Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 4138/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Luật giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp (GDĐH - TCCN) giai đoạn 2011-2020, với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Củng cố và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN, tạo môi trường và hành lang pháp lý cho sự phát triển ổn định hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục.

2. Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục để triển khai đánh giá các cơ sở giáo dục và chương trình GDĐH, các trường TCCN đạt tiêu chuẩn chất lượng, góp phần vào việc đảm bảo và nâng cao chất lượng GDĐH - TCCN.

3. Xây dựng chính sách để phát triển đội ngũ chuyên gia đánh giá ngoài có đủ trình độ và số lượng để triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN.

II. NHIỆM VỤ

1. Củng cố và hoàn thiện hệ thống văn bản về kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN

a) Trong các năm 2011 và 2012, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quy trình, chu kỳ và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục, chương trình GDĐH và trường TCCN;

b) Ban hành thông tư quy định về điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; xây dựng quy chế, điều lệ hoạt động mẫu của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (trong đó có chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tiêu chuẩn đạo đức, năng lực chuyên môn…);

c) Ban hành quy chế kiểm tra, thanh tra, đánh giá các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

d) Ban hành các chính sách khuyến khích thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và các chính sách liên quan đến việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục cho công tác quản lý, thúc đẩy quá trình cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp hệ thống và cấp trường;

e) Ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá dùng chung cho các chương trình giáo dục thuộc các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và bộ tiêu chuẩn đánh giá hệ thống đảm bảo chất lượng của các trường đại học.

2. Xây dựng, phát triển và tăng cường năng lực cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN

a) Xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN đến năm 2015 và 2020, trong đó đến hết năm 2012 có ít nhất 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước được thành lập và đi vào hoạt động;

b) Xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp tổ chức đào tạo và đánh giá trình độ, cấp chứng chỉ hành nghề kiểm định chất lượng giáo dục;

c) Tăng cường kiểm tra, thanh tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN trên nguyên tắc tôn trọng tính độc lập của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; định kỳ cấp phép hoạt động cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

d) Tăng cường năng lực xây dựng các chính sách quốc gia phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục thông qua việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ của Bộ GDĐT;

đ) Tăng cường năng lực xây dựng chiến lược phát triển, tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN, thông qua việc tổ chức hoặc tham gia các hội nghị, hội thảo tập huấn để trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn ở trong và ngoài nước.

3. Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ để triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN

a) Xây dựng kế hoạch tăng cường năng lực kiểm định chất lượng giáo dục cho các cá nhân tham gia các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN trong cả nước;

b) Đào tạo chuyên gia đánh giá ngoài: Trong các năm 2011, 2012, mỗi năm đào tạo 350 người; trong các năm 2013-2020, mỗi năm đào tạo 200 người;

c) Tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quản lý giáo dục và chuyên môn kiểm định chất lượng giáo dục cho các chuyên gia đánh giá ngoài, đảm bảo các chuyên gia đánh giá ngoài đều được cập nhật kiến thức 2 năm/lần.

4. Triển khai đánh giá và công nhận các cơ sở GDĐH, chương trình GDĐH và truờng TCCN đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục

a) Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ sở GDĐH - TCCN để chuẩn bị các báo cáo tự đánh giá, tham gia các hoạt động đánh giá ngoài và tiếp nhận các đoàn đánh giá ngoài đến khảo sát tại các cơ sở giáo dục;

b) Ban hành cơ chế để khuyến khích các cơ sở GDĐH - TCCN xây dựng tổ chức đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường, triển khai tự đánh giá, đảm bảo đến 2015 có 90% số cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài (vòng 1); đảm bảo giai đoạn 2016-2020 có 95% số cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài (vòng 2);

c) Chỉ đạo các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục triển khai đánh giá, công nhận các cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng: trong giai đoạn 2011-2015 có 90% số cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài; trong giai đoạn 2016-2020 có 95% số cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục được đánh giá ngoài và xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

5. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN

a) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục. Khuyến khích các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và các cơ sở giáo dục ở trong nước tham gia các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của quốc tế và của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương;

b) Khuyến khích các cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá, kiểm định bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế và trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

III. GIẢI PHÁP

1. Xác định rõ việc phát triển và tăng cường năng lực cho hệ thống tổ chức kiểm định chất lượng GDĐH – TCCN trong từng giai đoạn. Trong giai đoạn 2011-2015, thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước; giai đoạn 2016-2020, cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Đặc biệt chú trọng việc kiểm tra, đánh giá các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của cả hệ thống;

2. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ, nâng cao trách nhiệm của đơn vị chủ trì trong việc soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, coi trọng việc lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, các đối tượng liên quan để nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn của văn bản;

3. Xây dựng và định kỳ rà soát, hoàn thiện bộ tài liệu đào tạo chuyên gia đánh giá ngoài phục vụ công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Huy động tối đa các nguồn lực cho việc đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm định chất lượng giáo dục. Vận dụng nguyên tắc chia sẻ kinh phí để tạo thêm cơ hội phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ;

4. Xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm giữa nhà trường, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, Nhà nước và xã hội trong việc triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách để làm tốt công tác đảm bảo chất lượng và cải tiến, nâng cao chất lượng tại cơ sở giáo dục. Ban hành các quy định, chính sách về sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục nhằm khuyến khích việc triển khai đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục, chương trình GDĐH và trường TCCN đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục;

5. Huy động tối đa các nguồn lực, tạo cơ hội học tập nâng cao trình độ để đội ngũ chuyên gia đánh giá ngoài và đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cấp hệ thống và cấp trường có điều kiện tiếp cận với xu hướng kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế. Tăng cường tổ chức và tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế và khu vực về đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thông qua giao lưu quốc tế để thúc đẩy hiệu quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

IV. KINH PHÍ

Tổng nguồn lực tài chính để triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN trong giai đoạn 2011-2020 dự kiến là 98.867 triệu đồng, bao gồm:

- Kinh phí để chi trả cho các hoạt động của Bộ GDĐT liên quan đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN là 3.984 triệu đồng. Nguồn để chi cho nội dung này lấy từ Ngân sách nhà nước;

- Kinh phí để chi trả cho các hoạt động định kỳ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chuyên gia đánh giá ngoài của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ước tính là 4.800 triệu đồng. Nguồn chi cho nội dung này lấy từ nguồn kinh phí của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

- Kinh phí để chi trả cho các hoạt động tập huấn chuyên môn nghiệp vụ của các cơ sở GDĐH - TCCN là 5.500 triệu đồng và kinh phí chi trả cho các hoạt động đánh giá ngoài là 84.560 triệu đồng. Nguồn chi cho nội dung này lấy từ nguồn thu của các cơ sở GDĐH - TCCN.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Lộ trình thực hiện:

a) Giai đoạn 2011-2015:

Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục, thành lập Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục và thành lập 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước để triển khai kiểm định các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục đại học, các trường trung cấp chuyên nghiệp.

b) Giai đoạn 2016-2020:

Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là củng cố hệ thống các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, hình thành các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do tổ chức, cá nhân thành lập, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục và triển khai kiểm định các trường đại học, cao đẳng và TCCN, các chương trình GDĐH.

2. Trách nhiệm các đơn vị liên quan

a) Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Cục KTKĐCLGD)

- Là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện Đề án;

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, các cơ sở GDĐH - TCCN cụ thể hoá nội dung Đề án thành chương trình, kế hoạch thực hiện chi tiết để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện;

- Chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (CSVC-TBTHĐCTE) và các đơn vị liên quan trình lãnh đạo Bộ thành lập, cho phép thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

- Chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục CSVC-TBTHĐCTE trình Bộ trưởng cấp phép hoạt động cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

- Xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai Đề án từng giai đoạn, từng năm;

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDĐH - TCCN thực hiện Đề án;

- Tổ chức tập huấn chuyên môn, hội thảo về xây dựng kế hoạch, cách thức triển khai thực hiện Đề án;

- Kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi cả nước theo từng năm, từng giai đoạn và kết thúc Đề án, định kỳ báo cáo Bộ trưởng;

- Chủ trì xây dựng mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

- Chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục;

- Chủ trì tổ chức đào tạo các chuyên gia đánh giá ngoài. b) Vụ Tổ chức cán bộ

Phối hợp với Cục KTKĐCLGD và các đơn vị liên quan trình lãnh đạo Bộ thành lập, cho phép thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

c) Vụ Kế hoạch - Tài chính

Chủ trì phối hợp với Cục KTKĐCLGD xây dựng các hướng dẫn sử dụng ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

d) Vụ Giáo dục Đại học và Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp

Phối hợp với Cục KTKĐCLGD chỉ đạo các cơ sở giáo dục tham gia các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

đ) Các đơn vị khác thuộc Bộ GDĐT

Phối hợp với Cục KTKĐCLGD thực hiện những công việc cụ thể theo chức năng nhiệm vụ được giao.

e) Các cơ sở GDĐH và trường TCCN

- Cử cán bộ tham gia các hoạt động tập huấn, hội thảo về kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ GDĐT tổ chức;

- Triển khai tự đánh giá và đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục;

- Tiếp nhận các đoàn đánh giá ngoài của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

g) Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục

- Triển khai các hoạt động đánh giá ngoài;

- Xem xét công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục;

- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc đại học, học viện, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TƯ;
- UBVHGDTNTN&NĐ của QH;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc CP;
- Như Điều 4;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục KTKĐCLGD

BỘ TRƯỞNG




Phạm Vũ Luận