Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 417/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 11 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ ĐẾN NĂM 2020, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Luật sư ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 481/TTr-STP ngày 20/3/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Đề án phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ nhiệm Đoàn Luật sư; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Bùi Văn Tỉnh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số:417 /QĐ-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)

Phần 1

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Đảng ta xác định một trong các đặc trưng cơ bản của nhà nước ta hiện nay là: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt chủ trương trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt ra định hướng phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, phục vụ cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, ngày 05 tháng 02 năm 2005 Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng và nhà nước là đào tạo, bồi dưỡng để hình thành và phát triển được đội ngũ chuyên gia pháp luật và luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, giỏi ngoại ngữ, có đủ khả năng tham gia tranh tụng quốc tế.

Để bảo đảm phát triển đội ngũ luật sư phục vụ cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng Đề án phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 tại tỉnh Hòa Bình là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Luật Luật sư được Ủy ban Thường vụ Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007;

2. Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020”.

II. THỰC TRẠNG VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG LUẬT SƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Về đội ngũ luật sư

Số lượng luật sư ở tỉnh Hòa Bình là rất ít, lại luôn luôn biến động: Năm 2007 có 06 luật sư; giai đoạn từ năm 2007-2012, đã kết nạp được 10 luật sư (trong đó có 04 luật sư trẻ), nhưng sau đó cả 04 luật sư này đều xin rút khỏi danh sách luật sư để đi làm công tác khác hoặc gia nhập Đoàn luật sư ở địa phương khác, một số luật sư đã qua đời nên cho đến nay Đoàn luật sư tỉnh Hòa Bình chỉ có 09 luật sư. Các luật sư chủ yếu nguyên là cán bộ trong các cơ quan khối Nội chính, khi nghỉ hưu mới gia nhập Đoàn Luật sư nên hầu hết các luật sư đã có thời gian gắn bó với địa phương, có kinh nghiệm và thời gian hành nghề luật sư.

Hiện tại, các luật sư chủ yếu hành nghề trong các lĩnh vực là: Hình sự, Dân sự và Trợ giúp pháp lý, các lĩnh vực pháp luật khác như Hành chính, Kinh tế… tỷ lệ vụ việc luật sư tham gia còn thấp, mức độ chuyên môn hóa trong hành nghề luật sư không cao; chưa có luật sư hoạt động hành nghề trong lĩnh vực thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

2. Về tổ chức hành nghề luật sư

Toàn tỉnh có 07 tổ chức hành nghề luật sư, gồm 07 Văn phòng theo mô hình: Văn phòng do 01 Luật sư thành lập làm Trưởng Văn phòng, đại đa số không có bộ máy tổ chức; 01 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Cơ sở vật chất của các tổ chức hành nghề luật sư với trụ sở làm việc chủ yếu được đặt ở nhà riêng của luật sư. Nhưng hiện tại chỉ còn 06 Văn phòng hoạt động (01 Văn phòng thông báo tạm dừng hoạt động).

3. Về tổ chức Đoàn luật sư

- Thực hiện quy định của Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt ngày 29/5/2009, Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Đại hội toàn thể luật sư tỉnh Hòa Bình và thông qua Điều lệ Đoàn luật sư. Điều lệ Đoàn luật sư tỉnh Hòa Bình đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt theo Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 15/01/2010. Điều lệ Đoàn Luật sư Hòa Bình đã quy định về tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư; quyền và nghĩa vụ của các luật sư thành viên; nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng - kỷ luật; mối quan hệ của Đoàn Luật sư với các cơ quan, tổ chức;

- Cơ cấu tổ chức của Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình gồm: Ban chủ nhiệm Đoàn (02 thành viên) và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật (03 thành viên);

Thời gian qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn trong việc phát triển nghề luật sư nhưng Đoàn luật sư đã rất quan tâm, chú trọng đến việc phát triển đội ngũ luật sư thành viên, vận động những người đã có kinh nghiệm công tác, sau khi nghỉ hưu tham gia luật sư; đối với đội ngũ tập sự hành nghề luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký tập sự, chú trọng công tác giám sát trong suốt quá trình tập sự. Đa số các luật sư chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về luật sư và các quy định pháp luật khác có liên quan trong quá trình hoạt động hành nghề luật sư, bước đầu xây dựng được nề nếp và thực hiện nghiêm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Hoạt động hành nghề của các luật sư đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa; tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; trợ giúp pháp lý, tư vấn miễn phí cho người dân trên địa bàn.

Phần 2

MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo về kỹ năng hành nghề luật sư, có đủ khả năng tư vấn hoặc tham gia bào chữa các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, đầu tư kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài và các hoạt động dịch vụ pháp lý khác cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

2. Từng bước xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu về các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, đầu tư kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư trong nước và nước ngoài.

Phần 3

NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư;

- Nâng cao vai trò của Đoàn Luật sư trong hoạt động tự quản luật sư và hành nghề luật sư; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý luật sư và hành nghề luật sư.

2. Phát triển đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư

2.1. Về số lượng

- Từ nay đến năm 2015, phát triển Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình lên trên 12 luật sư;

- Từ năm 2016 đến 2020, phát triển số lượng luật sư của Đoàn luật sư tỉnh lên trên 25 luật sư, trong đó có 05 luật sư được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài; phấn đấu đến năm 2020 có trên 11 tổ chức hành nghề luật sư hoặc Chi nhánh hành nghề luật sư đăng ký hành nghề luật sư, trong đó có ít nhất 01 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại.

2.2. Về chất lượng: Xây dựng đội ngũ luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng hành nghề và đạo đức ứng xử nghề nghiệp; phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 50% số lượng luật sư được bồi dưỡng thường xuyên, bảo đảm đến năm 2020, 100% số lượng luật sư được bồi dưỡng thường xuyên.

3. Giải pháp thực hiện

3.1. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư

a) Cử cán bộ tham mưu quản lý về công tác Bổ trợ tư pháp tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về công tác luật sư;

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về tổ chức và hành nghề luật sư.

Thời gian thực hiện: 2013-2020.

3.2. Phát triển đội ngũ luật sư, trong đó có luật sư phục vụ hội nhập quốc tế

a) Khuyến khích, động viên các sinh viên đã tốt nghiệp Đại học Luật và đã qua đào tạo nghề luật sư; các cán bộ công tác thuộc các ngành trong khối nội chính có trình độ cử nhân Luật đã nghỉ hưu gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh;

b) Nâng cao năng lực cho đội ngũ luật sư đang hành nghề tại các tổ chức hành nghề luật sư, người tập sự hành nghề luật sư; cử luật sư tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề và đạo đức ứng xử nghề luật sư do Liên Đoàn luật sư Việt Nam và Bộ Tư pháp tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng tư vấn và tranh tụng của luật sư. Khuyến khích những người có bằng Cử nhân Luật tham gia đào tạo nghề luật sư;

c) Lựa chọn những luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh có đủ điều kiện tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước theo Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2011 đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ để đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế;

d) Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính trong việc gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh, đăng ký tập sự hành nghề luật sư; đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động; các Văn phòng Luật sư, Công ty Luật từ các địa phương khác mở Chi nhánh, Văn phòng hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh;

đ) Thực hiện chính sách khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực theo quy định hiện hành đối với luật sư tham gia Đoàn Luật sư tỉnh.

Thời gian thực hiện: 2013-2020.

3.3. Xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài

a) Tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh để lựa chọn, định hướng những tổ chức hành nghề luật sư có đủ các điều kiện phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài;

b) Xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển các tổ chức hành nghề luật sư quy mô nhỏ thành các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô vừa và lớn chuyên sâu trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động và kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài.

Thời gian thực hiện: 2013-2020

3.4. Xây dựng chính sách tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động và phát triển

a) Tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh, người tập sự hành nghề luật sư tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo chuyên sâu. Hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo nghề luật sư đối với những trường hợp đã có chứng chỉ hành nghề luật sư gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh và cam kết hoạt động hành nghề luật sư tại tỉnh Hòa Bình;

b) Tạo điều kiện để các tổ chức hành nghề luật sư tham gia thực hiện tư vấn các dự án đầu tư, kinh doanh thương mại trong nước và có yếu tố nước ngoài; tham gia tranh tụng, tư vấn giải quyết tranh cấp trong các lĩnh vực liên quan đến hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và Ủy ban nhân dân tỉnh. Miễn, giảm thuế cho các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu phục vụ hội nhập quốc tế hoạt động trên địa bàn tỉnh;

c) Khuyến khích đội ngũ luật sư tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại và hội nhập quốc tế;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp trong tỉnh tăng cường sử dụng dịch vụ luật sư trong các giao dịch, đặc biệt là các dự án có sử dụng vốn ngân sách.

Thời gian thực hiện: 2013-2020.

Phần 4

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp

a) Phối hợp với Đoàn luật sư tỉnh rà soát đội ngũ luật sư hiện có để nắm bắt trình độ được đào tạo và khả năng phát triển của từng luật sư để tiếp tục đào tạo và định hướng phát triển;

b) Tiến hành rà soát đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư chuẩn bị nguồn gửi đi đào tạo theo lộ trình của Đề án; căn cứ quy mô, trình độ và kết quả đánh giá khả năng phát triển của các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động trên địa bàn tỉnh để định hướng phát triển một số Công ty luật chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại;

c) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Đoàn Luật sư tỉnh khảo sát, dự thảo văn bản về cơ chế, chính sách, khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực trẻ có trình độ cử nhân luật đưa đi đào tạo nghề luật sư để bổ sung lực lượng cho đội ngũ luật sư của tỉnh; xây dựng cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo nghề luật sư đối với những trường hợp đã có chứng chỉ hành nghề luật sư mà gia nhập đoàn luật sư tỉnh và cam kết hoạt động hành nghề luật sư tại tỉnh Hòa Bình;

d) Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư; thực hiện thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về luật sư;

đ) Xây dựng dự toán chi tiết hàng năm về kinh phí thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển luật sư theo lộ trình triển khai Đề án gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh;

e) Phối hợp với các Sở, Ngành, Đoàn Luật sư tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo tiến độ; tập hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

2. Trách nhiệm của Đoàn Luật sư

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án;

b) Phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn, cử người có đủ tiêu chuẩn tham gia các khóa đào tạo theo Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” của Chính phủ;

c) Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc quản lý về luật sư và hành nghề luật sư, phát huy vai trò tự quản của Đoàn luật sư.

3. Trách nhiệm của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh

Tham gia tích cực trong quá trình thực hiện Đề án, không ngừng học tập để nâng cao trình độ pháp lý, kỹ năng hành nghề và đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư, ngoại ngữ phục vụ tốt yêu cầu tư vấn, tranh tụng của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

4. Trách nhiệm của Sở Tài chính

a) Thẩm định dự toán kinh phí hàng năm của Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt;

b) Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp hỗ trợ về tài chính để phát triển đội ngũ luật sư.

5. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo biên chế theo quy định để Sở Tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh;

b) Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách thu hút nguồn lực tham gia hoạt động hành nghề luật sư.

6. Trách nhiệm của Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh

Tạo điều kiện thuận lợi cho các Tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trong việc làm thủ tục khắc dấu, lập các sổ sách, đăng ký mã số thuế và quản lý thuế.

7. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành, tổ chức có liên quan và UBND các huyện, thành phố

Tạo điều kiện thuận lợi và có biện pháp hỗ trợ theo thẩm quyền đối với các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đóng trên địa bàn; phối hợp với Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư tỉnh trong việc quản lý hoạt động hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật.

8. Kinh phí thực hiện Đề án

- Kinh phí thực hiện Đề án được cấp hàng năm từ ngân sách nhà nước. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Đoàn luật sư tỉnh lập dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Thu hút, huy động sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện Đề án./.