Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 401/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 15 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KIỆN TOÀN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ CỦA SỞ TƯ PHÁP, PHÒNG TƯ PHÁP CẤP HUYỆN, CÔNG TÁC TƯ PHÁP CẤP XÃ, CÔNG TÁC PHÁP CHẾ CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp ngày 17/6/2009;

Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị định số 16/2009/NĐ-CP ngày 16/02/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;

Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã;

Căn cứ Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 721/TTr-STP ngày 30/6/2011 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1516/TTr-SNV ngày 10/8/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện, công tác tư pháp cấp xã, công tác pháp chế các Sở, ban, ngành với những nội dung cụ thể như sau:

1. Sở Tư pháp:

a) Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn: Sở Tư pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ và những nhiệm vụ được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Lý lịch tư pháp, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm; Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và những quy định khác của pháp luật có liên quan.

b) Cơ cấu tổ chức:

- Lãnh đạo Sở: gồm Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc.

- Các tổ chức, phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở:

+ Văn phòng Sở.

+ Thanh tra Sở.

+ Phòng Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

+ Phòng Kiểm tra và Theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

+ Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật.

+ Phòng Bổ trợ tư pháp.

+ Phòng Hành chính tư pháp.

- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở:

+ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước.

+ Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản.

+ Phòng Công chứng số 1.

c) Biên chế:

- Biên chế hành chính năm 2011 của Sở Tư pháp được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Quyết định số 834/QĐ-UBND ngày 14/4/2011. Việc bổ sung biên chế hàng năm căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc của Sở và vị trí việc làm của công chức, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, quyết định.

- Biên chế sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ theo định mức biên chế và quy định của pháp luật.

d) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo và tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức của Sở và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ hiện hành của tỉnh và quy định của pháp luật.

2. Công tác pháp chế của các Sở, ban, ngành:

Giám đốc các Sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhu cầu công tác pháp chế cụ thể của cơ quan và biên chế được giao, sắp xếp, bố trí công chức làm công tác pháp chế ở Sở, ban, ngành theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ và những quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Phòng Tư pháp huyện, thành phố:

a) Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn: Phòng Tư pháp huyện, thành phố thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn do Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ban hành theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và những nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và những quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Cơ cấu tổ chức: Phòng Tư pháp huyện, thành phố có Trưởng phòng, không quá 02 Phó Trưởng phòng và các công chức khác;

c) Biên chế: biên chế của Phòng Tư pháp huyện, thành phố do Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định phân bổ trong tổng biên chế hành chính của huyện, thành phố được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.

4. Công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Nhiệm vụ và quyền hạn: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tư pháp trên địa bàn, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ và những quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Công chức Tư pháp - Hộ tịch: ở xã, phường, thị trấn có công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu giúp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

Điều 2. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Giám đốc Sở Tư pháp:

a) Phối hợp với Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp;

b) Quyết định quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức của các tổ chức, phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở; chỉ đạo, hướng dẫn Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở kiện toàn tổ chức, nhân sự đảm bảo hoạt động đạt hiệu quả.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Quyết định ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phân bổ chỉ tiêu biến chế đối với Phòng Tư pháp huyện, thành phố, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao;

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn căn cứ vào khối lượng công việc và điều kiện cụ thể của địa phương, sắp xếp, bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 27/10/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tư pháp; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT. UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Cổng thông tin điện tử Ninh Thuận;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thanh