Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 41/2003/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN BỘ CÔNG NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 74/ CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Để tăng cường công tác quản lý tài chính và tài sản công của cơ quan Bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý tài chính và tài sản công tại cơ quan Bộ Công nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2,
- Bộ trưởng,
- Các Đ/c Thứ trưởng,
- Lưu VP, TCKT.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG




Châu Huệ Cẩm

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN BỘ CÔNG NGHIỆP
(Ban hành theo Quyết định số 41 /2003/QĐ-BCN ngày 25 tháng 3 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định về việc quản lý tài chính và tài sản công tại cơ quan Bộ Công nghiệp. Cơ quan Bộ bao gồm các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ.

Quy chế này được áp dụng đối với việc quản lý tài chính và tài sản công phục vụ hoạt động của Văn phòng Chương trình Kỹ thuật - Kinh tế về Công nghệ vật liệu và Văn phòng Chương trình Kỹ thuật - Kinh tế về Tự động hoá (sau đây gọi là Văn phòng Chương trình).

Văn phòng Bộ Công nghiệp là đơn vị dự toán cấp cơ sở (cấp 3) có nhiệm vụ quản lý mọi hoạt động thu chi của cơ quan Bộ và chịu sự quản lý Nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính và sự quản lý của Bộ Công nghiệp theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

Vụ Tài chính - Kế toán là cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ giúp Bộ quản lý về tài chính đối với Văn phòng Bộ.

Điều 2. Ngân sách của cơ quan Bộ bao gồm:

1. Kinh phí sự nghiệp hành chính (đảm bảo chi thường xuyên cho hoạt động quản lý hành chính của cơ quan Bộ).

2. Kinh phí nghiên cứu khoa học, đào tạo, y tế, theo các nhiệm vụ cụ thể được Bộ giao.

3. Quỹ khen thưởng của Bộ được trích lập theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Các khoản thu phí, lệ phí trong phạm vi thẩm quyền của Bộ theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động thẩm định, cấp giấy phép.

5. Các khoản tài trợ hợp pháp, tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Điều 3. Việc lập dự toán và quyết toán các khoản chi tiêu ngân sách của cơ quan Bộ đều phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và quy định tại Quy chế này.

Chương II

QUẢN LÝ KINH PHÍ SỰ NGHIỆP HÀNH CHÍNH

Điều 4. Vào tháng 8 hàng năm, căn cứ vào số dự kiến Bộ Công nghiệp giao, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, định mức và chế độ chi tiêu, Văn phòng Bộ chủ trì (có sự phối hợp của các Vụ, Thanh tra Bộ và Văn phòng Chương trình) lập dự toán theo các nhiệm vụ chi và mục lục ngân sách Nhà nước theo hướng dẫn của Bộ, sau chuyển Vụ Tài chính- Kế toán xem xét đưa vào dự toán ngân sách chung của Bộ.

Điều 5. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ Tài chính thông báo nhiệm vụ thu chi ngân sách cho Bộ Công nghiệp, Bộ sẽ phân bổ và giao dự toán ngân sách cơ quan Bộ cho Văn phòng Bộ quản lý và thực hiện. Căn cứ dự toán được giao, Văn phòng Bộ lập dự toán chi cả năm (có chia ra các quý) theo mục lục ngân sách quy định trong phạm vi dự toán ngân sách được giao gửi Vụ Tài chính- Kế toán xem xét phê duyệt.

Hàng quý, Văn phòng Bộ lập dự toán quý và gửi Vụ Tài chính- Kế toán trước ngày 20 của tháng cuối quý trước. Vụ Tài chính- Kế toán có trách nhiệm thẩm tra, xem xét và tổng hợp gửi Bộ Tài chính để làm thủ tục nhận kinh phí.

Điều 6. Trên cơ sở dự toán được duyệt, Vụ Tài chính- Kế toán có trách nhiệm cấp kinh phí kịp thời cho Văn phòng Bộ theo quý và các nhiệm vụ chi, mục lục ngân sách và theo tiến độ cấp phát của Bộ Tài chính cho Bộ.

Điều 7. Trong phạm vi dự toán kinh phí được cấp, Văn phòng Bộ có nhiệm vụ đảm bảo chi cho các hoạt động của cơ quan Bộ theo thứ tự ưu tiên sau:

1. Các khoản lương, phụ cấp, bảo hiểm và các khoản có tính chất lương theo quy định.

2. Chi phí điện, nước, điện thoại, vật tư, nhiên liệu, văn phòng phẩm, công tác phí phục vụ hoạt động bình thường của cơ quan Bộ.

3. Sửa chữa thường xuyên, nhà cửa, điện nước, thiết bị làm việc.

4. Chi phí các đoàn vào và chi phí hội nghị trong phạm vi dự toán kinh phí được duyệt.

5. Mua sắm tài sản, thiết bị phục vụ công tác của cơ quan Bộ.

6. Chi phí khác.

Do nguồn kinh phí Nhà nước cấp còn hạn chế nên nhiệm vụ chi cho các đoàn vào (4) và mua sắm tài sản (5) phải hết sức tiết kiệm và được cân đối giải quyết khi đảm bảo các khoản chi 1, 2, 3, 6.

Trường hợp đặc biệt, các nhiệm vụ 4, 5 có yêu cầu cấp bách phải giải quyết nhưng không cân đối được kinh phí, Văn phòng Bộ có nhiệm vụ thông báo cụ thể để Vụ Tài chính- Kế toán xem xét và cùng trình Lãnh đạo Bộ xử lý.

Điều 8. Quy định về thanh toán công tác phí cho cán bộ, công chức đi công tác trong nước

Cán bộ, công chức đi công tác trong nước được thanh toán công tác phí theo chế độ công tác phí do nhà nước quy định. Các Vụ, Thanh tra Bộ và Văn phòng Bộ có nhiệm vụ quản lý chặt chẽ kế hoạch, nội dung, chương trình và kết quả công tác của từng cán bộ, công chức trong cơ quan mình. Do nguồn kinh phí Nhà nước cấp bị hạn chế nên các đối tượng từ cấp Lãnh đạo Vụ và tương đương, chuyên viên cao cấp trở lên đề nghị mua vé máy bay đi công tác đều phải được thủ trưởng cơ quan Bộ hoặc người được uỷ quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó, Văn phòng Bộ làm thủ tục tạm ứng tiền mua vé.

Khi đi công tác về, cán bộ, công chức phải nộp cuống vé và các chứng từ liên quan để làm thủ tục thanh toán tạm ứng. Trong phạm vi một tháng kể từ ngày đi công tác về nếu người đi công tác không nộp cuống vé và giấy tờ liên quan để thanh toán, Văn phòng Bộ sẽ thông báo cho Thủ trưởng đơn vị quản lý người đó biết để làm thủ tục trừ vào tiền lương hàng tháng.

Các trường hợp không sử dụng xe ô tô của các cơ quan, đơn vị đưa đón ở sân bay thì được thanh toán thống nhất theo mức 30.000đ/người/lần với điều kiện phải có giấy tự báo và được thủ trưởng đơn vị có cán bộ, công chức đi công tác xác nhận.

Các trường hợp đi công tác theo yêu cầu của các cơ sở, được cơ sở đài thọ tiền vé thì không được thanh toán tiền vé với Văn phòng Bộ.

Các cán bộ, công chức đi công tác chỉ được thanh toán phụ cấp lưu trú theo đúng chế độ quy định khi giấy đi đường có ghi rõ thời gian đi về, được cơ quan đến công tác và lãnh đạo đơn vị quản lý cán bộ, công chức đi công tác ký xác nhận. Cơ quan đến công tác (xác nhận trong giấy đi đường) ở vùng nào thì được thanh toán phụ cấp lưu trú theo mức quy định cho vùng đó.

Điều 9. Quy định về việc sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại tại cơ quan

Thủ trưởng các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ quán triệt đến từng cán bộ, công chức tinh thần tiết kiệm trong việc sử dụng điện thoại ở cơ quan. Cán bộ, công chức không được sử dụng điện thoại cơ quan để gọi ra nước ngoài (trừ các đồng chí Lãnh đạo Bộ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và các trường hợp được Lãnh đạo Bộ cho phép). Các cuộc điện thoại đường dài trong nước cần ngắn gọn và thật sự cần thiết cho nhu cầu công việc của Bộ.

Định kỳ hàng tháng, Văn phòng Bộ sẽ thông báo công khai đến các đơn vị thuộc cơ quan Bộ số tiền cước phí của từng máy điện thoại trong cơ quan Bộ.

Điều 10. Thanh toán cước phí điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động

1. Điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động được thanh toán cho các đối tượng và theo định mức như sau:

Các chức danh

Điện thoại cố định

Điện thoại di động

 

Tiền mua máy

(đồng)

Tiền cước phí

(đ/tháng)

Tiền mua máy

(đồng)

Tiền cước phí

(đ/tháng)

Bộ trưởng

300.000

300.000

3.000.000

500.000

Thứ trưởng

300.000

200.000

3.000.000

400.000

Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ

300.000

100.000

3.000.000

250.000

2. Trường hợp các đối tượng trên đã được các đơn vị tài trợ trang bị máy hoặc tiền cước phí sử dung thì sẽ không được thanh toán tiền trang bị máy hoặc tiền cước phí sử dụng theo định mức trên với Văn phòng Bộ.

3. Trường hợp các đối tượng trên tự trang bị máy, nhưng không còn hoá đơn hợp lệ theo quy định thì sẽ không được thanh toán tiền trang bị máy theo định mức.

Điều 11. Chi đoàn vào trên cơ sở cân đối dự toán chi cả năm Bộ giao cho Văn phòng Bộ. Căn cứ kế hoạch tiếp đoàn vào được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, căn cứ chế độ tiếp đoàn vào của Bộ Tài chính quy định (Thông tư 100/2000/TT-BTC ngày 16 tháng 10 năm 2000 của Bộ Tài chính), Vụ Hợp tác quốc tế lập dự toán cho từng đoàn vào trình Bộ phê duyệt rồi chuyển cho Văn phòng Bộ thực hiện. Sau khi hoàn thành việc tiếp đoàn vào, trong thời hạn 15 ngày, Vụ Hợp tác quốc tế phải lập báo cáo quyết toán đoàn vào kèm theo chứng từ hợp lệ gửi Văn phòng Bộ để quyết toán đoàn vào.

Trường hợp chi thực tế vượt quá 10% thì Vụ Hợp tác quốc tế phải có giải trình đề nghị Lãnh đạo Bộ duyệt bổ sung dự toán trước khi quyết toán với Văn phòng Bộ.

Trường hợp đoàn vào không có trong kế hoạch và dự toán được duyệt, dự toán kinh phí cả năm không cân đối được, Vụ Hợp tác quốc tế có trách nhiệm báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét đề nghị Bộ Tài chính giải quyết bổ sung kinh phí đoàn vào.

Tuỳ theo đoàn vào, Bộ tạo điều kiện để các Tổng công ty, đơn vị, ngành hàng liên quan tham dự tiếp và tài trợ chi đoàn vào theo chế độ Nhà nước quy định.

Văn phòng Bộ không quyết toán các đoàn vào và các khoản chi cho đoàn vào đã được các đơn vị tài trợ.

Điều 12. Chi Hội nghị trong nước và quốc tế

Căn cứ Quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức hội nghị, và chế độ chi tiêu hội nghị Nhà nước quy định (Thông tư số 93/1998/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 1998 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi cho hội nghị trong nước, Quyết định số 236/1999/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 100/2000/TT-BTC ngày 16 tháng 10 năm 2000 của Bộ Tài chính quy định chế độ hội nghị quốc tế), đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị lập dự toán trình Bộ phê duyệt để chuyển cho Văn phòng Bộ thực hiện.

Trường hợp tổ chức hội nghị ngoài kế hoạch và dự toán, phải thực hiện các thủ tục như đối với đoàn vào ngoài kế hoạch.

Sau khi kết thúc hội nghị, trong phạm vi 15 ngày, cơ quan chủ trì hội nghị phải làm báo cáo quyết toán kèm theo các chứng từ liên quan gửi Văn phòng Bộ để quyết toán chi cho hội nghị.

Văn phòng Bộ không quyết toán các hội nghị và các khoản chi cho hội nghị đã được các cơ sở tài trợ.

Điều 13. Chi phục vụ hoạt động của các Văn phòng Chương trình

Trên cơ sở dự toán cả năm được phân bổ, Văn phòng Chương trình có trách nhiệm lập dự toán chi tiết trình Bộ phê duyệt và chuyển cho Văn phòng Bộ thực hiện.

Căn cứ dự toán được duyệt và kế hoạch của Văn phòng Chương trình, Văn phòng Bộ có thể giải quyết tạm ứng cho Văn phòng Chương trình theo từng khoản chi hoặc theo kế hoạch hoạt động của Văn phòng Chương trình. Hàng tháng hoặc khi hoàn thành công việc, Văn phòng Chương trình phải lập báo cáo quyết toán kèm theo toàn bộ chứng từ liên quan gửi Văn phòng Bộ để quyết toán gọn theo từng khoản Văn phòng Bộ đã tạm ứng cho Văn phòng Chương trình. Việc giải quyết các khoản tạm ứng được thực hiện theo nguyên tắc thanh toán khoản tạm ứng trước mới được nhận khoản tạm ứng sau.

Theo sự uỷ quyền của Chủ nhiệm Chương trình, Chánh Văn phòng Chương trình được ký các hợp đồng hỗ trợ, hợp đồng thuê khoán, hợp đồng thực hiện các lĩnh vực của chương trình với các cơ quan tổ chức và cá nhân trong phạm vi dự toán được duyệt và theo quy định của pháp luật về hợp đồng. Các hợp đồng phải có nội dung công việc, khối lượng và giá trị từng công việc rõ ràng. Kết thúc hợp đồng phải có nghiệm thu kết quả, khối lượng và chất lượng công việc đạt yêu cầu mới được thanh toán hết số tiền theo hợp đồng.

Điều 14. Đối với một số khoản chi khác (như: chi vì sự tiến bộ của phụ nữ, chi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật...)

Trên cơ sở dự toán cả năm được giao cho từng nhiệm vụ, cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ lập dự toán chi tiết trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt rồi chuyển cho Văn phòng Bộ thực hiện. Việc chi tiêu và quyết toán các khoản chi trên thực hiện như quy định tại Điều 13 của Quy chế này.

Chương III

QUẢN LÝ KINH PHÍ SỰ NGHIỆP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, ĐÀO TẠO, Y TẾ

Điều 15. Căn cứ vào nhiệm vụ kế hoạch và dự toán được Bộ giao, các tổ chức và cá nhân được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo hoặc y tế có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Bộ lập dự toán chi tiết theo mục lục ngân sách trình thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp xem xét trình Lãnh đạo Bộ duyệt rồi chuyển cho Văn phòng Bộ để quản lý trong quá trình thực hiện. Việc tạm ứng, thanh toán, thực hiện như quy định tại Điều 13 của Quy chế này.

Điều 16. Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo, y tế do các đơn vị hoặc cá nhân thuộc cơ quan Bộ thực hiện đều được quản lý thu chi tập trung tại cơ quan Bộ theo quy định của pháp luật. Được đưa vào dự toán 5% chi phí quản lý để bổ sung chi phí điện, nước, điện thoại và các chi phí quản lý chung của cơ quan Bộ.

Điều 17. Đối với các khoản thuê khoán chuyên môn

Chủ nhiệm đề tài được ký hợp đồng với các tổ chức và cá nhân trong phạm vi dự toán được duyệt theo quy định của pháp luật về hợp đồng. Hợp đồng phải được thủ trưởng cơ quan quản lý chủ nhiệm đề tài xem xét phê duyệt.

Trường hợp phải trả tiền bằng chuyển khoản, chủ nhiệm đề tài được đề nghị Văn phòng Bộ chuyển trả khách hàng. Giấy đề nghị chuyển tiền do chủ nhiệm đề tài đề nghị và thủ trưởng cơ quan quản lý chủ nhiệm đề tài ký duyệt.

Mọi trường hợp thuê khoán chuyên môn phải có nội dung công việc rõ ràng, thuyết minh rõ khối lượng công việc và chi phí thuê khoán. Kết thúc hợp đồng phải nghiệm thu kết quả khối lượng và chất lượng công việc đạt kết quả mới được tính toán trả hết số tiền theo hợp đồng.

Chương IV

QUẢN LÝ CÁC NGUỒN THU PHÍ, LỆ PHÍ

Điều 18. Tất cả các hoạt động thẩm định, cấp giấy phép (sau đây gọi chung là thẩm định) do Bộ thực hiện theo thẩm quyền được Chính phủ giao, được thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật đều thực hiện quản lý thu chi tập trung tại Văn phòng Bộ.

Điều 19. Khi nhận được báo cáo và văn bản đề nghị thẩm định của các tổ chức, cá nhân; đơn vị được Bộ giao chủ trì thẩm định có nhiệm vụ thông báo cho tổ chức, cá nhân mức lệ phí phải nộp theo quy định của pháp luật và lập dự toán thu chi lệ phí trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt gửi Vụ Tài chính- Kế toán và Văn phòng Bộ để theo dõi quản lý.

Điều 20. Các tổ chức, cá nhân khi nhận được thông báo mức lệ phí thẩm định có trách nhiệm nộp tiền lệ phí về Văn phòng Bộ Công nghiệp theo tài khoản số: 931-01- 084 tại Kho bạc nhà nước Hà Nội.

Điều 21. Khi nhận được tiền lệ phí thẩm định do các tổ chức, cá nhân nộp, Văn phòng Bộ phát hành hoá đơn thu lệ phí và thông báo cho đơn vị chủ trì thẩm định biết. Đơn vị chủ trì thẩm định được chi phục vụ việc thẩm định trong phạm vi dự toán được duyệt và theo chế độ Nhà nước quy định. Việc tạm ứng, thanh quyết toán thực hiện như quy định tại Điều 13 của Quy chế này.

Điều 22. Dự toán thu, chi lệ phí thẩm định được lập theo nội dung sau

1. Phần thu

a) Tên dự án;

b) Tên khoản thu (ví dụ: thu lệ phí thẩm định dự án, thu lệ phí cấp giấy phép);

c) Giá trị dự án;

d) Mức thu...% (theo quy định);

đ) Số tiền thu lệ phí đối với dự án (dòng c x d) là ... đồng.

2. Phần chi

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập dự án, căn cứ các quy định hiện hành, Bộ quy định nội dung và mức chi lệ phí thẩm định như sau:

a) Số phải nộp ngân sách theo mức quy định cụ thể đối với từng loại phí, lệ phí.

b) Số được để lại sử dụng bằng số thu lệ phí trừ số lệ phí phải nộp ngân sách theo quy định.

Số được để lại được sử dụng như sau:

- Chi trả thù lao cho đối tượng trực tiếp tham gia thẩm định bao gồm cả các đối tượng thuộc các cơ quan khác tham gia thẩm định.

- Chi phí hội nghị, hội thảo với các cơ quan có liên quan trong quá trình thẩm định, chi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cho cán bộ chuyên môn tham gia thẩm định.

- Chi cho việc khảo sát thực tế tại địa điểm dự án hoặc cơ sở có nội dung đầu tư tương tự đang hoạt động.

- Chi thuê phương tiện, thiết bị phục vụ thẩm định trong điều kiện cơ quan không có hoặc không đủ để phục vụ thẩm định.

- Các khoản chi phí quản lý hành chính của cơ quan: thanh toán dịch vụ công, thông tin liên lạc, điện, nước, vật tư văn phòng, xăng dầu, công tác phí, sửa chữa tài sản máy móc thiết bị, các khoản chi phục vụ khác.

- Trích quỹ khen thưởng cho những người làm công tác thẩm định và thu lệ phí (tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện/1 năm).

Tuỳ theo quy mô từng khoản lệ phí và nội dung công việc thẩm định phải tiến hành, đơn vị chủ trì thẩm định lập dự toán chi cụ thể các khoản trên và trình Bộ phê duyệt rồi chuyển cho Văn phòng Bộ thực hiện.

Điều 23. Trường hợp đơn vị chủ trì thẩm định phải hợp đồng thuê khoán một số công việc, được thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Quy chế này.

Chương V

QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG

Điều 24. Tất cả các loại tài sản, máy móc, thiết bị do các đơn vị mượn, quà tặng, biếu hoặc do điều chuyển từ nơi khác đến đều phải được đăng ký với Văn phòng Bộ và thông báo cho Vụ Tài chính- Kế toán để quản lý, theo dõi chung theo đúng quy định quản lý tài sản công thuộc các đơn vị hành chính sự nghiệp. Bất kỳ tài sản, máy móc thiết bị nào khi mang ra khỏi cơ quan phải được sự đồng ý của Văn phòng Bộ.

Điều 25. Việc mua sắm tài sản cố định (mục 145), sửa chữa lớn tài sản cố định (mục 118) Văn phòng Bộ phải lập dự toán chi tiết năm, quý và thiết kế (đối với sửa chữa lớn công trình kiến trúc) gửi Vụ Tài chính- Kế toán (theo nguyên tắc quy định tại Điều 7) và Vụ Kế hoạch và Đầu tư (trường hợp có sửa chữa lớn công trình kiến trúc). Vụ Tài chính- Kế toán xem xét thẩm tra trình Bộ phê duyệt. Đối với thiết kế dự toán sửa chữa công trình kiến trúc, Vụ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra trình Bộ phê duyệt.

Trên cơ sở dự toán được duyệt, Văn phòng Bộ tiến hành việc mua sắm và sửa chữa theo quy định hiện hành. Khi tiến hành sửa chữa, mua sắm những tài sản cố định có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên phải được thủ trưởng cơ quan duyệt danh mục, đối tượng tài sản cần sửa chữa lớn.

Việc mua sắm tài sản phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 121/2000/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2000 về việc hướng dẫn đấu thầu mua sắm trang thiết bị.

Để thực hiện việc sửa chữa lớn tài sản, Văn phòng Bộ phải lập thiết kế dự toán gửi Vụ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt hoặc trình lãnh đạo Bộ phê duyệt. Khi hoàn thành phải lập báo cáo quyết toán theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.

Điều 26. Thanh lý, chuyển nhượng, điều động tài sản không cần dùng: Khi có yêu cầu về thanh lý, chuyển nhượng, điều động tài sản không cần dùng, Văn phòng Bộ phải lập hồ sơ đề nghị thanh lý, chuyển nhượng, điều động tài sản theo Quy chế xử lý tài sản không cần dùng ban hành kèm theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19 tháng 4 năm 2000 của Bộ Tài chính, gửi Vụ Tài chính- Kế toán. Vụ Tài chính-Kế toán có trách nhiệm phối hợp với các Vụ: Kế hoạch và đầu tư, Quản lý công nghệ và chất lượng sản phẩm kiểm tra trình Lãnh đạo Bộ quyết định (đối với tài sản thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ) hoặc đề nghị Bộ Tài chính giải quyết theo quy định. Sau khi có quyết định cho phép thanh lý, chuyển nhượng, điều động, Văn phòng Bộ thực hiện việc thanh lý, chuyển nhượng và bàn giao theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Cán bộ, công chức các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ và các Văn phòng Chương trình có trách nhiệm thi hành Quy chế này. Đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm Quy chế này sẽ bị xử lý kỷ luật. Trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung, Vụ trưởng Vụ Tài chính- Kế toán nghiên cứu trình Lãnh đạo Bộ quyết định./.