ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4056/2015/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 18 tháng 12 năm 2015 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM KIỂM SOÁT LIÊN HỢP KM15 - BẾN TẦU DÂN TIẾN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 06 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Căn cứ Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến; Quyết định số 118/2002/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2002 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08 tháng 5 năm 2015 của liên Bộ: Tài chính - Công Thương - Công an - Quốc phòng quy định chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường;
Xét đề nghị của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh tại Tờ trình số 2408/TTr-HQQN ngày 21 tháng 9 năm 2015, Công văn số 3176/HQQN-CBL ngày 01 tháng 12 năm 2015; Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp số 136/BC-STP ngày 9 tháng 9 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về tổ chức, hoạt động của Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tầu Dân Tiến”.
Điều 2. Giao Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1256/2012/QĐ-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Quy định tổ chức, hoạt động của Trạm kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Cục Hải quan tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái, Thủ trưởng các ngành liên quan và Trạm trưởng Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tầu Dân Tiến căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM KIỂM SOÁT LIÊN HỢP KM15 - BẾN TẦU DÂN TIẾN
(Ban hành kèm theo Quyết định số:4056/2015/QĐ-UBND ngày 18/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Quy định này áp dụng cho Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tầu Dân Tiến tỉnh Quảng Ninh (sau đây gọi tắt là Trạm) nhằm kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi và đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy và các loại tội phạm khác; thu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác đối với hàng hóa nhập khẩu (nếu có) trong trường hợp chưa nộp khi nhập khẩu vào Việt Nam; tham gia kiểm tra, xử lý đối với người, phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; vi phạm an ninh trật tự và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại địa bàn do Trạm quản lý.
Điều 2. Đối tượng kiểm tra, kiểm soát
1. Phương tiện, hàng hóa của tổ chức, cá nhân vận chuyển qua Trạm, khu vực hai bên cánh gà và các đường mòn phụ cận có dấu hiệu vi phạm pháp luật đều thuộc đối tượng kiểm tra, kiểm soát.
2. Tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hóa qua địa bàn Trạm quản lý phải có trách nhiệm xuất trình hàng hóa, chứng từ kèm theo cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát của Trạm khi được yêu cầu.
3. Tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, vi phạm an ninh trật tự và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn Trạm quản lý.
4. Tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát trong phạm vi địa bàn quản lý của Trạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết Trạm phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
1. Việc kiểm tra người chỉ được tiến hành khi có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; có hành vi vi phạm các quy định xuất cảnh, nhập cảnh và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Việc kiểm tra phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
2. Việc kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa được tiến hành đồng thời với việc kiểm tra hàng hóa.
3. Việc kiểm tra các phương tiện khác chỉ được thực hiện khi có thông tin về hoạt động vận chuyển hàng lậu, hàng gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
1. Thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy và các loại tội phạm khác.
2. Thu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác đối với hàng hóa nhập khẩu (nếu có) trong trường hợp chưa nộp khi nhập khẩu vào Việt Nam, trừ các mặt hàng cấm nhập khẩu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhập khẩu có điều kiện và hàng phải dán tem.
3. Kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và tham mưu xử lý vi phạm; quản lý tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật.
4. Phối hợp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và tham mưu xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; các hành vi vi phạm an ninh trật tự và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn Trạm quản lý.
5. Phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không tham gia và tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; phát hiện, tố giác đối tượng, đường dây, tổ chức buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
6. Tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn Trạm đóng quân, hỗ trợ chính quyền địa phương khi có thiên tai, địch họa.
1. Trạm được đặt cố định tại Km15 thuộc thôn 6, xã Hải Tiến, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Trạm được lập cần BARIE cố định, cắm các biển chỉ dẫn để hướng dẫn người, phương tiện vào địa điểm kiểm tra theo quy định.
2. Khi có thông tin về các tổ chức, cá nhân, phương tiện có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác qua địa bàn Trạm quản lý thì được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ: Tạm giữ giấy tờ, hàng hóa, tang vật, phương tiện vận tải vi phạm để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
3. Được kiểm tra hóa đơn chứng từ kèm theo hàng hóa vận chuyển từ Móng Cái vào nội địa qua Trạm theo quy định.
4. Trong phạm vi địa bàn hoạt động, được quyền phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của Trạm.
5. Trường hợp khẩn cấp, Trạm trưởng được trưng dụng các phương tiện giao thông và thiết bị, phương tiện thông tin liên lạc của các tổ chức, cá nhân, kể cả người điều khiển (trừ phương tiện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài, được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định hiện hành) để truy bắt đối tượng vi phạm, đồng thời phải thông báo cho cơ quan chức năng trên địa bàn để phối hợp, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Cơ cấu tổ chức, Thành phần và biên chế của từng lực lượng
Trạm gồm Trạm trưởng, hai Phó Trạm trưởng và các Đội công tác.
1. Trạm trưởng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, là lãnh đạo cấp Trưởng phòng hoặc tương đương thuộc Cục Hải quan tỉnh.
2. Hai Phó Trạm trưởng là cấp Phó Trưởng phòng hoặc tương đương thuộc Cục Hải quan tỉnh và Cục Thuế tỉnh, do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh và Cục trưởng Cục Thuế tỉnh điều động, bổ nhiệm.
3. Đội công tác của Trạm gồm:
- Đội Kiểm tra hàng hóa.
- Đội Kiểm soát chống buôn lậu.
- Đội kiểm tra thủ tục nhập cảnh và hướng dẫn giao thông, trật tự.
- Các Đội công tác gồm Đội trưởng và Phó Đội trưởng.
4. Thành phần và biên chế của từng lực lượng:
4.1. Hải quan: 26 người.
4.2. Thuế: 15 người.
4.3. Công an: 13 người, gồm:
4.3.1. Cảnh sát trật tự, cơ động: 05 người;
4.3.2. Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ: 01 người;
4.3.3. Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy: 01 người;
4.3.4. Cảnh sát giao thông: 06 người.
4.4. Bộ đội Biên phòng: 07 người.
4.5. Quản lý thị trường: 04 người.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trạm trưởng
Trạm trưởng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và trước pháp luật về mọi hoạt động của Trạm, cụ thể:
1. Lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của Trạm; giao nhiệm vụ hoặc uỷ quyền cho các Phó Trạm trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trạm.
2. Triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quyết định, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách xuất nhập khẩu, quy trình nghiệp vụ do các cấp có thẩm quyền ban hành. Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác năm và các quyết định kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của các Đội công tác tại Trạm (kiểm tra định kỳ, đột xuất hoặc theo chuyên đề).
3. Căn cứ nội dung phát động thi đua và các quy định, hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Hải quan tỉnh và Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái để phát động và tổ chức các phong trào thi đua của Trạm. Chủ trì họp bình xét thi đua trình lãnh đạo các cấp khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
4. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất để đánh giá, triển khai thực hiện nhiệm vụ của Trạm. Tham gia sinh hoạt với các Đội công tác theo chương trình công tác định kỳ.
5. Quyết định phân công nhiệm vụ, điều động đến các Đội công tác đối với công chức, cán bộ, chiến sỹ tại Trạm sau khi đã tham khảo ý kiến của Trưởng các lực lượng tham gia tại Trạm.
6. Quản lý và điều hành hoạt động của Trạm có hiệu quả, ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, hách dịch, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác trong đội ngũ công chức, cán bộ, chiến sỹ tại Trạm.
7. Căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức, cán bộ, chiến sỹ tại Trạm; hàng tháng, quý, năm, Trạm trưởng nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và gửi các cơ quan chủ quản làm căn cứ phân loại và bình xét thi đua, khen thưởng. Việc nhận xét, đánh giá, phân loại, bình xét thi đua đảm bảo dân chủ, khách quan và thực hiện theo quy định của pháp luật.
8. Chỉ đạo việc cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí về tình hình hoạt động của Trạm. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trạm trưởng
Phó Trạm trưởng là người giúp việc cho Trạm trưởng có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Tham mưu cho Trạm trưởng tổ chức thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ công tác của Trạm. Trực tiếp xử lý các mặt công tác theo sự phân công hoặc uỷ quyền của Trạm trưởng.
2. Chịu trách nhiệm giải quyết công việc thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách hoặc được uỷ quyền, kịp thời báo cáo Trạm trưởng những việc vượt thẩm quyền. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, chiến sỹ thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
3. Thay mặt Trạm trưởng giải quyết những việc cụ thể theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc đột xuất phát sinh. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trạm trưởng về những việc được giao và những việc đã giải quyết. Báo cáo Trạm trưởng những việc đã điều hành, giải quyết và những việc quan trọng, kết quả các cuộc họp do mình chủ trì.
4. Ký thay Trạm trưởng các quyết định, văn bản theo sự phân công hoặc uỷ quyền của Trạm trưởng.
5. Đề xuất công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật của Trạm và các nhiệm vụ khác do Trạm trưởng giao.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đội trưởng các Đội công tác
1. Đội trưởng Đội kiểm tra hàng hóa, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu: Là công chức Cục Hải quan tỉnh và do Cục Trưởng Cục hải quan tỉnh điều động, bổ nhiệm.
Đội trưởng Đội kiểm tra thủ tục nhập cảnh và hướng dẫn giao thông, trật tự: Là sỹ quan thuộc Công an thành phố Móng Cái và do Công an thành phố Móng Cái điều động, bổ nhiệm.
2. Đội trưởng các Đội công tác là người lãnh đạo, quản lý trực tiếp toàn bộ hoạt động của Đội, chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng và trước pháp luật về mọi quyết định của mình. Đội trưởng chấp hành sự phân công và chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng về việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
3. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hàng ngày của Đội theo chức năng, nhiệm vụ; được phân công một số nhiệm vụ cụ thể về quản lý, điều hành công việc của Đội cho Phó Đội trưởng; chịu trách nhiệm chính trong phân công nhiệm vụ hàng ngày cho các thành viên của Đội và trực tiếp tham gia công tác nghiệp vụ; chịu trách nhiệm về những việc do mình trực tiếp giải quyết, xử lý; chịu trách nhiệm liên đới về những việc giao cho cấp dưới. Những vấn đề vượt thẩm quyền, những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng liên ngành, Đội công tác khác phải kịp thời báo cáo lãnh đạo Trạm để xin ý kiến giải quyết.
4. Chủ động phối hợp và hợp tác với các Đội công tác khác tại Trạm trong giải quyết công việc có liên quan theo đúng thẩm quyền và thực thi nhiệm vụ chung của toàn đơn vị. Chịu sự kiểm tra, hướng dẫn về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan quản lý trực tiếp.
5. Chủ trì, nghiên cứu và soạn thảo các văn bản của Trạm ban hành thuộc chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực công tác của Đội mình. Chịu trách nhiệm về nội dung, thể thức văn bản và thời hạn trình lãnh đạo Trạm ký ban hành.
6. Đề xuất, báo cáo lãnh đạo Trạm những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý, những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để lãnh đạo Trạm báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định hoặc chỉ đạo các Đội công tác khác thực hiện; đề nghị biểu dương, khen thưởng, bảo vệ quyền lợi, động viên tinh thần công chức, cán bộ, chiến sỹ của Đội.
7. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công chức, cán bộ, chiến sỹ thuộc Đội công tác thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, chính sách, pháp luật; kịp thời chấn chỉnh hoặc đề xuất xử lý các sai phạm của cấp dưới. Đề xuất công tác thi đua - khen thưởng, kỷ luật của Trạm và các nhiệm vụ khác do Trạm trưởng giao.
8. Riêng Đội trưởng Đội kiểm tra hàng hóa, ngoài phạm vi giải quyết công việc nêu trên của Điều này còn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp giải quyết theo chức năng của Văn phòng Trạm.
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Đội trưởng các Đội công tác
1. Phó Đội trưởng Đội kiểm tra hàng hóa, Phó Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu: Là công chức Cục Hải quan tỉnh và do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh điều động, bổ nhiệm.
Phó Đội trưởng Đội kiểm tra thủ tục nhập cảnh và hướng dẫn giao thông, trật tự: Là sỹ quan thuộc Công an thành phố Móng Cái và do Công an thành phố Móng Cái điều động, bổ nhiệm.
2. Phó Đội trưởng là người giúp việc cho Đội trưởng, thực hiện các nhiệm vụ do Đội Trưởng phân công, đồng thời trực tiếp tham gia công tác nghiệp vụ. Chấp hành nghiêm sự phân công của Trạm trưởng và chịu trách nhiệm trước pháp luật, về những việc do mình trực tiếp giải quyết; chịu trách nhiệm liên đới về những việc giao cho cấp dưới trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đội công tác.
3. Thay mặt Đội trưởng điều hành các hoạt động của Đội công tác khi Đội trưởng đi vắng. Báo cáo Đội trưởng để xem xét, xử lý những vấn đề liên quan tới công việc được phân công phụ trách vượt thẩm quyền, những vấn đề phức tạp và mới phát sinh.
Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phụ trách các lực lượng tham gia tại Trạm
1. Lãnh đạo các lực lượng là công chức, cán bộ, chiến sỹ được lãnh đạo cơ quan chủ quản giao quản lý công chức, cán bộ, chiến sỹ của lực lượng mình; chịu trách nhiệm quản lý công chức, cán bộ, chiến sỹ của lực lượng mình trước cơ quan chủ quản và trước Trạm trưởng về việc quản lý của mình, đồng thời chịu trách nhiệm liên đới về những vi phạm của công chức, cán bộ, chiến sỹ của lực lượng mình.
2. Tham gia và chuẩn bị ý kiến phát biểu tại các cuộc họp do Trạm tổ chức. Đề xuất việc thực hiện chế độ, chính sách mới của Nhà nước, chỉ đạo của cấp trên trong lĩnh vực, nghiệp vụ của ngành mình liên quan tới hoạt động của Trạm để Trạm trưởng chỉ đạo thực hiện.
3. Tham mưu, đề xuất Trạm trưởng quyết định việc phân công, điều động, luân chuyển công chức, cán bộ, chiến sỹ của ngành mình trong nội bộ Trạm.
4. Chủ động phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.
5. Phụ trách các lực lượng khi được điều động, bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ tại Trạm, chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo cũng như sự điều hành của Trạm trưởng.
Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của công chức, cán bộ, chiến sỹ thừa hành
1. Công chức, cán bộ, chiến sỹ thừa hành phải chấp hành nghiêm chỉnh sự phân công của lãnh đạo. Có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ được ban hành tại Quyết định này và các quyết định, quy định liên quan do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Những nội dung vượt quá thẩm quyền phải báo cáo xin ý kiến lãnh đạo trực tiếp (trừ trường hợp cần thiết, cấp bách được phép báo cáo trực tiếp với Trạm trưởng).
2. Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao, không đùn đẩy trách nhiệm, trì hoãn công việc, gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong khi thực hiện nhiệm vụ. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, lãnh đạo Trạm về công việc được giao thực hiện.
3. Chấp hành nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật lao động, chế độ sinh hoạt, học tập; có ý thức và tinh thần xây dựng tình đoàn kết, bảo vệ nội bộ, bảo vệ an toàn cơ quan.
Điều 13. Chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng tham gia tại Trạm
1. Lực lượng Hải quan
1.1. Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy và các loại tội phạm khác.
1.2. Thu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác đối với hàng hóa nhập khẩu (nếu có) trong trường hợp chưa nộp khi nhập khẩu vào Việt Nam.
1.3. Kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn; tham mưu xử lý vi phạm và quản lý tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật.
1.4. Phối hợp với chính quyền và các lực lượng chức năng của địa phương nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, xử lý các đối tượng, đường dây, tổ chức buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
1.5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trạm trưởng phân công.
2. Lực lượng Thuế: Phối hợp thực hiện việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa, phương tiện vận tải lưu thông qua Trạm; thu thuế theo từng lần phát sinh theo quy định của pháp luật về thuế và thực hiện nhiệm vụ khác do Trạm trưởng phân công.
3. Lực lượng Công an: Trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực trụ sở Trạm; tham gia giữ gìn an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn Trạm quản lý; phối hợp thực hiện đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy…và thực hiện nhiệm vụ khác do Trạm trưởng phân công.
4. Lực lượng Biên phòng: Trực tiếp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; phối hợp thực hiện đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…; tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Trạm và thực hiện nhiệm vụ khác do Trạm trưởng phân công.
5. Lực lượng Quản lý Thị trường: Phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm; hàng không rõ xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…; tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Trạm và thực hiện nhiệm vụ khác do Trạm trưởng phân công.
Điều 14. Nhiệm vụ, thành phần các Đội công tác
1. Đội Kiểm tra hàng hóa
1.1. Kiểm tra, giám sát, tính thuế, thu thuế nhập khẩu bổ sung, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí và lệ phí (nếu có) và thuế theo từng lần phát sinh (trừ các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhập khẩu có điều kiện và hàng phải dán tem).
1.2. Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy và các loại tội phạm khác.
1.3. Kiểm tra hành chính đối với người, phương tiện vận tải có biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật từ thành phố Móng Cái qua Trạm tại điểm Km 15.
1.4. Phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực trụ sở Trạm.
1.5. Thành phần: Hải quan, Thuế, Công an (Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ; Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Cảnh sát trật tự, cơ động), Bộ đội Biên phòng và Quản lý thị trường. Việc kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải ít nhất phải có công chức, cán bộ, chiến sỹ của ba lực lượng trở lên tham gia (Hải quan, Thuế, Công an, Bộ đội Biên phòng và Quản lý thị trường).
2. Đội Kiểm soát chống buôn lậu
2.1. Phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh đối với các đối tượng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; các hành vi vi phạm pháp luật về thuế; các đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy và các loại tội phạm khác.
2.2. Địa bàn hoạt động: Khu vực hai bên cánh gà Trạm, trước, sau Trạm trên đường Quốc lộ 18A, khu vực Bến tàu Dân Tiến, cầu Thính Coóng, khu vực xung quanh trong phạm vi 100m tính từ tường rào của Trạm và các đường mòn phụ cận xung quanh.
2.3. Phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Trạm quản lý.
2.4. Thành phần: Hải quan, Thuế, Công an (Cảnh sát trật tự, cơ động), Bộ đội Biên phòng và Quản lý thị trường.
3. Đội Kiểm tra thủ tục nhập cảnh và hướng dẫn giao thông, trật tự
3.1. Hướng dẫn đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho người, phương tiện qua khu vực Trạm. Thực hiện phân luồng hướng dẫn các loại phương tiện chở hàng hóa nhập khẩu vào vị trí kiểm tra, kiểm soát theo quy định.
3.2. Kiểm tra, xử lý đối với người, phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, vi phạm an ninh trật tự tại địa bàn Trạm quản lý và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3.3. Phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát để bắt giữ, xử lý những trường hợp không chấp hành vào vị trí kiểm tra, kiểm soát tại Trạm theo quy định.
3.4. Đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Trạm quản lý và phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại khu vực BARIE của Trạm.
3.5. Thành phần: Hải quan, Thuế, Công an (Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cơ động), Bộ đội Biên phòng và Quản lý thị trường.
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
1. Chế độ họp
1.1. Đối với Trạm
1.1.1. Họp giao ban Trạm: Định kỳ 2 lần/tháng, Trạm trưởng tổ chức họp giao ban Trạm gồm lãnh đạo Trạm và lãnh đạo các Đội công tác để kiểm điểm những việc đã làm được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đồng thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm và triển khai nhiệm vụ.
1.1.2. Họp chuyên đề: Theo từng chuyên đề cụ thể để lập kế hoạch và triệu tập họp. Các Đội công tác được giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung họp phải chuẩn bị nội dung, tài liệu trình lãnh đạo Trạm duyệt trước khi diễn ra cuộc họp.
1.1.3. Họp đột xuất: Trong trường hợp cần thiết, Trạm trưởng quyết định họp đột xuất.
1.1.4. Họp toàn Trạm: Định kỳ 1 lần/quý, Trạm trưởng tổ chức họp đơn vị kiểm điểm những việc đã làm được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đồng thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm và triển khai nhiệm vụ trong quý mới.
1.2. Đối với các Đội công tác
1.2.1. Định kỳ 1 lần/tháng, các Đội công tác tổ chức họp Đội ngay sau khi họp giao ban Trạm để phổ biến, quán triệt văn bản mới, ý kiến chỉ đạo của cấp trên, kiểm điểm những việc đã làm được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đồng thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm và triển khai nhiệm vụ tháng tiếp theo.
1.2.2. Trong trường hợp có việc phát sinh, các Đội công tác tổ chức họp đột xuất để giải quyết kịp thời.
1.2.3. Việc tổ chức họp Đội phải có lãnh đạo Trạm (Trạm trưởng hoặc Phó Trạm trưởng phụ trách Đội) tham dự.
1.3. Đối với các lực lượng tham gia tại Trạm: Ngoài các cuộc họp nêu trên, phụ trách các lực lượng tiến hành phổ biến, triển khai kế hoạch, chương trình công tác, nội dung các cuộc họp của cơ quan chủ quản tới toàn thể công chức, cán bộ, chiến sỹ của lực lượng mình.
2. Chế độ báo cáo và cung cấp thông tin
2.1. Trạm trưởng chịu trách nhiệm báo cáo tháng, quý, năm và báo cáo đột xuất (nếu có) với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) về tình hình hoạt động của Trạm.
2.2. Các lực lượng tham gia tại Trạm thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của mỗi ngành. Việc cung cấp thông tin, báo cáo phải thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo của Trạm.
2.3. Khi thi hành nhiệm vụ các công chức, cán bộ, chiến sỹ phải chấp hành nghiêm túc sự phân công và báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh với lãnh đạo Đội trực tiếp. Các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền, lãnh đạo Đội phải báo cáo kịp thời lãnh đạo Trạm để xin ý kiến.
3. Tác phong làm việc
3.1. Công chức, cán bộ, chiến sỹ của Trạm khi thi hành nhiệm vụ phải mặc trang phục, đeo cầu vai, ve cổ, phù hiệu, biển hiệu đầy đủ theo quy định của ngành mình.
3.2. Có thái độ văn minh, lịch sự, hướng dẫn chế độ chính sách, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện và hành khách lưu thông qua Trạm.
3.3. Thực hiện nghiêm túc giờ giấc làm việc theo quy định của Trạm.
4. Thời gian thực hiện nhiệm vụ tại Trạm
4.1. Công chức, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng được điều động đến Trạm công tác với thời gian tối thiểu là 2 năm và tối đa là 3 năm. Một số trường hợp cụ thể do các ngành chủ động luân chuyển nhưng phải bảo đảm sự ổn định về quân số cán bộ công tác tại trạm.
4.2. Trạm trưởng ra quyết định phân công nhiệm vụ, điều động công chức, cán bộ, chiến sỹ đến các Đội công tác sau khi đã tham khảo ý kiến của cán bộ phụ trách của các lực lượng tham gia tại Trạm. Thời gian công tác tại mỗi Đội công tác không quá 1 năm (Trừ trường hợp đặc biệt việc luân chuyển có thể thực hiện theo yêu cầu công tác).
4.3. Các quyết định phân công, điều động đối với công chức, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng được thông báo tới Cơ quan chủ quản biết.
5. Các ấn chỉ thu thuế nhập khẩu bổ sung và các ấn chỉ khác có liên quan đến bắt giữ, xử lý vi phạm sử dụng ấn chỉ của ngành Hải quan, ấn chỉ thu thuế theo từng lần phát sinh sử dụng ấn chỉ của ngành Thuế.
6. Căn cứ vào tình hình công việc, giao Trạm trưởng chỉ đạo mở một số loại sổ sách theo dõi hoạt động nghiệp vụ tại Trạm. Công chức, cán bộ, chiến sỹ của Trạm có nhiệm vụ ghi chép, cập nhật đầy đủ vào sổ sách về hoạt động của Trạm trong việc kiểm tra, kiểm soát, tạm giữ, xử lý, đề xuất xử lý vi phạm...
1. Trạm chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Trạm.
2. Trạm phối hợp với các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương để tổ chức điều hành các hoạt động của Trạm, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng theo quy định.
3. Các ngành chức năng liên quan của tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao và bố trí đủ công chức, cán bộ, chiến sỹ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, trình độ nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được phân công. Thủ trưởng các ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng điều hành công việc, không phân công kiêm nhiệm nhiệm vụ khác của các cơ quan chủ quản trong thời gian thực hiện nhiệm vụ của công chức, cán bộ, chiến sỹ đóng tại Trạm.
4. Các vấn đề về tài chính đảm bảo duy trì các hoạt động thường xuyên của Trạm, Trạm trưởng lập báo cáo cụ thể trình Sở Tài chính thẩm định báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
QUY TRÌNH KIỂM TRA THU THUẾ VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
1. Đối với hàng hóa do các tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu trực tiếp bán cho doanh nghiệp khác vận chuyển qua Trạm:
1.1. Trường hợp hàng hóa có áp tải, niêm phong hoặc kẹp chì
1.1.1. Trường hợp hàng hóa có Hải quan cửa khẩu áp tải
Lô hàng đã làm thủ tục Hải quan tại cửa khẩu Móng Cái (kể cả hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu, hàng được phép đưa về bảo quản); những lô hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp đóng tại địa bàn thành phố Móng Cái đã hoàn thành thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, doanh nghiệp xuất hóa đơn bán hàng cho một doanh nghiệp khác (hàng hóa không bốc xếp xuống kho tại Móng Cái mà để nguyên trên phương tiện vận chuyển).
Về thủ tục: Trường hợp không có nghi vấn về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thì không kiểm tra thực tế hàng hóa mà chỉ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, đối chiếu với Sổ bàn giao hàng hóa áp tải của Hải quan cửa khẩu, Sổ nhận bàn giao hàng hóa áp tải của Trạm và biển kiểm soát của phương tiện vận tải, nếu hợp lệ công chức Hải quan tại Trạm sẽ cùng công chức Hải quan cửa khẩu ký vào Sổ bàn giao hàng hóa áp tải của Hải quan cửa khẩu, Sổ nhận bàn giao hàng hóa áp tải của Trạm; công chức Hải quan cửa khẩu chịu trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa làm căn cứ tính và thu thuế (nếu có); cán bộ thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa ký tên, đóng dấu ghi ngày, tháng, năm qua Trạm lên hóa đơn, chứng từ và tờ khai nhập khẩu, trả hồ sơ cho chủ hàng.
1.1.2. Trường hợp lô hàng đã làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu Móng Cái (cả hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu, hàng được phép đưa về bảo quản) được niêm phong hoặc kẹp chì: Nếu không có nghi vấn về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thì không kiểm tra thực tế hàng hóa mà chỉ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, kiểm tra và đối chiếu thực tế tình trạng niêm phong, kẹp chì với Biên bản bàn giao do Hải quan cửa khẩu lập (nếu có), Sổ theo dõi hàng hóa niêm phong, kẹp chì của Trạm và biển kiểm soát của phương tiện vận tải; nếu hợp lệ thì cán bộ kiểm tra tại Trạm cùng chủ hàng ký xác nhận vào Sổ theo dõi hàng hóa niêm phong, kẹp chì; chủ hàng hoặc người đại diện hợp pháp của chủ hàng (sau đây gọi là chủ hàng) chịu trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa làm căn cứ tính và thu thuế (nếu có); cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa ký tên, đóng dấu ghi ngày, tháng, năm qua Trạm lên hóa đơn, chứng từ và tờ khai nhập khẩu, trả hồ sơ cho chủ hàng.
1.2. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu không có Hải quan áp tải hoặc không có niêm phong, kẹp chì thì tiến hành các bước sau:
1.2.1. Lô hàng đã làm thủ tục Hải quan tại cửa khẩu Móng Cái không có công chức Hải quan cửa khẩu áp tải, không có niêm phong hoặc kẹp chì: Khi vận chuyển qua Trạm, chủ hàng phải khai báo Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH), xuất trình toàn bộ tờ khai nhập khẩu đã thông quan, hóa đơn, chứng từ theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư số 64/2015/TTLT-BTC- BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 để chứng minh tính hợp pháp của lô hàng; cán bộ kiểm tra hàng hóa tại Trạm kiểm tra, đối chiếu với thực tế hàng hóa. Trường hợp phát hiện vi phạm, cán bộ kiểm tra phải báo cáo lãnh đạo Đội phụ trách hoặc lãnh đạo Trạm để xử lý. Nếu hợp lệ thì cán bộ kiểm tra xác nhận trên Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH), sau đó chuyển hồ sơ cho cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa để làm căn cứ tính và thu thuế (nếu có); cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa ký tên, đóng dấu ghi ngày, tháng, năm qua Trạm lên hóa đơn, chứng từ, tờ khai nhập khẩu, trả hồ sơ cho chủ hàng.
1.2.2. Lô hàng đã làm thủ tục Hải quan tại cửa khẩu Móng Cái, nhập kho tại doanh nghiệp, sau đó xuất bán cho doanh nghiệp khác thì khi vận chuyển hàng hóa qua Trạm phải khai báo Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH), xuất trình toàn bộ hóa đơn, chứng từ theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015, để chứng minh tính hợp pháp của lô hàng; cán bộ kiểm tra tại Trạm kiểm tra và đối chiếu với thực tế hàng hóa. Trường hợp phát hiện vi phạm thì cán bộ kiểm tra hàng hóa phải báo cáo lãnh đạo Đội phụ trách hoặc lãnh đạo Trạm để có biện pháp xử lý. Nếu hợp lệ thì cán bộ kiểm tra hàng hóa xác nhận trên Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH), chuyển hồ sơ cho cán bộ Thuế tại tại Đội kiểm tra hàng hóa làm căn cứ tính và thu thuế (nếu có); cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa ký tên, đóng dấu ghi ngày, tháng, năm qua Trạm lên hóa đơn, chứng từ và tờ khai nhập khẩu trả hồ sơ cho chủ hàng.
1.2.3. Đối với lô hàng xuất bán nhiều lần thì cán bộ kiểm tra hàng hóa yêu cầu cá nhân, doanh nghiệp lập Phiếu theo dõi trừ lùi cho lô hàng theo hồ sơ nhập khẩu. Cán bộ kiểm tra đối chiếu thực tế với hồ sơ, ký, ghi rõ họ tên, ngày…tháng…năm…, số Phiếu theo dõi trừ lùi lên tờ khai; số lượng, số hóa đơn giá trị gia tăng, ngày…tháng…năm…lên Phiếu theo dõi trừ lùi; chuyển hồ sơ cho cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa làm căn cứ tính và thu thuế (nếu có); cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa ký tên, đóng dấu, ghi ngày, tháng, năm qua Trạm vào hóa đơn giá trị gia tăng của Doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh và lưu phiếu theo dõi để làm căn cứ trừ lùi cho các lần tiếp theo, trả hồ sơ cho chủ hàng. Cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa có trách nhiệm mở Sổ theo dõi trừ lùi trên máy theo các Phiếu theo dõi trừ lùi. Phiếu theo dõi trừ lùi được lưu theo hồ sơ của lô hàng xuất bán cuối cùng.
2. Đối với hàng hóa do các tổ chức, cá nhân không trực tiếp nhập khẩu mà mua tại địa bàn thành phố Móng Cái.
2.1. Trường hợp hàng hóa của tổ chức, cá nhân mua tại địa bàn thành phố Móng Cái có hóa đơn của người bán giao cho (bao gồm cả hàng thanh lý):
Khi vận chuyển qua Trạm phải kê khai trên Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH) và xuất trình toàn bộ hóa đơn, chứng từ hợp lệ kèm theo hàng hóa vận chuyển cho cán bộ kiểm tra tại Trạm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ với thực tế hàng hóa. Nếu hợp lệ thì ký xác nhận số lượng, chủng loại hàng hóa lên Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH), sau đó chuyển cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa làm căn cứ tính thuế (nếu có); cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa ký tên, đóng dấu ngày...tháng...năm… qua Trạm lên hóa đơn, chứng từ và trả hồ sơ cho chủ hàng.
2.2. Trường hợp hàng hóa không có hóa đơn của người bán giao cho người mua hoặc không có hồ sơ nhập khẩu kèm theo thì tiến hành các bước như sau:
2.2.1. Khai báo: Chủ hàng khai đầy đủ các tiêu chí quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã khai báo trên Tờ khai Hải quan HQ/2015/NK quy định tại phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính và Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH).
2.2.2. Kiểm tra hàng hóa được thực hiện theo các bước sau đây:
- Căn cứ nội dung khai báo của chủ hàng tại Tờ khai HQ/2015/NK và Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH), cán bộ kiểm tra hàng hóa được phân công tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa và đối chiếu với nội dung khai báo trên Tờ khai HQ/2015/NK, Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH).
- Ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa tại Phiếu ghi kết quả kiểm tra theo Biểu mẫu số 06/PGKQKT/GSQL phụ lục V, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH), chuyển bộ phận tính thuế để tính thuế nhập khẩu bổ sung, thuế theo từng lần phát sinh...
Đối với hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng phải dán tem nhưng không có tem dán, hàng không được phép lưu thông cán bộ kiểm tra hàng hóa làm thủ tục tạm giữ hàng, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái ra quyết định xử lý theo quy định.
2.2.3. Tính thuế, thu thuế: Căn cứ vào kết quả kiểm tra thực tế ghi trên Tờ khai HQ/2015/NK, cán bộ Hải quan tính thuế theo quy định, viết Biên lai thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) rồi chuyển hồ sơ cho cán bộ Thuế. Cán bộ Thuế căn cứ Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH) để tính thuế và thu thuế theo từng lần phát sinh (nếu có) và chuyển chủ hàng nộp thuế theo quy định.
2.2.4. Ký xác nhận đã làm thủ tục Hải quan: Căn cứ Biên lai thu tiền thuế có xác nhận đã nộp tiền, cán bộ Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa xác nhận đã làm thủ tục Hải quan tại ô 38 trên tờ khai HQ/2015/NK và trả hồ sơ bản lưu người khai Hải quan cho chủ hàng.
2.2.5. Giải phóng hàng hóa, phương tiện: Căn cứ Tờ khai HQ/2015/NK bản lưu người khai Hải quan có xác nhận đã làm thủ tục Hải quan do chủ hàng xuất trình, cán bộ giám sát tại cổng giải phóng phương tiện vận tải và hàng hóa.
3. Đối với hàng hóa của khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc các tổ chức, cá nhân sản xuất trên địa bàn thành phố Móng Cái vận chuyển qua khu vực Trạm vào nội địa tiêu thụ:
3.1. Đối với hàng hóa của khu công nghiệp mở tờ khai xuất khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái vận chuyển qua Trạm vào nội địa làm tiếp thủ tục xuất khẩu:
3.1.1. Khi vận chuyển qua Trạm, đại diện doanh nghiệp xuất trình tờ khai xuất khẩu đã thông quan phù hợp với từng lô hàng xuất khẩu.
- Đối với hàng hóa được niêm phong, kẹp chì: Cán bộ kiểm tra tại Trạm kiểm tra thông tin trên tờ khai xuất khẩu, kiểm tra số niêm phong, kẹp chì hải quan trên Biên bản bàn giao, Tờ khai xuất khẩu với tình trạng thực tế, thấy hợp lệ thì trả hồ sơ cho đại diện doanh nghiệp.
- Đối với những lô hàng thuộc diện miễn kiểm tra hải quan (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), doanh nghiệp tự kẹp seal quản lý, cán bộ kiểm tra tại Trạm chỉ kiểm tra thông tin trên Tờ khai xuất khẩu do đại diện doanh nghiệp xuất trình, thấy hợp lệ thì trả hồ sơ cho đại diện doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự phù hợp của hàng hóa với Tờ khai xuất khẩu đã xuất trình.
3.1.2. Khi có thông tin về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thì Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến Tầu Dân Tiến được tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa và chịu trách nhiệm về quyết định kiểm tra của mình.
3.1.3. Các Doanh nghiệp, Công ty tại khu công nghiệp, khu chế xuất khi mở Tờ khai xuất khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái vận chuyển qua khu vực Trạm vào nội địa hoàn thành thủ tục xuất khẩu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của lô hàng.
3.2. Đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân sản xuất, khai thác và nuôi trồng tại địa bàn thành phố Móng Cái vận chuyển qua khu vực Trạm vào nội địa:
3.2.1. Khi vận chuyển qua Trạm phải kê khai trên Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH), xuất trình toàn bộ hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ kèm theo hàng hóa vận chuyển cho cán bộ kiểm tra hàng hóa để kiểm tra đối chiếu hồ sơ với thực tế hàng hóa. Nếu hợp lệ thì ký xác nhận số lượng, chủng loại hàng hóa lên Tờ khai tổng hợp (mẫu KM15/TKTH); sau đó chuyển cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa làm căn cứ tính và thu thuế (nếu có); cán bộ Thuế tại Đội kiểm tra hàng hóa ký tên, đóng dấu ngày...tháng...năm… qua Trạm lên hóa đơn hoặc chứng từ và trả hồ sơ cho chủ hàng.
3.2.2. Đối với những lô hàng có thông tin, có dấu hiệu vi phạm thì tổ chức kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm xử lý theo quy định.
1. Hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng hóa Nhà nước quy định phải dán tem nhưng không dán tem, hàng không được phép lưu thông trên thị trường...thì căn cứ biên bản đã lập, Trạm trưởng hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái quyết định xử lý theo thẩm quyền.
2. Những vụ việc vượt quá thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái báo cáo kịp thời Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý theo thẩm quyền.
3. Những vụ vi phạm nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Trạm hoàn thiện hồ sơ vi phạm, chuyển giao hồ sơ, tang vật cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Công chức, cán bộ, chiến sỹ của Trạm có thành tích trong khi thi hành nhiệm vụ được đề nghị xét khen thưởng theo quy định.
1. Công chức, cán bộ, chiến sỹ của Trạm khi thi hành nhiệm vụ nếu vi phạm thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Trường hợp công chức, cán bộ, chiến sỹ của Trạm có hành vi vi phạm phải xử lý kỷ luật thì Trạm trưởng làm văn bản thông báo đến đơn vị chủ quản để xử lý theo thẩm quyền.
3. Các lực lượng tham gia tại Trạm phải chấp hành nghiêm túc sự phân công, điều động của Trạm trưởng, nếu vi phạm kỷ luật phải kiểm điểm nghiêm túc, Trạm trưởng có văn bản trao đổi với cơ quan chủ quản thống nhất nội dung, hình thức kỷ luật; sau khi tiến hành kỷ luật, cơ quan chủ quản thông báo kết quả xử lý kỷ luật đối với công chức, cán bộ, chiến sỹ vi phạm bằng văn bản tới Trạm trưởng.
1. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Cục Hải quan tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái, Thủ trưởng các ngành liên quan và Trạm trưởng Trạm kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tầu Dân Tiến chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc hoặc những quy định không còn phù hợp, Trạm trưởng có trách nhiệm báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết kịp thời./.
- 1 Quyết định 1256/2012/QĐ-UBND về Quy định tổ chức, hoạt động của Trạm kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến của tỉnh Quảng Ninh
- 2 Quyết định 17/2017/QĐ-UBND về sửa đổi Điều 17 Quy định về tổ chức, hoạt động của Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến kèm theo Quyết định 4056/2015/QĐ-UBND do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 3 Quyết định 22/2020/QĐ-UBND quy định về tổ chức, hoạt động của Trạm Kiểm soát liên hợp Km 15 - Bến tàu Dân Tiến do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 4 Quyết định 22/2020/QĐ-UBND quy định về tổ chức, hoạt động của Trạm Kiểm soát liên hợp Km 15 - Bến tàu Dân Tiến do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 1 Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường do Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công An và Bộ Quốc phòng ban hành
- 2 Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
- 4 Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 5 Quyết định 643/2013/QĐ-UBND quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 6 Quyết định 7052a/QĐ-BCT năm 2010 về phê duyệt Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, có xét đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 7 Quyết định 3717/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trạm triết nạp gas của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ thương mại tổng hợp Xuân Nghiêm tại tổ 11, khu 10, phường Quang Hanh, thị xã Cẩm Phả do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 8 Luật giao thông đường bộ 2008
- 9 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008
- 10 Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 12 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 13 Quyết định 118/2002/QĐ-TTg sửa đổi QĐ 422/QĐ-TTg và QĐ 89/1999/QĐ-TTg về thành lập các trạm kiểm soát liên hợp chống buôn lậu và gian lận thương mại do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14 Quyết định 422/QĐ-TTg năm 1998 thành lập 6 Trạm Kiểm soát liên hợp chống buôn lậu và gian lận thương mại do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15 Quyết định 1659/QĐ-UB năm 1996 về giải thể Trạm kiểm soát liên hợp lưu động khu vực biên giới do tỉnh An Giang ban hành
- 1 Quyết định 7052a/QĐ-BCT năm 2010 về phê duyệt Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, có xét đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2 Quyết định 3717/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trạm triết nạp gas của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ thương mại tổng hợp Xuân Nghiêm tại tổ 11, khu 10, phường Quang Hanh, thị xã Cẩm Phả do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 3 Quyết định 1256/2012/QĐ-UBND về Quy định tổ chức, hoạt động của Trạm kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến của tỉnh Quảng Ninh
- 4 Quyết định 643/2013/QĐ-UBND quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 5 Quyết định 1659/QĐ-UB năm 1996 về giải thể Trạm kiểm soát liên hợp lưu động khu vực biên giới do tỉnh An Giang ban hành
- 6 Quyết định 22/2020/QĐ-UBND quy định về tổ chức, hoạt động của Trạm Kiểm soát liên hợp Km 15 - Bến tàu Dân Tiến do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 7 Quyết định 200/QĐ-UBND năm 2021 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2020