ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/2000/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN “QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THÚ Y XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”
UỶ BAN NHÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ luật Tổ chức HĐND và UBND
Căn cứ Pháp lệnh Thú y và Nghị định số 93/CP ngày 27-11-93 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Quyết định số 694/NN/TY-QĐ ngày 11-12-93 của Bộ Nông nghiệp và CNTP (Bộ NN và PTNT) quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Chi cục Thú y và tổ chức mạng lưới Thú y cơ sở;
Xét đề nghị của Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 332/TT/NN-CS ngày 06-4-2000 xin sửa đổi bổ sung Quyết định số 05/1998/QĐ-UB ngày 18-4-1998 của UBND thành phố (kèm theo Biên bản Hội nghị liên nghành ngày 23-9-1999)
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về tổ chức, hoạt động của Ban Thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Điều 2: Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban. ngành liên quan và UBND các quận; huyện chỉ đạo Chi cục Thú y Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện "Quy định về tổ chức hoạt động của Ban Thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà nội" theo thẩm quyền và Pháp lệnh Thú y.
Điều3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 05/1998/QĐ-UB ngày 18.4.1998 của UBND Thành phố.
Chánh văn phòng UBND thành phố, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Giám đốc các sở: công nghiệp và PTNT; Tài Chính-vật giá. Thủ trưởng các sở: ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các quận; huyện và Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà nội chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THÚ Y XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2000/QĐ-U B ngày 03/5/2000 của UBND TP)
Điều 1: Thành lập Ban Thú y xã phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ban Thú y cấp xã) để làm nhiệm vụ về thú y theo Pháp lệnh Thú y, Nghị định số 93/CP ngày 27.11.1993 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thú y trên địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã).
Điều 2: Ban thú y cấp xã chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của UBND cấp xã; Đồng thời chịu sự quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục Thú y thành phố, Trạm Thú y quận, huyện.
Điều 3: Nhiệm vụ của Ban Thú y cấp xã
1/. Giúp UBND cấp xã tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách thể lệ của nhà nước về Thú y. Vận động nhân dân và các tổ chức có liên quan cùng tham gia thực hiện.
2/. Giúp UBND cấp xã theo dõi, phát hiện, xác minh dịch bệnh vật nuôi. Báo cáo định và phản ánh kịp thời, khi có nguy cơ dịch bệnh cho cơ quan Thú y cấp trên và UBND địa phương. Kiểm tra an toàn dịch bệnh tại các hộ, các cơ sở chăn nuôi hoặc đơn vị, cá nhân có liên quan đến công tác Thú y. Tổ chức chỉ dạo ngăn chặn, bao vây dập tắt dịch bệnh cho động vật nuôi.
3/. Kiểm soát giết mổ động vật, vệ sinh thú y nơi giết mổ, phế thải, chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật, các chợ hoặc nơi tập trung mua bán động vật sản phẩm động vật ở địa phương.
4/. Tổ chức thực hiện công tác tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc gia cầm thú địa phương.
Điều4: Quyền hạn của Ban Thú y cấp xã.
1/. Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề Thú y.
2/. Kiểm tra vệ sinh thú y kiểm soát giết mổ động vật. Có quyền yêu cầu huỷ diệt gia súc mắc bệnh dại. Đề nghị UBND cấp xã tạm hoãn hoặc đình chỉ giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật chứa mầm bệnh, có nguy hại đến người và gia súc.
3/. Yêu cầu chủ vật nuôi chấp hành việc tiêm phòng các loại vaccin bắt buộc cho gia súc theo quy định của Bộ nông nghiệp và PTNT.
4/. Được quyền kiến nghị với Chính quyền địa phương và cơ quan Thú y cấp trên khen thưởng, xử lý vi phạm pháp lệnh, thể lệ về Thú y.
5/. Được tổ chức các dịch vụ về Thú y theo quy định của nhà nước
6/Được thu các khoản lệ phí kiểm soát giết mổ động vật theo quy định của Nhà nước và đề nghị UBND cấp xã xử lý theo quy định về Thú y.
7/. Được bồi dưỡng tập huấn kiến thức về Thú y và những thông tin cần thiết để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 5: Ban Thú y cấp xã có một Trưởng ban là lao động hợp đồng với Chi cục Thú y Hà Nội và một số kỹ thuật viên tuỳ theo địa bàn và quy mô chăn nuôi của xã. Trưởng ban có trình độ đại học hoặc trung cấp chăn nuôi thú y, kỹ thuật viên phải qua đào tạo từ sơ cấp chăn nuôi thú y trở lên.
Trưởng ban Thú y cấp xã có trách nhiệm tổ chức hoạt động của Ban theo điều 3 của quy định này, lập các báo cáo và tham gia các cuộc họp với UBND cấp xã, Trạm Thú y huyện, Chi cục Thú y Hà Nội về công tác Thú y.
Điều 6: Nguồn thu và các khoản chi cho hoạt động của Ban Thú y cấp
- Ban Thú y cấp xã thu từ các hoạt động về kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra xử lý theo quy định quản lý về Thú y để chi trả cho các hoạt động của Ban theo phương thức gắn thu bù chi.
Riêng Trưởng ban được hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách thành phố với định mức 100.000đ (một trăm ngàn đồng)/người/tháng. Nguồn kinh phí này được ghi trong dự toán ngân sách hàng năm của sở Nông nghiệp và PTNT, cấp trực tiếp cho Chi cục Thú y Hà Nội ngoài kinh phí chi thường xuyên. Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà nội ký hợp đồng và thực hiện chi trả kinh phí hô trợ cho Trưởng ban Thu y cấp xã theo định mức trên; Đồng thời chịu trách nhiệm quyết toán nguồn kinh phí này theo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành.
- Kỹ thuật viên của Thú y cấp xã được trả thù lao theo kết quả hoạt động, trên cơ sở các nguồn thu.
Điều 7: Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y Hà nội hướng dẫn thi hành và phối hợp với UBND các quận, huyện, phường, xã. thị trấn tổ chức thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Điều 8: UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp việc thành lập Ban Thú y cấp xã, đảm bảo Ban Thú y cấp xã hoạt động đúng chức năng và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Điều 9: Ban Thú y cấp xã sinh hoạt định kỳ hàng tháng, có kế hoạch hoạt động cụ thể để thực hiện nhiệm vụ và báo cáo kết quả hoạt động với UBND cấp xã và cơ quan Thú y cấp trên.
Điều 10: Khen thưởng và xử lý vi phạm.
1/. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, cá nhân nào có thành tích sẽ được khen thưởng. Tổ chức cá nhân nào đấu tranh với hành vi vi phạm Pháp lệnh và các quy định về Thú y mà bị thiệt hại về tính mạng tài sản thì được bảo vệ, đền bù theo quy định của nhà nước.
2/. Những người lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che cho người vi phạm, thì tuỳ theo mức độ nặng, nhẹ sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật
Điều 11: Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vượng mắc, UBND các quận, huyện phản ánh cho sở Nông nghiệp và PTNT và Ban Tổ chức chính quyền thành phố, để tổng hợp và báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định./.
- 1 Quyết định 12/2003/QĐ-UB sửa đổi Điều 6 - Qui định về tổ chức, hoạt động của Ban Thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hà Nội, kèm theo Quyết định 43/2000/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
- 2 Quyết định 71/2009/QĐ-UBND về tổ chức và hoạt động của Ban Thú y xã, thị trấn; cán bộ thú y phường trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Quyết định 166/2006/QĐ-UBND sửa đổi điều 6 Quyết định 43/2000/QĐ-UB về tổ chức, hoạt động của Ban Thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 4 Quyết định 5745/QĐ-UBND năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 5 Quyết định 5745/QĐ-UBND năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành