Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 404/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 11 năm 1983

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VIỆC THU TIỀN THAY NGÀY CÔNG LAO ĐỘNG XHCN ĐỂ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH KINH TẾ VĂN HOÁ VÀ PHÚC LỢI CÔNG CỘNG

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983;
Căn cứ Chỉ thị số 43/CT-UB ngày 11-10-1983 của Ủy ban Nhân dân thành phố về nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa;
Căn cứ tình hình thực tế của thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến của một số ngành Trung ương và thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản “quy định tạm thời việc thu tiền thay ngày công lao động xã hội chủ nghĩa để xây dựng các công trình kinh tế - văn hoá và phúc lợi công cộng của thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều 2. Các đồng chí Chánh Văn Phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thành phố, Ủy ban Nhân dân các Quận, Huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt bản quy định này, Giám đốc Sở Lao động có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VIỆC THU TIỀN THAY NGÀY CÔNG LAO ĐỘNG XHCN ĐỂ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH KINH TẾ, VĂN HOÁ VÀ PHÚC LỢI CÔNG CỘNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

A. NGUYÊN TẮC CHUNG:

1. Tất cả mọi người dân cư trú trên địa bàn thành phố trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa (nam từ 18-50 tuổi, nữ từ 18 – 45 tuổi) đều phải đóng góp một số ngày công nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa (trừ những người được miễn lao động xã hội chủ nghĩa theo qui định) cụ thể tại quyết định 648/QĐ-UB ngày 3-6-1977 của Ủy ban Nhân dân thành phố). Nếu vì những lý do chính đáng không thể đi lao động trực tiếp, những người có nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa có thể đóng tiền thay cho số ngày công lao động xã hội chủ nghĩa.

2. Số ngày công lao động xã hội chủ nghĩa được quy định là 7 ngày/ năm đối với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước (từ cấp phường, xã trở lên, kể cả số người làm hợp đồng thường xuyên với Nhà nước) và 12 ngày/ năm đối với mọi công dân khác.

3. Mức thu tiền thay công lao động xã hội chủ nghĩa được tạm thời quy định như sau :

a) Công dân trong độ tuổi lao động, không thuộc diện nói ở điểm b, c dưới đây, đóng 20đ/ngày công.

b) Cán bộ công nhân viên chức Nhà nước đóng 5đ/ngày công.

c) Chủ hộ sản xuất kinh doanh tập thể và cá thể có mức lợi tức chịu thuế hàng tháng :

- Hộ C đóng 30đ/ngày công

- Hộ B đóng 60đ/ngày công

- Hộ A đóng 100đ/ngày công

- Xã viên Hợp tác xã TTCN đóng từ 15đ đến 20đ/ngày công (tùy thu nhập của người lao động trong từng ngành nghề).

- Các xã viên, tập đoàn viên sản xuất nông nghiệp đóng 10đ/ngày công.

Những người hưởng suất miễn thu (trừ chủ hộ) đều đóng 30đ/ngày công.

d) Sinh viên, học sinh thuộc độ tuổi lao động và những công dân thuộc độ tuổi lao động mà chưa có việc làm ổn định thì phải trực tiếp tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, không được đóng tiền thay công.

B. QUẢN LÝ THU CHI QUỸ TIỀN CÔNG NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA :

4. Quỹ tiền công nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa bao gồm cả số công lao động xã hội chủ nghĩa trực tiếp của người lao động và số tiền thu thay công.

5. Ủy ban Nhân dân phường xã lập danh sách số người trong độ tuổi lao động trong các cơ quan, đơn vị cấp phường xã và trong dân trên địa bàn phường xã, có phân loại số đi lao động trực tiếp và số thu tiền thay công, báo cáo lên Ủy ban Nhân dân quận, huyện.

6. Ủy ban Nhân dân Quận, Huyện lập danh sách số người trong độ tuổi lao động của các cơ quan đơn vị từ cấp quận, huyện trở lên trên địa bàn quận, huyện, cũng phân ra 2 loại như trên.

Sau khi nhận báo cáo của các phường xã, tổng hợp thành danh sách của toàn quận, huyện. Trên cơ sở đó lập kế hoạch sử dụng lao động xã hội chủ nghĩa vào các công trình công ích của quận, huyện.

7. Việc thu tiền được tiến hành như sau :

a) Các cơ quan Nhà nước, Xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh lập danh sách theo 2 loại nói ở điểm 5, báo cáo Ủy ban Nhân dân quận, huyện duyệt và thu tiền 1 lần vào tháng 6 hàng năm.

b) Ủy ban Nhân dân phường xã lập danh sách cán bộ công nhân viên cấp phường và thông qua tổ dân phố lập danh sách công dân trong độ tuổi lao động theo 2 loại nói ở điểm 5, báo cáo Ủy ban Nhân dân quận, huyện và tiến hành thu mỗi quý 1 lần.

c) Khi thu tiền có biên lai trao cho người nộp để cán bộ công nhân viên cơ quan có căn cứ xuất trình cho Ủy ban Nhân dân phường xã nơi cư trú và làm căn cứ kiểm tra tài chánh. Biên lai thống nhất do Sở tài chánh phát hiện.

d) Số tiền thu thay công nộp vào ngân sách như sau :

Các cơ quan, xí nghiệp, Nhà nước, Ủy ban Nhân dân phường xã nộp 50% vào ngân sách quận huyện tài khoản 750, và nộp 50% vào ngân sách thành phố tài khoản 730, cùng ghi thu loại IV, khoản 82, hạng 1, tại Ngân hàng Nhà nước quận, huyện.

Việc điều tiết 50% vào ngân sách thành phố nhằm sử dụng cho các công trình công ích của thành phố và điều hoà cho quận huyện thiếu vốn xây dựng.

Tuỳ theo nhu cầu thực tế của từng phường, xã Ủy ban Nhân dân quận huyện trích quỹ tiền công nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa do quận huyện quản lý để cấp cho phường xã.

8. Việc sử dụng quỹ tiền công quy định như sau :

a) Hàng năm, Ủy ban Nhân dân quận huyện lập kế hoạch thu chi tiền công lao động xã hội chủ nghĩa của quận huyện báo cáo về Ủy ban Nhân dân thành phố (có gởi 1 bản cho Sở Lao động, 1 bản cho Sở Tài chánh thành phố).

b) Trong kế hoạch chi có nêu rõ :

Mức huy động công lao động trực tiếp và mức chi bằng tiền (trong quỹ tiền thu thay công nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa cho từng công trình xây dựng. Các công trình này phải có luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt và sẽ được ghi vào kế hoạch của thành phố.

c) Khi kế hoạch sử dụng lao động xã hội chủ nghĩa được Ủy ban Nhân dân thành phố duyệt và thông báo cho từng quận huyện và các Sở ban ngành có liên quan tuỳ theo tiến độ thi công, ngân sách thành phố và ngân sách quận huyện tiến hành tạm ứng và cấp phát thanh toán khối lượng xây dựng các công trình đã được phân bổ nguồn vốn bằng quỹ tiền công nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa, thông qua sự quản lý cấp phát của ngân hàng đầu tư và xây dựng.

d) Đối với các công trình xây dựng được phép sử dụng một phần nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa bằng công trực tiếp, các đơn vị thi công xây lắp (bên B) phải thống kê rành mạch số ngày công lao động xã hội chủ nghĩa đã được huy động cho công trình và tính ra tổng giá trị ngày công (đã quy định theo định mức năng suất quy định ở từng phần việc ở công trường) để Ngân hàng đầu tư và xây dựng có cơ sở giảm trừ không cấp phát số giá trị ngày công lao động xã hội chủ nghĩa này.

e) Hàng tháng quận huyện và Sở ban ngành chủ công trình phải báo cáo tiến độ thi công các công trình và tình hình sử dụng công lao động xã hội chủ nghĩa trực tiếp và sử dụng quỹ tiền công nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa cho các công trình đó.

Đến ngày 31-12 hàng năm, Ủy ban Nhân dân quận huyện và các Sở ban ngành có liên quan phải làm báo cáo các quyết toán tình hình sử dụng quỹ tiền công nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa.

g) Quỹ tiền công nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa không chỉ để trả công lao động và các chi phí cho người lao động làm việc ở công trình mà còn được sử dụng vào các khoản chi khác như mua vật tư, nhiên liệu v.v.. nhằm hoàn thành công trình như dự toán đã duyệt.