Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4021/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 15 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09 tháng 4 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Thông tư số 51/2014/TT- BNNPTNT ngày 27/12/2014 quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

Căn cứ Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND ngày 01/9/2015 của UBND tỉnh Lào Cai quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 147/SNN-QLCL ngày 14/9/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai với những nội dung như sau:

1. Cơ quan quản lý cấp tỉnh (Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) thực hiện:

Kiểm tra, cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý.

2. Cơ quan quản lý cấp huyện (do Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phân công Phòng Nông nghiệp và PTNT/phòng Kinh tế) thực hiện:

Kiểm tra, cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận trang trại do UBND huyện cấp.

3. Cơ quan quản lý cấp xã: Thực hiện quản lý các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ (Cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản nhỏ lẻ không có Giấy đăng ký kinh doanh) thông qua việc tổ chức ký cam kết và thực hiện kiểm tra nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo quy định tại Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014.

Điều 2. Nguyên tắc phân công và phối hợp trong triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản:

1. Một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành bởi một cơ quan quản lý nhà nước.

2. Hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành phải bảo đảm không chồng chéo giữa cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã và được thực hiện thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trường hợp có sự trùng lặp kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành giữa cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới thì thực hiện theo kế hoạch của cơ quan cấp trên;

3. Thực hiện việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã từ lập kế hoạch đến thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành để biết và phối hợp.

4. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp thì báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với cơ quan cấp huyện, cấp xã) để xin ý kiến giải quyết.

Điều 3. Trách nhiệm thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý an toàn thực phẩm theo nhiệm vụ, đối tượng đã được phân công, phân cấp quản lý; hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện các nội dung phân cấp theo quy định tại Điều 1 của Quyết định này.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và việc thực hiện công tác quản lý nhà nước tại các địa phương theo phân cấp quản lý.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện công tác an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Nông nghiệp theo quy định.

2. Các Sở: Y tế, Công Thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. UBND các huyện, thành phố

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo nhiệm vụ, đối tượng đã được phân công, phân cấp trên phạm vi địa bàn quản lý. Chịu sự quản lý chuyên ngành an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp của Sở Nông nghiệp và PTNT.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm cho các cơ sở thực phẩm trên địa bàn huyện, thành phố.

- Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

- Báo cáo định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn gửi về Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo theo quy định.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn huyện, thành phố.

4. UBND xã, phường, thị trấn

Phổ biến, hướng dẫn về thực hành sản xuất thực phẩm an toàn và tổ chức cho các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc địa bàn quản lý ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn;

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ trình UBND cấp huyện phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện;

- Thông báo công khai tại địa phương danh sách các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ không chấp hành nội dung cam kết sản xuất thực phẩm an toàn thuộc phạm vi được phân công quản lý;

- Lưu trữ có hệ thống các hồ sơ liên quan đến hoạt động kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc phạm vi được phân công quản lý theo quy định;

- Tổng hợp báo cáo kết quả định kỳ, đột xuất theo quy định.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Nội vụ, Công Thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các sở, ngành liên quan; Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4 QĐ;
- TT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH1, NC2, NLN1,2.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễ
n Hữu Thể