Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2006/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 28 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THANH NIÊN GIA LAI ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Quyết định số: 70/2003/QĐ-TTg, ngày 29 tháng 04 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010;

Theo đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai, tại Công văn số:1269-CV/TĐTN, ngày 17 tháng 10 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển thanh niên Gia Lai đến năm 2010 (Có bản Chương trình phát triển thanh niên Gia Lai đến năm 2010 kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân Tỉnh, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể có liên quan và Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xó, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN THANH NIÊN TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 42, ngày 28 tháng 6 năm 2006 của ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật (KHKT) và công nghệ mới, sự bùng nổ thông tin, những vấn đề mang tính toàn cầu đã tác động nhiều chiều đến nhận thức của các đối tượng thanh niên. Công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Gia Lai đã thu được những thành tựu to lớn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, dân chủ xã hội được mở rộng, nhịp độ phát triển kinh tế ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện.

Vai trò của thanh niên luôn được nhìn nhận và đánh giá đúng mức. Đảng, Nhà nước và các ngành quan tâm, chăm lo đầu tư để tuổi trẻ có điều kiện và cơ hội phát triển, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra. Các chương trình hành động của Đoàn - Hội có tác động tích cực, từng bước đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của thanh niên và thu hút đông đảo thanh niên tham gia.

I. Tình hình Thanh niên Gia Lai:

Thanh niên Gia Lai chiếm tỉ lệ 25% trong tổng dân số của tỉnh (khoảng 262.000 người). Với tỉ lệ các đối tượng thanh niên như sau: Thanh niên nông thôn chiếm 60,44%; thanh niên đô thị, thị trấn chiếm 16,8%; thanh niên công nhân viên chức chiếm 7,2 %; thanh niên trường học chiếm 12,8 %; thanh niên lực lượng vũ trang chiếm 2,8 %. Thanh niên dân tộc thiểu số chiếm 49 % tổng số thanh niên (trong đó thanh niên dân tộc JRai, Banah chiếm tỉ lệ cao, còn thanh niên các dân tộc thiểu số khác như Tày, Nùng, Thái, Mường. . . chủ yếu từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào); thanh niên có theo tôn giáo chiếm khoảng 25,24 % trong tổng số thanh niên.

Đại bộ phận thanh niên Gia Lai có ý thức vươn lên trong học tập văn hoá, học nghề, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, tham gia lao động sản xuất, đảm bảo cuộc sống; tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc và của Đoàn Thanh niên; tin tưởng và tích cực tham gia công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo. Thanh niên nông thôn luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong việc áp dụng những tiến bộ về KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, tham gia chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, xoá đói giảm nghèo, đã xuất hiện nhiều điển hình trong lĩnh vực sản xuất giỏi, nhiều triệu phú trẻ, trang trại trẻ hình thành và phát triển. Thanh niên đô thị phần lớn được học tập, có trình độ, có nghề nghiệp, biết tạo việc làm cho mình và cho người khác, nhạy bén, hoà nhập nhanh với cơ chế mới. Thanh niên khối lực lượng vũ trang có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, chế độ Xã hội chủ nghĩa (XHCN), là lực lượng xung kích trong công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thanh niên khối công nhân viên chức trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức tôn trọng pháp luật, tác phong làm việc công nghiệp từng bước được nâng cao. Thanh niên khối trường học có ý thức và tinh thần học tập cầu tiến bộ .

Tuy nhiên, thanh niên Gia Lai còn những hạn chế, yếu kém đáng lo ngại:

Định hướng lý tưởng sống của một bộ phận thanh niên còn nhiều lệch lạc, nhất là lối sống thực dụng, hưởng thụ đang có xu hướng gia tăng. Một số ít thanh niên còn thiếu ý thức rèn luyện, ngại tham gia các hoạt động chính trị xã hội, non kém về nhận thức chính trị đã bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động biểu tình bạo loạn, vượt biên sang CamPuChia; tư tưởng ly khai, ý thức dân tộc hẹp hòi, hướng ngoại đang hình thành ở một số ít thanh niên dân tộc thiểu số; một số thanh niên sa vào tệ nạn mê tín dị đoan; tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng. Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn còn thấp so với nhu cầu lao động xã hội, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp đang là vấn đề bức bách cần quan tâm. Nữ thanh niên khu vực dân cư khi lập gia đình phần lớn không tham gia các hoạt động của Đoàn-Hội...

II. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo thanh niên Gia Lai phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cao và phát huy tốt vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp CNH- HĐH nông nghiệp nông thôn tỉnh nhà và tích cực tham gia bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ, kích động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.

III. Các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của chương trình

1- Chương trình 1: Giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho thanh niên.

Mục tiêu:

Tập trung giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thanh niên; phát huy vai trò xung kích, năng động, sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế- xã hội, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Tạo nguồn nhân lực trẻ đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chỉ tiêu:

- Từ năm 2006 đến năm 2010 có 95.000 thanh niên được giải quyết việc làm ( trong đó thanh niên đô thị: 23.750, thanh niên nông thôn:71.250). Ưu tiên giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên dân tộc thiểu số.

- Phấn đấu đến năm 2010, có 40% lao động thanh niên được qua đào tạo nghề.

- 100% thanh niên học sinh Trung học phổ thông (THPT) và 60% thanh niên đang tìm kiếm việc làm được tư vấn nghề nghiệp.

2- Chương trình 2: Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, năng lực ứng dụng khoa học- công nghệ trong thanh niên.

Mục tiêu:

Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp; hoàn thành phổ cập Trung học cơ sở (THCS), phổ cập tin học cho học sinh - sinh viên; chuyển giao tiến bộ KHKT cho thanh niên.

Chỉ tiêu:

- Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình phổ cập THCS; đến năm 2010 hoàn thành mục tiêu quốc gia về phổ cập THCS trên địa bàn toàn tỉnh.

- Phấn đấu 90% học sinh, sinh viên trong các trường THCS, THPT, các trường Trung học chuyên nghiệp (THCN), cao đẳng được phổ cập tin học.

- Đến hết năm 2010, 50% thanh niên nông thôn được phổ biến, hướng dẫn nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.

- Hàng năm, Đoàn thanh niên phối hợp với các ngành chức năng mở 02 lớp bồi dưỡng kiến thức khoa học, kiến thức quản lý cho thanh niên, tạo điều kiện giúp đỡ thanh niên tìm việc làm trong các thành phần kinh tế, lựa chọn việc sản xuất kinh doanh thích hợp.

3- Chương trình 3: Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên.

Mục tiêu:

Xây dựng môi trường văn hoá- xã hội lành mạnh; phòng, chống có hiệu quả tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên.

Chỉ tiêu:

- 100% thanh thiếu niên được được tuyên truyền, phổ biến những nội dung của pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội . Giảm tỷ lệ thanh thiếu niên trong tổng số tội phạm, tệ nạn xã hội.

- 100% thanh niên được bồi dưỡng kiến thức về HIV/AIDS, qua đó có thái độ và hành vi tích cực đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

- Đến năm 2010, phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn có các loại hình Câu lạc bộ (CLB) thanh niên, thanh niên tình nguyện tổ chức các hoạt động phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

- Phấn đấu đến năm 2010, 40% cấp xã có tụ điểm sinh hoạt cho thanh thiếu niên, góp phần định hướng lối sống lành mạnh, ngăn ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên.

4- Chương trình 4: Bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống cho thanh niên.

Mục tiêu: Bồi dưỡng tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về truyền thống Tây nguyên bất khuất, truyền thống cách mạng của Đảng, dân tộc và Đoàn thanh niên. Nâng cao niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới của đất nước. Đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Gia Lai phát huy ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, tỉnh mạnh, vì lợi ích thiết thực, chính đáng của thanh niên.

Chỉ tiêu:

- Đến năm 2010, 100% cán bộ, đoàn viên, hội viên được học tập 6 bài học lý luận chính trị cơ bản .

- 100% cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) được tuyên truyền giáo dục về chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về tình hình, nhiệm vụ cách mạng của tỉnh trong giai đoạn hiện nay; về truyền thống, đạo đức, lối sống .

- Vận động 90% ĐVTN tham gia xây dựng nếp sống văn hoá mới, gắn xây dựng làng thanh niên với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Tham gia tích cực các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các hoạt động giải trí lành mạnh, các hoạt động văn hoá - thông tin (VH-TT) trong thanh thiếu niên; thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình và bảo vệ môi trường.

- Phấn đấu đến năm 2010, 70% thanh niên được tập hợp vào tổ chức Đoàn- Hội; từ 80-85% cơ sở Đoàn- Hội đạt danh hiệu khá, vững mạnh; Cán bộ Đoàn đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Trung ương Đoàn. Hết năm 2007 cơ bản xoá thôn, làng trắng đoàn viên, hội viên và trắng tổ chức Đoàn-Hội.

5. Chương trình 5: Giáo dục tinh thần tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại tạo cho thanh niên có khả năng giao tiếp, tự tin trong các hoạt động giao lưu quốc tế thanh niên.

Mục tiêu:

Nâng cao hiểu biết của thanh niên về tình hình thế giới và khu vực. Hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng cho thanh niên trong quan hệ đối ngoại và hội nhập. Đặc biệt hiểu biết về đường biên giới giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri (CamPuChia), luật Biên giới và các văn bản dưới luật về Biên giới của Chính phủ để phát huy vai trò thanh niên trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Chỉ tiêu:

- Hàng năm, 100% đoàn viên, thanh niên, hội viên được phổ biến, tuyên truyền để hiểu biết về tình hình thế giới và khu vực.

- Hàng năm giao cho Tỉnh Đoàn tổ chức hoạt động giao lưu, hữu nghị với thanh niên Ratanakiri một lần.

IV. Các giải pháp chủ yếu.

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và công tác thanh niên trong tình hình mới.

a. Tổ chức quán triệt sâu sắc các quan điểm, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc lãnh đạo Đoàn thanh niên và công tác thanh niên trong tình hình mới cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở từng địa phương, đơn vị.

b. Chỉ đạo, phối hợp và tạo điều kiện cho Đoàn thanh niên và Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) khẩn trương xoá thôn, làng, tổ dân phố còn trắng tổ chức Đoàn - Hội; chăm lo xây dựng Đoàn vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên.

c. Chính quyền các cấp tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất để phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên tham gia các chương trình phát triển kinh tế-văn hoá - xã hội gắn với củng cố quốc phòng an ninh tại địa phương, đơn vị. Từng bước giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc đang đặt ra đối với thanh niên và công tác thanh niên.

2. Lồng ghép các chỉ tiêu phát triển thanh niên trong việc triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của tỉnh.

a- Lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm giai đoạn 2006 - 2010; cụ thể hoá chỉ tiêu giải quyết việc làm cho thanh niên trong chương trình của tỉnh.

b- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội triển khai thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010 và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu giáo dục - đào tạo.

c- Đẩy mạnh tiến độ thực hiện chương trình hành động triển khai Chỉ thị số: 58-CT/TW, ngày 17/10/2000 của Bộ chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt chú ý vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trẻ về công nghệ thông tin và phổ cập tin học phổ thông cho thanh niên.

3. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, xây dựng nếp sống văn hoá, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho thanh niên.

a- Tăng cường tuyên truyền giáo dục cho thanh niên trong và ngoài nhà trường về nhận thức chính trị, tình hình nhiệm vụ của đất nước, của tỉnh; truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Đoàn thanh niên. Thông qua đó nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

b- Đầu tư xây dựng các điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt lành mạnh cho thanh niên. Phát triển phong trào văn hoá - thể thao, quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; thu hồi, truy quét các ấn phẩm không lành mạnh có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thanh niên.

c- Mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác giữa thanh niên tỉnh ta với thanh niên nước bạn CamPuChia. Qua đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tình đoàn kết hữu nghị, xây dựng môi trường hoà bình và cùng phát triển.

4. Đẩy mạnh phong trào “ Thanh niên Thi đua, tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phát huy tính xung kích, tinh thần tình nguyện của thanh niên đi đầu xây dựng trong xã hội học tập, tiến quân vào khoa học công nghệ, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, xung kích bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hóa; đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

a- Phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, động viên và tổ chức cho thanh niên tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường đầu tư cho công tác thanh niên, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên.

b- Phát triển phong trào thanh niên tình nguyện, nhân rộng các mô hình, đội hình thanh niên tình nguyện tại cơ sở.

c- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện có hiệu quả dự án Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơr - Huyện Chư Prông. Trong các chương trình mục tiêu của tỉnh, bố trí đầu tư cho Đoàn thanh niên xây dựng và thực hiện các dự án để triển khai Chương trình phát triển thanh niên:

+ Dự án trí thức trẻ tình nguyện về phục vụ tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.

+ Dự án dạy nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT tại chỗ gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số.

+ Dự án phổ biến kiến thức về công nghệ thông tin, kiến thức khoa học, kiến thức quản lý cho thanh niên (hình thức ngoài nhà trường).

+ Dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp cơ sở.

+ Dự án nhân rộng mô hình làng thanh niên.

+ Dự án đầu tư xây dựng các tụ điểm sinh hoạt cho Thanh thiếu niên ở cơ sở.

5. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh xã hội hoá công tác thanh niên.

a- Tăng cường trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp; các ban, ngành, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các đoàn thể nhân dân, tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội và gia đình quan tâm đến việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng sáng tạo, vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

b- Huy động mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội quan tâm đầu tư cả vật chất và tinh thần cho công tác thanh niên.

c- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đối với thanh niên để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên. Tăng cường công tác nghiên cứu, thông tin về tình hình thanh niên và công tác thanh niên.

V. Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện

A/ Các giai đoạn thực hiện chương trình phát triển thanh niên tỉnh Gia Lai đến năm 2010 :

1/ Giai đoạn I: Từ năm 2006 đến năm 2007 tập trung cụ thể hoá chương trình của tỉnh để giải quyết các vấn đề bức xúc của thanh niên hiện nay như sau:

- Các cấp chính quyền tham mưu Cấp ủy Đảng cùng cấp quán triệt “Chương trình phát triển thanh niên Gia Lai đến năm 2010” đến cán bộ, đảng viên. Chỉ đạo các ngành chức năng cùng với Đoàn thanh niên cụ thể hoá chương trình của tỉnh cho phù hợp với tình hình và điều kiện của từng địa phương, đơn vị.

- Xây dựng kế hoạch triển khai, hình thành các chương trình, dự án lồng ghép để dạy nghề, giải quyết việc làm, phát huy vai trò xung kích của thanh niên tham gia phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội ( Theo các mục tiêu đã đặt ra ) .

- Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thanh niên hiện nay.

2/ Giai đoạn II: Từ năm 2007 đến năm 2010 tập trung các vấn đề:

- Tổ chức triển khai thực hiện chương trình phát triển thanh niên năm 2007 - 2010 trên cơ sở kết quả giai đoạn I.

-Triển khai các dự án phát triển thanh niên đã được duyệt giai đoạn 1.

B/ Tổ chức thực hiện:

1- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chương trình phát triển thanh niên tỉnh Gia lai từ nay đến 2010 cho mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp nhân dân.

2- Các Sở, ban ngành, đoàn thể liên quan; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chương trình này xây dựng kế hoạch lồng ghép triển khai thực hiện chương trình.

3- Tỉnh Đoàn Gia Lai chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể xây dựng và tổ chức triển khai chương trình hành động của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện “Chương trình phát triển thanh niên Gia Lai đến năm 2010” đến đoàn viên, hội viên thanh niên toàn tỉnh; theo dõi, kiểm tra kết quả tổ chức thực hiện lồng ghép các chương trình.

4- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội vận động Đoàn viên, Hội viên tham gia tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên Gia Lai đến năm 2010 trong phạm vi hoạt động của mình./.