Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4161/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 21 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP, KIỆN TOÀN CÁC BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

Căn cứ Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ ngước ngoài;

Căn cứ Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BKHĐT ngày 08/8/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ;

Căn cứ Thông báo kết luận số 457-TB/TU ngày 30/9/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc thành lập, kiện toàn các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh, cấp huyện;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1588/TTR-SXD ngày 15/11/2016 và Sở Nội vụ tại văn bản số 1486/SNV-TCBC ngày 20/12/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập, kiện toàn các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (kèm theo Đề án).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng CP, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ;
- TT TU, TT HĐND (b/c);
- CPCT, CPVP UBND tỉnh;
- Như điều 4 (T/hiện);
- CV NCTH VPUBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc;
- Công báo tỉnh; Đài PTTH tỉnh, Báo VP;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Chí Giang

 

ĐỀ ÁN

THÀNH LẬP, KIỆN TOÀN CÁC BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 4161/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc).

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

2. Căn cứ Luật Đầu tư công số 49/2015/QH13 ngày 18/6/2014;

3. Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

4. Căn cứ Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

5. Căn cứ Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ ngước ngoài;

6. Căn cứ Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng;

7. Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BKHĐT ngày 08/8/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ ngước ngoài;

8. Căn cứ Quyết định số 2713/QĐ-UBND ngày 02/10/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2013 - 2020;

9. Căn cứ Thông báo kết luận số 457-TB/TU ngày 30/9/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc thành lập, kiện toàn các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh, cấp huyện;

Căn cứ vào các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng.

II. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA VIỆC THÀNH LẬP, KIỆN TOÀN CÁC BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN ODA, BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN CHUYÊN NGÀNH, BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN KHU VỰC

Trên thực tế hiện nay công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước chủ yếu đều giao cho Chủ đầu tư trực tiếp quản

lý dự án. Ngoài một số Ban quản lý dự án (Ban QLDA) do tỉnh quản lý hoạt động chuyên trách như Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình tỉnh, Ban Cải thiện môi trường đầu tư (PMU), số Ban QLDA còn lại do người quyết định đầu tư hoặc Chủ đầu tư thành lập về số lượng các BQLDA nhiều hoạt động kiêm nhiệm do vậy thiếu chuyên sâu về công tác quản lý dự án. Mặt khác công tác quản lý dự án của các Chủ đầu tư năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng theo yêu cầu của pháp luật về xây dựng; trong khi đó ngoài các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài, hàng năm Tỉnh dành nguồn vốn rất lớn chi cho đầu tư phát triển và quyết định đầu tư nhiều công trình có quy mô lớn, nhỏ khác nhau.

Mô hình các Ban quản lý dự án sẽ giảm bớt số lượng các Ban quản lý dự án hiện tại, tiết kiệm kinh phí, nguồn lực và khắc phục tình trạng quản lý dự án kéo dài, chất lượng, hiệu quả thấp. Do đó việc hình thành các Ban quản lý dự án này là cần thiết và phù hợp trước nhu cầu quản lý phát triển hiện nay. Việc quản lý dự án theo mô hình chuyên nghiệp sẽ đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư xây dựng, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng, nhằm đạt được mục tiêu trong đầu tư xây dựng.

III. THỰC TRẠNG VÀ TÍNH CHẤT HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HIỆN NAY

1. Ban quản lý các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài đã có thỏa thuận về hình thức quản lý dự án thì việc tổ chức quản lý dự án được thực hiện theo thỏa thuận với nhà tài trợ.

2. Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

Về cơ bản các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về xây dựng, bao gồm chức năng chính như sau:

- Giúp chủ đầu tư thực hiện trình tự thủ tục đầu tư xây dựng từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc xây dựng công trình theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về quản lý dự án, tổ chức quản lý dự án theo đúng quy định tại Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan;

- Tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư xây dựng, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện việc giải phóng mặt bằng công trình xây dựng và các công việc khác phục vụ cho việc xây dựng công trình. Thực hiện các thủ tục về giao nhận đất, xin cấp giấy phép xây dựng và bàn giao mặt bằng thi công cho nhà thầu thi công xây dựng;

- Tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát xây dựng, lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và tổng dự toán xây dựng công trình; trình cơ quan có thẩm quyền quyết định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng;

- Tổ chức lập kế hoạch đấu thầu, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; lập hồ sơ mời dự thầu, lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà thầu xây dựng, nhà thầu tư vấn giám sát thi công theo quy định;

- Tổ chức giám sát thi công xây dựng, giám sát lắp đặt thiết bị trong công trình. Quản lý chất lượng, khối lượng tiến độ thi công và an toàn công trình. Tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán, báo cáo quyết toán vốn, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng.

3. Cơ cấu tổ chức hoạt động của các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh hiện nay và chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức cấu thành cơ quan, đơn vị gồm có:

- Lãnh đạo Ban có Trưởng ban, phó ban (Trưởng ban có thể là chuyên trách hoặc kiêm nhiệm);

- Bộ phận nghiệp vụ giúp việc; Chuyên viên, nhân viên kỹ thuật quản lý dự án; Nhân viên kế toán...

Về đối tượng, phạm vi, tính chất hoạt động của các Ban quản lý dự án có cơ chế hoạt động giống nhau, nguồn kinh phí hoạt động từ nguồn kinh phí thường xuyên được cấp và nguồn được trính từ chi phí quản lý dự án.

Ban có số lượng đông nhất là 45 người (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh), Ban quản lý dự án có số lượng thấp nhất là 05 người (Ban quản lý dự án công trình thuộc Sở Giáo dục và đào tạo).

4. Năng lực hoạt động của các Ban quản lý dự án thuộc tỉnh và thuộc sở, ngành, huyện thị:

Các đơn vị báo cáo về năng lực hoạt động của Ban QLDA gồm: Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình tỉnh; Ban Cải thiện môi trường đầu tư (PMU); Ban ODA do Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý; Ban QLDA Nông nghiệp và PTNT (thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT); Ban QLDA công trình giao thông (thuộc Sở Giao thông - Vận tải); Ban Quản lý dự án Hạ tầng kỹ thuật và đô thị mới thuộc Sở Xây dựng; các Ban quản lý dự án thuộc Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công thương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình thuộc các huyện, thành, thị. Trong đó:

- Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng do UBND tỉnh quyết định thành lập, trực thuộc UBND tỉnh quản lý được giao một số biên chế viên chức sự nghiệp đối với bộ máy hoạt động gồm:

+ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình tỉnh (được thành lập tại QĐ số 142/QĐ-UB ngày 30/01/1997 và đổi tên tại QĐ số 4984/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh);

+ Ban Quản lý Cải thiện môi trường đầu tư (PMU) thành lập tại QĐ số 1358/QĐ-CT ngày 11/5/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh);

- Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng do UBND tỉnh quyết định thành lập, giao cho các ngành quản lý (trực thuộc các ngành ), gồm có:

+ Ban QLDA công trình giao thông (thuộc Sở Giao thông - Vận tải) được thành lập tại QĐ số 103/QĐ-UB ngày 25/01/1997 và đổi tên tại QĐ số 150/QĐ-SGTVT ngày 28/02/2007);

+ Ban QLDA Nông nghiệp và PTNT (thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT) được kiện toàn thành lập tại QĐ số 1569/QĐ-UB ngày 23/4/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh);

+ Ban vận động, điều phối và quản lý về vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ (thành lập tại QĐ số 636/QĐ-UBND ngày 05/3/2014, sửa đổi, bổ sung tại QĐ số 846/QĐ-UBND ngày 27/3/2014;

- Ban quản lý dự án do các ngành thành lập để quản lý các dự án do các ngành được giao làm chủ đầu tư gồm:

+ Ban quản lý dự án Hạ tầng kỹ thuật và đô thị mới thuộc Sở Xây dựng (kiện toàn thành lập tại QĐ số 1294/QĐ-SXD ngày 22/7/2008);

+ Ban quản lý dự án thuộc Sở Y tế (thành lập tại QĐ số 392/QĐ-SYT ngày 24/7/2015);

+ Ban quản lý dự án thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (thành lập tại QĐ số 1798/QĐ-SGD&ĐT ngày 25/8/2014);

+ Ban quản lý dự án thuộc Sở Công thương;

+ Ban quản lý dự án thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

+ Ban QLDA thuộc UBND huyện, thành, thị: Gồm 10 Ban QLDA do UBND các huyện, thành, thị quyết định thành lập (Thị xã Phúc Yên, huyện Yên Lạc, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Lập Thạch (mỗi huyện 01 Ban), riêng TP Vĩnh Yên có 02 ban).

- Ngoài ra còn có các Ban quản lý dự án do các cơ quan, đơn vị được giao chủ đầu tư dự án công trình tự thành lập để quản lý dự án như các Hội, tổ chức đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp, trường học, doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước...

- Về năng lực các Ban quản lý dự án (Có bảng tổng hợp chi tiết kèm theo)

IV. PHƯƠNG ÁN THÀNH LẬP, KIỆN TOÀN VÀ MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN

1. Sự cần thiết

Trước xu thế phát triển đô thị của tỉnh, vấn đề đặt ra là phải sớm hình thành một tổ chức bộ máy đảm nhiệm công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng mang tính chuyên nghiệp do vậy đòi hỏi phải có các Ban quản lý dự án chuyên nghiệp để quản lý các dự án.

* Đối với các dự án sử dụng vốn ODA: Sau gần 03 năm vận động vốn vay ODA của các nhà tài trợ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 03 dự án bao gồm: (1) Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt (vốn WB); (2) Dự án Cầu Đầm Vạc (vốn OFID); (3) Dự án phát triển đô thị loại II- Thành phố xanh Vĩnh Yên (vốn ADB). Quá trình triển khai chuẩn bị và vận động thành công các dự án này do Ban quản lý ODA (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) đảm trách. Về khối lượng và yêu cầu công việc đối với dự án vốn ODA trong thời gian tới là rất lớn để triển khai thực hiện. Mặt khác theo yêu cầu của nhà tài trợ thì cần phải thiết lập bộ máy chuyên trách quản lý các dự án ODA trực thuộc UBND tỉnh để triển khai các dự án và cũng là điều kiện tiên quyết trước khi đàm phán và ký kết các hiện định vay vốn.

* Đối với các ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực thì theo Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 59/2015/NĐ- CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã quy định mô hình tổ chức Ban quản lý dự án để quản lý đồng thời các dự án sử dụng vốn nhà nước. Việc ra đời mô hình Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực, sẽ giảm bớt số lượng các Ban quản lý dự án, tiết kiệm kinh phí, nguồn lực và khắc phục tình trạng quản lý dự án kéo dài, chất lượng, hiệu quả thấp. Do đó việc hình thành các Ban quản lý dự án này là cần thiết và phù hợp trước nhu cầu quản lý phát triển hiện nay.

Do vậy, để thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ quản lý các dự án đầu tư xây dựng hiện nay và trong thời gian tới việc thành lập các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực đã được Luật quy định tại Điều 62, 63, 64 Luật Xây dựng và quy định tại Điều 16, 17, 18, 19 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ ngước ngoài.

2. Về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng

Căn cứ quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án, Người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức QLDA theo quy định của Điều 62, Luật Xây dựng bằng một trong các hình thức quản lý dự án sau:

+ Đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ. Trường hợp điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ không có quy định cụ thể thì hình thức tổ chức quản lý dự án được thực hiện theo quy định của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ và các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện hình thức quản lý dự án liên quan.

+ Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng là Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực theo quy định tại Điều 63 của Luật Xây dựng và Điều 17 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ. Trường hợp người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình là chủ đầu tư dự án thì người quyết định đầu tư giao chủ đầu tư có trách nhiệm ký hợp đồng thuê Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực để thực hiện quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án;

+ Ban QLDA một dự án sử dụng vốn nhà nước: Áp dụng đối với dự án nhóm A, cấp đặc biệt, có công nghệ cao, bí mật an ninh, quốc phòng;

+ Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc để trực tiếp quản lý đối với dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình xây dựng có quy mô nhỏ có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng, dự án có sự tham gia của cộng đồng và dự án có tổng mức đầu tư dưới 2 tỷ đồng do UBND cấp xã làm chủ đầu tư;

3. Về giao chủ đầu tư xây dựng

Chủ đầu tư xây dựng theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 của Luật Xây dựng năm 2014 và Điều 4 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ do người quyết định đầu tư quyết định cụ thể như sau:

+ Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách do cấp tỉnh, cấp huyện quyết định đầu tư: (có 03 hình thức giao chủ đầu tư);

Chủ đầu tư là Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng vồn để đầu tư xây dựng công trình.

+ Đối với dự án Quốc phòng, an ninh do người quyết định đầu tư quyết định;

+ Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách của cấp xã: Chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Nguyên tắc thành lập, kiện toàn Ban quản lý dự án

Việc thành lập, kiện toàn các Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực theo quy định của Luật Xây dựng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Phù hợp với tình hình thực tiễn quản lý dự án tại địa phương. Đáp ứng các điều kiện thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban QLDA khu vực quy định tại Khoản 2 Điều 62 và Khoản 1 Điều 63 của Luật Xây dựng 2014.

- Không làm gián đoạn tiến độ thực hiện dự án, không làm tăng thêm biên chế của Ban quản lý dự án khi được sắp xếp, tổ chức lại hoạt động để thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực. Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế không kiêm nhiệm các chức danh, nhiệm vụ công tác khác ngoài nhiệm vụ quản lý dự án được giao.

- Tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên trên cơ sở sử dụng kinh phí từ nguồn chi phí quản lý dự án được trích theo quy định và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).

- Bảo đảm điều kiện năng lực hoạt động của các Ban QLDA đầu tư xây dựng khi được tổ chức lại, thành lập theo quy định của pháp luật về xây dựng (theo Điều 64, Nghị định số 59/NĐ-CP ngày 18/06/2015).

5. Phương án thành lập, kiện toàn các Ban QLDA cấp tỉnh, cấp huyện.

5.1. Về thành lập và kiện toàn các Ban Quản lý dự án cấp tỉnh:

(1) Giữ nguyên Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình tỉnh (do tỉnh thành lập thuộc UBND tỉnh quản lý), làm chủ đầu tư hoặc được ủy quyền thay mặt chủ đầu tư quản lý các dự án trong cùng một khu vực hoặc trên cùng một hướng tuyến, các dự án lớn, dự án trọng điểm của tỉnh và các dự án khác được cấp có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư (trừ dự án của các Sở, ngành được phép thành lập Ban QLDA riêng hoặc được giao làm chủ đầu tư).

(2) Thành lập Ban QLDA vốn vay nước ngoài (viết tắt là Ban QLDA ODA) trên cơ sở hợp nhất Ban QLDA Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc (JBIC), Ban vận động, điều phối và quản lý dự án về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các Nhà tài trợ (do Sở Kế hoạch &ĐT đang quản lý) và Ban QLDA nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc thuộc vốn vay ngân hành WB. Tỉnh quyết định thành lập trực thuộc UBND tỉnh quản lý.

(3) Thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành Giao thông trên cơ sở kiện toàn, sáp nhập 02 Ban quản lý dự án công trình giao thông trực thuộc Sở Giao thông vận tải hiện nay; làm chủ đầu tư hoặc được ủy quyền thay mặt chủ đầu tư quản lý các dự án do Sở Giao thông -Vận tải được giao quản lý nhà nước. Tỉnh quyết định thành lập và giao Sở Giao thông - Vận tải quản lý.

(4) Thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành Nông nghiệp và PTNT trên cơ sở kiện toàn hoạt động của Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT hiện nay; làm chủ đầu tư hoặc được ủy quyền thay mặt chủ đầu tư quản lý các dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý nhà nước. Tỉnh quyết định thành lập và giao Sở Nông nghiệp &PTNT quản lý.

(5) Thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành Dân dụng, Công nghiệp trên cơ sở kiện toàn Ban quản lý dự án Hạ tầng và đô thị mới thuộc Sở Xây dựng hiện nay; làm chủ đầu tư hoặc được ủy quyền thay mặt chủ đầu tư quản lý các dự án dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tỉnh quyết định thành lập và giao Sở Xây dựng quản lý.

5.2.Về việc thành lập, kiện toàn các Ban QLDA cấp huyện:

Theo quy định tại Điểm C, khoản 2, Điều 6 của Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định:

Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực của huyện sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh để QLDA các công trình do UBND cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư và dự án được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư;

UBND cấp huyện trực tiếp quản lý đối với hoạt động của Ban QLDA đầu tư xây dựng cấp huyện;

5.3. Đối với các Ban quản lý dự án do các cơ quan, đơn vị được giao chủ đầu tư dự án công trình tự thành lập trước đây để quản lý dự án thì được tiếp tục triển khai thực hiện đến khi kết thúc dự án hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Trường hợp không đủ điều kiện về năng lực quản lý dự án thì các Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm đề xuất phương án chuyển đổi hình thức quản lý dự án đối với dự án của mình để báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định hoặc thuê tư vấn QLDA.

6. Về cơ sở đề xuất việc giao các Sở chuyên ngành quản lý Ban QLDA

- Tại Khoản 8 Điều 21 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh được quyền phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp dưới, cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn UBND cấp tỉnh.

- Khoản 7 Điều 22 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh được ủy quyền cho các Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Mục b, Khoản 2, Điều 6 của Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định như sau: UBND cấp tỉnh trực tiếp quản lý hoặc ủy quyền cho các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành quản lý đối với hoạt động của các Ban QLDA chuyên ngành, khu vực do mình quyết định thành lập.

- Từ điều kiện thực tiễn quản lý, các Sở chuyên ngành có đủ lực lượng cán bộ có chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý dự án chuyên ngành của mình.

Như vậy việc giao cho các Sở quản lý các Ban QLDA chuyên ngành là có đủ cơ sở để thực hiện trên cơ sở đảm bảo về nguyên tắc quản lý thống nhất theo ngành, lĩnh vực; phù hợp với điều kiện và tình hình quản lý hiện nay. Đơn vị được phân cấp, ủy quyền phát huy được tính chủ động và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền.

7. Vị trí của các Ban quản lý dự án

- Ban QLDA ODA, Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực là tổ chức sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công trong hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động theo nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí thường xuyên.

+ Các Ban QLDA do tỉnh quản lý, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh; các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở chuyên ngành hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với công tác quản lý dự án.

+ Ban QLDA do các Sở, ngành quản lý trực tiếp, chịu sự chỉ đạo trực tiếp và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các Sở chuyên ngành về quản lý dự án.

8. Chức năng của Ban quản lý dự án

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 của Luật Xây dựng (2014) và khoản 3 Điều 17 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, Điều 7 của Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng được quy định, cụ thể:

- Làm chủ đầu tư một số dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách được giao.

- Tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư quy định tại Điều 68, Điều 69 của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan;

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án theo quy định;

- Quản lý vận hành, khai thác sử dụng công trình hoàn thành thuộc dự án do mình làm chủ đầu tư khi được người quyết định đầu tư giao;

- Tư vấn quản lý dự án của các chủ đầu tư khác khi được yêu cầu và có đủ năng lực để thực hiện trên cơ sở bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ quản lý các dự án được người quyết định đầu tư giao.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được người quyết định đầu tư giao.

- Riêng đối với Ban QLDA ODA có thêm chức năng là đầu mối vận động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh trong quá trình vận động, điều phối các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi quốc tế theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo các kỳ kế hoạch.

9. Nhiệm vụ, quyền hạn

9.1. Đối với Ban QLDA ODA

- Vận động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, kể cả nguồn vốn ODA cho các dự án hợp tác công tư (PPP);

- Tham mưu và giúp UBND tỉnh xây dựng các chính sách, định hướng vận động thu hút ODA và vốn vay ưu đãi (thông qua sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư); xây dựng văn kiện dự án và chuẩn bị nội dung đàm phán, ký kết với đại diện các nhà tài trợ.

- Tổ chức triển khai, thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo các quy định hiện hành của Chính phủ với tư cách là chủ đầu tư theo nhiệm vụ, quyền hạn như đối với Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực (mục 9.2).

9.2. Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật về xây dựng và của pháp luật có liên quan, gồm:

9.2.1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư:

- Lập kế hoạch dự án: Lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án hàng năm, trong đó phải xác định rõ các nguồn lực sử dụng, tiến độ thực hiện, thời hạn hoàn thành, mục tiêu chất lượng và tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện;

- Tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị dự án: tổ chức lập dự án, trình thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định; thực hiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, sử dụng đất đai, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực địa điểm xây dựng; tiếp nhận, giải ngân vốn đầu tư và thực hiện các công tác chuẩn bị dự án khác;

- Các nhiệm vụ thực hiện dự án: Thuê tư vấn thực hiện khảo sát, thiết kế xây dựng và trình thẩm định, phê duyệt hoặc tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng (theo phân cấp); chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư (nếu có) và thu hồi, giao nhận đất để thực hiện dự án; tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; giám sát quá trình thực hiện; giải ngân, thanh toán theo hợp đồng xây dựng và các công việc cần thiết khác;

- Các nhiệm vụ kết thúc xây dựng, bàn giao công trình để vận hành, sử dụng: tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành; vận hành chạy thử; quyết toán, thanh lý hợp đồng xây dựng, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình và bảo hành công trình;

- Các nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản và giải ngân: Thực hiện chế độ quản lý tài chính, tài sản của Ban quản lý dự án theo quy định;

- Các nhiệm vụ hành chính, điều phối và trách nhiệm giải trình: Tổ chức văn phòng và quản lý nhân sự Ban quản lý dự án; thực hiện chế độ tiền lương, các chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, viên chức thuộc phạm vi quản lý; thiết lập hệ thống thông tin nội bộ và lưu trữ thông tin quan đến dự án; cung cấp thông tin và giải trình chính xác, kịp thời về hoạt động của Ban quản lý dự án cho người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo phân cấp; cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm toán và nhà tài trợ (nếu có) trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn được giao;

- Các nhiệm vụ theo dõi, đánh giá và báo cáo: thực hiện giám sát đánh giá đầu tư; báo cáo tình hình thực hiện dự án theo định kỳ hoặc đột xuất đến Người quyết định thành lập, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

9.2.2. Thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án gồm:

- Tổ chức thực hiện các nội dung quản lý dự án theo quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Luật Xây dựng.

- Phối hợp với các chủ thể tham gia thực hiện dự án để bảo đảm các yêu cầu về tiến độ, chất lượng, chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng.

- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án khác do người quyết định đầu tư, chủ đầu tư giao hoặc ủy quyền thực hiện.

9.2.3. Nhận ủy thác quản lý dự án theo hợp đồng ký kết với các chủ đầu tư khác khi được yêu cầu, phù hợp với năng lực hoạt động của mình.

9.2.4. Giám sát thi công xây dựng công trình khi đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật.

10. Cơ cấu tổ chức bộ máy

10.1.Về cơ cấu tổ chức của lãnh đạo Ban QLDA

* Đối với Ban QLDA thuộc tỉnh quản lý:

- Lãnh đạo Ban gồm Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;

Chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc do Thường trực Tỉnh ủy quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm trên cơ sở ý kiến chấp thuận về nhân sự của Thường trực Tỉnh ủy.

* Đối với các Ban QLDA giao cho các Sở chuyên ngành quản lý

Lãnh đạo Ban gồm Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc không do lãnh đạo các Sở kiêm nhiệm;

Chức danh Giám đốc các Ban quản lý dự án chuyên ngành do Thường trực Tỉnh ủy quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm; chức danh Phó Giám đốc do Chủ tịch UBND tỉnh quản lý và bổ nhiệm.

* Ban QLDA ĐTXD do cấp huyện quyết định thành lập

Lãnh đạo Ban gồm Giám đốc và không quá 02 Phó giám đốc (Giám đốc Ban không do lãnh đạo huyện kiêm nhiệm) được lựa chọn trên cơ sở kiện toàn lại nguồn nhân sự tại chỗ. Chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở về tiêu chuẩn và năng lực cán bộ. Việc bổ nhiệm theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

10.2. Các chức danh khác

- Giám đốc Ban quản lý dự án quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh viên chức của Ban quản lý dự án theo phân cấp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, tuyển dụng, sử dụng viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập.

- Giám đốc quản lý dự án là chức danh chuyên môn quản lý dự án do Giám đốc Ban quản lý dự án bổ nhiệm, miễn nhiệm và được bố trí tại các phòng (ban) điều hành dự án.

- Cán bộ của Ban QLDA không khép kín trong các Sở chuyên ngành mà có thể được điều động từ các đơn vị khác cho phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động.

- Cá nhân đảm nhận thực hiện công việc chuyên môn của Ban quản lý dự án phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng. Giám đốc quản lý dự án phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 54 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

* Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Ban thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và quy định hiện hành.

10.3. Các bộ phận hỗ trợ chung

Các bộ phận chuyên môn trực thuộc gồm một số phòng (ban) chức năng về chuyên môn nghiệp vụ và các phòng triển khai thực hiện dự án gồm: Văn phòng dự án, một số phòng (ban) chức năng nghiệp vụ như hành chính - tổ chức, kế hoạch - tổng hợp, kỹ thuật - thẩm định, tài chính - kế toán.

-Khối (bộ phận) triển khai thực hiện các dự án gồm một số ban chuyên môn. Số lượng các phòng (ban) chuyên môn có thể được xác định cụ thể theo trình tự thực hiện đầu tư xây dựng (chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, quản lý thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, đấu thầu và hợp đồng, giám sát thi công, nghiệm thu bàn giao…) hoặc được xác định tùy thuộc vào số lượng dự án được giao quản lý.

10.4. Các bộ phận đầu mối phụ trách dự án

Trong quá trình hoạt động, Giám đốc Ban quyết định thành lập các Phòng đầu mối quản lý các dự án được giao cho phù hợp với tình hình thực tế trên cơ sở bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

10.5. Sơ đồ tổ chức bộ máy (Dự kiến)

11. Biên chế và phương án điều chuyển nhân sự

- Biên chế và số lượng người làm việc của Ban quản lý dự án được bố trí trên cơ sở nguồn lực hiện có của các Ban hiện nay trên cơ sở nguyên tắc không tăng biên chế của tỉnh và được sắp xếp lại theo Đề án vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được phê duyệt trong Đề án xác định vị trí việc làm đối với các Ban quản lý dự án.

- Ban quản lý dự án do các Chủ đầu tư tự thành lập hoàn thành nhiệm vụ bàn giao công trình đưa vào sử dụng, đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý dự án nếu có nguyện vọng được điều động, bố trí sang các Ban QLDA chuyên ngành, khu vực do tỉnh thành lập nhằm tận dụng nguồn lực có sẵn về chuyên môn.

- Tùy theo vào nhu cầu công việc và kinh phí hoạt động, Ban quản lý dự án có thể hợp đồng thêm một số lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được giao tủy theo thời gian thực hiện dự án.

12. Tiêu chuẩn nhân sự

Tiêu chuẩn đối với chức danh Giám đốc Ban quản lý dự án ngoài việc bảo đảm các tiêu chuẩn chung theo quy định của pháp luật thì còn phải đáp ứng các tiêu chí: tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với tính chất, loại dự án; có kinh nghiệm công tác quản lý dự án từ 5 năm trở lên (theo tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ).

Cá nhân đảm nhận chức danh Giám đốc quản lý dự án phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 54 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn chi tiết của Bộ Xây dựng;

Cụ thể: Giám đốc quản lý dự án phải có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với yêu cầu của dự án, có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án và đáp ứng các điều kiện tương ứng theo các hạng như sau:

Hạng I: Phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế hoặc chứng chỉ giám sát hạng I hoặc đã là giám đốc quản lý dự án của một dự án nhóm A hoặc hai dự án nhóm B cùng loại;

Hạng II: Phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế hoặc chứng chỉ giám sát hạng II hoặc đã là giám đốc quản lý dự án của một dự án nhóm B hoặc hai dự án nhóm C cùng loại;

Hạng III: Phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế hoặc chứng chỉ giám sát hạng III hoặc đã là giám đốc quản lý dự án của một dự án nhóm C cùng loại hoặc đã là chỉ huy trưởng công trường hạng III;

13. Điều kiện năng lực đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng

- Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực phải đáp ứng các điều kiện theo quy địnhtại Điều 64 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ cụ thể như sau:

+ Giám đốc quản lý dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực quy định tại Khoản 2, Điều 54 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP (như phần tiêu chuẩn nhân sự)

+ Những người phụ trách các lĩnh vực chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với quy mô dự án, cấp công trình và công việc đảm nhận;

+ Có ít nhất 20 (hai mươi) người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại dự án chuyên ngành (Đối với Ban QLDA cấp tỉnh)

+ Có ít nhất 10 (mười) người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại dự án chuyên ngành (Đối với Ban QLDA chuyên ngành, Ban QLDA khu vực thuộc cấp huyện).

14. Kinh phí hoạt động

- Kinh phí từ nguồn chi phí quản lý dự án được trích trong tổng mức đầu tư dự án được duyệt. Mức chi phí quản lý dự án được xác định bằng cách lập dự toán hoặc áp dụng định mức chi phí quản lý dự án do Bộ Xây dựng quy định.

- Kinh phí từ nguồn thu các khoản phí, lệ phí được trích từ việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án như tổ chức đấu thầu, tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng theo thẩm quyền được phân cấp... Mức phí, lệ phí được trích lại cho hoạt động của Ban quản lý dự án thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

- Kinh phí từ nguồn thu từ chi phí thực hiện các hoạt động của Ban quản lý dự án như: tự giám sát thi công, quản lý dự án do Ban quản lý dự án thực hiện theo yêu cầu của các chủ đầu tư khác.

15. Cơ chế hoạt động

a) Đối với các Ban QLDA trực thuộc UBND tỉnh hoạt động dưới sự điều hành của Lãnh đạo UBND tỉnh. Hoạt động theo cơ chế đơn vị được giao chủ đầu tư dự án, trực tiếp báo cáo UBND tỉnh để giải quyết các công việc thuộc trách nhiệm của Ban và các vấn đề vượt thẩm quyền;

- Phối kết hợp với các đơn vị, cơ quan trong tỉnh giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền được giao cho chủ đầu tư;

b) Đối với các Ban QLDA thuộc các Sở chuyên ngành quản lý hoạt động dưới sự điều hành của các Sở, ngành quản lý trực tiếp. Hoạt động theo cơ chế đơn vị được giao chủ đầu tư hoặc được thay mặt chủ đầu tư, trực tiếp báo cáo Sở chủ quản để giải quyết các công việc thuộc trách nhiệm của Ban và các vấn đề vượt thẩm quyền.

- Phối kết hợp với các đơn vị, cơ quan trong tỉnh giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền được giao.

c) Đối với các Ban QLDA thuộc UBND cấp huyện hoạt động dưới sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các Sở chuyên ngành và chịu sự điều hành trực tiếp của UBND cấp huyện. Hoạt động theo cơ chế đơn vị được giao chủ đầu tư hoặc được thay mặt chủ đầu tư, trực tiếp báo cáo UBND cấp huyện để giải quyết các công việc thuộc trách nhiệm của Ban và các vấn đề vượt thẩm quyền.

- Phối kết hợp với các đơn vị, cơ quan trong tỉnh giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền được giao.

16. Hoạt động ủy thác quản lý dự án của Ban QLDA chuyên ngành, Ban QLDA khu vực

- Ban QLDA chuyên ngành, Ban QLDA khu vực có trách nhiệm nhận ủy thác quản lý dự án cho các chủ đầu tư không đủ điều kiện để tổ chức quản lý thực hiện dự án theo quy định của pháp luật phù hợp với năng lực hoạt động và điều kiện cụ thể của mình. Việc ủy thác quản lý dự án được thực hiện thông qua hợp đồng ủy thác quản lý dự án được ký kết. Trường hợp người quyết định đầu tư, chủ đầu tư đồng thời là người quyết định thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực thì việc ủy thác quản lý dự án được thực hiện theo phân giao nhiệm vụ của người quyết định đầu tư và hợp đồng ủy thác quản lý dự án.

- Trình tự thực hiện ủy thác quản lý dự án, quyền, nghĩa vụ các bên, cách thức tổ chức thực hiện và mối quan hệ công tác của Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực thực hiện theo Điều 12 và Khoản 2 Điều 17 của Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng; và theo quy định của pháp luật hiện hành.

17. Ưu điểm và hiệu quả sau khi thành lập, kiện toàn Ban QLDA

- Việc ra đời mô hình Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành và Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực, sẽ giảm bớt số lượng các Ban quản lý dự án hiện nay do các chủ đầu tư thành lập kiêm nhiệm, tiết kiệm kinh phí, nguồn lực và khắc phục tình trạng quản lý dự án kéo dài, chất lượng, hiệu quả thấp.

- Tạo ra bộ máy đủ mạnh để tập trung triển khai quản lý dự án theo mô hình chuyên nghiệp sẽ đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư xây dựng, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng, nhằm đạt được mục tiêu trong đầu tư xây dựng.

- Việc thành lập, kiện toàn các Ban quản lý dự án chuyên ngành theo phương án trên sẽ không làm tăng đầu mối đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, không gia tăng biên chế, về cơ bản không phải tổ chức sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức; không phải đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và cơ sở vật chất (tận dụng cơ sở làm việc hiện nay); đồng thời giảm áp lực công việc đối với cơ quan quyết định đầu tư. Các Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực sau khi được tổ chức lại, nâng cấp, kiện toàn sử dụng bộ máy hiện có của đơn vị để hoạt động. Hoạt động của các Ban quản lý dự án không bị gián đoạn và xáo trộn trong đầu tư xây dựng; các dự án công trình hiện nay do không phải bàn giao chuyển chức năng chủ đầu tư các dự án đang triển khai thực hiện, đảm bảo thuận tiện việc theo dõi, quản lý.

18. Về xử lý chuyển tiếp:

- Đối với các dự án đã giao cho các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể làm chủ đầu tư đang thực hiện dở dang thì tiếp tục triển khai thực hiện đến khi kết thúc dự án hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng để không bị gián đoạn và xáo trộn trong đầu tư xây dựng.

- Chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước căn cứ điều kiện cụ thể thực hiện dự án có trách nhiệm đề xuất phương án chuyển đổi hình thức quản lý dự án đối với dự án của mình để báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện

1.1. Đối với các Ban QLDA cấp tỉnh

- Xây dựng, hoàn chỉnh Đề án, UBND tỉnh nghe báo cáo thống nhất phương án và quyết định để tổ chức kiện toàn, thành lập các Ban quản lý dự án. UBND tỉnh báo cáo và xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiện toàn các Ban quản lý dự án. Thời gian thực hiện xong tháng 12/2016.

- UBND tỉnh quyết định việc thành lập, kiện toàn các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cấp tỉnh. Thời gian thực hiện xong tháng 12/2016.

- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nguồn lực, phương án sắp xếp tổ chức bộ máy. Các Ban QLDA cấp tỉnh đi vào hoạt động từ 01/01/2017.

1.2. Đối với các Ban QLDA cấp huyện

- Xây dựng Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các Ban QLDA cấp huyện, báo cáo xin ý kiến của UBND tỉnh. Thực hiện tháng 12/2016.

- UBND cấp huyện quyết định thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực của huyện sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh để quản lý các dự án do UBND cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư và dự án được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện và hoạt động từ 01/01/2017.

2. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

2.1. Sở Nội vụ:

+ Chủ trì, phối hợp cùng với Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan rà soát, sắp xếp, đề xuất cơ cấu bộ máy, tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban QLDA đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành.

+ Thẩm định Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình cấp tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt Quyết định thành lập, kiện toàn Ban QLDA bảo đảm đúng quy định.

2.2. Các Sở: Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải

- Lập Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước, dự thảo quyết định thành lập, kiện toàn Ban QLDA gửi Sở Nội vụ thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với hoạt động của các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực trên địa bàn tỉnh.

2.3. Các Ban QLDA đầu tư xây dựng

Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động của Ban theo các quy định hiện hành trình người quyết định thành lập phê duyệt; bố trí cán bộ, viên chức, tuyển dụng lao động hợp đồng có đủ năng lực và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho tổ chức, hoạt động của Ban theo mô hình mới.

Trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo để thống nhất thực hiện./.

 

Biểu tổng hợp thống kê năng lực các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp tỉnh, cấp huyện.

(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 4161/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc).

TT

Tên BQLDA

Tổng số CBNV

Năng lực hoạt động

Dự án đang quản lý

Đại học

CĐ+TC

KTS+Kỹ sư

CCQL DA

Tổng số

A

B

C

1

Ban QLDA XD công trình tỉnh

30

23

7

11

17

45

 

15

30

2

Ban QLDA công trình nông nghiệp và PTNT

21

17

4

14

11

8

 

4

4

3

Ban QLDA công trình Giao thông

51

40

11

19

10

10

 

5

5

4

Ban QLDA công trình giao thông 2

26

21

5

5

4

4

1

3

 

5

Ban QLDA HTKT&ĐT thuộc Sở Xây dựng

23

23

0

23

20

20

 

12

8

6

Ban QLDA ĐTXD thuộc Sở Y tế

10

10

0

8

8

7

1

2

4

7

Ban QLDA ĐTXD thuộc Sở giáo dục &ĐT

4

4

 

2

2

18

 

 

18

8

Ban QLDA ĐTXD thuộc Sở Công thương

7

7

7

4

5

5

 

 

5

9

Ban QLDA thuộc Sở Văn hóa TT và DL

 

 

 

 

 

 

 

 

 

10

Ban QLDA Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh

43

41

 

18

4

5

 

3

2

11

Ban QLDA ODA thuộc Sở Kế hoạch và ĐT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

12

Ban QLDA ĐTXD thuộc Thành phố Vĩnh Yên

13

13

 

11

13

41

 

8

33

13

Ban QLDA ĐTXD Thị xã Phúc Yên

13

13

 

13

7

59

 

1

58

14

Ban QLDA ĐTXD huyện Yên Lạc

6

6

 

6

6

100

1

7

92

15

Ban QLDA ĐTXD huyện Sông Lô

11

11

 

10

 

55

 

 

55

16

Ban QLDA ĐTXD huyện Tam Dương

6

6

 

6

6

8

 

 

8

17

Ban QLDA ĐTXD huyện Tam Đảo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

18

Ban QLDA ĐTXD huyện Bình Xuyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

19

Ban QLDA ĐTXD huyện Lập Thạch

 

 

 

 

 

 

 

 

 

20

Ban QLDA ĐTXD huyện Vĩnh Tường

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

264

235

34

150

113

385

3

60

322