Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2019/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP CHO CÁC SỞ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN - HUYỆN QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÁC TUYẾN SÔNG, KÊNH, RẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Nghị định số 24/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước;

Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2906/TTr-SNN ngày 18 tháng 10 năm 2019; ý kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 4752/STP-VB ngày 15 tháng 8 năm 2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phân cấp cho các Sở và Ủy ban nhân dân quận - huyện quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020; thay thế Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về phân cấp quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố;
- Cảng vụ Hàng hải TP.HCM;
- Sở Tư pháp; Sở Nội vụ;
- Các Đoàn thể TP, các cơ quan Báo, Đài TP;
- VPUB: các PCVP;
- Các Phòng CV; TTCB;
- Lưu: VT, (KT/Trọng) MH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP CHO CÁC SỞ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN - HUYỆN QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÁC TUYẾN SÔNG, KÊNH, RẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này điều chỉnh việc phân cấp cho các Sở và Ủy ban nhân dân quận - huyện quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định này không điều chỉnh việc phân cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng trên sông, kênh, rạch.

2. Đối tượng áp dụng: Quyết định này quy định trách nhiệm của các Sở và Ủy ban nhân dân các quận - huyện được Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp quản lý, khai thác sông, kênh, rạch thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Nội dung phân cấp cho các Sở và Ủy ban nhân dân quận - huyện quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch

1. Phân cấp quản lý, khai thác theo chức năng của các tuyến sông, kênh, rạch với phạm vi quản lý tính từ mép bờ trở ra mực nước xuống đáy sông, kênh, rạch gồm: thoát nước; giao thông thủy; cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng, sản xuất muối nhằm đảm bảo quản lý nhà nước thống nhất, giúp khai thác tối đa chức năng phục vụ của các tuyến sông, kênh, rạch.

2. Nghiêm cấm và xử lý triệt để việc san lấp sông, kênh, rạch trong các dự án xây dựng trên địa bàn thành phố; trong trường hợp bất khả kháng, việc san lấp kênh, rạch phải được nghiên cứu rất kỹ khả năng thoát nước, trữ nước cho các khu vực và vùng phụ cận có liên quan, phải có tính toán giải pháp thay thế hiệu quả.

3. Thực hiện việc nạo vét bùn đất bồi lắng gây tắc nghẽn dòng chảy; vớt rác, xử lý lục bình, cỏ dại và nạo vét bãi cạn, thanh thải chướng ngại vật, khơi thông dòng chảy trên các tuyến sông, kênh, rạch nhằm phát huy cao nhất hiệu quả chức năng nhiệm vụ của các tuyến sông, kênh, rạch.

4. Tiến hành xây dựng các công trình phòng chống triều cường, sạt lở (đê bao, bờ bao, kè, cống ngăn triều...) nhằm mục tiêu bảo vệ an toàn khu dân cư tại các khu vực ven sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.

5. Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp san lấp, lấn chiếm, xây dựng nhà ở, công trình sai phép, không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn sông, kênh, rạch.

6. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông đường thủy kết hợp hoàn thiện hạ tầng đường thủy nội địa và phát triển du lịch đường thủy.

7. Các Sở và Ủy ban nhân dân các quận - huyện được phân giao nhiệm vụ quản lý, khai thác các sông, kênh, rạch tại Quyết định này có trách nhiệm xây dựng Quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình khai thác theo chức năng của từng tuyến sông, kênh, rạch hoặc cùng một tuyến sông, kênh, rạch có nhiều chức năng.

Chương II

PHÂN CẤP CÁC SỞ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC QUẬN - HUYỆN QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÁC TUYẾN SÔNG, KÊNH, RẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Điều 3. Phân cấp cho các Sở và Ủy ban nhân dân quận - huyện quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

1. Các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng thoát nước:

a) Phân cấp Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch đi qua địa giới hành chính từ 02 quận (huyện) trở lên.

b) Phân cấp Ủy ban nhân dân các quận - huyện trực tiếp quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng thoát nước trên địa bàn thuộc phạm vi địa giới hành chính quản lý của địa phương.

(Đính kèm Phụ lục 1: Danh mục các tuyến sông kênh rạch có chức năng thoát nước trên địa bàn thành phố)

2. Các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy:

a) Đối với các tuyến đường thủy nội địa địa phương:

- Phân cấp Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý, khai thác hệ thống đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng và các tuyến đường thủy nội địa quốc gia đã được Trung ương phân cấp cho thành phố quản lý theo quy định của pháp luật.

- Đối với các tuyến kênh, rạch gồm: kênh An Hạ, kênh Thầy Cai, kênh Địa Phận, rạch Cầu Mễn - Bến Cát, rạch Láng The - Bến Mương, giao Sở Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước và khai thác hạ tầng kỹ thuật về lĩnh vực đường thủy nội địa phục vụ mục đích giao thông thủy, kết nối vùng theo quy định tại Quyết định số 66/2009/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về duyệt Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đây là các tuyến kênh, rạch có 02 chức năng: Sở Giao thông vận tải quản lý giao thông thủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng; giao 02 Sở phối hợp xây dựng Quy chế quản lý khai thác các tuyến kênh rạch nêu trên đảm bảo phát huy hiệu quả đa chức năng của tuyến kênh, rạch theo trách nhiệm quản lý của từng đơn vị.

b) Đối với các tuyến đường thủy nội địa Quốc gia do Trung ương quản lý và các tuyến hàng hải:

Giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

(Đính kèm Phụ lục 2: Danh mục các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy trên địa bàn thành phố)

3. Các tuyến kênh, rạch có chức năng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng và sản xuất muối:

a) Phân cấp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý, khai thác các tuyến kênh, rạch trong hệ thống công trình thủy lợi có chức năng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng và sản xuất muối. Tổ chức khai thác, vận hành các công trình thủy lợi trên sông, kênh, rạch thuộc địa bàn thành phố.

b) Phân cấp Ủy ban nhân dân các quận - huyện trực tiếp quản lý, khai thác các tuyến kênh, rạch phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng và sản xuất muối còn lại (trừ các tuyến kênh, rạch đã phân cấp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, khai thác).

(Đính kèm Phụ lục 3: Danh mục các tuyến kênh, rạch có chức năng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng và sản xuất muối trên địa bàn thành phố)

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 4. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thoát nước trên địa bàn thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định tại Điều 2 Quyết định này.

2. Chủ trì và phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các đơn vị liên quan để tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp san lấp, lấn chiếm, xây dựng nhà ở, công trình sai phép, không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn sông, kênh, rạch theo thẩm quyền quy định.

Điều 5. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông thủy theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định tại Điều 2 Quyết định này.

2. Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị và quận - huyện liên quan lập kế hoạch cải tạo và phát triển mạng lưới giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố phù hợp với quy hoạch và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng và sản xuất muối theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định tại Điều 2 Quyết định này.

2. Chỉ đạo chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận - huyện, Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn nơi có công trình, công bố công khai phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, tổ chức cắm mốc chỉ giới trên thực địa và bàn giao mốc chỉ giới cho Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn nơi có công trình thủy lợi để phối hợp quản lý, bảo vệ.

3. Chủ trì tham mưu các biện pháp công trình (kè, tường chắn, đê bao...) và phi công trình nhằm chủ động phòng, chống và khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận - huyện lập hành lang bảo vệ an toàn các tuyến sông, kênh, rạch; lấy ý kiến của Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức công bố hành lang bảo vệ an toàn các tuyến sông, kênh, rạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, thông báo tới Ủy ban nhân dân quận - huyện để quán triệt và triển khai niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có hành lang bảo vệ an toàn các tuyến sông, kênh, rạch đã phê duyệt.

2. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch và xây dựng phương án, kinh phí cắm mốc chi tiết sau khi Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch.

3. Chủ trì phối hợp với các Sở quản lý chuyên ngành và các địa phương, đơn vị được giao quản lý trực tiếp tại Quyết định này rà soát, tổng hợp, cập nhật bản đồ các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố làm cơ sở cho việc quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch đạt hiệu quả theo phân cấp.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc

Chủ trì và phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức triển khai công tác công bố hệ thống đồ án quy hoạch, bản đồ quy hoạch xây dựng đô thị trong đó có xác định phạm vi hành lang trên bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố làm cơ sở cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch đạt hiệu quả theo phân cấp.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

1. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý hoặc báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến sông, kênh, rạch và các công trình thủy lợi trên sông, kênh, rạch theo phân cấp quản lý, khai thác tại Quyết định này.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn tổ chức thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch trên thực địa theo phương án cắm mốc đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; bàn giao mốc hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch cho Ủy ban nhân dân phường -xã - thị trấn để quản lý, bảo vệ.

3. Thường xuyên kiểm tra và tổ chức thực hiện hoặc đề xuất các cơ quan quản lý thực hiện việc nạo vét bùn đất bồi lắng, vớt rác, xử lý lục bình, cỏ dại và nạo vét bãi cạn, thanh thải chướng ngại vật, khơi thông dòng chảy trên các tuyến sông, kênh, rạch nhằm phát huy cao nhất hiệu quả chức năng nhiệm vụ của các tuyến sông, kênh, rạch.

4. Xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp san lấp, lấn chiếm, xây dựng nhà ở, công trình sai phép, không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch theo thẩm quyền quy định.

Chương IV

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

Điều 10. Chế độ báo cáo

Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm các Sở quản lý và Ủy ban nhân dân các quận - huyện theo nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện của đơn vị, địa phương, trong đó tổ chức đánh giá hiện trạng và thống kê đầy đủ các số liệu cơ bản của các tuyến sông, kênh, rạch (chiều dài, bề rộng trung bình, lý trình, cấp kỹ thuật đường thủy nội địa...) đã được giao quản lý để phục vụ công tác quản lý và duy tu bảo dưỡng; qua đó kịp thời phát hiện các tuyến sông, kênh, rạch chưa có trong danh mục phân cấp hoặc đã thay đổi chức năng của tuyến sông kênh rạch. Báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét điều chỉnh danh mục đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

Điều 11. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn theo chức năng và nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh đột xuất hoặc có sự thay đổi theo quy định của pháp luật, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị và quận - huyện phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN