Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 401/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 21 tháng 02 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ''CHƯƠNG TRÌNH SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015''

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng liệt kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt ''Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng liệt kiệm và hiệu quả'';

Xét đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số 03/TTr-SCT ngày 04 tháng 01 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này ''Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu và các sở, ngành liên quan; cơ quan báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thới

 

CHƯƠNG TRÌNH

SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU, GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Ngày 17 tháng 6 năm 2010, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật số 50/2010/QH12 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Nhằm tăng cường đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; góp phần phát triển năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, khai thác hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng, đồng thời bảo vệ môi trường và thực thi có hiệu quả luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, gồm những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

1. Mục tiêu tổng quát:

a) Tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006; thực thi nội dung Luật số 50/2010/QH12 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

b) Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sử dụng năng lượng, tạo chuyển biến từ nhận thức sang các hành động cụ thể để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

2. Các mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011-2015 so với dự báo hiện nay về phát triển năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội; tiết kiệm từ 10-12% sản lượng điện tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, trên cơ sở các mục tiêu cụ thể như sau:

a) Tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

b) Tiếp tục xây dựng một số mô hình về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong cơ sở sản xuất, toà nhà, trụ sở cơ quan nhà nước, . . .

c) Từng bước tổ chức, phát triển mạng giao thông, chiếu sáng đô thị đảm bảo hiện đại, văn minh nhằm tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường.

d) Quản lý nhu cầu sử dụng diện, đẩy mạnh việc thực hiện tiết kiệm điện trong các khâu truyền tải, phân phối, kinh doanh và sử dụng điện.

e) Khuyến khích, thúc đẩy các nhà sản xuất, nhập khẩu đưa ra thị trường các trang thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao.

II. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

1. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

1.1. Nội dung: từng bước xây dựng hệ thống quản lý, ban hành các quy định, hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

1.2. Các chuyên đề:

a) Ban hành, triển khai, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, thương mại dịch vụ, quản lý hạ tầng đô thị, quản lý các tòa nhà - công sở, khách sạn - khu du lịch, mạng lưới giao thông vận tải, trong tiêu dùng sinh hoạt,. . .

b) Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ và sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; xây dựng các quy định về khuyến khích trang bị, sử dụng các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

c) Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu năng lượng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cấu trúc hóa bộ cơ sở dữ liệu theo các phân ngành, lĩnh vực, . . . để lưu trữ, quản lý, khai thác và cập nhật, bảo trì bộ cơ sở dữ liệu về lâu dài).

d) Nâng cao năng lực, kiện toàn bộ máy hoạt động của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm phối hợp với các đơn vị tư vấn khác triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

2. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.

2.1. Nội dung: hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ, từng bước xây dựng mô hình quản lý năng lượng tại cơ sở sản xuất nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

2.2. Các chuyên đề:

a) Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng; từng bước xây dựng cơ chế, phương thức hỗ trợ tư vấn lập dự án đầu tư nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa công nghệ sử dụng năng lượng cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

b) Phối hợp với Văn phòng Tiết kiệm năng lượng - Bộ Công thương xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho ít nhất 50% số lượng các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trên toàn tỉnh và mở rộng áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

c) Tăng cường năng lực quản lý về năng lượng cho cán bộ, lãnh đạo các doanh nghiệp; phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình thành công ở trong và ngoài nước về tiết kiệm năng lượng.

3. Tăng cường tuyên truyền phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

3.1. Nội dung: tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thường xuyên tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, xây dựng một số mô hình sử dụng năng lượng hiệu quả.

3.2. Các chuyên đề:

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, tòa nhà, cơ sở dịch vụ, hộ gia đình (xây dựng các chương trình truyền thanh, truyền hình dưới các hình thức phóng sự, thông tin, quảng cáo; phát hành tờ rơi, tờ dán, sách nhỏ hướng dẫn, . . .).

b) Phổ biến các thiết bị hiệu suất cao, công nghệ tiết kiệm năng lượng; tổ chức tập huấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, tòa nhà – công sở, khách sạn, khu du lịch - khu nghỉ dưỡng, chiếu sáng công cộng và trong sinh hoạt.

c) Tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực cho công tác thiết kế, xây dựng quản lý các tòa nhà đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

d) Tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thực hiện mô hình hộ gia đình sử dụng điện tiết kiệm; hưởng ứng các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm.

4. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong phương tiện giao thông vận tải.

4.1. Nội dung: triển khai các biện pháp quản lý, từng bước tổ chức hệ thống giao thông theo hướng văn minh, hiện đại nhằm giảm tổng mức sử dụng năng lượng cung cấp cho phương tiện giao thông vận tải, góp phần bảo vệ môi trường.

4.2. Các chuyên đề:

a) Xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh để tiết kiệm năng lượng (Chống ùn tắc giao thông; nghiên cứu điều chỉnh lộ trình, lịch trình, tần suất hoạt động của phương tiện vận tải hành khách công cộng; tăng cường vận tải hành khách công cộng có năng lực vận chuyển lớn; tối ưu hoá phương tiện giao thông vận tải).

b) Thí điểm sử dụng các dạng năng lượng như khí nén thiên nhiên CNG, . . . thay thế xăng, dầu cho các phương tiện giao thông vận tải.

5. Sử dụng trang thiết bị mới tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo.

5.1. Nội dung: cung cấp thông tin về các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, thiết bị năng lượng tái tạo để thay thế thiết bị có tiêu tốn nhiều năng lượng; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng mới, nguồn năng lượng tái tạo.

5.2. Các chuyên đề:

a) Tổ chức hội thảo, phổ biến thông tin, tuyên truyền cộng đồng trong lĩnh vực phát triển, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường. Trình diễn mô hình quản lý, công nghệ sản suất, chiếu sáng và sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Đào tạo nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực về năng lượng tái tạo, tiếp cận công nghệ tiết kiệm năng lượng.

b) Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân lắp đặt các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, thiết bị làm nóng nước sử dụng năng lượng mặt trời, các hệ thống pin năng lượng mặt trời, . . . sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

c) Khuyến kích các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư mới dây chuyền sản xuất các thiết bị năng lượng tái tạo.

đ) Hỗ trợ chương trình phát triển điện năng lượng tái tạo quy mô hộ gia đình tại các vùng sâu, vùng xa và hải đảo mà lưới điện không kéo tới được trên cơ sở quy hoạch phát triển điện lực và phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống tình thần, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.

6. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình tòa nhà, chiếu sáng đô thị.

6.1. Nội dung: hỗ trợ các đơn vị chủ sở hữu, các đơn vị quản lý công trình, tòa nhà, các đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng thực hiện nâng cấp, cải tiến, lắp đặt các trang thiết bị nhằm sử dụng tiết kiệm năng lượng tại đơn vị tòa nhà và hệ thống chiếu sáng. Từng bước xây dựng mô hình quản lý năng lượng tại các tòa nhà.

6.2. Các chuyên đề:

a) Hỗ trợ các đơn vị thực hiện kiểm toán năng lượng; hỗ trợ tư vấn lập dự án đầu tư nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa công nghệ sử dụng năng lượng; xây dựng mô hình quản lý năng lượng nhằm giám sát việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình tòa nhà.

b) Hỗ trợ các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện kiểm toán năng lượng; xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng, quy chế, biện pháp sử dụng năng lượng của cơ quan, đơn vị để kiểm tra, giám sát việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các phương tiện, thiết bị (xe ô tô, máy điều hòa không khí, thiết bị văn phòng, . . . .).

c) Tham gia các hoạt động của cuộc vận động thực hiện cuộc thi ''Tòa nhà tiết kiệm năng lượng''.

d) Triển khai thí điểm cuộc vận động xây dựng mô hình ''Sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi hộ gia đình'', ''Gia đình tiết kiệm điện'', sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

e) Đẩy mạnh thực hiện giải pháp tiết kiệm điện trong hệ thống chiếu sáng đô thị (chế độ vận hành, sử dụng thiết bị chiếu sáng có hiệu suất cao, áp dụng công nghệ hiện đại để điều khiển hệ thống chiếu sáng, sử dụng năng lượng mặt trời,. . .).

7. Quản lý nhu cầu điện, giảm tổn thất điện năng:

7.1. Nội dung: quản lý nhu cầu điện nhằm giảm tổn thất điện năng trong truyền tải, phân phối, bán lẻ và sử dụng điện.

7.2. Các chuyên đề:

a) Nâng cao hiệu quả sử dụng điện của các hộ phụ tải (công nghiệp, công trình toà nhà, trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học, . . . và các hộ gia đình).

b) Điều tiết phụ tải điện phù hợp với khả năng cung cấp điện; xây dựng các phương án tiết giảm điện tối ưu trong trường hợp thiếu nguồn hệ thống (cắt điện tiết giảm, dịch chuyển phụ tải, . . .)

c) Đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện trong truyền tải, phân phối và bán lẻ nhằm nâng cao chất lượng điện năng, vận hành lưới điện an toàn và giảm tổn thất điện năng.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Về tài chính

Phối hợp các nguồn vốn cấp từ ngân sách nhà nước, tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước; vốn của các doanh nghiệp tham gia chuyên đề để thực hiện chương trình.

a) Nguồn vốn từ ngân sách cấp cho việc xây dựng quy định, hướng dẫn, tăng cường năng lực; điều tra, khảo sát, kiểm toán năng lượng; xây dựng mô hình thí điểm; thực hiện các chuyên đề và hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình tỉnh.

b) Nguồn vốn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước:

- Nguồn vốn hỗ trợ từ Văn phòng Tiết kiệm năng lượng quốc gia trong lĩnh vực kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý năng lượng,...

- Hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực sử dụng các trang thiết bị, sản phẩm có hiệu suất cao về năng lượng và bảo tồn năng lượng.

c) Nguồn vốn của doanh nghiệp tham gia chương trình:

Đầu tư cho các dự án về tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp được đề xuất trong quá trình tham gia các đề án, chương trình nhằm đổi mới công nghệ đáp ứng việc tiết kiệm năng lượng, tạo ra sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

2. Về đầu tư đào tạo nâng cao năng lực:

a) Chú trọng đầu tư cho công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng.

b) Thực hiện việc đầu tư có chọn lọc trong việc tăng cường năng lực cho các tổ chức tư vấn (thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật, kiểm toán năng lượng, bộ phận quản lý năng lượng) trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

c) Đầu tư cho công tác đào tạo nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, lãnh đạo quản lý năng lượng tại các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp.

3. Về khoa học và công nghệ:

Ban Chỉ đạo chương trình đưa một số chuyên đề, đề tài về phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu và ứng dụng các dạng năng lượng sạch; tạo cơ chế đầu tư mạo hiểm trong phát triển công nghệ để thực hiện tiết kiệm năng lượng.

4. Về hợp tác quốc tế:

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, các tổ chức tư vấn hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hội thảo khoa học, gửi cán bộ đi đào tạo, khảo sát ở nước ngoài. Phối hợp với mạng lưới của các thành phố trong khu vực ASEAN, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế để triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:

1. Ban Chỉ đạo chương trình:

Cấp tỉnh có Ban Chỉ đạo chương trình (BCĐ tỉnh) do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là Trưởng ban. Thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh gồm Giám đốc các Sở: Công thương, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan thông tin. Giám đốc Sở Công thương là Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh.

2. Sở Công thương:

2.1. Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh:

Phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức liên quan thực hiện chương trình; chịu trách nhiệm chủ trì tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện chương trình, điều phối toàn bộ hoạt động của chương trình; xây dựng kế hoạch triển khai theo các nội dung của chương trình.

2.2. Phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức liên quan thực hiện:

- Lập cơ sở dữ liệu năng lượng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Xây dựng các biện pháp khuyến khích ứng dụng công nghệ và sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

- Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý năng lượng tại cơ sở sản xuất, các toà nhà thương mại, văn phòng, đơn vị quản lý chiếu sáng đô thị (cung cấp tài liệu về quản lý năng lượng, phổ biến kinh nghiệm các mô hình quản lý năng lượng trong và ngoài nước).

- Xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm toán năng lượng tại một số cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm, hỗ trợ thông tin, kỹ thuật trong việc thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hoá dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Khảo sát, đánh giá tình hình sử dụng và quản lý năng lượng, lựa chọn, lập danh sách, xây dựng mô hình thí điểm quản lý năng lượng tại các cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm trên địa bàn.

- Xây dựng kế hoạch, biện pháp, thực hiện tiết kiệm điện năng trong hệ thống chiếu sáng đô thị, trường học,. . . (kiểm tra, giám sát chế độ vận hành hệ thống chiếu sáng; nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại trong điều khiển chiếu sáng, sử dụng các thiết bị chiếu sáng có hiệu suất cao. . .).

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, Đài phát thanh truyền hình, Hội liên hiệp phụ nữ, các tổ chức liên quan triển khai chuyên đề sử dụng năng lượng tái tạo tại các hộ gia đình ở nông thôn.

- Triển khai thí điểm mô hình ''Sử tiết kiệm năng lượng trong mỗi hộ gia đình'' tại các huyện ngoại thành.

- Phối hợp Văn phòng Tiết kiệm Năng lượng thuộc Bộ Công thương và các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng tổ chức đào tạo, tập huấn về tiết kiệm năng lượng cho các cán bộ quản lý năng lượng, cán bộ kỹ thuật công nghệ, tuyên truyền viên,..

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các cơ quan Bộ và hợp tác với các tổ chức quốc tế thực hiện các chuyên đề thuộc chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia, chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh và các chuyên đề khác liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Báo cáo định kỳ hàng (6 tháng, năm) và theo yêu cầu với Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công thương.

- Báo cáo đánh giá tổng kết chương trình.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Cân đối kế hoạch đảm bảo các nguồn vốn ngân sách tỉnh cho các hoạt động của chương trình; kêu gọi nguồn đầu tư tài trợ từ các dự án nước ngoài về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính:

Phối hợp với các sở, ngành liên quan cân đối tài chính cho các nội dung của chương trình, đưa vào kế hoạch hằng năm của tỉnh. Hướng dẫn các đơn vị quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh theo quy định.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

Phối hợp với sở, ngành, các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc thi để tuyển chọn các chuyên đề, đề tài về phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để khai thác, sử dụng hợp lý nguồn năng lượng tái tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

6. Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu

Phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị liên quan thực hiện phân phối, bán lẻ và sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

a) Xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện quản lý nhu cầu điện năng phù hợp với khả năng cung cấp (giờ cao điểm, giờ thấp điểm); đáp ứng đầy đủ điện năng cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt.

b) Tổ chức thực hiện các biện pháp (quản lý, kiểm tra, nghiên cứu ứng dụng giải pháp. . .) nhằm giảm tổn thất điện trong khâu truyền tải, phân phối và kinh doanh điện, xây dựng thí điểm mô hình ''Gia đình tiết kiệm điện''.

c) Tuyên truyền, vận động sử dụng điện tiết kiệm. Hướng dẫn khách hàng sử dụng điện theo biểu đồ phụ tải tối ưu để hệ thống điện vận hành hiệu quả.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố:

a) Xây dựng kế hoạch triển khai, giám sát việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trên địa bàn.

b) Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức tiết kiệm năng lượng tại các phường, xã, tổ dân cư.

8. Các cơ quan truyền thông:

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, . . . xây dựng các chuyên đề giới thiệu các biện pháp, mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chuyên mục thông tin trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát trung bình 2 lần/tháng về thực hiện tiết kiệm năng lương.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức đề xuất, xây dựng đề cương, đề án, đề tài,... thuộc nội dung chương trình với Thường trực Ban Chỉ đạo (trước 30/6 hàng năm).

2. Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh căn cứ nội dung của chương trình, tiến hành tổng hợp, xem xét các chuyên đề; tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách chuyên đề thực hiện trong năm sau sử dụng bằng vốn ngân sách tỉnh.

3. Căn cứ danh mục chuyên đề được duyệt, các đơn vị lập đề cương dự toán chi tiết gửi Thường trực Ban Chỉ đạo thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; các đề tài nghiên cứu khoa học trình Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính cân đối nguồn vốn, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn để thực hiện chương trình.

5. Căn cứ nhiệm vụ được phân công Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, sở, ngành lập kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (6 tháng, năm) theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Công thương./.