Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 413/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ TÀI CHÍNH TRONG CẤP VÀ QUẢN LÝ BẢO LÃNH CHÍNH PHỦ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1308/QĐ-BTC ngày 25/5/2012 của Bộ Tài chính ban hành Quy trình cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ của Bộ Tài chính.

Điều 3. Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu VT, QLN.

BỘ TRƯỞNG




Đinh Tiến Dũng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ TÀI CHÍNH TRONG CẤP VÀ QUẢN LÝ BẢO LÃNH CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 413/QĐ-BTC ngày 22 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nhiệm vụ và trách nhiệm phối hợp của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính trong cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy chế).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại.

2. Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính.

3. Vụ Đầu tư.

4. Cục Tài chính doanh nghiệp.

5. Vụ Pháp chế.

6. Thanh tra Bộ Tài chính.

7. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Tài chính có liên quan tới việc quản lý nợ công.

Điều 3. Phân loại bảo lãnh Chính phủ

1. Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư:

a) Vay trong nước bằng hình thức thoả thuận vay;

b) Vay trong nước bằng hình thức phát hành trái phiếu;

c) Vay nước ngoài bằng hình thức thoả thuận vay.

2. Các ngân hàng chính sách thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước: Vay trong nước bằng hình thức phát hành trái phiếu.

Điều 4. Các nội dung phối hợp trong cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

1. Xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ;

2. Thẩm định và trình phê duyệt chủ trương bảo lãnh Chính phủ, thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ;

3. Cấp bảo lãnh chính phủ, bao gồm các nghiệp vụ liên quan tới thư bảo lãnh, văn bản bảo lãnh.

4. Các nghiệp vụ liên quan tới việc giám sát thực hiện trách nhiệm của Đối tượng được bảo lãnh.

5. Các nghiệp vụ liên quan tới quản lý, xử lý rủi ro và vi phạm.

6. Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng vốn được Chính phủ bảo lãnh.

Điều 5. Phân công nhiệm vụ giữa các đơn vị trong Bộ Tài chính

1. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Cục QLN&TCĐN):

a) Chủ trì xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm và hàng năm đối với doanh nghiệp.

b) Chủ trì tổng hợp và trình lãnh đạo Bộ để trình Chính phủ hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm, trình Thủ tướng Chính phủ chi tiết hạn mức bảo lãnh Chính phủ trong kế hoạch vay, trả nợ hàng năm.

c) Chủ trì, tham gia đàm phán thư bảo lãnh, văn bản bảo lãnh đối với các hợp đồng vay hoặc đề án phát hành trái phiếu đề nghị Chính phủ bảo lãnh của các doanh nghiệp.

d) Chủ trì, trực tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương bảo lãnh Chính phủ, phê duyệt cấp bảo lãnh Chính phủ đối với doanh nghiệp.

đ) Chủ trì trình Bộ phát hành thư bảo lãnh, văn bản bảo lãnh cho các đối tượng được bảo lãnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

e) Thực hiện thu và quản lý nguồn thu phí bảo lãnh.

g) Quản lý việc thế chấp tài sản cho vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, ngoại trừ các khoản bảo lãnh đối với các ngân hàng chính sách.

h) Quản lý, giám sát, kiểm tra các khoản bảo lãnh.

i) Chủ trì trình Bộ xử lý các vấn đề có liên quan tới nghiệp vụ bảo lãnh Chính phủ sau khi phát hành Thư bảo lãnh, văn bản bảo lãnh.

2. Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Vụ TCNH):

a) Chủ trì xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm và hàng năm đối với các ngân hàng chính sách, báo cáo lãnh đạo Bộ phê duyệt và gửi cho Cục QLN&TCĐN để phối hợp.

b) Chủ trì, trực tiếp nhận hồ sơ, xem xét báo cáo Bộ có ý kiến đối với Đề án phát hành trái phiếu đối với ngân hàng chính sách.

c) Chủ trì xây dựng khung lãi suất phát hành trái phiếu cho ngân hàng chính sách; khung lãi suất phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp đối với từng đợt phát hành cụ thể, báo cáo lãnh đạo Bộ phê duyệt trên cơ sở phê duyệt cấp bảo lãnh của Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho đối tượng bảo lãnh, đồng gửi cho Cục QLN&TCĐN để phối hợp theo dõi.

d) Tham gia ý kiến với Cục QLN&TCĐN trong quá trình thẩm định chủ trương bảo lãnh Chính phủ, cấp bảo lãnh Chính phủ đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

đ) Phối hợp với Cục QLN&TCĐN trong các nghiệp vụ quản lý bảo lãnh sau phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

e) Cung cấp cho Cục QLN&TCĐN tình hình tài chính hàng năm (bao gồm cả tình hình vay, trả nợ các khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh) của các ngân hàng chính sách.

3. Vụ Đầu tư:

a) Có ý kiến thẩm định về phương án đầu tư sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh.

b) Tham gia ý kiến với Cục QLN&TCĐN đối với đối tượng được Chính phủ bảo lãnh là doanh nghiệp về nội dung dự thảo Báo cáo thẩm định và công văn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương bảo lãnh Chính phủ, cấp bảo lãnh Chính phủ.

4. Cục Tài chính doanh nghiệp (Cục TCDN):

a) Đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp là đối tượng đề nghị xem xét phê duyệt chủ trương bảo lãnh hoặc là đối tượng được bảo lãnh.

b) Cung cấp thông tin về tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước; cho ý kiến về tình hình tài chính của doanh nghiệp không có vốn nhà nước là đối tượng đề nghị xem xét phê duyệt chủ trương bảo lãnh hoặc là đối tượng được bảo lãnh.

5. Vụ Pháp chế:

a) Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương bảo lãnh Chính phủ và cấp bảo lãnh Chính phủ.

b) Tham gia ý kiến đối với các vấn đề pháp lý và trình tự thủ tục trong quá trình xử lý các nghiệp vụ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

6. Thanh tra Bộ Tài chính:

a) Tổ chức thanh tra tài chính đối với việc thực hiện quy định của pháp luật về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ của đối tượng được bảo lãnh; thực hiện thanh tra đối với các đối tượng được bảo lãnh theo quy định của pháp luật về thanh tra.

b) Phối hợp với Cục QLN&TCĐN trong việc giám sát, kiểm tra đối với các đối tượng được bảo lãnh.

c) Cung cấp các thông tin về kết luận thanh tra hoặc trích lục kết luận thanh tra đối với đối tượng được bảo lãnh là doanh nghiệp (nếu có) cho Cục QLN&TCĐN để phối hợp trong việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

7. Các đơn vị khác thuộc Bộ Tài chính: tham gia với Cục QLN&TCĐN, Vụ TCNH khi được yêu cầu trong quá trình cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Chương II

PHỐI HỢP TRONG CẤP VÀ QUẢN LÝ BẢO LÃNH CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

Điều 6. Phối hợp trong xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với vay trong nước và nước ngoài của doanh nghiệp

1. Đơn vị chủ trì: Cục QLN&TCĐN có trách nhiệm:

a) Tổng hợp nhu cầu bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 05 năm và hàng năm.

b) Xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm và hàng năm trên cơ sở kế hoạch giải ngân và trả nợ của các dự án, trình lãnh đạo Bộ để trình Chính phủ quyết định.

2. Các đơn vị phối hợp: Vụ Đầu tư, Cục TCDN.

3. Nội dung và phương thức phối hợp: Các đơn vị phối hợp tham gia ý kiến bằng văn bản về danh sách dự án có nhu cầu bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 05 năm, hàng năm trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, gửi Cục QLN&TCĐN để tổng hợp, xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ.

Điều 7. Phối hợp trong thẩm định chủ trương bảo lãnh Chính phủ, thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ

1. Đơn vị chủ trì: Cục QLN&TCĐN có trách nhiệm:

a) Nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương bảo lãnh Chính phủ, cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP từ doanh nghiệp.

b) Thực hiện thẩm định điều kiện bảo lãnh, phương án tài chính và khả năng trả nợ của dự án (bao gồm cả thẩm định chi phí vay tối đa mà doanh nghiệp có thể vay trong trường hợp phát hành trái phiếu của doanh nghiệp để đảm bảo khả năng trả nợ), dự thảo Báo cáo thẩm định, công văn trình Thủ tướng Chính phủ và Tờ trình Bộ về kết quả thẩm định.

c) Xin ý kiến của các đơn vị trong Bộ có liên quan, tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh văn bản trình lãnh đạo Bộ phê duyệt.

2. Các đơn vị phối hợp: Vụ Đầu tư, Vụ Pháp chế, Cục TCDN đối với thẩm định vay cho dự án đầu tư của doanh nghiệp; Vụ TCNH trong trường hợp thẩm định đề án phát hành trái phiếu trong nước của doanh nghiệp; bổ sung ý kiến Thanh tra Bộ về doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết.

a) Vụ Đầu tư thẩm định phương án đầu tư bao gồm các nội dung sau:

- Sự phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng của dự án đầu tư;

- Sự hợp lý của cơ cấu vốn đầu tư dự án so với các dự án đầu tư cùng ngành;

- Tính khả thi về kế hoạch vốn đầu tư công nếu dự án có sử dụng vốn đầu tư công;

- Thiết kế cơ sở được duyệt và công nghệ, thiết bị của dự án (nếu có).

b) Cục TCDN thẩm định tình hình tài chính của doanh nghiệp.

c) Vụ TCNH thẩm định phương án phát hành trái phiếu trong nước của doanh nghiệp (đối với khoản vay

d) Vụ Pháp chế có ý kiến về cơ sở pháp lý, hồ sơ và các đánh giá về khoản vay, tình hình tài chính...

3. Nội dung và phương thức phối hợp: Các đơn vị phối hợp tham gia ý kiến bằng văn bản theo Quy chế này trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, gửi Cục QLN&TCĐN để tổng hợp, báo cáo Bộ.

4. Thời gian hoàn tất thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Điều 8. Phối hợp trong cấp bảo lãnh Chính phủ cho doanh nghiệp

1. Xem xét việc đáp ứng điều kiện tiên quyết của đối tượng được bảo lãnh về thế chấp tài sản trước khi cấp bảo lãnh

a) Đơn vị chủ trì: Cục QLN&TCĐN chủ trì, dự thảo Hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay trong nước, nước ngoài; khoản phát hành trái phiếu trong nước của doanh nghiệp.

b) Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế.

c) Nội dung và phương thức phối hợp:

Vụ Pháp chế tham gia ý kiến bằng văn bản về nội dung dự thảo Hợp đồng thế chấp tài sản theo đề nghị của Cục QLN&TCĐN trong vòng 03 ngày làm việc, gửi Cục QLN&TCĐN để tổng hợp, trao đổi với doanh nghiệp và hoàn chỉnh báo cáo Bộ phê duyệt trước khi ký kết.

2. Cấp bảo lãnh cho khoản vay trong nước và nước ngoài

a) Đơn vị chủ trì: Cục QLN&TCĐN căn cứ văn bản của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương bảo lãnh Chính phủ, cấp bảo lãnh Chính phủ:

- Rà soát hồ sơ do doanh nghiệp nộp trước khi cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định của Nghị định số 91/2018/NĐ-CP.

- Hoàn chỉnh thư bảo lãnh, văn bản bảo lãnh theo mẫu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các văn bản pháp lý có liên quan tới điều kiện tiên quyết cấp bảo lãnh, dự thảo Tờ trình Bộ về việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho doanh nghiệp.

b) Thời gian hoàn tất việc phát hành Thư bảo lãnh là trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ của doanh nghiệp theo quy định.

3. Cấp bảo lãnh cho các khoản phát hành trái phiếu

a) Đơn vị chủ trì: Cục QLN&TCĐN căn cứ văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, hạn mức bảo lãnh và các nội dung liên quan đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh để trình Bộ:

- Dự thảo văn bản hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức phát hành trái phiếu.

- Ban hành văn bản bảo lãnh xác nhận nghĩa vụ bảo lãnh đối với khối lượng trái phiếu căn cứ kết quả phát hành do doanh nghiệp báo cáo.

b) Đơn vị phối hợp: Vụ TCNH.

c) Nội dung và phương thức phối hợp:

Vụ TCNH tham gia ý kiến bằng văn bản đối với dự thảo văn bản hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức phát hành; Báo cáo Bộ để tổ chức điều hành và thông báo khung lãi suất đối với từng lần phát hành cho doanh nghiệp sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Điều 9. Phối hợp trong các nghiệp vụ quản lý bảo lãnh Chính phủ đối với doanh nghiệp

1. Các nghiệp vụ liên quan tới điều chỉnh, sửa đổi Thư bảo lãnh

a) Đơn vị chủ trì: Cục QLN&TCĐN chủ trì xử lý, xem xét các nội dung có liên quan theo đề nghị của doanh nghiệp; đánh giá tác động của nghiệp vụ phát sinh đối với việc thực hiện dự án và khả năng trả nợ của doanh nghiệp, dự thảo Tờ trình Bộ, lấy ý kiến các đơn vị liên quan trong Bộ và tổng hợp trình Bộ, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.

b) Các đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế; bổ sung ý kiến của Cục TCDN trong trường hợp các nghiệp vụ này có liên quan tới khả năng trả nợ hoặc thay đổi tư cách pháp lý của đối tượng được bảo lãnh là doanh nghiệp; bổ sung ý kiến của Vụ TCNH trong trường hợp điều chỉnh lịch trả nợ trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh.

c) Nội dung và phương thức phối hợp:

Các đơn vị phối hợp tham gia ý kiến bằng văn bản với Cục QLN&TCĐN khi được đề nghị đối với các nội dung sau:

- Gia hạn thời gian rút vốn, điều chỉnh lịch trả nợ, điều chỉnh, sửa đổi văn bản bảo lãnh;

- Các vấn đề đối ngoại khác liên quan tới khoản bảo lãnh (các thủ tục liên quan tới hiệu lực của Thư bảo lãnh trong trường hợp bảo lãnh vay nước ngoài, xử lý tranh chấp theo Thư bảo lãnh, v.v.).

- Thay đổi tư cách pháp lý của doanh nghiệp được bảo lãnh (nếu có);

2. Các nghiệp vụ quản lý việc thế chấp tài sản và chuyển nhượng, chuyển giao của các đối tượng liên quan tới bảo lãnh Chính phủ

a) Đơn vị chủ trì: Cục QLN&TCĐN chủ trì xử lý, xem xét các nội dung theo đề nghị của doanh nghiệp; đánh giá tác động của từng nghiệp vụ phát sinh đối với việc thực hiện dự án và khả năng trả nợ của doanh nghiệp; dự thảo Tờ trình Bộ, lấy ý kiến các đơn vị liên quan trong Bộ và tổng hợp trình Bộ, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.

b) Các đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế, Cục TCDN, Vụ Đầu tư, Thanh tra Bộ.

c) Nội dung và phương thức phối hợp:

Các đơn vị phối hợp tham gia ý kiến bằng văn bản với Cục QLN&TCĐN khi được đề nghị đối với các nội dung sau:

- Điều chỉnh tài sản thế chấp cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

- Chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, cổ phần, vốn góp, dự án, tài sản sau đầu tư;

- Xử lý tài sản thế chấp có liên quan tới khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

3. Các nghiệp vụ liên quan tới quản lý rủi ro

a) Đơn vị chủ trì: Cục QLN&TCĐN chủ trì, dự thảo phương án xử lý và Tờ trình Bộ, lấy ý kiến các đơn vị liên quan và tổng hợp trình Bộ, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.

b) Các đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế, Cục TCDN, bổ sung ý kiến của Vụ Ngân sách Nhà nước trong trường hợp về xử lý nguồn của Quỹ Tích lũy trả nợ.

c) Nội dung và phương thức phối hợp:

Các đơn vị phối hợp tham gia ý kiến bằng văn bản với Cục QLN&TCĐN khi được đề nghị đối với các nội dung sau:

- Xem xét ứng vốn trả nợ cho doanh nghiệp từ Quỹ Tích lũy trả nợ trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn trong trả nợ.

- Thu hồi nợ đã được ứng trả theo bảo lãnh chính phủ.

- Biện pháp xử lý các vi phạm khác của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện khoản bảo lãnh.

- Báo cáo Chính phủ về nguồn ứng vốn của Quỹ Tích lũy trả nợ trong trường hợp không đủ nguồn.

4. Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng vốn được Chính phủ bảo lãnh

Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có liên quan tới cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ có trách nhiệm phối hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng vốn được Chính phủ bảo lãnh theo Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính về thanh tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý nợ công ban hành kèm theo Quyết định số 644/QĐ-BTC ngày 11/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

5. Trong trường hợp cần tham vấn ý kiến của tổ chức, chuyên gia độc lập phục vụ công tác thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính có thể đề nghị thuê tổ chức, chuyên gia phù hợp. Cục QLN&TCĐN chủ trì trình Bộ quyết định việc thuê tổ chức, chuyên gia trong từng trường hợp cụ thể theo các nội dung được Thủ tướng Chính phủ quy định. Kinh phí thuê tư vấn được lấy từ khoản phí bảo lãnh trích cho Bộ Tài chính theo Khoản 2 Điều 29 Nghị định 91/2018/NĐ-CP.

6. Các đơn vị được gửi xin ý kiến trong các nghiệp vụ quản lý bảo lãnh Chính phủ cụ thể có trách nhiệm góp ý về nội dung dự thảo Tờ trình Bộ và các nội dung có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được phân công trong vòng 05 ngày làm việc, gửi Cục QLN&TCĐN để tổng hợp, báo cáo Bộ.

Chương III

PHỐI HỢP TRONG CẤP VÀ QUẢN LÝ BẢO LÃNH CHO NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH

Điều 10. Phối hợp trong xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với phát hành trái phiếu của các ngân hàng chính sách

1. Đơn vị chủ trì: Vụ TCNH có trách nhiệm:

a) Chủ trì xây dựng hạn mức bảo lãnh chính phủ 05 năm và hàng năm của các ngân hàng chính sách và gửi cho Cục QLN&TCĐN để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.

b) Thông báo cho các ngân hàng chính sách về hạn mức bảo lãnh 5 năm, hàng năm sau khi được Chính phủ phê duyệt.

2. Đơn vị phối hợp: Cục QLN&TCĐN.

3. Nội dung và phương thức phối hợp:

a) Cục QLN&TCĐN tham gia ý kiến bằng văn bản với Vụ TCNH khi được đề nghị về hạn mức bảo lãnh chính phủ của các ngân hàng chính sách giai đoạn 05 năm và hàng năm.

b) Cục QLN&TCĐN tổng hợp vào hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm và hàng năm, báo cáo Bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và sao gửi Vụ TCNH để theo dõi, thực hiện.

Điều 11. Phối hợp trong thẩm định hồ sơ, phê duyệt hạn mức bảo lãnh Chính phủ cho các ngân hàng chính sách

1. Đơn vị chủ trì: Vụ TCNH có trách nhiệm:

a) Nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 91/2018/NĐ-CP từ ngân hàng chính sách.

b) Chủ trì xem xét cho ý kiến đối với Đề án phát hành trái phiếu, các điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ của các ngân hàng chính sách báo cáo Bộ.

c) Cung cấp cho Cục QLN&TCĐN hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với từng ngân hàng chính sách để tổng hợp vào kế hoạch vay, trả nợ hàng năm báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Các đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế, Vụ NSNN, Cục QLN&TCĐN.

3. Nội dung và phương thức phối hợp: Các đơn vị phối hợp tham gia ý kiến bằng văn bản theo đề nghị của Vụ TCNH.

4. Thời gian hoàn tất việc xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Điều 12. Phối hợp trong cấp bảo lãnh Chính phủ cho các ngân hàng chính sách

1. Đơn vị chủ trì: Vụ TCNH có trách nhiệm thông báo cho ngân hàng chính sách về:

a) Hạn mức tối đa được phép phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong năm kế hoạch.

b) Khung lãi suất phát hành cho ngân hàng chính sách theo từng đợt phát hành trong năm kế hoạch.

2. Đơn vị phối hợp: Cục QLN&TCĐN.

3. Nội dung và phương thức phối hợp:

- Cục QLN&TCĐN, Vụ TCNH nhận báo cáo kết quả sau mỗi đợt phát hành trái phiếu của ngân hàng chính sách.

- Hàng quý, Cục QLN&TCĐN dự thảo văn bản xác nhận nghĩa vụ bảo lãnh đối với trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành, lấy ý kiến Vụ TCNH và báo cáo Bộ ký ban hành.

- Cục QLN&TCĐN sao gửi Vụ TCNH văn bản bảo lãnh sau khi phát hành để phối hợp theo dõi.

Điều 13. Phối hợp trong các nghiệp vụ quản lý bảo lãnh Chính phủ đối với các ngân hàng chính sách

1. Nghiệp vụ mua lại, hoán đổi trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh

a) Đơn vị chủ trì: Vụ TCNH có trách nhiệm:

- Dự thảo văn bản có ý kiến về phương án mua lại, hoán đổi trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh khi nhận được đề nghị tham gia ý kiến của các ngân hàng chính sách, lấy ý kiến các đơn vị liên quan trong Bộ và tổng hợp trình Bộ;

- Thực hiện xác định, báo cáo Bộ phê duyệt và thông báo khung lãi suất mua lại trái phiếu, khung lãi suất chiết khấu để hoán đổi trái phiếu cho các ngân hàng chính sách theo quy định của Nghị định số 91/2018/NĐ-CP.

b) Đơn vị phối hợp: Cục QLN&TCĐN.

c) Nội dung và phương thức phối hợp:

Cục QLN&TCĐN có trách nhiệm:

- Tham gia ý kiến bằng văn bản về phương án mua lại, hoán đổi trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của các ngân hàng chính sách gửi Vụ TCNH tổng hợp báo cáo Bộ.

- Báo cáo Bộ, phát hành văn bản bảo lãnh để xác định và điều chỉnh nghĩa vụ bảo lãnh khi nhận được văn bản báo cáo kết quả thực hiện mua lại, hoán đổi trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của ngân hàng chính sách; sao gửi Vụ TCNH văn bản bảo lãnh sau khi phát hành.

2. Các nghiệp vụ liên quan tới quản lý rủi ro đối với các ngân hàng chính sách

a) Đơn vị chủ trì: Vụ TCNH chủ trì xử lý, xem xét các nội dung có liên quan theo đề nghị của các ngân hàng chính sách; đánh giá tác động của nghiệp vụ phát sinh; dự thảo Tờ trình Bộ, lấy ý kiến các đơn vị liên quan trong Bộ và tổng hợp trình Bộ, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.

b) Các đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế, Cục QLN&TCĐN; bổ sung ý kiến của Vụ Ngân sách Nhà nước trong trường hợp về xử lý nguồn cho Quỹ Tích lũy trả nợ từ Ngân sách Nhà nước và từ các nguồn khác.

c) Nội dung và phương thức phối hợp:

- Các đơn vị phối hợp tham gia ý kiến bằng văn bản với Vụ TCNH khi được đề nghị đối với các nội dung sau:

+ Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án trả nợ thay trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

+ Xem xét ứng vốn trả nợ cho các ngân hàng chính sách.

+ Thu hồi nợ đã được ứng trả.

+ Biện pháp xử lý các vi phạm khác của ngân hàng chính sách trong quá trình thực hiện khoản bảo lãnh.

3. Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng vốn được Chính phủ bảo lãnh của các ngân hàng chính sách

Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có liên quan tới cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ có trách nhiệm phối hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng vốn được Chính phủ bảo lãnh theo Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính về thanh tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý nợ công ban hành kèm theo Quyết định số 644/QĐ-BTC ngày 11/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản bổ sung, sửa đổi, thay thế (nếu có).

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ chủ trì, phối hợp đối với các nghiệp vụ liên quan về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được phân công và theo Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp cần sửa đổi, bổ sung, các đơn vị đề xuất với Cục QLN&TCĐN chủ trì, báo cáo Bộ xem xét, quyết định./.