Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/2019/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 19 tháng 7 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2019/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII kỳ họp thứ 9 về Quy định chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2019.

2. Quyết định này thay thế Quyết định số 59/2015/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO
(Kèm theo Quyết định số 41/2019/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp, mức trợ cấp và quyền lợi, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo ở trong nước và ở nước ngoài (gọi chung là học viên).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đào tạo chuyên môn trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II (gọi chung là đào tạo sau đại học):

a) Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh trở lên (các cơ quan tham mưu giúp việc thuộc Tỉnh ủy, Văn phòng Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh);

b) Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quản lý các phòng, ban và tương đương của  các cơ quan, đơn vị cấp huyện trở lên (các cơ quan tham mưu giúp việc thuộc Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện);

c) Công chức, viên chức làm công tác nghiên cứu, hoạt động khoa học, văn hóa, nghệ thuật, khám chữa bệnh, giảng dạy trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành mà yêu cầu tiêu chuẩn vị trí việc làm phải có trình độ sau đại học.

2. Đào tạo chuyên môn trình độ đại học:

a) Cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số;

b) Cán bộ, công chức cấp xã đang công tác tại các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Đào tạo lý luận chính trị trình độ trung cấp, cao cấp:

a) Các đối tượng quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này;

b) Cán bộ chủ chốt cấp xã và quy hoạch các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã (Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc).

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng chính sách

1. Cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử đi học đã hưởng chính sách trợ cấp theo Quy định này thì không được hưởng các chính sách theo quy định khác, trừ trường hợp Quy định này chưa có hoặc quy định khác có mức hưởng cao hơn.

2. Công chức, viên chức giữ chức vụ trưởng phòng và tương đương của các cơ quan, đơn vị (ban, chi cục, trung tâm,...) trực thuộc các sở, ban, ngành, nếu được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo và bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 4 thì được hưởng trợ cấp chi phí đào tạo, chi phí đi lại và 50% các khoản trợ cấp hàng tháng và trợ cấp khi tốt nghiệp sau đại học theo Quy định này.

Điều 4. Điều kiện hưởng chính sách

1. Về thời gian công tác

a) Cán bộ, công chức (kể cả cán bộ, công chức cấp xã) có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ;

b) Viên chức đã kết thúc thời gian tập sự.

2. Về tuổi đời (tính đến thời điểm được cử đi đào tạo)

a) Đào tạo chuyên môn trình độ sau đại học: Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu (không áp dụng đối với viên chức);

b) Đào tạo chuyên môn trình độ đại học: Không quá 50 tuổi đối với nam và không quá 45 tuổi đối với nữ.

3. Có cam kết tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi tốt nghiệp trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.

4. Chuyên ngành cử đi đào tạo phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức vụ, ngạch cán bộ, công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đang đảm nhận hoặc chức vụ được quy hoạch. Nếu cử đi đào tạo chuyên môn trình độ sau đại học phải thuộc danh mục các chuyên ngành và cơ sở đào tạo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ.

Chương II

CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP

Mục I. ĐÀO TẠO Ở TRONG NƯỚC

Điều 5. Trợ cấp chi phí đào tạo

1. Trợ cấp 100% chi phí dịch vụ đào tạo theo hóa đơn của cơ sở đào tạo.

2. Khoán lệ phí thi tuyển; tiền mua tài liệu học tập, giáo trình và các khoản chi phí khác cho một khóa đào tạo như sau:

a) Trung cấp lý luận chính trị: 1,5 lần mức lương cơ sở/học viên;

b) Đại học chuyên môn, cao cấp lý luận chính trị: 2,0 lần mức lương cơ sở/học viên;

c) Thạc sĩ; chuyên khoa y, dược cấp I: 3,0 lần mức lương cơ sở/học viên;

d) Chuyên khoa y, dược cấp II: 4,0 lần mức lương cơ sở/học viên;

đ) Tiến sĩ: 6,0 lần mức lương cơ sở/học viên.

3. Hỗ trợ nghiên cứu thực tế đối với học viên đi học trung cấp, cao cấp lý luận chính trị: 2,0 lần mức lương cơ sở/học viên/khóa học.

Điều 6. Trợ cấp chi phí đi lại

1. Học viên đi đào tạo ở cơ sở đào tạo cách trụ sở cơ quan, đơn vị công tác từ 15 km trở lên được thanh toán tiền thuê phương tiện đi lại hoặc hỗ trợ xăng xe từ cơ quan, đơn vị công tác đến nơi học tập theo chế độ công tác phí hiện hành.

2. Số lượt thanh toán

a) Đào tạo tập trung dài hạn: Một lượt đi và về vào đầu khóa học và kết thúc khóa học; nghỉ hè; nghỉ tết nguyên đán hằng năm theo quy định;

b) Đào tạo tập trung nhiều đợt, mỗi đợt từ 01 tháng trở lên: Một lượt đi và về cho mỗi đợt học.

Điều 7. Trợ cấp hàng tháng

1. Học viên đi đào tạo ở cơ sở đào tạo cách trụ sở cơ quan, đơn vị công tác từ 15 km trở lên được trợ cấp hàng tháng như sau:

a) Học chuyên môn trình độ sau đại học:

- Ngoài tỉnh: 1,2 lần mức lương cơ sở (nếu học tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh); 1,0 lần mức lương cơ sở (nếu học tại các tỉnh, thành phố còn lại);

- Trong tỉnh: 0,7 lần mức lương cơ sở.

b) Học chuyên môn trình độ đại học:

- Ngoài tỉnh: 1,0 lần mức lương cơ sở (nếu học tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh); 0,8 lần mức lương cơ sở (nếu học tại các tỉnh, thành phố còn lại);

- Trong tỉnh: 0,5 lần mức lương cơ sở.

c) Học lý luận chính trị trình độ trung cấp, cao cấp tại Trường Chính trị tỉnh Bình Định: 0,5 lần mức lương cơ sở.

2. Ngoài mức trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều này, thực hiện trợ cấp hỗ trợ thêm cho các đối tượng:

a) Học viên là người dân tộc thiểu số hoặc là nữ được hưởng hệ số 0,2 lần mức lương cơ sở;

b) Học viên là nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng được hưởng hệ số 0,3 lần mức lương cơ sở.

3. Thời gian tính hưởng trợ cấp hàng tháng là thời gian thực tế học viên đi học tập trung tính cộng dồn theo tháng, mỗi tháng 22 ngày và không vượt quá thời gian quy định của chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo thông báo.

Điều 8. Trợ cấp khi tốt nghiệp sau đại học

Học viên hoàn thành khóa học, được cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II được trợ cấp một lần như sau:

1. Tiến sĩ: 80.000.000 đồng/người.

2. Chuyên khoa cấp II: 60.000.000 đồng/người.

3. Thạc sĩ: 30.000.000 đồng/người.

4. Chuyên khoa cấp I: 20.000.000 đồng/người.

Mục II. ĐÀO TẠO Ở NGOÀI NƯỚC

Điều 9. Trợ cấp chi phí bồi dưỡng ngoại ngữ ở trong nước để đi học sau đại học ở nước ngoài

Trước khi đi học sau đại học ở nước ngoài, học viên được cử đi học trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn theo yêu cầu được trợ cấp 30.000.000 đồng/người/khóa học; nếu không đạt yêu cầu thì được hưởng 60% mức trợ cấp quy định tại Điều này.

Điều 10. Hỗ trợ chi phí đào tạo sau đại học ở nước ngoài

Học viên đi học sau đại học ở nước ngoài được hỗ trợ để chi trả các khoản chi phí sau:

1. Chi phí dịch vụ đào tạo và các chi phí khác liên quan đến khóa đào tạo phải trả cho các cơ sở đào tạo nước ngoài: Theo thông báo hoặc hóa đơn chi phí dịch vụ đào tạo của cơ sở đào tạo hoặc căn cứ vào hợp đồng ký kết với cơ sở đào tạo nước ngoài.

2. Bảo hiểm y tế: Theo thông báo hoặc hóa đơn bảo hiểm y tế bắt buộc của cơ sở đào tạo và không vượt mức bảo hiểm y tế tối thiểu áp dụng chung cho lưu học sinh nước ngoài ở nước sở tại.

3. Chi phí ăn và tiêu vặt, ở, đi lại hàng ngày được cấp theo thời gian học tập thực tế ở nước ngoài (từ ngày nhập học đến ngày kết thúc nhưng không vượt quá thời gian ghi trong quyết định của cấp có thẩm quyền). Mức hỗ trợ cụ thể thực hiện theo chương trình, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Tiền vé máy bay hạng phổ thông (hạng economy) hoặc vé tàu lượt đi từ Việt Nam đến nơi học tập và lượt về từ nơi học tập về Việt Nam trong một khóa học, tối đa không quá hai lượt đi và hai lượt về.

5. Tiền lệ phí sân bay, tiền tàu, xe từ sân bay đến trường và ngược lại cho mỗi lượt đi và về được thanh toán theo chứng từ hợp pháp nhưng tối đa không quá 200 đô la Mỹ.

6. Chi phí làm hộ chiếu, khám sức khỏe, visa, chi tiền tàu xe đi và về từ cơ quan đến sân bay, nhà ga, bến tàu theo thực tế phát sinh.

7. Các khoản chi khác có liên quan theo quy định của nước sở tại.

Điều 11. Trợ cấp khi tốt nghiệp sau đại học

Học viên hoàn thành khóa học, được cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ được trợ cấp một lần như sau:

1. Tốt nghiệp Tiến sĩ: 100.000.000 đồng/người.

2. Tốt nghiệp Thạc sĩ: 40.000.000 đồng/người.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo

1. Quyền lợi:

a) Được hưởng nguyên lương, phụ cấp nếu đào tạo ở trong nước; hưởng 40% lương, phụ cấp nếu đào tạo ở nước ngoài trong thời gian đào tạo;

b) Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo được phân công, bố trí công tác phù hợp, được tạo điều kiện và môi trường để phát huy tốt năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo.

2. Trách nhiệm:

a) Hoàn thành nhiệm vụ học tập đúng thời gian quy định và thực hiện đúng quy định của cơ sở đào tạo;

b) Thực hiện đúng nội dung Bản cam kết đã ký; chấp hành sự phân công công tác của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp khóa học;

c) Chịu trách nhiệm đền bù chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 7, 8 Nghị định 101/2017/NĐ-CP;

d) Hoàn trả các khoản trợ cấp hàng tháng và trợ cấp khi tốt nghiệp sau đại học nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Bị buộc thôi học hoặc tự ý bỏ học;

- Sau 12 tháng kể từ ngày được gia hạn vẫn không tốt nghiệp khóa học;

- Không trở về công tác tại cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh sau khi tốt nghiệp;

- Không chấp hành sự phân công, bố trí công tác trong thời gian thực hiện nghĩa vụ đã cam kết;

- Bỏ việc, thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc với cơ quan, đơn vị khi thời gian phục vụ chưa đủ theo thời gian đã cam kết.

Các trường hợp có lý do chính đáng và các trường hợp đặc biệt khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

- Thời gian hoàn trả: Chậm nhất trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền có quyết định thu hồi.

đ) Nếu bị cơ sở đào tạo buộc thôi học hoặc tự ý bỏ học thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Điều 13. Kinh phí thực hiện

1. Đối với cán bộ, công chức:

a) Ngân sách cấp tỉnh bảo đảm chi cho các đối tượng là cán bộ, công chức các cơ quan cấp tỉnh được cử đi đào tạo ở trong nước và cán bộ, công chức được cử đi đào tạo ở nước ngoài;

b) Ngân sách cấp huyện bảo đảm chi cho các đối tượng là cán bộ, công chức các cơ quan cấp huyện và cấp xã được cử đi đào tạo ở trong nước.

2. Đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập: Được bố trí từ nguồn kinh phí của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác. Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, nếu nguồn kinh phí của đơn vị không đáp ứng để thực hiện chính sách thì được ngân sách nhà nước xem xét hỗ trợ theo phân cấp ngân sách.

3. Các cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sử dụng kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác của cơ quan, đơn vị để chi hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức các khoản chi phí sau:

a) Một phần tiền ăn cho học viên trong thời gian đi học tập trung;

b) Chi phí đi lại từ cơ quan, đơn vị đến nơi học tập trong trường hợp cử đi đào tạo dài hạn theo hình thức tập trung nhiều đợt, mỗi đợt dưới 01 tháng và trong trường hợp được cử đi đào tạo ở trong tỉnh mà cơ sở đào tạo cách trụ sở cơ quan, đơn vị công tác dưới 15 km;

c) Tiền thuê chỗ ở trong trường hợp cơ sở đào tạo xác nhận không bố trí được chỗ ở;

d) Mức chi hỗ trợ không vượt quá mức chi chế độ công tác phí hiện hành.

Điều 14. Điều khoản chuyển tiếp

Cán bộ, công chức, viên chức đi học trước ngày Quyết định ban hành Quy định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục hưởng chính sách trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quy định này.

2. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quy định này./.