định về thi đua, khen thưởng.

2. Thưởng đột xuất khi cá nhân, đơn vị có thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xem xét khen thưởng kịp thời. Hình thức và tiền khen thưởng thực hiện theo các quy định hiện hành về thi đua, khen thưởng.

3. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tùy theo tính chất, điều kiện, tình hình cụ thể để có hình thức khen thưởng của cấp mình cho phù hợp.

Điều 13. Tặng bằng khen

1. Người đứng đầu trong năm hoặc đợt thi đua đã hoàn thành xuất sắc các chương trình, kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT đã đề ra, đảm bảo các tiêu chí quy định tại Điều 11 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP và những tiêu chí dưới đây:

a) Người đứng đầu được giao quản lý đối với một hoặc một số lĩnh vực về: Bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông; xử lý hành vi vi phạm pháp luật giao thông; thực hiện các nhiệm vụ khác bảo đảm trật tự ATGT. Đã hoàn thành xuất sắc vai trò tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền và điều hành, chỉ huy cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả trên tuyến, địa bàn phụ trách không xảy ra ùn tắc giao thông với thời gian trên 30 phút; TNGT giảm từ 10% trở lên về số vụ, số người chết và bị thương so với mục tiêu kế hoạch đề ra.

b) Người đứng đầu thể hiện xuất sắc vai trò điều hành, chỉ đạo đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông đã được phân công trách nhiệm.

2. Cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong năm hoặc đợt thi đua thực hiện xuất sắc các chương trình, kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT đã đề ra, đảm bảo các tiêu chí quy định tại Điều 11 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP và những tiêu chí dưới đây:

a) Người được giao trực tiếp chịu trách nhiệm một trong những nhiệm vụ: Bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông; xử lý hành vi vi phạm pháp luật giao thông; thực hiện các nhiệm vụ khác bảo đảm trật tự ATGT. Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mỗi lĩnh vực được giao. Kết quả trên tuyến, địa bàn đảm trách không xảy ra ùn tắc giao thông với thời gian trên 30 phút; TNGT giảm từ 10% trở lên về số vụ, số người chết và bị thương so với mục tiêu kế hoạch đề ra.

b) Người được giao đảm trách công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Điều 14. Tặng giấy khen

1. Đối với người đứng đầu trong năm hoặc đợt thi đua hoàn thành tốt các chương trình, kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT đã đề ra, đảm bảo các tiêu chí quy định tại Điều 11 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP và những tiêu chí dưới đây:

a) Người đứng đầu được giao chỉ đạo, quản lý đối với một hoặc một số lĩnh vực về: Bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông; xử lý hành vi vi phạm pháp luật giao thông; thực hiện các nhiệm vụ khác bảo đảm trật tự ATGT. Đã hoàn thành tốt vai trò tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền và điều hành, chỉ huy cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả trên tuyến, địa bàn phụ trách không xảy ra ùn tắc giao thông với thời gian trên 45 phút; TNGT giảm từ trên 5% đến dưới 10% về số vụ, số người chết và bị thương so với mục tiêu kế hoạch đề ra.

b) Người đứng đầu thể hiện tốt vai trò điều hành, chỉ đạo đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông đã được phân công trách nhiệm.

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong năm hoặc đợt thi đua thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT đã đề ra, đảm bảo các tiêu chí quy định tại Điều 11 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP và những tiêu chí dưới đây:

a) Người được giao trực tiếp chịu trách nhiệm một trong những nhiệm vụ: Bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông; xử lý hành vi vi phạm pháp luật giao thông; thực hiện các nhiệm vụ khác bảo đảm trật tự ATGT. Đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mỗi lĩnh vực được giao. Kết quả trên tuyến, địa bàn đảm trách không xảy ra ùn tắc giao thông với thời gian trên 45 phút; TNGT giảm từ trên 5% đến dưới 10% về số vụ, số người chết và bị thương so với mục tiêu kế hoạch đề ra.

b) Người được giao đảm trách công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Điều 15. Xử lý kỷ luật

1. Người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra mà áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật có liên quan khi vi phạm một trong những nội dung quy định sau:

a) Vi phạm một trong những quy định tại các Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 hoặc không nghiêm túc tổ chức thực hiện Điều 9, Điều 10 của bản Quy định này.

b) Không làm hết trách nhiệm được phân công, gián tiếp gây tình trạng mất trật tự ATGT hoặc không ngăn chặn kịp thời để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự ATGT, gây tai nạn giao thông thuộc địa bàn, tuyến quản lý.

2. Người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan khi vi phạm phải được xem xét nguyên nhân vi phạm cụ thể để áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 Quy định này.

3. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 16. Khiển trách

Căn cứ Điều 7, Điều 10 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP; Điều 3, Điều 9 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP; Điều 4, Điều 10 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP; hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và những tiêu chí dưới đây:

1. Đối với người đứng đầu

a) Người đứng đầu được giao quản lý đối với một hoặc một số lĩnh vực về: Bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông; xử lý hành vi vi phạm pháp luật giao thông; thực hiện các nhiệm vụ khác bảo đảm trật tự ATGT. Đã vi phạm một trong những quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 hoặc không nghiêm túc tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định tại Điều 9, Điều 10 Quy định này dẫn đến TNGT gây hậu quả nghiêm trọng hoặc TNGT trên địa bàn, tuyến được phân công phụ trách trong một năm tăng từ trên 5% đến 10% cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với mục tiêu kế hoạch đề ra hoặc xảy ra ít nhất 03 vụ ùn tắc giao thông/một điểm/năm với thời gian từ 60 phút đến 120 phút/vụ mà nguyên nhân do kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, điều hành giao thông hoặc để xảy ra 05 vụ đua xe trái phép/năm.

b) Người đứng đầu là thành viên Ban ATGT tỉnh, huyện, xã được giao chỉ đạo công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông nhưng chưa phát huy hết vai trò chỉ đạo, điều hành hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được phân công trách nhiệm hoặc trong 02 năm liên tục TNGT trên địa bàn tỉnh, huyện, xã tăng trên 10% cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm trước theo mục tiêu kế hoạch đề ra.

c) Người đứng đầu xử lý không nghiêm hoặc bao che sai phạm của cấp dưới.

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan

a) Cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan được giao trực tiếp chịu trách nhiệm một trong những nhiệm vụ: Bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông; xử lý hành vi vi phạm pháp luật giao thông; thực hiện các nhiệm vụ khác bảo đảm trật tự ATGT nhưng làm sai các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT dẫn đến TNGT gây hậu quả nghiêm trọng hoặc TNGT trên địa bàn, tuyến được phân công đảm trách trong một năm tăng từ trên 5% đến 10% cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với mục tiêu kế hoạch đề ra hoặc xảy ra ít nhất 03 vụ ùn tắc giao thông/một điểm/năm với thời gian từ 60 phút đến 120 phút/vụ mà nguyên nhân do kết cấu hạ tầng giao thông hoặc tổ chức giao thông, điều hòa giao thông.

b) Cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan được giao đảm trách công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông nhưng không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Không chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo hoặc cấp có thẩm quyền xây dựng, triển khai kế hoạch, nội dung tuyên truyền theo chuyên đề, chủ đề của Ban ATGT tỉnh hoặc trong 02 năm liên tục TNGT trên địa bàn đảm trách (tỉnh, huyện, xã) tăng trên 10% cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương so với năm trước theo mục tiêu kế hoạch đề ra.

Điều 17. Cảnh cáo

Căn cứ Điều 7, Điều 10 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP; Điều 3, Điều 10 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP; Điều 4, Điều 11 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP; hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và những tiêu chí dưới đây:

1. Đối với người đứng đầu

a) Người đứng đầu được giao quản lý đối với một hoặc một số lĩnh vực về: Bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông; xử lý hành vi vi phạm pháp luật giao thông; thực hiện các nhiệm vụ khác bảo đảm trật tự ATGT. Đã vi phạm nghiêm trọng một trong những quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 hoặc không nghiêm túc tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định tại Điều 9, Điều 10 của bản Quy định này dẫn đến TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng hoặc TNGT trên địa bàn, tuyến được phân công phụ trách trong 02 năm liên tiếp tăng 03 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương từ 10% trở lên mỗi năm so với năm trước hoặc liên tiếp mỗi năm xảy ra một vụ ùn tắc giao thông với thời gian trên 120 phút/vụ mà nguyên nhân do kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, điều hành giao thông hoặc để xảy ra trên 05 vụ đua xe trái phép mỗi năm hoặc báo cáo không trung thực về tình hình đua xe trái phép, tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến, địa bàn quản lý.

b) Người đứng đầu buông lỏng vai trò chỉ đạo, điều hành đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông đã được phân công trách nhiệm hoặc trong 03 năm liên tục TNGT trên địa bàn phụ trách tăng trên 10% cả 03 tiêu chí về số vụ; số người chết và số người bị thương so với năm trước theo mục tiêu kế hoạch đề ra.

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan

a) Cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan được giao trực tiếp chịu trách nhiệm một trong những nhiệm vụ: Bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông; xử lý hành vi vi phạm pháp luật giao thông; thực hiện các nhiệm vụ khác bảo đảm trật tự ATGT nhưng tiêu cực hoặc không làm hết trách nhiệm, làm sai các quy định dẫn đến TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng hoặc TNGT trên địa bàn, tuyến được phân công đảm trách trong 02 năm liên tiếp tăng 03 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương từ 10% trở lên mỗi năm so với năm trước hoặc liên tiếp mỗi năm xảy ra một vụ ùn tắc giao thông với thời gian trên 120 phút/vụ mà nguyên nhân do kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, điều hành giao thông.

b) Người được giao đảm trách công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông nhưng trong 03 năm liên tục không làm hoặc làm mang tính đối phó, qua loa chiếu lệ công việc được giao hoặc không chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo, cấp có thẩm quyền xây dựng, triển khai kế hoạch, nội dung tuyên truyền theo chuyên đề, chủ đề của Ban ATGT tỉnh hoặc trong 03 năm liên tục TNGT trên địa bàn đảm trách tăng trên 10% trở lên cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương so với năm trước theo mục tiêu kế hoạch đề ra.

Điều 18. Liên đới trách nhiệm

Người đứng đầu liên đới chịu trách nhiệm được quy định tại Điều 10 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP, tập trung hành vi sau: Buông lỏng hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm cá nhân trong quản lý, điều hành, tự kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong khi thi hành nhiệm vụ dẫn đến sai phạm, tiêu cực, nhiều người bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Điều 19. Các trường hợp được miễn, giảm nhẹ trách nhiệm

1. Người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau:

a) Người đứng đầu hoặc cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan không thể biết hoặc đã làm hết trách nhiệm và áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật giao thông, phòng ngừa ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

b) Người phụ trách lĩnh vực được phân công đã ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT trái với quy định của pháp luật nhưng đã khắc phục xong hậu quả do việc ban hành và thực hiện văn bản trái pháp luật đó gây ra.

c) Do thiên tai, các sự cố bất ngờ khác hoặc trường hợp bất khả kháng mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã có biện pháp phòng ngừa.

d) Người đứng đầu vắng mặt tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và có văn bản ủy quyền cho cấp phó trong thời gian vắng mặt; cấp phó của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu theo văn bản ủy quyền.

đ) Chấp hành quyết định của cấp trên

- Người đứng đầu phải chấp hành quyết định của cấp trên trực tiếp, khi có căn cứ để cho là quyết định đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định. Trong trường hợp vẫn phải chấp hành thì phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.

- Cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan phải chấp hành quyết định của người đứng đầu, khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định. Trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành.

2. Người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan vi phạm chế độ trách nhiệm được xem xét giảm nhẹ một mức kỷ luật khi người đó đã tự nhận hành vi vi phạm, có bản tự kiểm điểm và đã khắc phục hậu quả do mình gây ra, được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Điều 20. Các trường hợp tăng nặng

Người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan vi phạm chế độ trách nhiệm sẽ bị xem xét tăng nặng trong các trường hợp sau:

1. Báo cáo sai sự thật về tình hình thực hiện, kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

2. Phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về hiện tượng vi phạm pháp luật giao thông, mất an toàn giao thông do hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, mất an toàn của phương tiện giao thông và người điều khiển hoặc tình trạng vi phạm pháp luật giao thông thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc cấp trên phát hiện và đã kịp thời có ý kiến chỉ đạo nhưng người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan không thực hiện hoặc không áp dụng ngay biện pháp để xử lý, khắc phục dẫn đến xảy ra hậu quả.

3. Người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan đã bị xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm chế độ trách nhiệm mà lại tái phạm hoặc thiếu trung thực trong báo cáo, tường trình, tiếp thu phê bình, kiểm điểm hoặc cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

Điều 21. Phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ban, ngành là thành viên Ban ATGT tỉnh

1. Trách nhiệm của Trưởng ban Ban ATGT tỉnh

a) Lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động và đề ra các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và của Ban An toàn giao thông tỉnh.

b) Đề ra kế hoạch, biện pháp phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, phòng ngừa TNGT, khắc phục ùn tắc giao thông.

2. Trách nhiệm của Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng ban Ban ATGT tỉnh

a) Thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động chung của Ban An toàn giao thông tỉnh.

b) Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm trật tự ATGT của tỉnh.

3. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Phó Trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh

a) Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở GTVT thực hiện tốt công tác quy hoạch, thẩm định, xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện thủy; hoạt động kiểm định phương tiện; công tác đăng ký, quản lý xe máy chuyên dùng, phương tiện thủy; hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; hoạt động của cảng, bến thủy nội địa; xử lý các bất cập trong tổ chức giao thông, các “Điểm đen” về TNGT trên các tuyến đường giao thông trong phạm vi được giao quản lý.

b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT theo đúng quy định của pháp luật.

c) Hướng dẫn chính quyền địa phương, Ban ATGT cấp huyện, cấp xã thực hiện các nội dung có liên quan khi được yêu cầu. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các ngành, UBND các địa phương trong việc thực hiện kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT đã được phân công.

4. Trách nhiệm của Phó Giám đốc Công an tỉnh - Phó Trưởng ban Ban ATGT tỉnh

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn, điều hòa giao thông; phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông; phòng, chống đua xe trái phép; công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT. Chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát 113, Cảnh sát cơ động, Công an xã thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra. Phối hợp Thanh tra giao thông, chính quyền các cấp trong công tác xử lý, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè.

b) Phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, Long Khánh và thành phố Biên Hòa thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT đến mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh; kiến nghị truy tố, xét xử kịp thời các đối tượng gây tai nạn giao thông, đua xe, tổ chức đua xe và cổ vũ đua xe trái phép theo quy định của pháp luật.

c) Chủ trì, phối hợp Phó Trưởng ban Thường trực, Phó Trưởng ban chuyên trách tổ chức phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông, những thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, giúp Ban ATGT tỉnh trong việc đề ra các giải pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Thực hiện chế độ báo cáo đột xuất, định kỳ về tình hình, kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT, tai nạn giao thông về Ban ATGT tỉnh, UBND tỉnh.

5. Trách nhiệm của Phó Trưởng ban chuyên trách

a) Tổ chức nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình trật tự ATGT, xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, điều hành có liên quan đến chương trình của Quốc gia, của tỉnh về công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về các biện pháp phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.

b) Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; xử lý “Điểm đen” tai nạn giao thông; ứng dụng khoa học công nghệ; công tác tổ chức, thi đua khen thưởng.

c) Đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh các biện pháp phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị, thành và các cơ quan chuyên môn của Trung ương tại địa bàn địa phương nhằm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT trên phạm vi toàn tỉnh.

d) Đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời nhanh chóng tổ chức việc phối hợp các ngành, UBND các địa phương khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh.

đ) Chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động về công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.

e) Thường xuyên chỉ đạo bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng: Cảnh sát giao thông; Cảnh sát trật tự; Cảnh sát cơ động; Thanh tra giao thông trong công tác giữ gìn, bảo đảm trật tự ATGT.

g) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quy định này, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

6. Chánh Văn phòng UBND tỉnh: Phối hợp các Phó Trưởng ban giúp Trưởng ban trong công tác chỉ đạo, điều hành chung về công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.

7. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã kiêm Trưởng ban Ban ATGT cùng cấp

a) Phối hợp các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT tại địa phương.

b) Tổ chức quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao quản lý. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt trên địa bàn.

c) Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đoàn thể liên quan xây dựng, nhân rộng các mô hình về ATGT trên địa bàn như: “Văn hóa giao thông”; “Tuyến đường an toàn giao thông”, “Tuyến phố an toàn giao thông”.

d) Thường xuyên cung cấp thông tin, phản ánh kịp thời tình hình trật tự ATGT và kiến nghị các biện pháp tăng cường phòng ngừa và xử lý vi phạm trật tự ATGT tại địa phương.

đ) Chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT trên các tuyến được phân công; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc xử lý vi phạm trật tự ATGT khi có yêu cầu.

8. Cục Quản lý đường bộ IV; Công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10; Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn; Phòng Thanh tra An toàn III (Bộ GTVT): Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; kịp thời sửa chữa những hư hỏng, xuống cấp các công trình giao thông. Nghiên cứu, đề xuất khắc phục những vấn đề bất cập trong công tác quản lý, tổ chức bảo đảm ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Phối hợp Ban ATGT tỉnh và các địa phương trong tổ chức, phân luồng giao thông; xử lý “Điểm đen” tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và đường thủy. Bảo đảm hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường sắt, tuyến đường thủy nội địa luôn thông suốt, an toàn.

9. Giám đốc Sở Xây dựng: Tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, tổ chức thực hiện các biện pháp để tăng cường trật tự xây dựng, an toàn hạ tầng giao thông. Phối hợp các thành viên liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật giao thông liên quan đến trật tự ATGT đô thị, mỹ quan đô thị.

10. Giám đốc Sở Tư pháp: Chỉ đạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho báo cáo viên, tuyên truyền viên thuộc các ngành, cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh và Ban ATGT các địa phương; phối hợp các ngành, địa phương tiến hành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

11. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Có trách nhiệm chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trong toàn ngành. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục giảng dạy lồng ghép pháp luật về giao thông vào chương trình giảng dạy chính khóa do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Tăng cường các biện pháp quản lý học sinh trong việc chấp hành pháp luật giao thông.

12. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa thường xuyên, rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức như: Lưu động; lồng ghép trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, phim, ảnh; băng rôn, khẩu hiệu nơi công cộng.

13. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT tại địa phương. Tổ chức tuyên truyền về trật tự ATGT trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.

14. Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai; Tổng Biên tập Báo Đồng Nai: Xây dựng chương trình, kế hoạch hàng tuần phát thanh, truyền hình, đăng báo đưa tin tuyên truyền về trật tự ATGT. Có chuyên mục tuyên truyền ATGT hàng tuần trên Báo Đồng Nai và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Hướng dẫn các Đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác tuyên truyền về trật tự ATGT, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự ATGT đến mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Tăng cường các chuyên đề, bài viết, thông tin liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.

15. Giám đốc Sở Y tế: Chỉ đạo công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa tại đơn vị. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình diễn biến các ca cấp cứu về tai nạn giao thông, phân tích các nguyên nhân dẫn đến chấn thương hoặc tử vong do sử dụng rượu, bia; không đội mũ bảo hiểm. Phối hợp tuyên truyền trên đài, báo, tại các bệnh viện về hậu quả, di chứng để lại đối với nạn nhân TNGT.

16. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và chấp hành pháp luật về trật tự ATGT trong lực lượng vũ trang thuộc địa bàn tỉnh. Thường xuyên hướng dẫn, phát động các phong trào thi đua giữ gìn trật tự ATGT trong các đơn vị. Tổ chức lực lượng phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý quân nhân, công nhân viên quốc phòng, lợi dụng phương tiện vận tải của Quân đội vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

17. Giám đốc Sở Tài chính: Theo dõi, kiểm tra việc thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT; phân bổ kinh phí kịp thời từ nguồn ngân sách, nguồn thu khác đáp ứng các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ về tình hình thu, chi tài chính giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh từ nguồn thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT về Ban và UBND tỉnh.

18. Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh: Thực hiện công tác tuyên truyền, bảo đảm an toàn cháy, nổ đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quản lý phương tiện giao thông và hoạt động vận tải; tổ chức cứu nạn, cứu hộ thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa hoặc những vụ việc phức tạp về ATGT, nhất là những vụ việc xảy ra trên sông, hồ; các vụ cháy, nổ phương tiện vận tải, lật đổ tàu hỏa.

19. Đề nghị Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban Nội chính Tỉnh ủy: Tổ chức tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự ATGT trong các tổ chức cơ sở Đảng; phối hợp các thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT trong toàn xã hội. Theo dõi, chỉ đạo việc xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, tỉnh về các hành vi vi phạm pháp luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

20. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Bí thư Tỉnh đoàn; Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh; Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh; Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai: Theo chức năng, chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục, động viên các tầng lớp Nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, tham gia bảo đảm trật tự ATGT, đưa các tiêu chí văn hóa giao thông vào nội dung phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Nông dân - phụ nữ - cựu chiến binh với ATGT”. Tập trung chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, cấp hội, công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cấp chính quyền, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, công nhân, người lao động tự giác chấp hành pháp luật giao thông. Tham gia tích cực cùng các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông.

21. Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải

a) Tham mưu Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Ban ATGT tỉnh kế hoạch kiểm tra bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn đường bộ, tăng cường quản lý hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy; phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức hướng dẫn, điều hòa giao thông, phòng, chống ùn tắc giao thông.

b) Thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn đường bộ, đường thủy, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình giao thông; hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện cơ giới.

c) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật giao thông đối với người vi phạm và cộng đồng.

22. Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt

a) Tham mưu Giám đốc Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh các kế hoạch giữ gìn trật tự ATGT theo chuyên đề; phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng đề xuất các phương án phân luồng, hướng dẫn, điều hòa giao thông, phòng chống ùn tắc giao thông, đua xe trái phép.

b) Thực hiện chức năng cưỡng chế việc tuân theo pháp luật giao thông theo quy định của pháp luật và Bộ Công an; công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật giao thông đường bộ, đường sắt đối với người vi phạm và cộng đồng. Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn điều hòa giao thông cho các lực lượng khác khi có yêu cầu.

23. Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy

a) Tham mưu Giám đốc Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh các kế hoạch giữ gìn trật tự ATGT đường thủy theo chuyên đề; phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng đề xuất các phương án điều tiết giao thông, phòng, chống va trôi trên các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

b) Thực hiện chức năng cưỡng chế việc tuân theo pháp luật giao thông theo quy định của pháp luật và Bộ Công an; công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật giao thông đường thủy nội địa đối với người vi phạm và cộng đồng. Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, bơi lặn, hướng dẫn điều tiết giao thông thủy cho các lực lượng khác khi có yêu cầu.

Điều 22. Trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị

1. Quy định này được phổ biến, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, người lao động làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

2. Các đơn vị Quân đội, cơ quan Trung ương đóng tại địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức tại đơn vị mình và Nhân dân thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Điều 23. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ

1. Thường xuyên theo dõi, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, công tác thi đua, khen thưởng và xử lý kỷ luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra sai phạm theo Quy định này.

2. Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang vi phạm pháp luật giao thông trên địa bàn tỉnh do lực lượng chức năng thông báo đến.

Điều 24. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Người đứng đầu có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về chế độ thông tin, báo cáo theo quy định. Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Quy định này về UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh (đồng gửi Sở Nội vụ); khi có sai phạm xảy ra báo cáo kịp thời tình hình mức độ nguy hiểm, các biện pháp đã áp dụng và đề xuất hướng xử lý.

2. Giao Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, tổ chức kiểm tra việc thực hiện tại các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương báo cáo UBND tỉnh.

Điều 25. Sửa đổi và bổ sung quy định

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh đến Ban ATGT tỉnh (Sở Giao thông Vận tải) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.