Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
  *******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 *******

 Số: 41/1999/QĐ-TTg

Hà Nội , Ngày 08 tháng 03 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ AN TOÀN TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ luật Dầu khí ngày 06 tháng 7 năm 1993;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Căn cứ Nghị định số 84/CP ngày 17 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Dầu khí,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý an toàn trong các hoạt động dầu khí.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thì hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG  
PHÓ THỦ TƯỚNG  




Ngô Xuân Lộc 

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ AN TOÀN TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ
(ban hành kèm theo Quyết định số 41/1999/ QĐTTg ngày 08/3/1999 của  Thủ tướng Chính phủ).

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích.

Quy chế này quy định việc thi hành Luật Dầu khí ngày 06 tháng 7 năm 1993, Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quản lý an toàn trong công nghiệp dầu khí.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng.

Quy chế này được áp dụng đối với các hoạt động dầu khí, bao gồm tìm kiếm thàm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí, tàng trữ, vận chuyển dầu khí, lọc dầu, chế biến dầu khí, phân phối sản phẩm dầu khí kể cả các hoạt động dịch vụ kỹ thuật phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này được tiến hành trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quy chế này cũng được áp dụng đối với các công trình, hệ thống đường ống, các thiết bị đi kèm và các tàu thuyền được sử dụng đối với các hoạt động trên.

Điều 3. Các từ ngữ dược áp dụng.

Trong Quy chế này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

"Công tác an toàn" là việc tiến hành các biện pháp về điều hành và kỹ thuật để bảo vệ người, môi trường và tài sản.

"Công trình" là tổ hợp các thiết bị và các kết cấu được xây dựng, lắp đặt cố định hay tạm thời trên đất liền hoặc ngoài khơi dể phục vụ các hoạt động dầu khí.

"Cơ quan có thẩm quyền" là các cơ quan nhà nước, bao gồm Cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật hoặc theo ủy quyền của Chính phủ.

"Đánh giá rủi ro" là việc đánh giá các rủi ro tiềm tàng trên cơ sở các tiêu chuẩn và chỉ tiêu được chấp thuận, đồng thời xác định các biện pháp giảm thiểu rủi ro đến mức hợp lý có thể thực hiện được.

"Nhà điều hành" là tổ chức, cá nhân được phép tiến hành các hoạt động dầu khí và được chỉ định như một công ty điều hành thay mặt các bên hoặc các Nhà thầu khác tham gia đề án.

"Phân tích rủi ro" là việc phân tích, xác định và phân loại một cách có hệ thống các rủi ro đối với người, môi trường và tài sản.

"Rủi ro" là khả năng xảy ra các sự cố, tai nạn và hậu quả của chúng.

"Sự cố" là tất cả cả sự kiện xảy ra không cố ý, có khả năng gây ra tai nạn.

"Tai nạn" là sự kiện xảy ra không cố ý gây tổn hại sức khỏe hoặc tổn thương đối với người; làm hư hại tài sản, nhà máy, sản phẩm hoặc môi trường; làm ngừng trệ sản xuất.

Điều 4. Trình nộp tài liệu.

Khi xin cấp Giấy phép đầu tư các dự án dầu khí, tổ chức, cá nhân phải giải trình về năng lực công tác quản lý an toàn và cam kết về bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện dự án.

Tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt dộng dầu khí có nghĩa vụ chuẩn bị, trình Tổng công ty Dầu khí Việt Nam để xem xét và xin chấp thuận của Cơ quan có thẩm quyền đối với các tài liệu sau đây:

Chương trình quản lý an toàn; Báo cáo đánh giá rủi ro;

Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.

Những tài liệu này cần phải trình trước khi tiến hành các hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí, phát triển mỏ, khai thác dầu khí, xây dựng mới các công trình dầu khí, hoán cải lớn các công trình dầu khí, hủy bỏ và làm sạch sau khi kết thúc khai thác hoặc kết thúc đề án.

Điều 5. Yêu cầu về nội dung tài liệu.

1. Chương trình quản lý an toàn phải bao gồm ít nhất các nội dung sau đây:

- Chính sách và các mục tiêu về an toàn; - Tổ chức công tác an toàn, mô tả các cấp có trách nhiệm đối với công tác an toàn; - Chương trình đào tạo về an toàn, năng lực và kinh nghiệm của người lao động;

Các tiêu chuẩn, quy định về an toàn được áp dụng trong quá trình hoạt động.

2. Báo cáo đánh giá rủi ro tối thiểu phải bao gồm các nội dung sau đây:

Xác định mục đích và các mục tiêu đánh giá rủi ro;

Mô tả các hoạt dộng, các công trình của đề án;

Các chỉ tiêu về rủi ro được chấp nhận;

Xác định, phân tích, đánh giá các rủi ro;

Các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

3. Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp phải phù hợp để phối hợp với hệ thống ứng cứu khẩn cấp của quốc gia và phải bao gồm ít nhất các nội dung sau: - Sơ đồ tổ chức, phân cấp trách nhiệm, trách nhiệm của từng cá nhân, hệ thống báo cáo khi xảy ra tai nạn hoặc xuất hiện các tình huống nguy hiểm; - Sơ đồ liên lạc và báo cáo cơ quan có thẩm quyền; Mô tả các nguồn lực bên trong và bên ngoài sẵn có hoặc sẽ huy động để ứng cứu có hiệu quả các tình huống khẩn cấp.

Cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu các Nhà điều hành hợp tác với nhau để thiết lập kế hoạch ứng cứu khẩn cấp chung.

Chương 2:

NGHĨA VỤ CỦA NHÀ ĐIỀU HÀNH VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 6. Nghĩa vụ chung của Nhà điều hành.

Nhà điều hành bảo đảm tất cả các hoạt động phải được tiến hành một cách an toàn và tuân thủ các quy định tại Quy chế này, kể cả trường hợp người thực hiện công việc cho Nhà điều hành là các Nhà thầu hay Nhà thầu phụ.

Điều 7. Nghĩa vụ của người lao động.

Trong quá trình làm việc, người lao động phải tuân thủ các quy định, quy trình về an toàn và môi trường lao động để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho bản thân mình và cho những người khác, cũng như cho thiết bị, máy móc tại nơi làm việc.

Điều 8. Hệ thống quản lý an toàn.

Nhà điều hành phải thiết lập, duy trì và phát triển hệ thống quản lý an toàn dể bảo đảm mọi hoạt động đều được lập kế hoạch, tổ chức, triển khai, duy trì theo các yêu cầu tại Quy chế này và các quy định khác của pháp luật.

Hệ thống quản lý an toàn phải bảo đảm kiểm soát có hiệu quả các rủi ro trong suốt quá trình hoạt động kể từ khâu thiết kế đến xây dựng, chạy thử, vận hành và hủy bỏ công trình.

Hệ thống quản lý an toàn phải được cập nhật có hệ thống và kiểm soát thường xuyên. Các thông tin về cập nhật phải được thông báo cho Cơ quan có thẩm quyền và phổ biến cho người lao động có liên quan.

Hệ thống quản lý an toàn phải được thể hiện bằng văn bản và bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

Xác định các mục tiêu trong lĩnh vực an toàn và môi trường lao động cho các hoạt động dầu khí;

Danh mục cập nhật các quy định của Nhà nước có liên quan;

Các yêu cầu cụ thể nhằm thực hiện các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực an toàn và môi trường lao động;

Thuyết minh về tổ chức các hoạt động dầu khí, bao gồm các kênh báo cáo, trách nhiệm, sự phân cấp quản lý, thực hiện nhiệm vụ;

Thuyết minh các yêu cầu về nhân lực và năng lực công tác;

Thuyết minh các hệ thống lập tài liệu và thông tin;

Các quy định, hướng dẫn để thực hiện các hoạt động phù hợp với mục tiêu đề ra;

Các quy định về kiểm tra, kiểm định các công trình;

Các quy định về đánh giá kết quả thực hiện công việc và xử lý các trường hợp không thực hiện các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cũng như các yêu cầu nội bộ.

Điều 9. Quản lý rủi ro.

Nhà điều hành bảo đảm tất cả mọi rủi ro tiềm tàng phải được xác định, phân tích, đánh giá đối với tất cả các công trình, thiết bị đi kèm và đối với các hoạt động ở tất cả các giai đoạn hoạt động dầu khí.

Trên cơ sở kết quả này, Nhà điều hành phải triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu, kiểm soát các rủi ro và chứng minh các rủi ro là có thể chấp nhận.

Các báo cáo phân tích, đánh giá rủi ro phải được cập nhật theo tiến trình hoạt động nhằm tạo cơ sở để đưa ra các quyết định liên quan đến an toàn trong các hoạt động dầu khí.

Nhà điều hành phải xác định các vị trí và các điều kiện hoạt động cụ thể có tính trọng yếu cần phải quan tâm về mặt an toàn khi tiến hành hoạt động.

Điều 10. An toàn và môi trường lao động.

Nhà điều hành có trách nhiệm trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cho người lao động, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, cũng như cải thiện điều kiện lao động một cách có hệ thống.

Nơi làm việc phải đáp ứng được các Tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế về môi trường lao động được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn của người lao động.

Điều 11. Lập sơ đồ môi trường làm việc.

Nhà điều hành phải bảo đảm tiến hành kiểm tra và lập sơ đồ môi trường làm việc theo tình trạng sức khỏe của người lao động và điều kiện làm việc một cách thường xuyên hoặc khi có sự thay đổi phương pháp, điều kiện làm việc. Sơ đồ môi trường làm việc phải luôn luôn được duy trì tại nơi làm việc. Những thay đổi điều kiện làm việc cần được phổ biến cho người lao động.

Điều 12. Theo dõi sức khỏe người lao động.

Nhà điều hành phải bảo đảm mọi người lao động được khám sức khỏe khi mới tuyển dụng, được khám sức khỏe định kỳ trong quá trình làm việc. Mục tiêu của việc khám sức khỏe định kỳ là để theo dõi tình trạng sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp, bảo đảm người lao động có sức khỏe phù hợp với công việc.

Điều 13. Các chất nguy hiểm.

Nhà điều hành phải xác định và kiểm soát chặt chẽ tất cả các chất nguy hiểm được sử dụng, tàng trữ, sản xuất hoặc xử lý tại nơi làm việc, đồng thời bảo đảm những người thực hiện các công việc liên quan đến các chất nguy hiểm phải được đào tạo về kỹ năng làm việc với các chất nguy hiểm đó.

Điều 14. Trình độ chuyên môn và đào tạo người lao động.

Nhà điều hành phải bảo đảm chỉ sử dụng những người có đủ năng lực làm việc phù hợp với công việc được giao. Nhà điều hành phải xác định các yêu cầu về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp của người lao động đối với các vị trí công tác có tầm quan trọng về mặt an toàn. Việc đào tạo phải được tiến hành khi cần thiết và có sự quản lý chặt chẽ.

Điều 15. Tiêu chuẩn áp dụng.

Trong quá trình tiến hành các hoạt động dầu khí, Nhà điều hành phải áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành hoặc các tiêu chuẩn khác được cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan được ủy quyền chấp thuận.

Chương 3:

CÁC YÊU CẦU VỀ THIẾT KẾ, XÂY DỰNG

Điều 16. Yêu cầu chung.

Các công trình phải được thiết kế, xây dựng, trang bị và lắp đặt để bảo đảm hoạt động được an toàn, chịu được các tải trọng dự kiến trong quá trình vận hành và tải trọng khi xảy ra tai nạn.

Các công trình phải được thiết kế để bảo đảm không một sự trục trặc đơn lẻ nào lại kéo theo sự cố dây chuyền.

Những yêu cầu trên cũng áp dụng đối với giàn di động hoặc các phương tiện nổi.

Điều 17. Thiết kế công trình.

Trước khi chọn giải pháp thiết kế công trình, Nhà điều hành phải đưa ra ý tưởng tổng thể về vận hành và bảo dưỡng công trình trong suốt đời công trình, phải tiến hành phân tích rủi ro để làm cơ sở cho việc lựa chọn các giải pháp thiết kế đối với việc bố trí, lựa chọn các bộ phận và toàn bộ công trình.

Trong thiết kế, phải xác định các tiêu chuẩn sẽ được áp dụng cho xây dựng công trình; các nghiên cứu về môi trường lao động cần được thực hiện khi nghiên cứu thiết kế để tối ưu hóa các điều kiện môi trường lao động trong quá trình vận hành.

Những yêu cầu này cũng phải được áp dụng đối với các giàn di động hoặc phương tiện nổi.

Điều 18. Vị trí công trình.

Các công trình phải được bố trí ở khoảng cách an toàn đối với các công trình khác, kể cả đèn biển, tín hiệu hàng hải, đường cáp, hệ thống đường ống.

Các công trình phải được đánh dấu bằng các tín hiệu cần thiết như ánh sáng, âm thanh, màu sắc để có thể dễ dàng nhận biết được từ các phương tiện giao thông khác trong đêm tối hoặc trong điều kiện thời tiết xấu.

Điều 19. Phân vùng nguy hiểm.

Công trình phải được phân cấp theo mức độ rủi ro tiềm tàng và được phân chia thành các vùng theo mức độ rủi ro.

Các bộ phận chức năng trọng yếu nhất, "Phòng Điều khiển Trung tâm" phải được bố trí ở ngoài khu vực được phân cấp là nguy hiểm.

Nhà ở trên các công trình biển phải được bảo vệ và cách ly với các khu vực khoan, khai thác và xử lý dầu khí.

Điều 20. Hệ thống bảo vệ an toàn công nghệ.

Các hệ thống khai thác, xử lý, chế biến dầu khí, bao gồm cả hệ thống đường ống, phải được trang bị hệ thống an toàn và hệ thống dừng hoạt động khẩn cấp Hệ thống an toàn phải có khả năng phát hiện các sự cố hoặc tình trạng làm việc không bình thường và phải có khả năng ngăn ngừa, hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.

Việc xác định vị trí của các van đóng khẩn cấp phải dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro. Các van đóng khẩn cấp cần được bố trí sao cho giảm thiểu tối đa hậu quả của sự rò rỉ có thể xảy ra.

Điều 21. Thoát hiểm.

Các công trình phải có lối thoát hiểm và trang bị đầy đủ thiết bị cứu hộ để bảo đảm cho việc sơ tán người được an toàn.

Điều 22. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

Các công trình phải được thiết kế sao cho hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra sự cố cháy, nổ và hậu quả của chúng, phải được trang bị hệ thống dò cháy, dò khí cháy và hệ thống chữa cháy phù hợp.

Điều 23. Xây dựng công trình.

Các công trình phải được xây dựng theo thiết kế đã được phê duyệt. Các thay đổi lớn so với thiết kế đã dược phê duyệt phải dược các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Việc chế tạo và lắp đặt các bộ phận trọng yếu của công trình phải có sự giám định của tổ chức độc lập. Phạm vi giám định phải được tiến hành đến mức cần thiết để có thể khẳng định sự phù hợp với các quy định của Quy chế này và các tiêu chuẩn đã được chấp thuận. Các chứng chỉ của công trình được các tổ chức kiểm định cấp có thể được sử dụng làm tài liệu chứng minh chất lượng công trình.

Điều 24. Chạy thử và đưa công trình vào vận hành.

Trước khi chạy thử công trình, Nhà diều hành phải tiến hành các công việc kiểm tra, thử nghiệm cần thiết đối với các hạng mục công trình và phải bảo đảm kế hoạch ứng cứu sự cố đã được triển khai.

Trong quá trình chạy thử, Nhà điều hành phải áp dụng các biện pháp tăng cường nhằm sẵn sàng ứng cứu kịp thời và có hiệu quả các sự cố có thể xảy ra.

Công trình chỉ được đưa vào vận hành sau khi đã khẳng định công trình đã đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

Chương 4:

CÁC YÊU CẦU VỀ VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH

Điều 25. Yêu cầu chung.

Nhà điều hành phải xây dựng và duy trì các quy định cần thiết để tiến hành các hoạt động dầu khí một cách an toàn.

Các quy định phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt và phải được xem xét, hiệu chỉnh, bổ sung kịp thời hoặc khi có sự thay đổi điều kiện vận hành.

Điều 26. Quản lý vàn hành và bảo dưỡng công trình.

Trước khi bắt đầu vận hành công trình, các quy trình cần thiết để vận hành, bảo dưỡng công trình một cách an toàn phải được chuẩn bị, phổ biến cho người lao động và lưu giữ tại công trình.

Việc khám nghiệm và thử nghiệm cần thiết đối với công trình phải được tiến hành định kỳ để thẩm tra sự đáp ứng các yêu cầu về an toàn.

Nhà điều hành phải tiến hành sửa chữa và thay thế kịp thời các thiết bị đã hỏng hóc trên công trình nếu như các thiết bị này gây mất an toàn cho người, công trình hoặc môi trường.

Nhà điều hành phải dừng ngay các hoạt động nếu như việc tiếp tục các hoạt động này sẽ gây nguy hiểm đối với người, công trình và môi trường.

Điều 27. Hệ thông thông tin liên lạc.

Công trình phải được trang bị các thiết bị cần thiết để liên lạc nội bộ và liên lạc với bên ngoài, liên lạc với đất liền, với tàu thuyền và máy bay trong bất kỳ thời gian nào.

Điều 28. Các vật liệu nguy hiểm.

Tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí phải hạn chế tối đa việc sử dụng các vật liệu nguy hiểm.

Việc bảo quản, vận chuyển, sử dụng các vật liệu nguy hiểm cần phải được thực hiện hợp lý và an toàn, tuân thủ các yêu cầu, các quy định, tiêu chuẩn có liên quan và phải do những người đã được đào tạo thực hiện.

Vị trí thời gian để tiến hành các hoạt động địa chấn trên đất liền và ở vùng biển gần bờ phải được thông báo cho công chúng và cho cơ quan có thầm quyền trước khi bắt đầu tiến hành công việc.

Điều 29. Khoan và các công việc về giếng khoan.

Trước khi tiến hành khoan, tiến hành các hoạt động tại giếng khoan, phải có sẵn các hướng dẫn đối với các hoạt động này. Các hướng dẫn đó phải bao quát toàn bộ các khía cạnh quan trọng về an toàn, bao gồm các quy trình, các vấn đề về tổ chức, phân công trách nhiệm.

Đặc tính kỹ thuật của các thiết bị phục vụ cho hoạt động, bảo dưỡng giếng khoan phải được thể hiện trong các quy trình về vận hành, bảo dưỡng và phải kèm theo các thông số giới hạn làm việc của các thiết bị này.

Các hoạt động khoan, vận hành giếng khoan phải luôn luôn được tiến hành một cách an toàn và phù hợp với các quy trình đặt ra. Phải áp dụng các biện pháp phòng tránh phun trào, thoát các chất ra khỏi giếng.

Điều 30. Đóng và hủy giếng.

Khi không sử dụng giếng khoan, các biện pháp đóng giếng phải được áp dụng để tránh việc lưu chuyển khí, chất lỏng giữa các vùng trong giếng hoặc thoát lên miệng giếng. Chỉ được hủy bỏ giếng khoan sau khi đã đặt ít nhất hai cầu chặn và các cầu này đã được thử nghiệm bảo đảm chất lượng.

Khi đóng giếng khoan và tạm thời không sử dụng giếng khoan đó, việc đóng giếng phải được tiến hành để có thể lắp đặt lại các thiết bị một cách hoàn hảo dưới cả góc độ kỹ thuật và an toàn.

Đầu giếng phải được bảo vệ sao cho không bị ảnh hưởng hoặc không gây ảnh hưởng đối với giao thông đường biển, đánh cá hoặc các hoạt động khác và phải luôn bảo đảm sự toàn vẹn của giếng khoan.

Khi đóng giếng vĩnh viễn, tất cả các thiết bị cao hơn đáy biển hoặc mặt đất phải được cắt ở độ sâu ít nhất là 3 mét so với đáy biển hoặc mặt đất và phải được thu hồi. Không được sử dụng phương pháp cắt các ống chống bằng chất nổ dể thu hồi đầu giếng.

Trong trường hợp đã tiến hành cắt ống chống bằng phương pháp cơ học nhiều lần nhưng không thành công, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét cho phép sử dụng phương pháp cắt bằng chất nổ chuyên dụng.

Điều 31. Hoán cải công trình.

Trước khi hoán cải công trình, phải tiến hành đánh giá rủi ro và môi trường làm việc để lựa chọn phương án hoán cải. Việc hoán cải công trình không được làm giảm mức độ an toàn và những yêu cầu đối với môi trường làm việc.

Điều 32. Các hoạt động lặn và hoạt động dưới biển.

Tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí phải bảo đảm mọi hoạt động lặn được tiến hành một cách an toàn và do người đã được đào tạo phù hợp thực hiện.

Trước khi tiến hành các hoạt động dưới biển, Nhà diều hành phải chuẩn bị kế hoạch, trong đó mô tả quá trình tiến hành công việc, các thiết bị sẽ được sử dụng và các biện pháp an toàn sẽ được áp dụng.

Trong quá trình tiến hành các hoạt động lặn, công tác cứu hộ, cấp cứu phải luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.

Điều 33. Vận chuyển người và hàng hóa.

Tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí phải cung cấp các phương tiện cần thiết và an toàn để vận chuyển người và hàng hóa.

Hàng hóa, thiết bị, nguyên vật liệu được vận chuyển đi, đến công trình và các tàu thuyền phải được đánh dấu rõ ràng để phân biệt các loại hàng hóa, thiết bị, nguyên vật liệu, ghi rõ người gửi, người nhận và nơi đến.

Không được phép sử dụng giỏ để chuyển người trong điều kiện thời tiết xấu.

Nếu hàng hóa bị thất lạc trong quá trình vận chuyển thì phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. Nhà diều hành có trách nhiệm tìm kiếm và thu hồi hàng hóa bị thất lạc nếu hàng hóa đó gây nguy hiểm cho các hoạt động khác hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Nhà điều hành phải xây dựng tiêu chuẩn các điều kiện thời tiết cho phép xếp dỡ hàng hóa an toàn.

Điều 34. Hệ thống cấp giấy phép cho tiến hành công việc

Nhà điều hành phải lập và thực hiện hệ thống cấp giấy phép cho tiến hành công việc, bảo đảm các công việc nguy hiểm phải do người được giao nhiệm vụ tiến hành, bảo đảm áp dụng các biện pháp phù hợp và có sự giám sát liên tục để tránh xảy ra tai nạn.

Trước khi tiến hành các công việc đòi hỏi có các biện pháp phòng ngừa, an toàn đặc biệt, Nhà điều hành phải bảo đảm việc thực hiện cấp giấy phép về an toàn nghề nghiệp. Các công việc này bao gồm công việc sinh lửa, ra vào khu vực nguy hiểm, các công việc ở các vị trí có thể rơi xuống biển và các công việc nguy hiểm khác.

Trước khi tiến hành các công việc nguy hiểm và phức tạp chưa được đề cập trong các quy trình hoạt động thông thường, phải thực hiện việc phân tích mức độ nguy hiểm đối với các công việc đó và áp dụng các biện pháp an toàn phù hợp.

Điều 35. Công tác sẵn sàng ứng cứu khẩn cấp.

Nhà điều hành phải bảo đảm thiết lập và duy trì hệ thống ứng cứu khẩn cấp để các biện pháp ứng cứu cần thiết được tiến hành có hiệu quả khi xảy ra các tai nạn hoặc sự cố gây nguy hại cho người, môi trường hoặc tài sản, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền.

Kết quả của việc đánh giá rủi ro được sử dụng làm số liệu đầu vào để tổ chức công tác ứng cứu khẩn cấp.

Điều 36. Luyện tập và diễn tập ứng cứu khẩn cấp.

Việc luyện tập và diễn tập xử lý các trường hợp khẩn cấp tại các công trình phải được tiến hành thường xuyên. Kết quả của việc đánh giá rủi ro là cơ sở để xác định loại và tần suất luyện tập. Kết quả các buổi luyện tập và diễn tập phải được ghi chép và đánh giá để hoàn thiện kế hoạch ứng cứu khẩn cấp. Các cơ quan có thẩm quyền có thể tham gia diễn tập.

Những người lần đầu tiên đến công trình phải được hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức ứng cứu khẩn cấp, các trang thiết bị và các lối thoát nạn.

Điều 37. Tàu trực.

Trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro, cơ quan có thẩm quyền quy định thời gian ứng cứu chậm nhất cho phép. Cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu phải có tàu trực cho các công trình biển, các phương tiện nổi có người làm việc để cứu người trong các tình huống khẩn cấp, tham gia chữa cháy, ngăn chặn va đâm, bảo vệ vùng an toàn và các mục đích an toàn khác.

Các Nhà điều hành có thể thỏa thuận phối hợp sử dụng chung các tàu trực theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 38. Vùng và hành lang an toàn.

Vùng an toàn xung quanh công trình phải được thiết lập và bảo vệ bằng các biện pháp cần thiết.

Khoảng cách vùng an toàn đối với các công trình khoan, khai thác ngoài khơi là 500 mét trở ra, tính từ rìa ngoài cùng của công trình về mọi phía đối với công trình cố định và tính từ điểm thả neo đối với các công trình di động.

Đối với các công trình trên bờ bao gồm nhà máy chế biến khí, nhà máy lọc, hóa dầu, kho chứa, tuyến ống và các hạng mục khác đi kèm, phạm vi vùng an toàn do cơ quan có thẩm quyền xem xét quy định.

Trừ các trường hợp đặc biệt do cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí quy định, người không có trách nhiệm không được phép xâm nhập và hoạt động trong vùng an toàn.

Trong phạm vi hai hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình biển và từ hai bên dọc theo tuyến ống, các phương tiện, tàu thuyền không được thả neo.

Điều 39. Kế hoạch dỡ bỏ công trình.

Trước khi tiến hành hoạt động dỡ bỏ công trình, chậm nhất là 6 tháng, Nhà điều hành phải trình cơ quan có thẩm quyền kế hoạch dỡ bỏ công trình, trong đó bao gồm thời gian tiến hành, phương pháp dỡ bỏ, dọn sạch, nơi tập kết và chứa vật liệu được thu hồi.

Chương 5:

QUẢN LÝ HỒ SƠ VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 40. Yêu cầu chung.

Nhà điều hành phải lập và lưu giữ các tài liệu, trình nộp các báo cáo theo yêu cầu tại Quy chế này.

Điều 41. Thống kê các sự cố, tai nạn.

Nhà điều hành phải lập hệ thống ghi chép, điều tra, đánh giá, khắc phục tai nạn, sự cố, tổn thương về người hoặc hư hại về tài sản. Trên cơ sở điều tra, phân tích, phải xác định nguyên nhân gây nên tai nạn, sự cố, đưa ra các biện pháp khắc phục và phòng ngừa để tránh xảy ra các tai nạn tương tự.

Điều 42. Báo cáo tai nạn nghiêm trọng và các tình huống khẩn cấp.

Nhà điều hành phải báo cáo ngay Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền hữu quan, kể cả cơ quan có thẩm quyền địa phương nơi tiến hành hoạt động về các tai nạn nghiêm trọng, các tình huống khẩn cấp. Báo cáo phải mô tả hiện trạng, các biện pháp đã và sẽ áp dụng để ứng cứu.

Điều 43. Báo cáo định kỳ về công tác an toàn.

Trong vòng 15 ngày cuối cùng của mỗi quý và mỗi năm, Nhà điều hành phải trình cơ quan có thẩm quyền và Tổng công ty Dầu khí Việt Nam các báo cáo quý và báo cáo năm liên quan tới việc thực hiện chương trình quản ]ý an toàn đã được chấp thuận và tình hình tai nạn, sự cố nếu có. Trong báo cáo, phải đánh giá hiệu quả công tác quản lý an toàn và các biện pháp phòng ngừa để tránh xảy ra sự cố, tai nạn tương tự.

Chương 6:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ THANH TRA AN TOÀN

Điều 44. Cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí.

Cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí phối hợp với các cơ quan hữu quan có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thanh tra an toàn đối với các hoạt động dầu khí. Cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí xem xét, phê duyệt hoặc chấp thuận các tài liệu phải đệ trình theo yêu cầu của Quy chế này.

Điều 45. Các cơ quan hữu quan có thẩm quyền.

Các cơ quan hữu quan có thẩm quyền có trách nhiệm và quyền hạn theo quy định tại Điều 44 Quy chế này bao gồm:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế theo quy định tại Bộ luật Lao động.

Bộ Công an theo quy định tại Pháp lệnh Phòng cháy, chữa cháy.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ.

Các Bộ và các cơ quan nhà nước khác thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 46. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 và Điều 37 Nghị định số 84/CP ngày 17 tháng 12 năm 1996, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động dầu khí của Nhà điều hành nhằm mục đích bảo đảm việc tuân thủ Quy chế này; xem xét thẩm định các tài liệu theo quy định tại Điều 4 Quy chế này trước khi trình cơ quan có thẩm quyền.

Điều 47. Điều kiện và nội dung thanh tra.

Thanh tra an toàn dầu khí là thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Chương VII Luật Dầu khí nhằm bảo đảm việc chấp hành Quy chế này. Cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí tổ chức thực hiện chức năng thanh tra an toàn và ra quyết định thanh tra. Quyết định thanh tra được thông báo cho đối tượng chịu thanh tra, trong đó ghi rõ nội dung, thành phần đoàn thanh tra.

Đoàn thanh tra có nghĩa vụ và quyền hạn sau đây:

Được đến các công trình, nơi hoạt động của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí, các công trình, nơi hoạt động của những người sử dụng lao động khác để thanh tra an toàn.

Điều tra các tai nạn nghiêm trọng 3. Kiểm tra hồ sơ, tài liệu, sổ sách.

Kiểm tra các bộ phận, thiết bị của các công trình dầu khí.

Yêu cầu cung cấp tài liệu lưu giữ bao gồm ghi chép trong máy vi tính, da mềm, đa compaq, trong sổ, sơ đồ, băng ghi âm, băng hình hoặc các tài liệu khác liên quan đến an toàn, sức khỏe. Đoàn thanh tra có thể kiểm tra, sao chụp tại chỗ hoặc tạm thời mang các tài liệu đi để sao chụp.

Khám nghiệm, cầm giữ hoặc lấy mẫu vật liệu, sản phẩm, dụng cụ, thiết bị hoặc các chất độc hại đang được sản xuất, sử dụng hoặc được tìm thấy tại công trình.

Tiến hành thử nghiệm, chụp ảnh, quay phim, ghi âm hoặc sao chép các thông tin được lưu giữ ở máy tính hoặc đa.

Phỏng vấn và lấy ý kiến người lao dộng.

Khi tiến hành thanh tra, đoàn thanh tra phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không gây cản trở các hoạt động dầu khí một cách bất hợp pháp.

Điều 48. Quyền ra các quyết định.

Đoàn thanh tra được quyền xác định các vi phạm, ấn định các biện pháp phải thực hiện. Các yêu cầu này phải được lập thành văn bản, quy định thời hạn thực hiện. Văn bản này được gửi tới tổ chức, cá nhân có trách nhiệm. Trường hợp do yêu cầu cấp bách về an toàn, các vàn bản đó được gửi trực tiếp cho người chịu trách nhiệm trên các công trình được thanh tra.

Điều 49. Đình chỉ hoạt động.

Đoàn thanh tra được quyền quyết định đình chỉ tạm thời toàn bộ hay một phần hoạt động nếu có sự vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần các quy định của Quy chế này. Đoàn thanh tra phải báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc đình chỉ tạm thời đó. Cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định xử lý.

Điều 50. Trách nhiệm giúp đỡ cán bộ thanh tra.

Nhà điều hành có trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi để đoàn thanh tra thực hiện các chức năng quy định tại Điều 47 Quy chế này. Nhà điều hành phải bố trí nơi ăn ở, phương tiện đi và đến các công trình biển khi cần thiết.

Điều 51. Thực hiện quyết định thanh tra.

Nhà điều hành có trách nhiệm thực hiện quyết định của đoàn thanh tra. Nhà điều hành có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền về các quyết định đó theo quy định của pháp luật.

Chương 7:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 52. Khen thưởng.

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác an toàn hoặc có những đóng góp lớn vào việc ứng cứu khẩn cấp, giảm thiểu những thiệt hại về người, môi trường và tài sản do tai nạn hoặc thiên tai gây ra, sẽ được khen thưởng theo các quy định của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 53. Vi phạm.

Tổ chức, cá nhân bị coi là vi phạm Quy chế này nếu có những hành vi sau đây:

Trì hoãn việc chấp hành các quy định của Quy chế này, các quyết định, chỉ thị, yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền hoặc các điều khoản, điều kiện đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

Tự mình hoặc liên kết với người khác làm cho bên thứ ba vi phạm hoặc không thực hiện các quy định tại mục 1 Điều này.

Điều 54. Xử lý vi phạm.

Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Quy chế này sẽ bị xử lý theo Điều 43 Luật Dầu khí ngày 06 tháng 7 năm 1993 và Chương lX Nghị định số 84/CP ngày 17 tháng 12 năm 1996.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 55. Hướng dẫn thi hành Quy chế.

Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quy chế này.

Điều 56. Hiệu lực.

Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ./.