BỘ BƯU CHÍNH-VIỄN THÔNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2004/QĐ-BBCVT | Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG SỐ 41/2004/QĐ-BBCVT NGÀY 05 THÁNG 10 NĂM 2004 BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ TEM PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN THIẾT BỊ VIỄN THÔNG"
BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về tem phù hợp tiêu chuẩn thiết bị viễn thông".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.
Điều 3. Chánh văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng thiết bị viễn thông chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này
| Mai Liêm Trực (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
VỀ TEM PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN THIẾT BỊ VIỄN THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2004/QĐ-BBCVT ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định việc gắn tem phù hợp tiêu chuẩn thiết bị viễn thông đối với thiết bị viễn thông sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
Văn bản này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, mua bán và sử dụng thiết bị viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Tem phù hợp tiêu chuẩn thiết bị viễn thông
1. Tem phù hợp tiêu chuẩn thiết bị viễn thông, sau đây gọi là tem, được gắn lên từng thiết bị làm dấu hiệu thể hiện thiết bị viễn thông đã được Bộ Bưu chính, Viễn thông chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, làm cơ sở để người sử dụng nhận biết thiết bị đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông kiểm tra khi thực hiện đấu nối thiết bị, các cơ quan quản lý kiểm tra, kiểm soát trên thị trường.
2. Mẫu tem do Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành. Tem được in trên giấy bóc vỡ, sử dụng các biện pháp để chống làm giả, gồm các thông tin sau:
- Tên tem,
- Tên cơ quan phát hành tem,
- Loại, nguồn gốc thiết bị được gắn tem,
- Mã số tem.
Nghiêm cấm mọi hành vi làm giả, thay đổi, sửa chữa nội dung tem hoặc sử dụng tem không đúng theo quy định tại văn bản này.
Điều 3. Danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc gắn tem.
1. Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định danh mục thiết bị viễn thông sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu bắt buộc gắn tem trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường Việt Nam, hoặc kết nối vào mạng viễn thông. Danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc gắn tem sẽ được công bố theo từng thời kỳ.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông khuyến khích các tổ chức, cá nhân gắn tem cho các thiết bị viễn thông không thuộc danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc gắn tem, nhưng đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.
Điều 4. Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin (Cục Quản lý chất lượng BC, VT và CNTT) thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông tổ chức in ấn tem, quy định mức tiền sử dụng tem, phát hành tem, quản lý tem và hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có thiết bị phải gắn tem thực hiện các quy định tại văn bản này.
Điều 5. Tổ chức, cá nhân có thiết bị phải gắn tem là tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 2 - Điều 1 có thiết bị viễn thông thuộc danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc gắn tem đã được cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.
Chương 2:
QUY TRÌNH, THỦ TỤC XIN GẮN TEM VÀ GIAO NHẬN TEM
Điều 6. Tổ chức, cá nhân có thiết bị phải gắn tem lập hồ sơ xin gắn tem gồm:
1. Đơn xin gắn tem (theo mẫu trong Phụ lục 1),
2. Bản sao (có công chứng) giấy tờ thể hiện tư cách pháp nhân:
- Đối với tổ chức: Một trong các loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập, quyết định thành lập.
- Đối với cá nhân: chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.
3. Bản sao Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn,
4. Bản sao giấy tờ thể hiện số lượng thiết bị xin gắn tem:
- Đối với thiết bị nhập khẩu: Bản sao Tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu (trình bản gốc để đối chiếu khi nộp hồ sơ).
- Đối với thiết bị sản xuất trong nước: Đăng ký số lượng thiết bị cần gắn tem (theo kế hoạch sản xuất).
Điều 7. Địa điểm nộp hồ sơ xin gắn tem
1. Cục Quản lý chất lượng BC, VT và CNTT.
Số 18 Nguyễn Du - Hà Nội.
2. Chi Cục Quản lý chất lượng Khu vực 2.
Số 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Quận 1 - TP. Hồ Chí Minh.
3. Các cơ quan khác được Cục Quản lý chất lượng BC, VT và CNTT ủy nhiệm.
Điều 8. Cục Quản lý chất lượng BC, VT và CNTT giao tem cho tổ chức, cá nhân trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Việc giao và nhận tem phải có Biên bản giao, nhận tem (mẫu tại Phụ lục 2).
Điều 9. Tổ chức, cá nhân có thiết bị phải gắn tem nộp tiền sử dụng tem một lần bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản trước khi nhận tem.
Chương 3:
QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN GẮN TEM
Điều 10. Tổ chức, cá nhân có thiết bị phải gắn tem thực hiện gắn tem lên thiết bị. Quy cách gắn tem được hướng dẫn tại Danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc gắn tem.
Điều 11. Trường hợp có yêu cầu đặc biệt, Cục Quản lý chất lượng BC, VT và CNTT thực hiện giám sát, kiểm tra việc gắn tem để đảm bảo tem sử dụng đúng mục đích.
Điều 12. Tổ chức, cá nhân có thiết bị phải gắn tem có trách nhiệm bảo quản, sử dụng tem được giao theo đúng quy định; lập sổ theo dõi tình hình sử dụng tem để xuất trình khi có yêu cầu của các cơ quan hữu quan.
Điều 13. Tổ chức, cá nhân có thiết bị phải gắn tem được cấp bổ sung tem bị rách, hỏng. Mẫu đơn xin cấp tem bổ sung tại Phụ lục 3. Tem bị mất không được cấp lại.
Điều 14. Tổ chức, cá nhân sản xuất thiết bị viễn thông trong nước phải báo cáo tình hình sử dụng tem trước ngày 15 tháng 12 hàng năm. Mẫu báo cáo sử dụng tem hàng năm theo Phụ lục 4.
Tổ chức, cá nhân sản xuất thiết bị viễn thông trong nước phải báo cáo sử dụng tem và nộp lại số tem chưa sử dụng tại các thời điểm sau:
1. Tổ chức, cá nhân dừng không sản xuất loại thiết bị xin gắn tem.
2. Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn đối với thiết bị xin gắn tem hết hiệu lực.
Báo cáo sử dụng và nộp lại tem theo mẫu tại Phụ lục 5. Việc nộp lại tem được thực hiện qua Biên bản nộp lại tem tại Phụ lục 6.
Điều 15. Cục Quản lý chất lượng BC, VT và CNTT quyết định thu hồi tem trong các trường hợp sau:
1. Tổ chức, cá nhân không nộp lại số tem chưa sử dụng hết.
2. Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cấp cho thiết bị xin gắn tem bị hủy bỏ hiệu lực.
3. Tổ chức, cá nhân có thiết bị phải gắn tem vi phạm các quy định trong văn bản này.
Điều 16. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, mua bán có thiết bị thuộc danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc gắn tem đã đưa vào thị trường Việt Nam trước thời điểm có hiệu lực của văn bản này (đang trong kho, trên đường vận chuyển, hoặc đang bầy bán) phải thực hiện việc gắn tem theo quy định sau:
1. Thủ tục xin gắn tem và giao nhận tem:
a. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thiết bị: thực hiện theo quy định tại Chương II của văn bản này.
b. Tổ chức, cá nhân mua bán thiết bị: Thực hiện theo quy định tại Chương II của văn bản này, riêng Điều 6 - Khoản 3, 4 thay thế bằng quy định sau:
- Bản sao giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn: Bản sao giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn đã được cấp cho tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị xin gắn tem (có cam kết sao y bản chính của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thiết bị).
- Bản sao giấy tờ thể hiện số lượng, nguồn gốc thiết bị: Các hoá đơn, chứng từ mua bán, phiếu xuất kho thể hiện nguồn gốc thiết bị xin gắn tem được cung cấp bởi tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị (có cam kết sao y bản chính của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thiết bị).
2. Việc gắn tem thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Quy định này.
3. Thời hạn hoàn thành việc gắn tem cho các thiết bị thuộc diện này là 90 ngày, kể từ ngày có hiệu lực của Quy định này.
Chương 4:
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 17. Thanh tra Chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin chủ trì, Thanh tra của các cơ quan hữu quan khác phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định tại Văn bản này.
Điều 18. Tổ chức, cá nhân được thanh tra có nhiệm vụ cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.
Điều 19. Các hành vi vi phạm các quy định về gắn tem phù hợp tiêu chuẩn thiết bị viễn thông sẽ bị xử lý theo Nghị định 142/2004/NĐ-CP ngày 08/7/2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện và các văn bản hiện hành.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Bưu chính, Viễn thông để xem xét, bổ sung, sửa đổi.
- 1 Quyết định 44/2006/QĐ-BBCVT Quy định chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông" do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành
- 2 Quyết định 501/QĐ-BTTTT năm 2009 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3 Quyết định 501/QĐ-BTTTT năm 2009 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 1 Quyết định 22/2005/QĐ-BBCVT sửa đổi quyết định 42/2004/QĐ-BBCVT về "Danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc gắn tem phù hợp tiêu chuẩn" do Bộ trưởng Bộ bưu chính Viễn thông ban hành
- 2 Quyết định 43/2004/QĐ-BBCVT ban hành mẫu tem phù hợp tiêu chuẩn thiết bị viễn thông do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành
- 3 Nghị định 160/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về viễn thông
- 4 Nghị định 142/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện
- 5 Nghị định 90/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông
- 6 Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông năm 2002
- 1 Quyết định 22/2005/QĐ-BBCVT sửa đổi quyết định 42/2004/QĐ-BBCVT về "Danh mục thiết bị viễn thông bắt buộc gắn tem phù hợp tiêu chuẩn" do Bộ trưởng Bộ bưu chính Viễn thông ban hành
- 2 Quyết định 43/2004/QĐ-BBCVT ban hành mẫu tem phù hợp tiêu chuẩn thiết bị viễn thông do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành