Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2006/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 03 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN, CỔ ĐỘNG TRỰC QUAN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

- Căn cứ Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá-Thông tin,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Văn hoá-Thông tin, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Tuấn Anh

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN, CỔ ĐỘNG TRỰC QUAN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2006/UBND ngày 03 tháng 5 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước (sau đây gọi tắt là tuyên truyền, cổ động trực quan) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

b) Trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác quản lý các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn thành phố.

2. Đối tượng áp dụng:

Các tổ chức, cá nhân có các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tuyên truyền, cổ động trực quan là dùng ngôn ngữ, hình ảnh, màu sắc, cách trang trí thông qua các phương tiện tuyên truyền cụ thể để giải thích, tác động đến mọi người, giúp cho mọi người nhận thức, tham gia thực hiện chủ trương, công việc đề ra.

2. Nội dung tư tưởng chính trị của công tác tuyên truyền, cổ động trực quan là cổ động, tuyên truyền thực hiện những đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng- an ninh, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

3. Hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan là sự thể hiện sản phẩm cổ động bằng tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, hình ảnh, âm thanh và các hình thức khác.

4. Sản phẩm tuyên truyền, cổ động trực quan trong Quy định này là:

a) Băng- rôn khẩu hiệu;

b) Pa- nô khẩu hiệu;

c) Pa- nô tranh cổ động;

d) Pa- nô giới thiệu, công bố khu quy hoạch, công trình;

đ) Áp- phích cổ động;

e) Tờ rơi tuyên truyền;

g) Băng, đĩa tuyên truyền;

h) Phướn khẩu hiệu, Phướn trang trí;

i) Xe hoa, thuyền hoa;

k) Xe cổ động, xe tuyên truyền lưu động;

l) Cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cờ Tôn giáo, cờ hội và cờ màu trang trí;

m) Các phương tiện tuyên truyền, cổ động trực quan khác.

5. Nơi công cộng trong Quy định này là: đường phố, quảng trường, công viên, vườn hoa, cầu, bến xe, nhà ga, công trình văn hoá- nghệ thuật, thể dục- thể thao, y tế, giáo dục, khu du lịch, khu vui chơi giải trí và các khu vực công cộng khác theo quy định pháp luật.

Điều 3. Yêu cầu về hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan

Mọi hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuân thủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, tuyên truyền.

Điều 4. Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Tuyên truyền, cổ động trực quan có nội dung không phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xâm hại an ninh quốc gia, đoàn kết dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và công dân;

2. Hoạt động tuyên truyền, cổ động có tính chất kích động bạo lực, xâm phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục;

3. Sử dụng phương tiện tuyên truyền, cổ động trực quan làm hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông; làm ảnh hưởng sự trang nghiêm tại nơi làm việc của các cơ quan, công sở, mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người;

4. Thực hiện hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan khi chưa có văn bản đồng ý hoặc cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

5. Tiến hành các hoạt động tuyên truyển, cổ động trực quan không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan

1. Tất cả các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn thành phố đều phải đăng ký với cơ quan chức năng trước khi triển khai:

a) Hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan do các tổ chức sự nghiệp chuyên ngành văn hoá- thông tin thực hiện phải đăng ký cơ quan chủ quản (Cấp thành phố đăng ký với Sở Văn hoá - Thông tin thành phố. Cấp quận, huyện đăng ký với Uỷ ban nhân dân các quận, huyện);

b) Hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan do cơ quan cấp quận/ huyện, xã/ phường thực hiện phải đăng ký tại Uỷ ban nhân dân các quận, huyện (Thông qua phòng Văn hoá - Thể thao quận, huyện);

c) Hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan do các cơ quan cấp thành phố thực hiện phải đăng ký tại Sở Văn hoá- Thông tin thành phố;

d) Các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan không thuộc các mục a, b, c nêu trên phải đăng ký tại Sở Văn hoá- Thông tin thành phố.

2. Hồ sơ đăng ký tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan gồm:

a) Đơn đăng ký: Ghi rõ nội dung, phương tiện, địa điểm (không gian, mặt đất), thời gian tiến hành kèm theo các bản mẫu trình bày (ma-két);

b) Văn bản đồng ý cho phép sử dụng tác phẩm của tác giả, nhóm tác giả trong trường hợp có sử dụng các tác phẩm chưa được phổ biến chính thức;

c) Văn bản thẩm định về kết cấu xây dựng của Sở Xây dựng trong trường hợp lắp đặt pa-nô có diện tích từ hai mươi mét vuông (20m2) trở lên;

d) Văn bản thẩm định phương án bảo đảm an toàn giao thông của Sở Giao thông- Công chính trong trường hợp tổ chức tuyên truyền, cổ động trực quan bằng thuyền hoa, xe hoa.

3. Thời hạn trả lời văn bản đăng ký tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan; thời hạn trả lời đề nghị thẩm định kết cấu xây dựng pa-nô, thẩm định phương án đảm bảo an toàn giao thông trong trường hợp tuyên truyền, cổ động trực quan bằng thuyền hoa, xe hoa là năm (05) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được văn bản đề nghị.

4. Trường hợp tuyên truyền, cổ động trực quan bằng các phương tiện kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại như bảng điện, bảng màn hình điện tử hoặc các phương tiện tương tự, tổ chức, cá nhân thực hiện phải xin phép Uỷ ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Văn hoá- Thông tin).

Điều 6. Nội dung tuyên truyền, cổ động trực quan

1. Phải chuẩn xác, cô đọng, ấn tượng và dễ hiểu, dễ nhớ;

2. Được Bộ Văn hoá-Thông tin, Uỷ ban nhân dân thành phố, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Văn hoá- Thông tin cung cấp hoặc cho phép tại thời điểm thực hiện công tác tuyên truyền;

3. Đối với các nội dung có tính chuyên môn phải do ngành chủ quản ở Trung ương ban hành hoặc được Thủ trưởng cơ quan chủ quản đồng ý trong văn bản đăng ký thực hiện việc tuyên truyền, cổ động trực quan gửi cơ quan chức năng.

Điều 7. Hình thức tuyên tuyền, cổ động trực quan

1. Phải có thẩm mỹ và thể hiện rõ, đầy đủ nội dung tuyên truyền, cổ động;

2. Chất liệu và cách thể hiện phải phù hợp với văn hoá dân tộc và mỹ quan đô thị.

Điều 8. Ngôn ngữ trong tuyên truyền, cổ động trực quan

1. Ngôn ngữ dùng trong tuyên truyền, cổ động trực quan là tiếng Việt, trừ những trường hợp từ ngữ đã được quốc tế hoá, tên riêng hoặc từ ngữ không thay thế được bằng tiếng Việt thì được viết nguyên gốc;

2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một phương tiện tuyên truyền, cổ động trực quan thì viết tiếng Việt trước, tiếng nước ngoài sau, khổ chữ tiếng nước ngoài không được lớn hơn khổ chữ tiếng Việt;

3. Trong trường hợp tuyên truyền hoạt động ngoại giao, trên các phương tiện tuyên truyền cổ động trực quan chỉ viết bằng tiếng nước ngoài thì nội dung phải đúng với bản dịch tiếng Việt đã đăng ký;

4. Viết đúng chính tả, không viết tắt, trừ trường hợp nội dung thể hiện quá dài thì được viết tắt những từ thông dụng.

Điều 9. Phương tiện tuyên truyền, cổ động trực quan:

1. Băng - rôn khẩu hiệu:

a) Băng - rôn khẩu hiệu treo ngang đường phố phải bảo đảm các yêu cầu:

- Màu sắc, kiểu chữ phải rõ ràng, trang trọng;

- Chiều ngang của băng- rôn khẩu hiệu tuỳ thuộc vào thực tế bề rộng của mặt đường để bố trí phù hợp, chiều đứng tối thiểu là 0,6 mét;

- Băng - rôn khẩu hiệu treo ngang đường phố phải treo ngay thẳng, không bị vật khác che khuất và không che khuất các biển báo giao thông; không gây trở ngại cho người và các phương tiện tham gia giao thông; không làm mất mỹ quan đô thị; tầm cao khi treo so với mặt đường tối thiểu là 4,5 mét. Trụ, dây giăng băng- rôn khẩu hiệu và các vật dụng khác phải bảo đảm chắc chắn, gọn đẹp;

- Băng - rôn khẩu hiệu về Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có nền màu đỏ, chữ màu vàng (hoặc màu trắng), được treo trang trọng và chỉ được treo ở những tuyến đường chính;

- Tuân thủ chặt chẽ các quy định về địa điểm và thời gian treo băng - rôn sau khi có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền;

- Băng - rôn khẩu hiệu không được treo trên tường rào các nơi công cộng.

b) Băng - rôn khẩu hiệu treo trong nhà phải được treo ở nơi trang trọng, dễ nhìn thấy, dễ đọc.

c) Băng - rôn treo ở trụ sở các cơ quan, tổ chức phải được treo ở nơi trung tâm, trang trọng, ngay phía trên cổng chính ra vào hoặc phía mặt tiền nhà chính, không bị che khuất và không che khuất bảng tên đơn vị.

2. Pa - nô khẩu hiệu và pa- nô tranh cổ động

a) Thể hiện nội dung và hình thức theo đúng bản mẫu đã được cơ quan chức năng cho phép, trong đó phải đảm bảo chiều ngang tối thiểu là một (01) mét, chiều đứng tối thiểu là một mét tám mươi (1,80m);

b) Đảm bảo an toàn, phù hợp với không gian, cảnh quan xung quanh;

c) Thể hiện rõ tên đơn vị thực hiện và thời gian sử dụng ở góc phải của pa-nô.

3. Áp - phích cổ động, tờ rơi tuyên truyền

a) Áp - phích cổ động phải được dán, đặt đúng nơi cho phép; không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và phải được tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu của nơi dán, đặt áp- phích khi hết thời hạn cho phép thực hiện tuyên truyền, cổ động;

b) Tờ rơi tuyên truyền phải được phát hành đúng đối tượng; cách thức phát hành phải đúng quy định pháp luật.

4. Băng, đĩa tuyên truyền

a) Bảo đảm các yêu cầu về địa điểm, tuyến đường, thời gian, âm lượng theo quy định;

b) Không thực hiện tuyên truyền, cổ động tại khu vực hoặc khi đi ngang qua khu vực trường học, bệnh viện, nơi đang tiến hành các nghi thức, lễ hội đông người.

5. Phướn khẩu hiệu, phướn trang trí

a) Chiều dài tối thiểu là 3,5 mét, chiều rộng tối thiểu là 0,60 mét;

b) Các vật dụng để treo, đặt phướn phải gọn, đẹp và chắc chắn;

c) Treo, đặt phướn đúng nơi cho phép; không gây trở ngại cho người và các phương tiện tham gia giao thông; không làm mất mỹ quan đô thị.

6. Xe hoa, thuyền hoa tuyên truyền, cổ động

a) Đạt yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật. Độ cao của xe hoa không quá 04 mét, chiều rộng không quá 03 mét; thuyền hoa phải đảm bảo độ cao giới hạn khi qua cầu;

b) Các phương tiện xe, thuyền dùng làm xe hoa, thuyền hoa phải đầy đủ thủ tục lưu hành theo quy định của pháp luật; hệ thống điện và các vật dụng làm xe hoa, thuyền hoa phải bảo đảm an toàn, có dụng cụ chữa cháy;

c) Người điều khiển xe hoa, thuyền hoa phải đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật;

d) Chương trình phát thanh tuyên truyền, cổ động trên xe hoa, thuyền hoa phải được cơ quan chức năng cho phép.

7. Cờ Tổ quốc

a) Yêu cầu chung:

- Cờ treo có màu sắc và kích thước đúng quy định, không được bạc màu, nhàu, rách;

- Treo ở vị trí trang trọng, đúng hướng của ngôi sao vàng;

- Các cơ quan, đơn vị thực hiện việc treo cờ thường xuyên theo quy định.

b) Việc treo cờ ở hai bên đường của các đơn vị, địa phương:

- Chỉ được treo trong các ngày lễ, ngày Tết và các dịp chào mừng các sự kiện lớn, quan trọng của đơn vị, địa phương, quê hương, đất nước theo quy định chung;

- Cờ treo hai bên đường phải ngay thẳng, không nghiêng lệch, không gây trở ngại cho người và các phương tiện tham gia giao thông, bảo đảm sự trang nghiêm;

- Trụ cờ phải có độ cao tối thiểu 2,50 mét.

c) Việc treo cờ trong các ngày lễ, ngày Tết đối với các hộ dân phải bảo đảm các yêu cầu:

- Đối với nhà trệt thực hiện treo cờ ở trên cao, phía mặt tiền; đối với nhà lầu thực hiện treo cờ ở mặt tiền, lan can tầng 1;

- Độ chếch cán cờ từ 30 độ đến 45 độ, điểm dưới của cờ phải cách mặt đất từ 2,5 mét trở lên;

- Khuyến khích mỗi hộ dân bố trí một trụ treo cờ cố định, có dây kéo cờ và đảm bảo mỹ thuật, an toàn.

8. Cờ Đảng

Việc treo cờ Đảng được thực hiện theo các quy định của Đảng.

9. Cờ hội, cờ màu trang trí

a) Cờ hội được treo tại các điểm di tích, di sản lịch sử - văn hoá; treo tại nơi tổ chức các lễ hội theo truyền thống dân tộc.

b) Không dùng cờ màu tối, nhàu, rách, bạc màu;

c) Treo cờ màu trang trí phải hài hoà về màu sắc, không gây trở ngại cho người và các phương tiện tham gia giao thông.

10. Cờ, băng - rôn khẩu hiệu theo nghi thức tôn giáo

a) Việc treo cờ tôn giáo, băng - rôn khẩu hiệu theo nghi thức tôn giáo được thực hiện tại nơi thờ tự và các cơ sở tôn giáo;

b) Gia đình đạo hữu được treo cờ tôn giáo trước nhà trong các dịp lễ của tôn giáo; khi treo cờ tôn giáo phải có cờ Tổ quốc, vị trí cờ Tổ quốc phải cao hơn cờ tôn giáo.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Văn hoá - Thông tin

1. Xây dựng quy hoạch tuyên truyền, cổ động trực quan trọng điểm của thành phố;

2. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn thành phố;

3. Tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu về hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan của các tổ chức, cá nhân theo quy định;

4. Theo dõi, kiểm tra và kịp thời xử lý các vi phạm trong hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn thành phố;

5. Chỉ đạo Trung tâm Văn hoá - Thông tin thành phố thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn thành phố theo phân cấp và kế hoạch được giao.

Điều 11. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các quận, huyện

1. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan tại địa phương mình;

2. Tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu về hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 5 của quy định này.

3. Theo dõi, kiểm tra và kịp thời phối hợp với ngành chức năng xử lý các vi phạm trong hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn quận, huyện;

4. Chỉ đạo Phòng Văn hoá- Thể thao quận, huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền cổ động, thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động trực quan trên các tuyến đường và địa điểm chính tại địa phương mình theo phân cấp.

5. Tiến hành phân cấp cho UBND các xã, phường thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động trực quan tại các xã, phường trực thuộc, nhất là các tuyến đường nhỏ và hẻm kiệt trong các khu dân cư.

Điều 12. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền, cổ động trực quan

1. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về văn hoá - thông tin - tuyên truyền và Quy định này;

2. Người đứng đầu các tổ chức thực hiện tuyên truyền, cổ động trực quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan của tổ chức mình trong quá trình thực hiện;

3. Đơn vị, cá nhân được giao thực hiện tuyên truyền, cổ động trực quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về các công việc có liên quan đến trách nhiệm của đơn vị, cá nhân mình;

4. Thường xuyên kiểm tra các phương tiện tuyên truyền, cổ động trực quan đã thực hiện, kịp thời phát hiện những hư hỏng, sai sót về nội dung, hình thức trên các phương tiện tuyên truyền để kịp thời có biện pháp khắc phục. Khi phát hiện những hư hỏng, sai sót phải báo cáo ngay cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và trong 24 tiếng đồng hồ phải khắc phục xong. Trường hợp không khắc phục được phải tháo gỡ ngay phương tiện tuyên truyền, cổ động.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Khen thưởng, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

1. Sở Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm tổ chức hoặc phối hợp các ngành, địa phương liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan theo quy định của pháp luật.

2. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra theo quy định của Nhà nước.

3. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy định này sẽ được khen thưởng theo quy định chung.

Điều 14. Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức hướng dẫn triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Điều 15. Trong quá trình thực hiện, nếu có trở ngại, vướng mắc các tổ chức, cá nhân phản ảnh về Sở Văn hoá - Thông tin thành phố để tổng hợp báo cáo UBND thành phố kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.