HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 400-CP | Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1979 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH PHÂN PHỐI THU NHẬP TRONG TRƯỜNG HỢP TÁC XÃ VÀ TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP.
Để quán triệt nguyên tắc phân phối lao động, góp phần củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ tập thể của xã viên, tăng cường hạch toán kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và bảo đảm đời sống của xã viên, Hội đồng Chính phủ quyết định chính sách phân phối trong hợp tác xã tập đoàn sản xuất nông nghiệp như sau.
1. Việc phân phối thu nhập trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp phải theo đúng nguyên tắc phân phối theo lao động; kết hợp tăng cường phúc lợi tập thể, đồng thời bảo đảm hợp lý mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng trong hợp tác xã trong hợp tác xã và nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa phân phối hiện vật (hiện nay chủ yếu là phân phối bằng lương thực).
a) Về phân phối thu nhập bằng tiền, sau khi bù đắp đủ chi phí vật chất, kể cả khấu hao tài sản cố định và nộp thuế cho nhà nước, trước hết phải bảo đảm trả đủ công lao động cho xã viên theo giá trị ngày công kế hoạch, nếu còn thừa (tức có lãi) mới đưa vào các quỹ, khen thưởng và chia thêm cho ngày công. Nếu có thừa nhiều thì để quỹ nhiều, nếu thừa ít hoặc không có thừa thì để quỹ ít hoặc tạm thời không có quỹ.
Số tiền thừa chỉ được đưa vào ba quỹ như sau:
- Quỹ tích luỹ | 50% |
- Quỹ công ích | 20% |
- Quỹ dự trữ | 10% |
Số còn lại, một nửa dùng vào việc khen thưởng và một nửa chia thêm cho ngày công.
Ngoài ba quỹ và các khoản nói trên, hợp tác xã và tập đoàn sản xuất không được lập các quỹ nào khác hoặc dùng lãi vào bất kỳ việc gì khác.
b) Về phân phối lương thực, để đảm bảo nguyên tắc trước hết là phân phối cho lao động, thì sau khi để đủ giống (theo mức do Bộ Nông nghiệp hướng dẫn), nộp thuế và bán cho Nhà nước theo hợp đồng kinh tế hai chiều, số lương thực còn lại sẽ sử dụng như sau:
- Quỹ công ích | từ 1% đến 2% |
- Quỹ dự trữ | 1% |
- Bán điều hoà cho những gia đình trong hợp tác xã vì thiếu lao động mà thiếu lương thực (trước hết là gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công cách mạng) khoảng 10%.
Số còn lại phải đem chia hết cho xã viên theo ngày công lao động.
Trong số lương thực chia cho xã viên, có thể dành ra một số để khuyến khích làm phân bón và bồi dưỡng cho lao động lúc thời vụ khẩn trương, mức dành ra bao nhiêu do tập thể xã viên bàn bạc và quyết định; lương thực sản xuất vụ nào phải thanh toán xong ngay vụ ấy, không được dành lại để chia cho vụ sau.
Cùng với việc phân phối lương thực theo ngày công như trên, hợp tác xã và tập đoàn sản xuất cần phải khen thưởng bằng lương thực cho những đội sản xuất thực hiện vượt mức kế hoạch về năng suất, sản lượng hoặc giá trị sản lượng do hợp tác xã khoán cho đội. Đối với phần sản lượng lương thực sản xuất vượt mức đã khoán cho các đội, thì hợp tác xã và tập đoàn sản xuất phải dành khoảng 80% để khen thưởng, trong đó dành 70% đến 80% để thưởng cho những đội làm ra số lương thực vượt mức, từ 20% đến 30% thưởng cho các đội chăn nuôi hoặc các đội ngành nghề làm ra giá trị thu nhập vượt mức khoán của hợp tác xã.
2. Để đảm bảo tăng thu nhập cho hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, đi đôi với việc tận dụng đất đai, lao động, tổ chức lại sản xuất, mở rộng kinh doanh các ngành nghề phụ, các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất phải hết sức tiết kiệm tiền vốn, vật tư, lương thực, kiên quyết chống tham ô, lãng phí tài sản xã hội chủ nghĩa.
Từ nay, Hội đồng Chính phủ nghiêm cấm chè chén, liên hoan; nghiêm cấm các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất mời khách ăn uống; bất kỳ cán bộ ở cấp nào xuống hợp tác xã hay tập đoàn sản xuất để công tác đều phải trả tiền ăn uống theo thực chi. Người nào tự ý mời khách ăn uống, liên hoan thì người đó phải chịu trách nhiệm bỏ tiền ra thanh toán, không được tính vào quỹ của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Các ban kiểm soát của hợp tác xã và các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, nhất là việc sử dụng vật tư, lương thực và các quỹ. Huyện không được điều động và sử dụng các quỹ của hợp tác xã.
3. Việc tính công điểm để phân phối trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất phải rất chặt chẽ. Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất chỉ được tính để phân phối các loại công sản xuất, kể cả công tập huấn về kỹ thuật, công nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và công quản lý sản xuất, kể cả công đi học do hợp tác xã và tập đoàn sản xuất cử đi. Công quản lý không được chiếm quá 4% tổng số công phân phối trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Bộ Nông nghiệp cần có thông tư hướng dẫn tổ chức bộ máy quản lý hợp tác xã cho gọn, nhẹ, hợp lý hơn, giảm bớt các bộ phận gián tiếp sản xuất. Cán bộ quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất cũng phải trực tiếp tham gia sản xuất đủ số ngày công nhất định do tập thể xã viên quy định. Đối với các xã viên đi làm các nhiệm vụ về văn hoá, xã hội thì hợp tác xã và tập đoàn sản xuất trích quỹ công ích để chi thù lao, không được tính vào tổng số công điểm để phân phối thu nhập.
Các loại công do Ủy ban nhân dân các cấp huy động làm những việc cho Nhà nước hoặc phục vụ công ích ở địa phương thì tính vào số ngày làm nghĩa vụ dân công, không được tính vào công để phân phối thu nhập của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất.
Ủy ban nhân dân các cấp cũng như các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nhất thiết không được huy động lao động nghĩa vụ của xã viên quá số ngày công do nhà nước quy định.
4. Việc bán lương thực điều hoà trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất phải gắn chặt với việc quản lý lao động của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất.
Đối với những gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, nếu vì thiếu sức lao động, tuy đã cố gắng lao động trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất mà vẫn thiếu lương thực, thì hợp tác xã và tập đoàn sản xuất có trách nhiệm bán thêm một số lương thực theo giá chỉ đạo mua trong nghĩa vụ của Nhà nước để họ có mức ăn cần thiết.
Đối với cán bộ xã, trước hết phải bố trí công tác hợp lý, tinh giản bộ máy ở xã và bớt hội họp để có thì giờ tham gia sản xuất. Riêng đối với một số cán bộ chủ chốt và cán bộ phải đảm nhiệm nhiều công tác của xã và hợp tác xã, bản thân và gia đình đã cố gắng lao động sản xuất trong hợp tác xã mà vẫn thiếu lương thực, thì hợp tác xã cần bán cho những hộ này một số lương thực để có đủ mức ăn cần thiết theo giá chỉ đạo mua trong nghĩa vụ của Nhà nước hoặc theo giá cao hơn một ít, do hợp tác xã và xã viên bàn bạc quyết định.
Đối với những gia đình xã viên đã tích cực lao động, nhưng vì có nhiều người ăn theo, nên thiếu lương thực thì hợp tác xã cũng cần điều hoà bảo đảm cho họ có mức ăn cần thiết để tiếp tục lao động, theo giá chỉ đạo mua trong nghĩa vụ của Nhà nước hoặc theo giá cao một ít, do hợp tác xã và xã viên bàn bạc quyết định. Trong số người này, phải chú ý trước hết những gia đình có người đang làm nghĩa vụ quân sự.
Đối với những người không có hoặc không có đủ sức lao động và không nơi nương tựa mà bị thiếu lương thực, thì hợp tác xã trích quỹ công ích của hợp tác xã để giúp đỡ.
Những nguời có sức lao động mà lười biếng, không chịu làm cho tập thể và những người không chịu theo sự quản lý lao động của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất thì hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nhất thiết không bán lương thực.
5. Ban quản trị hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các cơ quan Nhà nước có liên quan phải tôn trọng đầy đủ quyền làm chủ tập thể của xã viên trong việc phân phối thu nhập. Việc phân phối thu nhập trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nhất thiết phải do đại hội xã viên bàn bạc quyết định. Các ban quản trị hợp tác xã và tập đoàn sản xuất có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi xã viên có thể tham gia bàn bạc quyết định việc phân phối.
Ban quản trị phải niêm yết công khai cho toàn thể xã viên biết các mục sau đây để xã viên theo dõi và kiểm tra, kiểm soát:
1. Các khoản chi phí sản xuất bao gồm cả chi phí về tư liệu sản xuất, chi phí về công lao động (nói rõ công điểm về quản lý) và chi về nộp thuế nông nghiệp.
2. Tình hình mua, sử dụng và tồn kho các loại tư liệu sản xuất, đặc biệt là sử dụng xăng dầu, phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng.
3. Các khoản thu của hợp tác xã gồm sản lượng các sản phẩm và tiền bán các sản phẩm.
4. Trích lập và sử dụng các quỹ tập thể.
5. Công điểm của từng xã viên, phân bón của từng hộ và mức phân phối lương thực cho từng lao động.
Nơi nào ban quản trị không niêm yết công khai các khoản gì thì xã viên có quyền đòi niêm yết công khai khoản đó.
Đến vụ thu hoạch và phân phối, hợp tác xã và tập đoàn sản xuất phải thành lập ban kiểm tra phân phối của hợp xã và tập đoàn sản xuất. Thành phần của ban kiểm tra phân phối gồm có đại biểu của xã viên do các đội sản xuất cử lên, đại biểu của hội liên hiệp nông dân tập thể, hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Ban kiểm soát của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, các cán bộ chuyên môn và các đội sản xuất có trách nhiệm cung cấp cho ban kiểm tra phân phối những tài liệu cần thiết để cho ban làm việc.
6. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay từ vụ mùa năm 1979. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh, huyện, xã chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành quyết định này.
| T.M. HỒI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |