Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2006/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 03 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIAO BAN, BÁO CÁO, KIỂM TRA, SƠ KẾT, TỔNG KẾT CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG, DÂN QUÂN TỰ VỆ VÀ GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11/5/2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương;

Căn cứ Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02/11/2004 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ;

Căn cứ Quyết định số 38/2005/QĐ-BQP ngày 06/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng;

Xét đề nghị của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định tại Công văn số 52 /CV- BCH, ngày 10 tháng 4 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ và giáo dục quốc phòng.

Điều 2. Giao Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà

 

QUY CHẾ

GIAO BAN BÁO CÁO, KIỂM TRA, SƠ KẾT, TỔNG KẾT CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG, DÂN QUÂN TỰ VỆ VÀ GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2006/QĐ-UBND ngày 03 tháng 5 năm 2006 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định chế độ giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng ở các đơn vị quân đội và Ban chỉ huy Quân sự, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh (gọi là cơ quan, tổ chức), UBND huyện, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là UBND huyện), UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND xã).

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện chế độ giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng đối với cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc quyền.

2. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện, thành phố; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã đội trưởng) có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cùng cấp duy trì thực hiện chế độ giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng hàng năm và từng thời kỳ theo đúng quy chế này.

3. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

Chương II

CHẾ ĐỘ GIAO BAN

Điều 3. Quy định chế độ giao ban

1. Giao ban công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng được thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.

2. Việc tổ chức giao ban công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng do Chỉ huy trưởng quân sự các địa phương chủ trì.

3. Chế độ giao ban gồm:

a) Giao ban thường xuyên hàng tuần, hàng tháng, hàng quý.

b) Giao ban đột xuất khi có yêu cầu nhiệm vụ đột xuất hoặc được bổ sung nhiệm vụ mới.

Điều 4. Tổ chức giao ban ở các cấp

1. Giao ban cấp tỉnh:

a) Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì giao ban mỗi quý một lần.

b) Thành phần: Ban chỉ huy Quân sự huyện - thành phố, Ban chỉ huy Quân sự các cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Thủ trưởng các Phòng Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật; Ban Dân quân tự vệ, các Ban thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh có liên quan; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Chỉ huy các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn.

c) Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả giao ban quý, sáu tháng, năm để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu.

2. Giao ban cấp huyện:

a) Ban chỉ huy Quân sự huyện chủ trì giao ban mỗi tháng một lần.

b) Thành phần: Xã đội trưởng; Chỉ huy các đơn vị tự vệ; Trưởng các Ban Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, một số trợ lý chủ chốt thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện; Đồn trưởng (Trạm trưởng) của Bộ đội Biên phòng và Chỉ huy các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn.

c) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả giao ban tháng, quý, 6 tháng, năm để báo cáo Chủ tịch UBND huyện và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh.

3. Giao ban cấp xã:

a) Xã đội trưởng chủ trì giao ban mỗi tuần một lần (Các xã vùng cao, miền núi, hải đảo căn cứ vào điều kiện địa lý, phương tiện giao thông có thể giao ban như các xã đồng bằng hoặc bằng cách gửi báo cáo hoặc bằng điện).

b) Thành phần: Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng dân quân binh chủng; đại diện các đồn, trạm biên phòng và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn.

c) Xã đội trưởng chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo giao ban tuần, tháng, quý, 6 tháng, năm để báo cáo Chủ tịch UBND xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện, thành phố.

Điều 5. Nội dung giao ban

1. Nội dung giao ban chung:

a) Thông báo cập nhật tình hình liên quan đến công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

b) Kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

c) Chỉ đạo nội dung công tác trọng tâm theo các nhiệm vụ về công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

d) Giải quyết những vướng mắc và các ý kiến, kiến nghị về công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng trong cuộc giao ban.

2. Nội dung giao ban từng cấp:

a) Nội dung giao ban cấp tỉnh, cấp huyện:

- Đánh giá kết quả việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và kết quả thực hiện nhiệm vụ của tỉnh, huyện về công tác quốc phòng địa phương, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng của quý, tháng trước đó theo 7 nhiệm vụ của các địa phương quy định tại điều 5 Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ.

- Chỉ đạo nội dung nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của quý, tháng về công tác quốc phòng địa phương, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng theo kế hoạch và sự chỉ đạo, hướng dẫn của người chỉ huy, cơ quan quân sự cấp trên.

b) Nội dung giao ban cấp xã:

- Đánh giá kết quả tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã và kết quả triển khai, thực hiện công tác quốc phòng, quân sự theo 9 chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ huy Quân sự xã quy định tại điều 11 Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ.

- Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong tuần về xây dựng, quản lý lực lượng dân quân tự vệ, các hoạt động của dân quân tự vệ thực hiện việc đăng ký, quản lý và động viên quân dự bị, gọi công dân nhập ngũ; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, các công tác khác theo sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã và Ban chỉ huy Quân sự huyện.

Điều 6. Phương pháp giao ban

1. Trước giao ban:

a) Cơ quan quân sự địa phương các cấp phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan giúp người chỉ huy cấp mình tổng hợp, chuẩn bị nội dung báo cáo trung tâm, chương trình, bảo đảm phục vụ hội nghị và triệu tập thành phần giao ban.

b) Các thành phần giao ban theo quy định của từng cấp chuẩn bị nội dung để báo cáo.

2. Trong giao ban:

a) Cơ quan thường trực hoặc cơ quan quân sự giúp việc thông báo tình hình kết quả công tác tính từ sau cuộc giao ban trước đó.

b) Người chủ trì giao ban nghe báo cáo tình hình của đơn vị, các ý kiến, kiến nghị, đề đạt của các đơn vị thuộc quyền.

c) Người chủ trì kết luận và giải đáp các vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị thuộc quyền.

3. Sau giao ban:

a) Cơ quan thường trực hoặc cơ quan quân sự giúp việc giúp người chủ trì giao ban ra văn bản thông báo kết luận (trừ giao ban cấp xã) gửi cho các thành phần giao ban theo quy định của từng cấp và báo cáo lên cấp trên.

b) Cơ quan thường trực hoặc cơ quan quân sự giúp việc ở từng cấp theo dõi, nắm kết quả tổ chức thực hiện của các đơn vị sau cuộc giao ban.

Điều 7. Thời gian và địa điểm giao ban

1. Thời gian giao ban:

a) Thời gian giao ban cấp tỉnh là 1/2 ngày (ngày 25 của tháng cuối quý). Kết hợp tổ chức giao ban trong ngày hội nghị tổ chức quản lý khu vực đóng quân tháng thứ 3 hàng quý.

b) Thời gian giao ban cấp huyện: 1/2 ngày, từ ngày 20 đến ngày 24 hàng tháng.

c) Thời gian giao ban cấp xã: 1/2 ngày, được thực hiện vào ngày thứ 6 trong tuần.

2. Địa điểm giao ban:

Địa điểm giao ban do từng cơ quan, đơn vị, địa phương quy định.

Chương III

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG, DÂN QUÂN TỰ VỆ, GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG

Điều 8. Chế độ báo cáo

1. Báo cáo công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng phải đủ nội dung, đánh giá đúng tình hình, kết quả công tác và đúng thời gian quy định.

2. Người đứng đầu các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện chế độ báo cáo công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

3. Chế độ báo cáo gồm:

a) Chế độ báo cáo thường xuyên hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và báo cáo năm.

b) Báo cáo đột xuất: được thực hiện theo yêu cầu của thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu hoặc cơ quan quân sự cấp trên khi có yêu cầu đột xuất về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh để có giải pháp, biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời.

c) Báo cáo chuyên đề: về một nhiệm vụ, một nội dung công tác được giao hoặc một nội dung mang tính chất chuyên ngành.

Điều 9. Phân cấp báo cáo công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng

1. Ban chỉ huy Quân sự xã, chỉ huy quân sự các cơ quan, tổ chức trực thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện báo cáo Ban chỉ huy Quân sự huyện và Chủ tịch UBND xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

2. Ban chỉ huy Quân sự huyện, Ban chỉ huy Quân sự các cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh có trách nhiệm báo cáo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

3. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu và Bộ Quốc phòng qua cơ quan Thường trực công tác giáo dục quốc phòng (Phòng Dân quân tự vệ, Cục Dân quân tự vệ).

Điều 10. Nội dung báo cáo

1. Nội dung báo cáo ngày, báo cáo tuần chủ yếu nêu tình hình trong ngày, trong tuần.

2. Nội dung báo cáo thường xuyên công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng hàng tháng, quý, 6 tháng, năm gồm:

a) Đặc điểm tình hình có liên quan đến công tác quốc phòng, quân sự (nêu khái quát).

b) Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo:

- Tổ chức quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và cấp trên.

- Ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn.

c) Kết quả tổ chức thực hiện (có số liệu cụ thể) về:

- Công tác giáo dục quốc phòng.

- Xây dựng khu vực phòng thủ; kết hợp xây dựng và phát triển kinh tế.

- Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương.

- Bảo đảm hậu cần tại chỗ, bảo đảm ngân sách quốc phòng cho công tác quốc phòng, quân sự địa phương và chính sách hậu phương quân đội.

- Thực hiện chế độ giao ban, báo cáo, kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, quân sự.

d) Đánh giá chung ưu, khuyết điểm và nguyên nhân trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

e) Phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo.

f) Những ý kiến đề xuất, kiến nghị.

3. Nội dung báo cáo đột xuất công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng gồm:

a) Tóm tắt diễn biến sự việc, sự kiện, mức độ, hậu quả sự kiện, mức độ và nguyên nhân.

b) Những biện pháp áp dụng, xử lý; kết quả nội dung đã đạt được và các kiến nghị, đề xuất với cấp trên.

c) Báo cáo đột xuất phải gửi đến cấp trên bằng phương tiện nhanh nhất.

Điều 11. Thời gian và phương pháp báo cáo

1. Thời gian báo cáo:

a) Báo cáo tuần: Từ thứ năm tuần trước đến thứ tư tuần sau.

b) Báo cáo tháng: Được thực hiện với các tháng 1, tháng 2, tháng 4, tháng 5, tháng 7, 8 , tháng 10 và 11. Tình hình các tháng 3, tháng 6, tháng 9 được tổng hợp vào báo cáo quý, 6 tháng và báo cáo năm.

Báo cáo tháng tính từ ngày 20 tháng trước đến 20 tháng sau và chậm nhất ngày 25 hàng tháng phải có báo cáo gởi lên cấp được nhận báo cáo.

c) Báo cáo quý: Được thực hiện vào quý 1, quý 3; quý 2 được tổng hợp vào báo cáo 6 tháng đầu năm, quý 4 tổng hợp vào báo cáo năm.

Báo cáo quý I tính từ 20/12 năm trước đến 20/3 năm sau, gửi trước ngày 25/3, báo cáo quý III tính từ 20/6 đến 20/9, gửi trước ngày 25/9.

d) Báo cáo 6 tháng đầu năm: Được tính từ 20/12 năm trước đến 20/6 năm sau và dự kiến kết quả 6 tháng cuối năm, gửi báo cáo trước ngày 25/6.

e) Báo cáo năm: Được tính từ 20/12 năm trước đến 20/11 năm sau và dự kiến kết quả đến 20/12 của năm để tổng hợp vào kết quả cả năm, báo cáo trước ngày 25/11

f) Báo cáo chuyên đề do cấp có thẩm quyền quy định thời gian báo cáo.

2. Phương pháp báo cáo:

a) Báo cáo phải gửi đến UBND cùng cấp, người chỉ huy và cơ quan quân sự cấp trên bằng biện pháp, phương tiện nhanh nhất.

b) Báo cáo gửi lên Quân khu và Bộ Quốc phòng qua cơ quan Thường trực công tác quốc phòng.

c) Chế độ báo cáo thường xuyên: Được thực hiện trình tự từ cấp dưới lên cấp trên theo quy định tại điều 9 và điều 11 của Quy chế này.

- Báo cáo hàng tuần do thủ trưởng đơn vị, cơ quan, tổ chức trực tiếp ký hoặc phân công cho cán bộ, cơ quan chuyên trách theo dõi, tổng hợp.

- Báo cáo thường xuyên hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và báo cáo năm được thể hiện bằng văn bản, do thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương ký chịu trách nhiệm.

d) Báo cáo đột xuất: Kết hợp báo cáo bằng văn bản và báo cáo trực tiếp hoặc qua phương tiện thông tin liên lạc.

e) Báo cáo thường xuyên, báo cáo đột xuất và báo cáo chuyên đề có thể được thực hiện báo cáo vượt 2 cấp hoặc nhiều cấp theo yêu cầu của thủ trưởng cấp trên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Khi báo cáo vượt cấp thì ngay sau đó người chỉ huy hoặc cơ quan được chỉ định báo cáo phải báo cáo cho người chỉ huy và cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp biết.

Chương IV

CHẾ ĐỘ KIỂM TRA CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG, DÂN QUÂN TỰ VỆ, GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG

Điều 12. Chế độ kiểm tra

1. Cơ quan chức năng của cơ quan quân sự các cấp có trách nhiệm giúp Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, UBND các cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra hàng năm và từng thời kỳ, đồng thời chịu trách nhiệm trước cơ quan quân sự cấp trên, UBND cấp mình về chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra việc thực hiện công tác quốc phòng, quân sự của các cơ quan, tổ chức, địa phương thuộc quyền.

2. Chế độ kiểm tra, gồm:

a) Kiểm tra quý, 6 tháng và hàng năm.

b) Kiểm tra đột xuất, thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ đột xuất của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương hoặc cơ quan nghiệp vụ cấp trên.

Điều 13. Đối tượng kiểm tra

1. UBND xã và Ban chỉ huy Quân sự xã; các phân đội dân quân và cán bộ, chiến sỹ dân quân của xã.

2. UBND huyện, Ban chỉ huy Quân sự huyện, các đơn vị thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện, Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện; Ban chỉ huy Quân sự các cơ quan, tổ chức; các trường phổ thông trung học trên địa bàn huyện.

3. Các cơ quan thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Trường Chính trị tỉnh; Ban chỉ huy Quân sự các sở, ngành, cơ quan tổ chức của tỉnh; các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề; các trường trung học phổ thông của tỉnh và các Trung tâm giáo dục quốc phòng.

Điều 14. Nội dung kiểm tra

1. Việc ban hành các văn bản, hướng dẫn và thông tin tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quốc phòng, quân sự, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

2. Kết quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng cho cán bộ, công chức và nhân dân thuộc quản lý của địa phương; phối hợp với các cơ quan đơn vị quân đội thực hiện giáo dục quốc phòng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ công chức theo quy định của pháp luật.

3. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố tăng cường quốc phòng - an ninh của địa phương; xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ động viên, tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

4. Xây dựng khu vực phòng thủ góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

5. Xây dựng, huấn luyện, diễn tập và chỉ đạo hoạt động sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương (bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên).

6. Việc thực hiện chế độ giao ban, thông báo tình hình, báo cáo, kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, quân sự và công tác dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

7. Bảo đảm ngân sách cho công tác quân sự, quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng và thực hiện chính sách hậu phương quân đội.

Điều 15. Phạm vi tổ chức kiểm tra

1. Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo tổ chức kiểm tra công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng đối với các cơ quan, tổ chức và các đơn vị lực lượng vũ trang địa phương thuộc phạm vi quản lý Nhà nước.

2. Việc tổ chức kiểm tra đột xuất hoặc kiểm tra theo từng chuyên ngành của cơ quan quân sự các cấp và Ban chỉ huy các cơ quan, đơn vị xác định cơ cấu, thành phần nội dung, thẩm quyền, kiểm tra theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, lĩnh vực và phải được thủ trưởng hoặc người đứng đầu hoặc người chỉ huy cấp trên trực tiếp phê duyệt kế hoạch kiểm tra.

Điều 16. Tổ chức, cơ cấu thành phần đoàn kiểm tra của các cấp

Việc tổ chức thành lập đoàn kiểm tra và cơ quan giúp việc cho đoàn kiểm tra công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng của cấp nào do người đứng đầu cấp đó ra quyết định thành lập.

1. Đoàn kiểm tra cấp tỉnh:

a) Tổ chức thành đoàn kiểm tra, do Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thành lập.

b) Cơ cấu, thành phần, gồm:

- 01 đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng đoàn.

- 01 đồng chí trong Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh làm Phó Trưởng đoàn.

- Lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan thuộc tỉnh; Thủ trưởng các Phòng Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Trưởng Ban Dân quân tự vệ và đại diện các cơ quan có liên quan của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh.

c) Số lượng đoàn kiểm tra do Trưởng đoàn đề nghị gồm: Trưởng đoàn, các Phó Trưởng đoàn, các ủy viên và thư ký.

2. Đoàn kiểm tra cấp huyện:

a) Tổ chức thành đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND huyện ra quyết định thành lập.

b) Cơ cấu thành phần gồm:

- 01 đồng chí lãnh đạo UBND huyện làm Trưởng đoàn.

- 01 đồng chí trong Ban chỉ huy Quân sự huyện làm Phó Trưởng đoàn.

- Lãnh đạo các phòng, ban liên quan của huyện; đại diện các Ban Tham mưu, Chính trị, Hậu cần - Kỹ thuật và Trợ lý Dân quân tự vệ thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện.

c) Số lượng đoàn kiểm tra do Trưởng đoàn đề nghị, gồm: Trưởng đoàn, các Phó Trưởng đoàn, các ủy viên và thư ký.

3. Đoàn kiểm tra cấp xã:

a) Tổ chức thành đoàn kiểm tra, do Chủ tịch UBND xã ra quyết định thành lập.

b) Cơ cấu thành phần, gồm:

- 01 đồng chí lãnh đạo UBND xã làm Trưởng đoàn.

- Xã đội trưởng làm Phó Trưởng đoàn.

- Đại diện một số ngành, đoàn thể của xã.

c) Số lượng đoàn kiểm tra từ 5 đến 9 đ/c, gồm: Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, các ủy viên và thư ký.

Điều 17. Nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc của đoàn kiểm tra

1. Nhiệm vụ của đoàn kiểm tra:

a) Chuẩn bị kế hoạch các nội dung và công tác bảo đảm cho kiểm tra. Thông báo kế hoạch, chương trình cho đối tượng kiểm tra.

b) Yêu cầu Thủ trưởng đơn vị, cơ quan tổ chức thuộc đối tượng kiểm tra báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng theo kế hoạch kiểm tra.

c) Chất vấn các đối tượng kiểm tra và thực hiện kiểm tra các nội dung về công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng theo chương trình và kế hoạch kiểm tra.

d) Xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình kiểm tra theo thẩm quyền.

e) Đánh giá các nội dung đã kiểm tra, tổng hợp, nhận xét, kết luận và kiến nghị những biện pháp khắc phục tồn tại, thiếu sót với đối tượng kiểm tra.

f) Tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra với Thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương ra quyết định kiểm tra và thông báo với đối tượng kiểm tra.

2. Nguyên tắc làm việc của đoàn kiểm tra:

a) Dân chủ công khai, đúng quy định với các văn bản pháp lý, không gây cản trở đến hoạt động của đối tượng được kiểm tra. Đề cao trách nhiệm của từng thành viên trong đoàn kiểm tra. Biên bản kết luận rõ ràng, phản ảnh trung thực, khách quan ý kiến của các thành viên trong đoàn, ý kiến của cơ quan, đơn vị được kiểm tra.

b) Kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, có kế hoạch do người chỉ huy phê chuẩn. Các trường hợp kiểm tra đột xuất phải có ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Điều 18. Phương pháp, trình tự làm việc của đoàn kiểm tra

1. Công tác chuẩn bị kiểm tra:

a) Xây dựng chỉ thị, kế hoạch, nội dung, phương pháp kiểm tra; quy tắc kiểm tra và các văn bản liên quan đến công tác kiểm tra.

b) Quán triệt chỉ thị, kế hoạch, nội dung, phương pháp, quy chế, quy tắc và nhiệm vụ kiểm tra cho các thành viên của đoàn kiểm tra.

c) Thông báo kế hoạch kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra.

2. Thực hành kiểm tra:

a) Phổ biến chỉ thị, kế hoạch kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra.

b) Thủ trưởng đơn vị, cơ quan, tổ chức, địa phương được kiểm tra báo cáo nội dung kiểm tra với đoàn kiểm tra.

c) Thực hành kiểm tra từng nội dung theo kế hoạch kiểm tra đã được phê chuẩn.

3. Tổng hợp đánh giá kết quả kiểm tra:

a) Tổng hợp đánh giá kết quả mạnh, yếu, chấm điểm từng nội dung được kiểm tra và tổng hợp đánh giá kết quả chung.

b) Trưởng đoàn nhận xét, đánh giá, kết luận và chỉ thị hoặc kiến nghị các biện pháp khắc phục thiếu sót, khuyết điểm để nâng cao chất lượng công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

c) Hoàn thiện văn bản kết luận kiểm tra; thông báo kết quả kiểm tra cho đơn vị, cơ quan, tổ chức được kiểm tra và báo cáo lên cấp trên theo quy định.

4. Phương pháp tính thành tích:

a) Đánh giá thành tích bằng chấm điểm từng nội dung kiểm tra và được tính theo thang điểm 10, lấy thành tích đến 2 số thập phân. Từng nội dung có thể phân ra từng việc cụ thể để chấm điểm, đánh giá.

b) Thành tích chung là điểm trung bình cộng của các nội dung được kiểm tra.

c) Cách tính thành tích:

- Xuất sắc: từ 9 điểm trở lên.

- Giỏi: từ 8 điểm đến cận 9 điểm.

- Khá: từ 6,6 đến cận 8 điểm.

- Đạt yêu cầu: từ 5 đến cận 6,6 điểm.

- Yếu (không đạt): dưới 5 điểm.

Điều 19. Nhiệm vụ của đối tượng được kiểm tra

1. Quán triệt chỉ thị, kế hoạch kiểm tra.

2. Phổ biến cho cơ quan, đơn vị cấp dưới thuộc quyền.

3. Tiến hành mọi công tác chuẩn bị cho kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ báo cáo, các loại văn bản, tài liệu; chuẩn bị lực lượng theo yêu cầu của công tác kiểm tra; chuẩn bị các mặt bảo đảm phục vụ cho công tác kiểm tra theo quy định.

4. Thực hiện các nội dung kiểm tra theo kế hoạch của đoàn kiểm tra.

5. Tổ chức rút kinh nghiệm, xác định các biện pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm và báo cáo lên cấp trên.

Điều 20. Thời điểm kiểm tra

1. Kiểm tra thực hiện công tác 6 tháng đầu năm: vào trước tháng 7 hàng năm.

2. Kiểm tra thực hiện công tác năm: vào trước tháng 12 hàng năm.

3. Thông báo thời gian kiểm tra:

3.1. Đối với các cơ quan, tổ chức và các địa phương sẽ thông báo trước từ 5 đến 7 ngày.

3.2. Đối với cơ quan quân sự các cấp thông báo trước từ 1 đến 2 ngày.

4. Kiểm tra đột xuất cơ quan quân sự các cấp, kiểm tra đột xuất theo lệnh của người chỉ huy, không có thông báo trước.

Chương V

CHẾ ĐỘ SƠ KẾT, TỔNG KẾT CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG, DÂN QUÂN TỰ VỆ, GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG

Điều 21. Quy định chế độ sơ kết, tổng kết

1. Sơ kết, tổng kết được tiến hành ở các cấp; do Thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và các địa phương thực hiện.

2. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và Chủ tịch UBND các cấp tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và tổ chức tổng kết năm.

3. Việc sơ kết, tổng kết từng mặt công tác theo các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trong từng thời kỳ theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng hoặc Chính phủ.

Điều 22. Nội dung sơ kết, tổng kết

1. Đánh giá tình hình liên quan đến công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

2. Đánh giá ưu, khuyết điểm và nguyên nhân khách quan, chủ quan; rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

3. Phương hướng, nội dung biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng trong thời gian tới.

4. Đề xuất chủ trương biện pháp tiếp theo và các chính sách cụ thể thực hiện công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

5. Những ý kiến, kiến nghị.

Điều 23. Thời gian và phương pháp

1. Thời gian:

a) Sơ kết 6 tháng đầu năm công tác quốc phòng, công tác quân sự, công tác dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng thời gian 1/2 ngày, từ ngày 15/6 đến ngày 15/7; thời gian tổng kết hàng năm là 01 ngày, từ ngày 15/11 đến trước ngày 30/12. Trường hợp tiến hành sớm hoặc muộn hơn phải báo cáo với người chỉ huy cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể các địa phương có thể kết hợp giao ban quý 2 với sơ kết 6 tháng đầu năm; giao ban quý 4 kết hợp với tổng kết năm về công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng.

b) Sơ kết, tổng kết từng mặt công tác quân sự, quốc phòng theo Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng quy định.

2. Phương pháp:

Tổ chức hội nghị cán bộ để tiến hành sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, quân sự, công tác dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng theo từng cấp (đối với cấp xã có thể kết hợp với sơ kết, tổng kết hàng năm của UBND xã).

Chương VI

BẢO ĐẢM KINH PHÍ

Điều 24. Kinh phí bảo đảm cho giao ban, báo cáo, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng của địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định tại khoản 14 điều 29; khoản 8 điều 30 Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02/11/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ; điều 16,17 Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11/5/2004 của Chính phủ./.