ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 409/2010/QĐ-UBND | Tuy Hòa, ngày 22 tháng 3 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Công văn số 47/ĐC-CP ngày 09 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ đính chính Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi;
Xét đề nghị của liên Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính (tại văn bản số 2055/LS.STC-SNN ngày 24 tháng 12 năm 2009),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 409/2010/QĐ-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi áp dụng:
Quy định này quy định tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Yên đối với các công trình, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đã được đưa vào khai thác, sử dụng.
Đối với các công trình, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn khác, việc tổ chức quản lý, vận hành do chủ sở hữu (hoặc đại diện chủ sở hữu) quyết định trên cơ sở vận dụng Quy định này và các hướng dẫn khác theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, sử dụng có hiệu quả.
2. Đối tượng áp dụng:
Đối tượng áp dụng Quy định này là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Điều 2. Nguyên tắc tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi
1. Bảo đảm mỗi hệ thống công trình, công trình thủy lợi phải có một tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành và bảo vệ, đồng thời bảo đảm an toàn và khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi trong việc tưới, tiêu, cấp nước phục vụ các ngành sản xuất, dân sinh, kinh tế - xã hội và môi trường.
2. Mô hình tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, yêu cầu kỹ thuật quản lý vận hành và điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương.
3. Tổ chức, cá nhân được giao hoặc có tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình, hệ thống công trình thủy lợi phải có đủ năng lực, kinh nghiệm phù hợp với quy mô, tính chất, yêu cầu kỹ thuật của từng công trình, hệ thống công trình được giao, chịu trách nhiệm trước cơ quan giao kế hoạch, đặt hàng (hoặc cơ quan hợp đồng dịch vụ), cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn và pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trong phạm vi được giao.
Chương II
TỔ CHỨC, PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
Điều 3. Tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi
Tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi gồm các loại hình sau:
1. Doanh nghiệp: gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên nhà nước sở hữu 100% vốn; các công ty khác tham gia hoặc được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
2. Tổ chức hợp tác dùng nước hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã hoặc Bộ luật Dân sự và các hướng dẫn hiện hành, không phân biệt tên gọi của tổ chức đó.
Mô hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức hợp tác dùng nước bao gồm các loại hình sau:
a) Hợp tác xã: là các tổ chức Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp (có tham gia dịch vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi) hoặc Hợp tác xã chuyên khâu làm dịch vụ thủy lợi.
b) Tổ hợp tác: là các tổ chức hợp tác của người dùng nước được thành lập với các tên gọi khác nhau như Hội dùng nước, Tổ đường nước, Ban quản lý…
Mô hình tổ chức, phương pháp thành lập và tổ chức hoạt động của các loại hình trên được thực hiện theo Thông tư số 04/2008/TT-BKH ngày 09 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác và Thông tư số 75/2004/TT-BNN ngày 20 tháng 12 năm 2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển các tổ chức hợp tác dùng nước.
3. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (theo hình thức đấu thầu hoặc giao khoán thí điểm).
Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương để thành lập mô hình tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho phù hợp theo các quy định của pháp luật, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.
Điều 4. Thẩm quyền quyết định mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi
1. Thẩm quyền quyết định mô hình tổ chức.
a) Đối với loại hình là doanh nghiệp (Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam): cơ quan ra quyết định thành lập tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi là cơ quan quyết định mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của tổ chức đó.
b) Tổ chức hợp tác dùng nước: tập thể người hưởng lợi tự quyết định mô hình tổ chức, hoạt động của tổ chức hợp tác dùng nước, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận theo các quy định hiện hành.
2. Phương thức hoạt động của các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi hoạt động tuân theo các quy định hiện hành về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Áp dụng hình thức giao kế hoạch đối với Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, thị xã, thành phố; hình thức đặt hàng đối với các tổ chức hợp tác dùng nước và giao thầu hoặc giao khoán đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi do địa phương quản lý, thông qua UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.
Phương thức hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi cụ thể như sau:
- Đối với Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam hoạt động thu chi tài chính theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Đối với các tổ chức hợp tác dùng nước thì thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành áp dụng đối với hợp tác xã và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã hoặc Bộ luật Dân sự và các hướng dẫn hiện hành.
- Đối với hộ gia đình, cá nhân hoạt động theo quy định của Bộ luật Dân sự và thực hiện theo hợp đồng giao thầu hoặc giao khoán.
Chương III
PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI
Điều 5. Tiêu chí phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi
1. Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam quản lý, khai thác những hệ thống công trình có quy mô vừa và lớn; hệ thống công trình thủy lợi liên huyện, liên xã có yêu cầu kỹ thuật về quản lý, vận hành, điều tiết nước phức tạp; hệ thống kênh trục chính và các kênh cấp dưới có quy mô lớn (diện tích tưới lớn hơn 150ha); công trình phục vụ tưới, tiêu, cấp nước cho 02 xã (không kể quy mô diện tích).
2. UBND cấp huyện, thị xã, thành phố quản lý, khai thác và bảo vệ đối với các công trình, hệ thống công trình có quy mô diện tích dưới 150ha, kỹ thuật vận hành đơn giản; công trình phục vụ tưới, tiêu, cấp nước cho 1 xã; các công trình từ cống đầu kênh đến mặt ruộng (hệ thống nội đồng). Căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương và trình độ quản lý của các tổ chức hợp tác dùng nước, UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét giao lại công trình thủy lợi được phân cấp cho các tổ chức hợp tác dùng nước quản lý, khai thác và bảo vệ (đối với địa phương có tổ chức hợp tác dùng nước được thành lập) hoặc cho UBND cấp xã nơi có công trình thủy lợi quản lý, khai thác và bảo vệ.
Điều 6. Xác định vị trí cống đầu kênh
Cống đầu kênh là công trình dẫn nước hoặc tiêu nước cho một diện tích hưởng lợi nhất định thuộc trách nhiệm quản lý của người hưởng lợi. Chi phí quản lý, vận hành, tu sửa và bảo vệ các công trình từ cống đầu kênh đến mặt ruộng do người hưởng lợi đóng góp (gọi tắt là phí dịch vụ thủy nông nội đồng). Vị trí cống đầu kênh của tổ hợp tác dùng nước được xác định theo nguyên tắc sau:
1. Đối với kênh tưới:
Cống đầu kênh (hoặc điểm đầu của kênh) có diện tích tưới ≤ 150ha và gọn trong một tổ hợp tác dùng nước, một hợp tác xã và xã. Nếu kênh phục vụ nhiều tổ hợp tác dùng nước, nhiều hợp tác xã thì vị trí cống đầu kênh là điểm đầu của nhánh kênh cấp dưới và cống hoặc điểm đầu của kênh có diện tích tưới ≤ 150ha (đối với các tổ chức dùng nước cuối cùng) hoặc cửa ra của những công trình trên kênh quan trọng như cầu máng, xi phông (nếu có).
2. Đối với công trình thủy lợi có diện tích tưới ≤ 150ha: cống đầu kênh của tổ hợp tác dùng nước được xác định tại sau cống lấy nước đầu mối, đối với công trình trạm bơm là sau bể xả.
3. Đối với kênh tiêu:
Là nhánh kênh có diện tích tiêu ≤ 150ha và gọn trong một tổ chức hợp tác dùng nước, hợp tác xã.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Quy định này và Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan lập danh mục các công trình được phân cấp, vị trí công đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước, thực hiện việc thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có sự thay đổi về hiện trạng công trình và tình hình quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố được phân cấp quản lý có trách nhiệm tiến hành củng cố, xây dựng các tổ chức hợp tác dùng nước tham gia quản lý, duy tu, vận hành khai thác công trình có hiệu quả.
3. Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam căn cứ Quy định này phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế) các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan lập danh mục các công trình thủy lợi, các tuyến kênh phân cấp, vị trí các cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước thuộc phạm vi hệ thống công trình do Công ty quản lý, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện.
Báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có sự thay đổi về hiện trạng công trình và tình hình quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi trên địa bàn và cấp trên.
4. Các nội dung khác thực hiện theo Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị quản lý thủy nông, UBND huyện, thị xã, thành phố kịp thời phản ảnh về UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1 Quyết định 601/2017/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 1464/2009/QĐ-UBND về phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 2 Quyết định 41/2016/QĐ-UBND Quy định về phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi và công trình đê, kè trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 3 Quyết định 1164/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 4 Thông tư 65/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Công văn 47/ĐC-CP năm 2009 đính chính Nghị định 115/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 143/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi do Chính phủ ban hành
- 6 Nghị định 115/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 143/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi
- 7 Thông tư 04/2008/TT-BKH hướng dẫn Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 8 Luật Doanh nghiệp 2005
- 9 Bộ luật Dân sự 2005
- 10 Thông tư 75/2004/TT-BNN hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ban hành
- 11 Nghị định 143/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi
- 12 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 13 Luật Hợp tác xã 2003
- 14 Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001
- 1 Quyết định 1164/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 2 Quyết định 41/2016/QĐ-UBND Quy định về phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi và công trình đê, kè trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 3 Quyết định 601/2017/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 1464/2009/QĐ-UBND về phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 4 Quyết định 21/2021/QĐ-UBND bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn