Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂNTỈNH NINH THUẬN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 4108/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 01 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TIẾP NHẬN VÀ HỖ TRỢ PHỤ NỮ, TRẺ EM LÀ NẠN NHÂN BỊ BUÔN BÁN TỪ NƯỚC NGOÀI TRỞ VỀ GIAI ĐOẠN 2007 - 2010

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về;
Căn cứ công văn số 1195/BLĐTBXH-PCTNXH ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 491/SLĐTBXH-PCTNXH ngày 16 tháng 7 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về giai đoạn 2007 - 2010 với những nội dung cơ bản như sau:

1. Cơ quan chủ trì đề án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Mục tiêu tổng quát của đề án: tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành, đoàn thể và xã hội về công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm cơ bản vào năm 2010 tình trạng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài.

3. Nội dung đề án:

a) Tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về;

b) Thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về cộng đồng;

c) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và người dân về công tác tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về, tổ chức tốt việc phòng ngừa và hoà nhập cộng đồng.

4. Tổ chức thực hiện:

 a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong phạm vi Đề án 3. Xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy thực hiện đề án ở địa phương; tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân do Công an bàn giao; quản lý các hoạt động hỗ trợ phục hồi và tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân;

b) Công an tỉnh là đầu mối điều phối các hoạt động của Đề án thuộc Chương trình Phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (Chương trình 130) đồng bộ với các hoạt động của Đề án 3 ở địa phương;

c) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan tiếp nhận, phân loại và bàn giao nạn nhân cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội để tiếp tục quản lý, giúp đỡ tại cộng đồng;

d) Sở Tư pháp chỉ đạo cơ quan tư pháp các cấp ở địa phương thực hiện hỗ trợ tư pháp cho nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về theo quy định của pháp luật;

đ) Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án; thực hiện theo kế hoạch hằng năm về cấp phát và thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành;

e) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí cho Đề án này trong kế hoạch kinh phí hằng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt; phối hợp các ngành liên quan xây dựng kế hoạch nâng cấp Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội tỉnh, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về;

f) Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện công tác khám chữa bệnh và cung cấp các dịch vụ y tế cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về;

g) Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh: căn cứ vào các quy định về chế độ, chính sách xã hội, tổ chức cung cấp và hỗ trợ, tư vấn tâm lý, dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm và theo dõi giúp đỡ nạn nhân trong quá trình tiếp nhận, phục hồi, tái hoà nhập cộng đồng cho các nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về; tổ chức thực hiện các hoạt động về truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em và cộng đồng về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục, tư vấn nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về để họ tự bảo vệ và phòng, chống việc tiếp tục bị lừa bán;

h) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nội dung Đề án Tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về của Ủy ban nhân dân tỉnh giai đoạn 2007 - 2010, thực hiện theo hướng dẫn của các Sở, ngành chức năng của tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện đề án; đồng thời chỉ đạo các ban, ngành cùng cấp liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt các chính sách theo quy định và có biện pháp hỗ trợ thiết thực nhằm giúp cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

5. Thời gian thực hiện đề án: từ tháng 10/2007 đến ngày 31/12/2010.

6. Kinh phí thực hiện đề án:

Được huy động từ nhiều nguồn, nhưng chủ yếu:

a) Nguồn ngân sách Trung ương: hằng năm Chính phủ phân bổ kinh phí để thực hiện Đề án trong Chương trình Phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em do Công an tỉnh là Thường trực Ban Chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các đề án;

b) Nguồn ngân sách địa phương: hằng năm Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch kết hợp với kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ ngân sách phục vụ cho hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về tại địa phương.

Điều 3. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện theo nội dung Đề án; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung Đề án, làm đầu mối tổ chức tổng kết, đánh giá và tổng hợp báo cáo về tình hình thực hiện Đề án theo định kỳ quý, 6 tháng, 1 năm và đột xuất gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Công an tỉnh, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thanh