Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 404/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 20 tháng 07 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ SẬP ĐỔ CÔNG TRÌNH, NHÀ CAO TẦNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013;

Luật Xây dựng năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó với sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại văn bản số 442/SXD-QLCL ngày 02/7/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc các Sở, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban chỉ đạo TW về PCTT;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- CVP và các PVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, NL, NC, KTTH, CNXD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Xuân Liên

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ VỚI SỰ CỐ SẬP ĐỔ CÔNG TRÌNH, NHÀ CAO TẦNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 20/7/2015 của UBND tỉnh)

Sự cố công trình xây dựng là hư hỏng vượt quá giới hạn an toàn cho phép, làm cho công trình xây dựng hoặc kết cấu phụ trợ thi công xây dựng công trình có nguy cơ sập đổ, đã sập đổ một phần hoặc toàn bộ trong quá trình thi công xây dựng và khai thác sử dụng công trình.

Hiện nay, sự cố công trình do quá trình thi công, khai thác sử dụng hay do thiên tai diễn ra ngày một phức tạp, xuất hiện ở cả những công trình, nhà cao tầng hiện đại, có quy mô lớn gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Thực hiện Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đến năm 2020; Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 12/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020;

UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch ứng phó với sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Chủ động, sẵn sàng ứng phó, kịp thời triển khai khắc phục hậu quả do sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng (bao gồm: sập đổ công trình, dàn giáo trong khi thi công xây dựng; sập đổ công trình nhà cao tầng...) và tìm kiếm cứu nạn; hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất về người và tài sản.

2. Xác định cụ thể nội dung, nhiệm vụ để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó với sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020, đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tế của tỉnh.

3. Hệ thống tổ chức, phân công nhiệm vụ hoạt động của các cơ quan liên quan, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng khi có tình huống sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình, nhà cao tầng, xác định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng tham gia ứng phó và xác định chủng loại phương tiện, trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; đảm bảo sự thống nhất đầu mối chỉ đạo hoạt động ứng phó với sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020.

4. Định hướng, chủ động cân đối kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm phương tiện, trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực để phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Xây dựng kế hoạch, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

2. Đảm bảo cơ chế chính sách thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, ứng phó hiệu quả; khuyến khích các thành phần tự nguyện tham gia hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

3. Tăng cường vai trò trách nhiệm của các sở, ban ngành, các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng và biện pháp phòng tránh.

4. Tăng cường học tập kinh nghiệm quản lý, chỉ huy, điều hành, huấn luyện, đào tạo; đẩy mạnh đầu tư, áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới; khai thác có hiệu quả các nguồn vốn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

III. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI KHI CÓ SỰ CỐ SẬP ĐỔ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG, NHÀ CAO TẦNG

1. Cơ quan chỉ đạo: UBND tỉnh.

2. Các lực lượng tham gia:

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố (địa bàn xảy ra sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng) và các đơn vị liên quan.

- Lực lượng trực tiếp tham gia cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn: Quân đội, Công an, Y tế và các lực lượng khác theo điều động của cơ quan chỉ đạo.

3. Phương tiện, trang thiết bị: máy xúc, máy gạt, xe cẩu, xe thang, xe nâng, kích, xe đầu kéo, máy đục, máy khoan cắt bê tông, nhà bạt cứu sinh và các trang thiết bị khác.

IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Thường trực ban chỉ đạo về công tác tìm kiếm cứu nạn của tỉnh):

- Xây dựng phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện; chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp, triển khai công tác ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo lực lượng quân đội là lực lượng chủ lực, nòng cốt;

- Huấn luyện và thực hành diễn tập cho lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi tham gia ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng; đảm bảo lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ sử dụng thành thạo các loại phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ;

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp, xây dựng danh mục, tham mưu đề xuất UBND tỉnh trong việc đầu tư trang bị các phương tiện, trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng.

2. Sở Xây dựng:

- Triển khai thực hiện Luật Xây dựng, các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh liên quan đến công tác ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh;

- Nghiên cứu, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng các công trình, nhà ở, chung cư nhằm có khả năng chịu được động đất, gió, bão, lốc xoáy có cường độ cao, nhất là ở những vùng thường xuyên, trực tiếp ảnh hưởng;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, các chủ đầu tư và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đề xuất hướng xử lý các công trình xây dựng, nhà cao tầng có nguy cơ xảy ra sự cố sập đổ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, công trình lân cận và cộng đồng;

- Rà soát, nắm bắt thông tin về phương tiện, các thiết bị thi công xây dựng của các đơn vị hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời đề xuất trưng dụng khẩn cấp các trang thiết bị cần thiết trong việc phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, xử lý sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng;

- Tham mưu UBND tỉnh trong việc giải quyết sự cố công trình theo thẩm quyền;

- Báo cáo nhanh các sự cố, thiên tai xảy ra gây sập đổ các công trình xây dựng, nhà cao tầng với UBND tỉnh và Bộ Xây dựng;

- Tổng hợp, báo cáo định kỳ về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng với UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.

3. Sở Y tế:

- Huy động nhân lực, lực lượng y bác sỹ, phương tiện cấp cứu, cơ số máu, cơ số thuốc cần thiết, đảm bảo việc sơ cứu ban đầu và đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất khi xảy ra sự cố sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng;

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh thực hiện việc trưng cầu giám định mẫu ADN theo quy định khi có các nạn nhân chưa được xác định danh tính, chưa được gia đình nhận dạng do sự cố sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng gây ra trước khi mai táng; bảo quản và xác định danh tính nạn nhân bị thiệt mạng do sự cố gây ra theo đúng quy định để bàn giao cho gia đình nạn nhân;

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên Môi trường xây dựng kế hoạch và giải pháp vệ sinh, làm sạch môi trường ở nơi xảy ra sự cố.

4. Công an tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức điều tra khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân của sự cố tai nạn xảy ra; phối hợp với Sở Y tế thực hiện việc trưng cầu giám định mẫu ADN khi có các nạn nhân chưa được xác định danh tính, chưa được gia đình nhận dạng;

- Phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ban ngành liên quan thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ do sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng; tổ chức bảo vệ hiện trường, điều tra, khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân của sự cố tai nạn;

- Triển khai các lực lượng để bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, các công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp, ngăn ngừa các đối tượng xấu lợi dụng tình hình thiên tai để hôi của, trộm cắp, cướp giật;

- Tăng cường lực lượng hướng dẫn, giải quyết, xử lý ách tắc giao thông trong thời gian xảy ra sự cố sập đổ công trình, nhà ở cao tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các phương tiện giao thông hoạt động;

- Xây dựng kế hoạch huy động lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy khi có sự cố theo yêu cầu của UBND tỉnh.

5. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Bố trí kế hoạch vốn, kinh phí dự phòng cho công tác ứng cứu sự cố, khắc phục hậu quả kịp thời, đảm bảo nhu cầu.

6. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình chuyên ngành theo quy định, yêu cầu tạm dừng thi công nếu phát hiện chất lượng công trình không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ gây sập đổ công trình hoặc biện pháp thi công công trình không đảm bảo an toàn theo thẩm quyền đúng quy định;

- Phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh tổ chức giám định chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành khi xảy ra sự cố gây sập đổ công trình theo chuyên ngành quản lý;

- Báo cáo nhanh các sự cố và báo cáo định kỳ về công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành về UBND tỉnh, Sở Xây dựng.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý chuyên ngành kiểm tra, đề xuất hướng xử lý các công trình xây dựng, nhà cao tầng trên địa bàn quản lý có nguy cơ xảy ra sự cố sập đổ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân;

- Thường xuyên kiểm tra các vị trí xung yếu trên địa bàn đề xuất giải pháp phòng ngừa và ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước;

- Xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất;

- Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân các biện pháp giằng, nâng đỡ, chống nhà cửa an toàn nhằm phòng tránh tốc mái, sập đổ khi xảy ra giông, gió, lốc xoáy;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu để trợ giúp và tổ chức cung ứng hàng hóa cứu trợ cho người dân ở khu vực xảy ra sự cố sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng; kiểm tra, xử lý các hành vi lợi dụng việc xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa để đầu cơ, nâng giá gây ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân;

- Chỉ đạo, hỗ trợ các bên có liên quan tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện các công việc cần thiết khác trong quá trình giải quyết sự cố. Việc phá dỡ, thu dọn hiện trường sự cố phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Được thực hiện theo phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản và các công trình lân cận;

+ Hiện trường sự cố phải được các bên liên quan chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép các tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi phá dỡ, thu dọn;

+ Sự cố phải được xác định đúng nguyên nhân để khắc phục triệt để, đảm bảo chất lượng công trình theo quy định của thiết kế. Sau khi khắc phục sự cố, công trình được thi công tiếp hoặc đưa vào sử dụng phải có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Kiện toàn Ban Chỉ huy, đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm của các cấp huyện, cấp xã.

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể thuộc trách nhiệm của cơ quan, địa phương mình.

- Tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh và Sở Xây dựng định kỳ hàng năm, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.

8. UBND cấp xã

Ngay sau khi nhận được thông tin xảy ra sự cố, bằng phương pháp nhanh nhất phải báo cáo cho UBND cấp huyện và UBND tỉnh về sự cố; tham gia công tác ứng cứu và bảo vệ hiện trường khi sự cố xảy ra.

9. Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý, sử dụng, nhà thầu thi công

- Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời để tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện báo cáo theo quy định;

- Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư báo cáo về sự cố bằng văn bản tới UBND cấp huyện và UBND cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố. Đối với tất cả các loại sự cố, nếu có thiệt hại về người thì chủ đầu tư còn phải gửi báo cáo cho Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan;

- Nhà thầu thi công xây dựng, chủ đầu tư và các bên có liên quan phải thường xuyên kiểm tra giám sát công tác an toàn lao động trên công trường. Khi xảy ra sự cố mất an toàn phải tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đến khi khắc phục xong mới được tiếp tục thi công;

- Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý, sử dụng có trách nhiệm lập hồ sơ sự cố bao gồm các nội dung sau:

+ Biên bản kiểm tra hiện trường sự cố với các nội dung: Tên công trình, hạng mục công trình xảy ra sự cố; địa điểm xây dựng công trình, thời điểm xảy ra sự cố, mô tả sơ bộ và diễn biến sự cố; tình trạng công trình khi xảy ra sự cố; sơ bộ về tình hình thiệt hại về người và vật chất; sơ bộ về nguyên nhân sự cố;

+ Các tài liệu về thiết kế và thi công xây dựng công trình liên quan đến sự cố;

+ Hồ sơ giám định nguyên nhân sự cố;

+ Các tài liệu liên quan đến quá trình giải quyết sự cố.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Giao Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, người đứng đầu các cơ sở, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện Kế hoạch này;

- Các Sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán ngân sách, đảm bảo nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch;

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, người đứng đầu các cơ sở nhà cao tầng, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được phân công chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Định kỳ hàng năm sơ kết và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Xây dựng) để theo dõi chỉ đạo.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, đề xuất giải pháp, báo cáo UBND tỉnh xử lý./.