ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 420/QĐ-UBND | Bình Phước, ngày 02 tháng 03 năm 2018 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 15/2017/TT-BCT ngày 31/8/2017 của Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp;
Căn cứ Công văn số 265/BCT-CTĐP ngày 12/01/2018 của Bộ Công Thương về việc thỏa thuận Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 144/TTr-SCT ngày 25/01/2018,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với các nội dung cụ thể sau:
- Xác định Cụm công nghiệp có vai trò đòn bẩy thúc đẩy nỗ lực chung ngành công nghiệp. Quy hoạch phát triển các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
- Quy hoạch phát triển các Cụm công nghiệp phải gắn với không gian công nghiệp cả nước, vùng Đông Nam bộ; gắn với các tuyến hành lang kinh tế và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm tranh thủ các mối liên kết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và hợp tác với khu vực và quốc tế. Phát triển Cụm công nghiệp phải liên kết với các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, trung tâm phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn và mạng lưới thương mại - dịch vụ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sử dụng đất, phát triển đô thị và các khu dân cư, phát triển kết cấu hạ tầng, các lĩnh vực, ngành, sản phẩm có liên quan khác trên địa bàn tỉnh.
- Phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phải lấy mục tiêu khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên và lao động; ưu tiên phát triển các Cụm công nghiệp có quy mô hợp lý, phục vụ nhu cầu di dời và mở rộng mặt bằng sản xuất để phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại khu vực nông thôn, làm nền tảng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các Cụm công nghiệp phải gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; phát triển công nghiệp hợp lý giữa các huyện, thị xã thuộc tỉnh.
2.1. Mục tiêu tổng quát.
- Làm nền tảng khoa học vững chắc để sớm thành lập các Cụm công nghiệp theo đúng tiến độ đầu tư để đưa vào khai thác.
- Tạo quỹ đất cần thiết để các địa phương thực hiện việc di dời và mở rộng mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
- Làm cơ sở để sớm ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp để thúc đẩy đầu tư và thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp.
2.2. Mục tiêu cụ thể.
Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh gồm 35 Cụm công nghiệp với tổng diện tích 1,295.17 ha (trong đó, quy hoạch đến năm 2020: 22 Cụm công nghiệp, tổng diện tích 583 ha). Phấn đấu đến năm 2030, đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 90% diện tích đất công nghiệp.
2.2.1. Giai đoạn 2016 - 2020: Phát triển 22 Cụm công nghiệp với tổng diện tích 583 ha, chiếm 45% tổng diện tích được quy hoạch dành cho Cụm công nghiệp. Trong đó:
- Hoàn thiện 12 Cụm công nghiệp với tổng diện tích 337.64 ha (tương đương 60% diện tích giai đoạn đến năm 2020).
- Đầu tư đợt 1 của giai đoạn 2016 - 2020, 10 Cụm công nghiệp còn lại với tổng diện tích 245.36 ha (tương đương 40% diện tích).
Thu hút thêm khoảng 3.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất tại các Cụm công nghiệp; sau năm 2025 sẽ tăng giá trị sản xuất công nghiệp ổn định hàng năm thêm 2.300 tỷ đồng và tạo việc làm mới cho khoảng 20 nghìn lao động.
2.2.2. Giai đoạn 2016 - 2025: Được tính gộp như giai đoạn 2016 - 2020 do không đầu tư mới cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.
2.2.3. Giai đoạn 2026 - 2030: Triển khai 55% diện tích đất quy hoạch còn lại (tương đương 712.17 ha). Trong đó:
- Tiếp tục mở rộng 10 Cụm công nghiệp đã được đầu tư đợt 1 trong giai đoạn 2016 - 2020, với tổng diện tích mở rộng 286.64 ha (tương đương 40% diện tích giai đoạn này).
- Thành lập mới 13 Cụm công nghiệp với diện tích 425.53 ha (tương đương 60% diện tích).
Thu hút thêm khoảng 3.550 tỷ đồng vốn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất tại các Cụm công nghiệp; tạo thêm việc làm mới cho khoảng 10 nghìn lao động. Sau năm 2030, sẽ tăng giá trị sản xuất công nghiệp ổn định hàng năm trên toàn diện tích quy hoạch 35 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thêm 4900 tỷ đồng.
3. Nội dung quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp
3.1. Quy hoạch Cụm công nghiệp tại thị xã Phước Long.
Quy hoạch 2 Cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã Phước Long với tổng diện tích 100 ha để hình thành các cụm chế biến nông sản và sản xuất thực phẩm, gắn với các khu xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý nước thải tập trung, cụ thể:
- Cụm công nghiệp Phước Bình diện tích quy hoạch 50 ha, tại phường Phước Bình. Tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Long Giang diện tích quy hoạch 50 ha, tại phường Long Giang. Tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2030 quy hoạch 2 Cụm công nghiệp nêu trên với tổng diện tích 100 ha. Riêng giai đoạn đến năm 2020 quy hoạch và đưa vào đầu tư một Cụm công nghiệp Long Giang với diện tích 50 ha.
3.2. Quy hoạch Cụm công nghiệp tại thị xã Đồng Xoài.
Quy hoạch 3 Cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã Đồng Xoài với tổng diện tích 120 ha để hình thành các cụm chế biến thực phẩm (rau, củ, quả...) và sản xuất hàng tiêu dùng, gắn với các khu xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói và xử lý nước thải tập trung, cụ thể:
- Cụm công nghiệp Tân Xuân diện tích quy hoạch 30 ha, tại khu phố Tân Trà, phường Tân Xuân. Tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Tiến Hưng diện tích quy hoạch 50 ha, tại ấp 4, xã Tiến Hưng. Tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Tân Thành diện tích quy hoạch 40 ha, tại ấp 2, xã Tân Thành. Tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2030 quy hoạch 3 Cụm công nghiệp nêu trên với tổng diện tích 120 ha. Riêng giai đoạn đến năm 2020 quy hoạch và đưa vào đầu tư 2 cụm công nghiệp Tiến Hưng (20 ha) và Cụm công nghiệp Tân Thành (15,36 ha) với diện tích 35,36 ha.
3.3. Quy hoạch Cụm công nghiệp tại thị xã Bình Long.
Quy hoạch 3 Cụm công nghiệp Thanh Phú, Hưng Chiến và Thanh Lương trên địa bàn thị xã Bình Long với tổng diện tích 150 ha để hình thành các cụm sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và sản xuất hàng tiêu dùng; tiếp nhận di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong làng nghề, khu dân cư, đô thị và các cơ sở sản xuất khác cần di dời vào Cụm công nghiệp, gắn với khu xử lý nước thải tập trung, cụ thể:
- Cụm công nghiệp Thanh Phú, 60 ha tại ấp 17, xã Thanh Phú. Tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Hưng Chiến, 75 ha tại phường Hưng Chiến. Tổng mức đầu tư 375 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Thanh Lương, 75 ha tại ấp Thanh Thịnh, xã Thanh Lương. Tổng mức đầu tư 375 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2030 quy hoạch 3 Cụm công nghiệp nêu trên với tổng diện tích 210 ha. Riêng giai đoạn đến năm 2020 quy hoạch và đưa vào đầu tư giai đoạn 1 của 3 Cụm công nghiệp Thanh Phú (30 ha), Hưng Chiến (30 ha) và Thanh Lương (30 ha) với diện tích 90 ha,
3.4. Quy hoạch Cụm công nghiệp tại huyện Bù Gia Mập.
Quy hoạch 4 Cụm công nghiệp Phú Nghĩa 1, Phú Nghĩa 2, Phú Nghĩa 3 và Đa Kia trên địa bàn huyện Bù Gia Mập với tổng diện tích 159 ha để hình thành các cụm chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng, gắn với khu xử lý nước thải tập trung, cụ thể:
- Cụm công nghiệp Phú Nghĩa 1 diện tích quy hoạch 32 ha, tại thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa. Tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Phú Nghĩa 2 diện tích quy hoạch 50 ha, tại thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa. Tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Phú Nghĩa 3 diện tích quy hoạch 45 ha, tại thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa. Tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Đa Kia diện tích quy hoạch 32 ha, tại thôn 4, xã Đa Kia. Tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2030 quy hoạch 4 Cụm công nghiệp nêu trên với tổng diện tích 159 ha. Riêng giai đoạn đến năm 2020 quy hoạch và đưa vào đầu tư 3 Cụm công nghiệp Phú Nghĩa 1 (20 ha), Phú Nghĩa 2 (20 ha) và Phú Nghĩa 3 (45 ha) với diện tích 85 ha.
3.5. Quy hoạch Cụm công nghiệp tại huyện Lộc Ninh.
Quy hoạch 2 Cụm công nghiệp Lộc Thành và Lộc Thịnh trên địa bàn huyện Lộc Ninh với tổng diện tích 94 ha để hình thành các cụm chế biến nông, lâm sản, sản xuất hàng tiêu dùng và sản xuất vật liệu xây dựng, gắn với khu xử lý nước thải tập trung, cụ thể:
- Cụm công nghiệp Lộc Thành với diện tích quy hoạch 40 ha. Tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Lộc Thịnh với diện tích quy hoạch 54 ha. Tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2030 quy hoạch 2 Cụm công nghiệp nêu trên với tổng diện tích 94 ha. Riêng giai đoạn đến năm 2020 chưa quy hoạch Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.
3.6. Quy hoạch Cụm công nghiệp tại huyện Bù Đốp.
Quy hoạch 2 Cụm công nghiệp Phước Thiện và Thanh Hòa trên địa bàn huyện Bù Đốp với tổng diện tích 36,94 ha để hình thành các cụm sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; chế biến nông, lâm sản và sản xuất hàng tiêu dùng, gắn với khu xử lý nước thải tập trung, cụ thể:
- Cụm công nghiệp Phước Thiện diện tích quy hoạch 19,94 ha, tại ấp Tân Lập, xã Phước Thiện. Tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Thanh Hòa diện tích quy hoạch 17 ha, tại ấp 4, xã Thanh Hòa. Tổng mức đầu tư 85 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2030 quy hoạch 2 Cụm công nghiệp nêu trên với tổng diện tích 36.94 ha. Riêng giai đoạn đến năm 2020 quy hoạch và đưa vào đầu tư cụm công nghiệp Phước Thiện với diện tích 19,94 ha.
3.7. Quy hoạch Cụm công nghiệp tại huyện Hớn Quản.
Quy hoạch 5 Cụm công nghiệp Thanh Bình, Thanh An, Tân Lợi, Lê Vi - Tân Khai và Tân Hiệp trên địa bàn huyện Hớn Quản với tổng diện tích 100 ha để hình thành các cụm chế biến nông sản, sản xuất thực phẩm, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và sản xuất hàng tiêu dùng, gắn với khu xử lý nước thải tập trung, cụ thể:
- Cụm công nghiệp Thanh Bình diện tích quy hoạch 20 ha, tại ấp Xa Cát, xã Thanh Bình. Tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Thanh An diện tích quy hoạch 20 ha, tại tổ 4, ấp Trà Thanh, xã Thanh An. Tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Tân Lợi diện tích quy hoạch 20 ha, tại tổ 5, ấp Quản Lợi, xã Tân Lợi do Tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Lê Vi - Tân Khai diện tích quy hoạch 20 ha, tại xã Tân Khai. Tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Tân Hiệp diện tích quy hoạch 20 ha, tại xã Tân Hiệp. Tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2030 quy hoạch 5 Cụm công nghiệp nêu trên với tổng diện tích 100 ha. Riêng giai đoạn đến năm 2020 quy hoạch và đưa vào đầu tư 2 Cụm công nghiệp Thanh Bình (20 ha) và Lê Vi - Tân Khai (20 ha) với diện tích 40 ha.
3.8. Quy hoạch Cụm công nghiệp tại huyện Đồng Phú.
Quy hoạch 4 Cụm công nghiệp Hà My, Tân Lập, Thuận Phú và Tân Phước trên địa bàn huyện Đồng Phú với tổng diện tích 140 ha để hình thành các cụm chế biến nông, lâm sản, sản xuất thực phẩm, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và sản xuất hàng tiêu dùng, gắn với khu xử lý nước thải tập trung, cụ thể:
- Cụm công nghiệp Hà Mỵ tại xã Tân Lập với diện tích quy hoạch 10 ha. Tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Tân Lập tại xã Tân Lập với diện tích quy hoạch 40 ha. Tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Thuận Phú tại xã Thuận Phú với diện tích quy hoạch 50 ha. Tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Tân Phước tại ấp Cầu Rạt, xã Tân Phước với diện tích quy hoạch 40 ha. Tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2030 quy hoạch 4 Cụm công nghiệp nêu trên với tổng diện tích 140 ha. Riêng giai đoạn đến năm 2020 quy hoạch và đưa vào đầu tư 3 Cụm công nghiệp Hà Mỵ (10 ha), Tân Lập (40 ha) và Thuận Phú (20 ha) với diện tích 70 ha.
3.9. Quy hoạch Cụm công nghiệp tại huyện Bù Đăng.
Quy hoạch 7 Cụm công nghiệp Minh Hưng 1, Minh Hưng 2, Nghĩa Trung, Đức Liễu 1, Đức Liễu 2, Thọ Sơn và Thống Nhất trên địa bàn huyện Bù Đăng với tổng diện tích 225,23 ha để hình thành các cụm sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn chế biến nông sản, sản xuất thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng, gắn với khu xử lý nước thải tập trung, cụ thể:
- Cụm công nghiệp Minh Hưng 1 quy hoạch 40 ha, tại thôn 1, xã Minh Hưng. Tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Minh Hưng 2 với diện tích 32,7 ha, tại thôn 4, xã Minh Hưng. Tổng mức đầu tư 164 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Nghĩa Trung với diện tích 20 ha, tại thôn 5, xã Nghĩa Trung. Tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Đức Liễu 1 quy hoạch 50 ha, tại thôn 8, xã Đức Liễu. Tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Đức Liễu 2 diện tích quy hoạch 30 ha, tại thôn 2, xã Đức Liễu. Tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Thọ Sơn diện tích quy hoạch 20 ha, tại thôn Sơn Hiệp, xã Thọ Sơn. Tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Thống Nhất diện tích quy hoạch 32,53 ha, tại thôn 4, xã Thống Nhất. Tổng mức đầu tư 165 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2030 quy hoạch 7 Cụm công nghiệp nêu trên với tổng diện tích 225,23 ha. Riêng giai đoạn đến năm 2020 quy hoạch và đưa vào đầu tư 5 Cụm công nghiệp Minh Hưng 1 (40 ha), Minh Hưng 2 (32,7 ha), Nghĩa Trung (20 ha), Đức Liễu 1 (30 ha) và Đức Liễu 2 (30 ha) với diện tích 152,7 ha.
3.10. Quy hoạch Cụm công nghiệp tại huyện Chơn Thành.
Quy hoạch Cụm công nghiệp Song Phương tại ấp Bàu Teng, xã Quang Minh trên địa bàn huyện Chơn Thành với tổng diện tích 10 ha để hình thành các cụm chế biến gỗ và các sản phẩm ngành gỗ, gắn với khu xử lý nước thải tập trung. Tổng mức đầu tư chung 72 tỷ đồng.
3.11. Quy hoạch Cụm công nghiệp tại huyện Phú Riềng.
Quy hoạch 2 Cụm công nghiệp Phú Riềng và Bù Nho trên địa bàn huyện Phú Riềng với tổng diện tích 100 ha để hình thành cụm chế biến nông sản và sản xuất thực phẩm, gắn với khu xử lý nước thải tập trung, cụ thể:
- Cụm công nghiệp Phú Riềng diện tích quy hoạch 50 ha tại xã Phú Riềng. Tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
- Cụm công nghiệp Bù Nho diện tích quy hoạch 50 ha tại xã Bù Nho. Tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2030 quy hoạch 2 Cụm công nghiệp nêu trên với tổng diện tích 100 ha. Riêng giai đoạn đến năm 2020 quy hoạch và đưa vào đầu tư Cụm công nghiệp Phú Riềng với diện tích 30 ha.
4. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
4.1. Các giải pháp, cơ chế và chính sách chủ yếu.
a) Giải pháp về quản lý quy hoạch,
- Quy hoạch Cụm công nghiệp là định hướng, cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong các Cụm công nghiệp theo quy định. Xây dựng, ban hành, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật liên quan đến việc thành lập và hoạt động của cụm; thường xuyên cập nhật để đề nghị điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển cụm đảm bảo đạt kết quả và hiệu quả cao.
- Công bố rộng rãi quy hoạch, dự án xây dựng Cụm công nghiệp được phê duyệt và phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân trong khu vực dự án.
- Xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp đồng bộ và toàn diện, đặc biệt chú ý xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc môi trường, doanh nghiệp tự xây hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả ra hệ thống chung của Cụm công nghiệp; đồng thời, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp thực hiện sai quy định.
b) Giải pháp huy động vốn đầu tư.
- Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp là một hoạt động yêu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng chậm thu hồi vốn đầu tư, bởi chỉ có nguồn thu chính từ cho thuê lại đất và hạ tầng; hiệu quả kinh tế còn phụ thuộc chính vào năng lực quản lý, xúc tiến của các nhà đầu tư sơ cấp. Ngoài khả năng huy động các nguồn vốn bởi nhà đầu tư sơ cấp để đầu tư xây dựng các Cụm công nghiệp thì cần có sự hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu từ các nhà cung cấp dịch vụ vào Cụm công nghiệp như cấp điện, nước, thông tin liên lạc, bảo hiểm, ngân hàng... thông qua các hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh.
- Rà soát, thúc đẩy hoàn thiện nhanh chóng các công trình trọng điểm về kết nối hạ tầng kỹ thuật cơ bản, tiện ích phục vụ phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp theo phương châm đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn vốn đầu tư. Tăng cường huy động mọi nguồn vốn trên thị trường, chú ý huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để thúc đẩy chương trình này.
c) Giải pháp về môi trường đầu tư, thu hút đầu tư.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong tỉnh về Cụm công nghiệp phù hợp với thực tiễn ở địa phương bảo đảm đạt hiệu quả cao. Triển khai nhanh chóng thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi các loại giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận liên quan đến hoạt động đầu tư và kinh doanh trong Cụm. Nghiên cứu điều chỉnh kịp thời chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư trong các Cụm công nghiệp. Theo đó, đầu tư vào Cụm công nghiệp được xếp vào nhóm cùng các Khu công nghiệp, Khu kinh tế và Khu nông nghiệp công nghệ cao; được hưởng cùng mức độ ưu đãi khuyến khích đầu tư về:
+ Ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất.
+ Áp dụng cơ chế giao đất, cho thuê đất từ quỹ đất công của tỉnh.
+ Áp dụng cơ chế khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tiền thuê đất.
+ Áp dụng cơ chế hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào cụm công nghiệp, chú trọng hình thức đối tác công tư PPP.
+ Áp dụng các ưu đãi chung khác của Chính phủ theo quy định và các ưu đãi khác từ những chương trình, đề án hỗ trợ chung của tỉnh.
- Năng lực thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp có tính quyết định đến hiệu quả hoạt động, cần thực hiện đồng bộ, liên tục; có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các ngành, các cấp và mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư; đồng thời, phải thực hiện trên cơ sở những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư hấp dẫn về thuế, thuê đất, thuê hạ tầng, áp dụng công nghệ, tín dụng, xúc tiến thương mại và đầu tư...thông thoáng, minh bạch; và có sự nhất quán, ổn định; trong đó, ưu đãi theo nhóm ngành được quan tâm định hướng đầu tư để tạo sự đột phá.
- Thu hút các nhà đầu tư vào các dự án đầu tư có chọn lọc, phát huy được thế mạnh của địa phương; liên kết và bổ trợ giữa các doanh nghiệp trong việc sản xuất và cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; sử dụng tối đa nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương. Khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, đầu tư nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại để tăng năng lực cạnh tranh.
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tác phong công nghiệp, kỹ thuật, tay nghề chuyên môn là yếu tố quyết định trực tiếp đến chất lượng phát triển công nghiệp và khả năng thu hút đầu tư. Hợp tác giữa các doanh nghiệp, tăng cường năng lực cho các trường nghề, tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu của ngành công nghiệp. Thiết kế các chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ cho chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, cán bộ quản lý của các cơ quan, đơn vị; chú trọng kinh nghiệm, kiến thức về xúc tiến thương mại và đầu tư, phòng tránh rủi ro trong giao thương quốc tế...
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về pháp luật quốc tế và hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia.
- Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý hành chính nhà nước ở các cấp hành chính địa phương. Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng phát triển nhóm ngành chủ lực, mũi nhọn của tỉnh, ngành công nghiệp hỗ trợ.
- Thúc đẩy việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong khu vực FDI với các doanh nghiệp địa phương và giữa các doanh nghiệp địa phương với nhau. Đặc biệt, khai thác thông tin nhu cầu nguyên liệu đầu vào trong khu vực FDI để làm cơ sở cho các doanh nghiệp trong cụm phát triển sản xuất, cung ứng nguyên liệu và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tổ chức tập huấn, trang bị các kỹ năng trong việc đàm phán các hợp đồng kinh tế, chuẩn bị các mẫu hợp đồng kinh tế cho các doanh nghiệp địa phương để thích ứng và chủ động trong việc kết nối giao thương với các doanh nghiệp trong khu vực FDI.
- Nâng cao năng lực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm; áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh; đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ, máy móc, trang thiết bị, mô hình sản xuất tiên tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng đầu vào; tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, chế biến và doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ... trong và ngoài tỉnh để tạo lưu lượng lớn đầu ra cho sản phẩm.
- Xác định các mã sản phẩm, linh kiện, vật tư trong nhóm công nghiệp hỗ trợ đang phụ thuộc vào nhập khẩu và có nhu cầu sử dụng lán trên địa bàn tỉnh để đưa vào danh mục xúc tiến kêu gọi đầu tư vào tỉnh.
- Tập trung phát triển thị trường mới cho các sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn; giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống; phổ biến công khai thông tin về thị trường và các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư hàng năm của trung ương và địa phương; kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia tích cực, có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước.
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và vận hành có hiệu quả các website nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm, ngành hàng gắn với ứng dụng giao dịch thương mại điện tử; đa dạng hóa các hình thức quảng bá để tìm kiếm thị trường xuất khẩu; giới thiệu quảng bá thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp, ngành hàng trên website chuyên về xúc tiến đầu tư và thương mại của tỉnh, trung ương, nhằm giúp doanh nghiệp cơ hội giao thương đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.
- Đẩy mạnh công nghiệp sơ chế và bảo quản nông sản sau thu hoạch trên địa bàn, từng bước hướng nhu cầu đầu tư chế biến nông sản sâu vào các cụm công nghiệp.
d) Giải pháp mở rộng, phát triển Cụm công nghiệp và vai trò quản lý nhà nước.
- Theo dõi, đánh giá tình hình triển khai thực tế; đối với Cụm công nghiệp gặp khó khăn trong quá trình triển khai, cần tập trung giải quyết các vướng mắc kịp thời để tiếp tục triển khai đảm bảo hiệu quả hoạt động của Cụm công nghiệp. Nếu cụm không có triển vọng triển khai, cần xem xét việc rút chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt dự án hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dịch vụ công theo cơ chế ‘một cửa liên thông’ hỗ trợ hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh. Xây dựng và quản lý thông tin, chỉ đạo các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Cụm công nghiệp. Nâng cao năng lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách về thu hút đầu tư theo quy định, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm; xây dựng và triển khai cơ chế giám sát xã hội đối với phát triển Cụm công nghiệp.
- Yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh các giải pháp về kỹ thuật, giải pháp về quản lý bảo vệ môi trường. Thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá, trục lợi bất chính, gây mất ổn định thị trường; công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, hoạt động và phát triển cụm.
4.2. Mô hình quản lý đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng Cụm công nghiệp.
- Trong những giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển, mô hình quản lý Cụm công nghiệp có thể thay đổi linh hoạt theo hướng lựa chọn;
+ Doanh nghiệp, nhà đầu tư sơ cấp đầu tư và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp.
+ Trong trường hợp chưa có nhà đầu tư sơ cấp đủ năng lực thì UBND tỉnh giao quyền cho UBND cấp huyện được thành lập Trung tâm phát triển Cụm công nghiệp quản lý đầu tư và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp.
+ Sở Công Thương được thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc quản lý đầu tư và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp đến có nhà đầu tư sơ cấp đủ năng lực tiếp nhận chuyển giao dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng.
- Trung tâm phát triển Cụm công nghiệp là đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu trực thuộc UBND cấp huyện hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương, được thành lập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như quyền hạn và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ. Tổ chức, biên chế, kinh phí hoạt động của Trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Các nhà đầu tư thứ cấp trong Cụm công nghiệp có quyền hạn và nghĩa vụ theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ.
(Đề án Quy hoạch cụ thể kèm theo Quyết định này).
- Quyết định này thay thế Quyết định số 1069/QĐ-UBND ngày 29/5/2012 của UBND tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức công bố, triển khai thực hiện Quy hoạch theo quy định.
1. Sở Công Thương.
- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển Cụm công nghiệp;
- Tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được UBND tỉnh phê duyệt; thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng, thu hồi Cụm công nghiệp; tham mưu xây dựng quy chế phối hợp quản lý Cụm công nghiệp trên địa bàn.
- Đề xuất và thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến phát triển Cụm công nghiệp như: ưu đãi thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế, tài chính, lao động và hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, tiếp nhận di dời các doanh nghiệp/cơ sở thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch bên ngoài vào trong Cụm công nghiệp.
- Kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư trông lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vào các Cụm công nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh trong Cụm công nghiệp.
- Tổng hợp, đánh giá và báo cáo tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng và hoạt động của Cụm công nghiệp trên địa bàn; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu Cụm công nghiệp; đầu mối quản lý nhà nước về hoạt động khác của các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp theo thẩm quyền.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Huy động các nguồn lực để đầu tư thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng các hạng mục cơ bản phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp; hướng dẫn quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp theo hình thức đối tác công tư.
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành các giải pháp, cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư vào các Cụm công nghiệp.
3. Sở Tài Chính.
- Cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cấp đầu tư cho lập quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp; thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng các hạng mục cơ bản phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp.
- Xem xét ban hành theo thẩm quyền các văn bản về cơ chế, chính sách tài chính (tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí...) để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch bên ngoài vào trong Cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.
4. Sở Xây dựng.
- Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp; hướng dẫn nội dung về quy hoạch chi tiết và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình xây dựng trong Cụm công nghiệp.
- Thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch này theo quy định của pháp luật.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt nhu cầu sử dụng đất, vị trí, diện tích của Cụm công nghiệp dự kiến thành lập, mở rộng; hướng dẫn thực hiện việc quản lý, bảo vệ môi trường Cụm công nghiệp đối với các nhà đầu tư trong Cụm công nghiệp.
- Thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch này theo quy định của pháp luật.
6. Sở Giao thông Vận tải.
- Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đảm bảo sự kết nối với các Cụm công nghiệp.
- Hướng dẫn nhà đầu tư trong quá trình đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông trong các Cụm công nghiệp kết nối với bên ngoài hàng rào các Cụm công nghiệp.
7. UBND các huyện, thị xã.
- Đề nghị quy hoạch, thành lập, mở rộng, thu hồi Cụm công nghiệp; tổ chức tuyên truyền và triển khai thực hiện quy hoạch Cụm công nghiệp tại địa phương.
- Hỗ trợ thực hiện công tác thu hồi đất, thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhà ở công nhân, thủ tục triển khai đầu tư vào Cụm công nghiệp.
- Đầu mối tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư vào trong Cụm công nghiệp về thu hồi đất, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng, chấp thuận phương án phòng cháy, chữa cháy, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.
- Đầu tư hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài Cụm công nghiệp; thực hiện kế hoạch di dời các doanh nghiệp/cơ sở thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch bên ngoài vào trong các Cụm công nghiệp.
- Thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc chấp hành pháp luật, chính sách về Cụm công nghiệp theo thẩm quyền; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh và Sở Công Thương về tình hình hoạt động các Cụm công nghiệp trên địa bàn; thực hiện quản lý nhà nước đối với Cụm công nghiệp tại địa phương theo quy định của pháp luật.
8. Các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với cơ quan chủ trì triển khai các công việc liên quan để thực hiện Quy hoạch này.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 18/2018/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 2 Quyết định 1292/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030
- 3 Thông tư 15/2017/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp do Bộ Công thương ban hành
- 4 Quyết định 2888/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 5 Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
- 6 Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2017 điều chỉnh Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, có xét đến năm 2025
- 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8 Quyết định 1069/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030
- 1 Quyết định 18/2018/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 2 Quyết định 1292/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030
- 3 Quyết định 2888/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 4 Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2017 điều chỉnh Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, có xét đến năm 2025