Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 418/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 1408/CT-TTG NGÀY 01 THÁNG 9 NĂM 2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục trưởng Cục Con nuôi, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng CP Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ: Công an, Lao động - Thương binh và xã hội;
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, Vụ PL HS-HC.

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 1408/CT-TTG NGÀY 01 THÁNG 9 NĂM 2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 418/QĐ-BTP ngày 18 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác bảo vệ trẻ em, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các mục tiêu vì trẻ em đến năm 2010, tạo cơ sở để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong những năm tiếp theo.

- Bảo đảm quyền được khai sinh và có quốc tịch của trẻ em.

- Bảo đảm tính nhân đạo của hoạt động nuôi con nuôi, tránh lợi dụng để mua bán trẻ em;

- Góp phần phòng ngừa tệ nạn tảo hôn (đặc biệt là các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số).

- Tăng cường hiệu quả của công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em.

- Góp phần ngăn ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, tăng cường hiệu quả giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

2. Yêu cầu:

- Các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tư pháp các địa phương và cán bộ, công chức ngành tư pháp tìm hiểu và quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; trên cơ sở đó đề ra các biện pháp cụ thể để chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp.

- Việc nghiên cứu, xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật và giải quyết các công việc có liên quan đến trẻ em phải được tiếp cận từ góc độ quyền trẻ em và dựa trên các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em, hướng tới việc bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em nói chung và đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi đăng ký khai sinh cho trẻ em, bảo đảm số trẻ em được khai sinh trước 5 tuổi đạt 90% vào năm 2010.

- Bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải và các hình thức trợ giúp pháp lý khác, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.

- Việc giới thiệu, giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

II. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Tổ chức tìm hiểu, quán triệt Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

a) Tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

b) Xây dựng văn bản hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương, trong đó chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

c) Biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bao gồm:

- Đặc san chuyên đề về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em;

- Biên soạn sách pháp luật bỏ túi giới thiệu, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; quyền, lợi ích của trẻ em; trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình, nhà trường, xã hội và Nhà nước trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

 d) Mở chuyên mục giải đáp pháp luật trên Trang tin điện tử và một số báo chí để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, lợi ích của trẻ em cho cha mẹ, giáo viên trong nhà trường nhằm giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em; góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, giáo dục, phục hồi người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Tiến độ thực hiện: Quý I/2010 (hoạt động a); tháng 1/2010 (hoạt động b); Quý II/2010 (hoạt động c); 2010 (hoạt động d).

Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ (hoạt động a, b, c); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (hoạt dộng b, c, d); Cục Công nghệ thông tin và một số báo, đài Trung ương, ngành (hoạt động d).

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan khác có liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

a) Nghiên cứu, đánh giá các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12 ngày 19/6/2009) liên quan đến chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội và tội phạm xâm hại người chưa thành niên; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chương X (Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội) của Bộ luật Hình sự.

b) Rà soát, đánh giá chính sách, luật pháp về xử lý chuyển hướng, tư pháp phục hồi và tái hòa nhập đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

c) Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

d) Nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự quy định việc thi hành các biện pháp biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, việc thi hành cải tạo không giam giữ, thi hành phạt tù cho hưởng án treo đối với người chưa thành niên phạm tội.

đ) Xây dựng và hoàn thiện các quy định cơ bản về áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên tại Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính, tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho việc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên.

Tiến độ thực hiện: Năm 2010, 2011.

Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (hoạt động a, b, d, đ); Viện Khoa học pháp lý (hoạt động c).

Đơn vị phối hợp: Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Viện Khoa học pháp lý; Bộ Công an.

3. Tăng cường hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra đối với tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em.

a) Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm trợ giúp pháp lý đẩy mạnh thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

b) Hướng dẫn Trung tâm trợ giúp pháp lý về chuyên môn, nghiệp vụ trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em.

c) Tổ chức tập huấn cho người thực hiện trợ giúp pháp lý về kỹ năng trợ giúp pháp lý cho trẻ em nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng này.

d) Tăng cường công tác truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý cho trẻ em để nâng cao nhận thức và thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của mình.

đ) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em; kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em.

e) Tăng cường đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em.

Tiến độ thực hiện: Năm 2010 - 2012

Đơn vị chủ trì: Cục Trợ giúp pháp lý

Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp; các Trung tâm trợ giúp pháp lý các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Tăng cường hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra đối với công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em.

a) Tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ đăng ký khai sinh cho cán bộ Tư pháp hộ tịch.

b) Tổ chức hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em.

c) Kiểm tra tình hình thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em ở một số địa phương (tập trung ở các tỉnh miền núi).

Tiến độ thực hiện: Năm 2010, 2011.

Đơn vị chủ trì: Vụ Hành chính tư pháp.

Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp các địa phương.

5. Tăng cường hoạt động truyền thông, phòng ngừa tệ nạn tảo hôn, thường xuyên kiểm tra đối với việc kết hôn.

a) Tổ chức hoạt động truyền thông đến tận thôn bản, nhằm nâng cao nhận thức về việc kết hôn (tuổi kết hôn, tuổi sinh đẻ, những rủi ro có thể xảy ra xung quanh hiện tượng tảo hôn...).

b) Kiểm tra việc kết hôn ở một số địa phương (kết hợp với kiểm tra về công tác đăng ký khai sinh).

Tiến độ thực hiện: Năm 2010, 2011.

Đơn vị chủ trì: Vụ Hành chính tư pháp.

Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp các địa phương.

6. Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi; kiểm tra chặt chẽ hồ sơ của người xin nhận con nuôi và hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.

a) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch về việc tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi vào các cơ sở nuôi dưỡng, đảm bảo hồ sơ trẻ em được tiếp nhận vào cơ sở nuôi dưỡng đầy đủ, đúng pháp luật làm cơ sở cơ bản cho việc giải quyết cho trẻ em đi làm con nuôi người nước ngoài khi có đủ điều kiện; hạn chế việc lợi dụng các quy định chưa chặt chẽ của pháp luật để biến các trẻ em có gia đình hoặc có mẹ (con ngoài giá thú) thành trẻ em bị bỏ rơi;

b) Phối hợp với Bộ Công an ban hành hướng dẫn về việc kiểm tra, xác minh hồ sơ trẻ em được giới thiệu cho làm con nuôi người nước ngoài;

c) Thực hiện công tác kiểm tra, rà soát lại các cơ sở nuôi dưỡng có đủ điều kiện/được phép giới thiệu trẻ em đi làm con nuôi người nước ngoài (làm rõ cơ sở nào được phép cho trẻ đi làm con nuôi người nước ngoài, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em của nhà chùa, nhà thờ, cơ sở tôn giáo trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài).

Tiến độ thực hiện: Quý III/2010.

Đơn vị chủ trì: Cục Con nuôi.

Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này của Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ và Sở Tư pháp các địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ được đề ra tại Phần II của Kế hoạch, bảo đảm tiến độ và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

2. Văn phòng Bộ là cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng theo dõi việc triển khai Kế hoạch của Bộ Tư pháp thực hiện Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

3. Chậm nhất vào ngày 30/10 hàng năm, các đơn vị thuộc Bộ được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Bộ chuẩn bị báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị để trình Bộ trưởng ký gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Văn phòng Bộ và Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ Kế hoạch này.

5. Trong quá trình triển khai Kế hoạch, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị gửi văn bản phản ánh về Văn phòng Bộ để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng chỉ đạo giải quyết./.