Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 424/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 25 tháng 02 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI LUẬT NUÔI CON NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Nuôi con nuôi ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 26/TTr-STP ngày 18 tháng 01 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thành Kỳ

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI LUẬT NUÔI CON NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Luật Nuôi con nuôi được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Để đảm bảo việc thi hành Luật có hiệu quả, các quy định của Luật nhanh chóng được áp dụng trong thực tiễn, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh về những nội dung cơ bản của Luật Nuôi con nuôi, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đồng thời phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người có đủ điều kiện nhận trẻ em làm con nuôi, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bảo đảm trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình.

- Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ về công tác đăng ký và quản lý việc nuôi con nuôi cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch ở cấp xã, nhằm đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nuôi con nuôi hiện nay.

- Thống nhất nhận thức về nội dung của Luật Nuôi con nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong việc phân công trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trong quản lý Nhà nước về nuôi con nuôi nói chung và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về nuôi con nuôi nói riêng cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn và các sở, ban, ngành có liên quan.

- Góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân, để họ thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đăng ký việc nuôi con nuôi.

2. Yêu cầu:

- Việc tổ chức phổ biến và triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi phải gắn với tình hình thực tế công tác đăng ký và quản lý việc nuôi con nuôi của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.

- Các báo cáo viên, tuyên truyền viên đi tuyên truyền, phổ biến Luật Nuôi con nuôi phải là những người vừa nắm vững quy định của pháp luật nói chung, Luật Nuôi con nuôi nói riêng, vừa có kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý và đăng ký việc nuôi con nuôi. Trong quá trình triển khai cần làm cho các đối tượng thấy được tầm quan trọng của Luật Nuôi con nuôi và sự cần thiết của việc thực hiện đúng với trình tự, thẩm quyền, thủ tục được quy định ở Luật này.

- Việc triển khai Luật Nuôi con nuôi phải kịp thời, đồng bộ ở các cấp chính quyền để đảm bảo Luật Nuôi con nuôi thực sự đi vào cuộc sống, việc quản lý và đăng ký việc nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh tuân thủ đúng quy trình, thủ tục được quy định tại Luật Nuôi con nuôi.

II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN:

1. Nội dung thực hiện:

- Triển khai việc tuyên truyền, phổ biến Luật Nuôi con nuôi tập trung vào những nội dung cơ bản, những điểm mới về công tác quản lý và đăng ký việc nuôi con nuôi như vấn đề ưu tiên giới thiệu trẻ em làm con nuôi trong nước; điều kiện của người xin nhận con nuôi; trình tự, thủ tục tiếp nhận trẻ em và trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước cũng như nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; vấn đề con nuôi thực tế … bằng nhiều hình thức và phương pháp phù hợp cho từng loại đối tượng.

- Hướng dẫn các Trung tâm nuôi dưỡng về cách thức, trình tự tiếp nhận, lập hồ sơ của trẻ em có đủ điều kiện cho làm con nuôi để các cơ quan có thẩm quyền tìm gia đình thay thế cho trẻ; hướng dẫn về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân.

- Triển khai việc phối hợp xác minh đối với các trường hợp trẻ bị bỏ rơi được giới thiệu cho làm con nuôi người nước ngoài.

- Tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã làm công tác nuôi con nuôi, giúp họ nắm rõ các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi để áp dụng vào thực tiễn công tác.

- Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác nuôi con nuôi các cấp, đảm bảo có chất lượng và đủ về số lượng.

- Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ đăng ký việc nuôi con nuôi theo đúng quy định, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng con nuôi thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của trẻ em….

- Thanh tra, kiểm tra thường xuyên và có biện pháp xử lý nghiêm túc, kịp thời đối với các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức làm công tác nuôi con nuôi và đối với các hành vi vi phạm của người dân trong công tác đăng ký và quản lý nuôi con nuôi.

2. Biện pháp thực hiện:

- Tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Nuôi con nuôi cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, Tư pháp cấp huyện và cán bộ Tư pháp hộ tịch cấp xã.

- Tuyên truyền, phổ biến Luật Nuôi con nuôi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, Đài phát thanh và Truyền hình.

- Tuyên truyền, phổ biến Luật Nuôi con nuôi thông qua các buổi trợ giúp pháp lý cho người dân.

- Biên soạn và in ấn tài liệu tuyên truyền Luật Nuôi con nuôi, tập trung vào các nội dung cơ bản của Luật có liên quan thiết thực đến quyền và nghĩa vụ của người dân, đặc biệt là những nội dung về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của cộng đồng xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em; trang bị cho tủ sách pháp luật cơ sở để người dân có thể tìm hiểu dễ dàng.

3. Thời gian thực hiện:

- Thời gian tổ chức Hội nghị tập huấn: Trong khoảng từ cuối quý I/2011 đến đầu quý II/2011.

- Thời gian biên soạn các tài liệu để phục vụ cho công tác tuyên truyền: Từ sau khi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nuôi con nuôi được ban hành đến hết năm 2011.

- Thời gian tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế: Từ nay đến hết năm 2015.

- Các công việc khác để triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi sẽ được thực hiện thường xuyên, kịp thời theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:

1. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

- Chuẩn bị và tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Nuôi con nuôi.

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tổ chức tuyên truyền bằng nhiều biện pháp thích hợp Luật Nuôi con nuôi, đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra việc đăng ký và quản lý nuôi con nuôi trong phạm vi toàn tỉnh.

- Biên soạn và in ấn các tài liệu để cấp phát rộng rãi cho cán bộ, công chức làm công tác tư pháp cấp huyện, xã, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

- Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm, hướng dẫn bổ sung, giải đáp vướng mắc với cán bộ tư pháp huyện, cán bộ tư pháp hộ tịch xã.

- Phối hợp với Công an tỉnh trong công tác phòng ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi để xử lý và phối hợp với Công an tỉnh trong việc xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi.

- Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn các Trung tâm nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chức năng tiếp nhận trẻ, lập hồ sơ trẻ để cho làm con nuôi.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan từ trung ương đến địa phương thực hiện nghiêm túc việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

- Tổng hợp tình hình và số liệu thống kê việc nuôi con nuôi, báo cáo Bộ Tư pháp theo định kỳ 6 tháng và hàng năm.

2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

- Phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra việc tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng và cho trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi, bảo đảm đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện tốt chức năng quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, có biện pháp phòng ngừa tình trạng trẻ em bị bỏ rơi.

- Kiểm tra, theo dõi việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân vì mục đích bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

3. Công an tỉnh có trách nhiệm:

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi.

- Xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi theo đề nghị của Sở Tư pháp.

4. Sở Tài chính: có trách nhiệm xem xét cấp kinh phí để Sở Tư pháp mở hội nghị và biên soạn tài liệu triển khai Luật Nuôi con nuôi đạt kết quả tốt. Hàng năm bố trí kinh phí cho việc mua các sổ sách và biểu mẫu có liên quan đến việc nuôi con nuôi; trang bị cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động đăng ký và quản lý việc nuôi con nuôi tại địa phương.

5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu có trách nhiệm:

- Tuyên truyền, phổ biến Luật Nuôi con nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thông báo tìm thân nhân cho trẻ bị bỏ rơi và tìm gia đình thay thế cho các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn theo đúng quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

- Phối hợp với Sở Tư pháp và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi đến cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn mình quản lý.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát và bố trí cán bộ tư pháp - hộ tịch có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn để có thể đảm nhận công việc được giao.

- Thanh tra, kiểm tra việc tổ chức, thực hiện công tác đăng ký và quản lý việc nuôi con nuôi đối với Ủy ban nhân dân cấp xã; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền được quy định tại Luật Nuôi con nuôi.

- Tổng hợp tình hình và số liệu thống kê việc nuôi con nuôi, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) theo định kỳ 6 tháng và hàng năm.

- Cấp kinh phí để triển khai Luật Nuôi con nuôi và xây dựng kho lưu trữ phục vụ cho việc bảo quản hồ sơ, sổ sách nuôi con nuôi trên địa bàn huyện quản lý nhằm đưa việc quản lý đi vào nề nếp, khoa học, thuận tiện cho cán bộ quản lý khi người dân có nhu cầu trích lục giấy tờ có liên quan đến việc nuôi con nuôi.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cấp tỉnh:

- Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện đúng các nội dung của Luật Nuôi con nuôi.

- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành thực hiện việc giám sát quá trình thi hành Luật Nuôi con nuôi.

- Kiến nghị, đề xuất các giải pháp thực hiện Luật có hiệu quả.

IV. Tổ chức thực hiện:

- Căn cứ vào Kế hoạch này, Thủ trưởng các cơ quan được phân công trách nhiệm ở trên có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí cụ thể để triển khai thực hiện và báo cáo tình hình triển khai thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp).

- Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp./.