NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/QĐ-NH14 | Hà Nội , ngày 26 tháng 2 năm 1996 |
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ MUA BÁN HẠN MỨC TÍN DỤNG GIỮA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 23-05-1990;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02-03-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ tín dụng
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về mua bán hạn mức tín dụng giữa các tổ chức tín dụng".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và phát triển; Thủ trưởng các dơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Lê Văn Châu (Đã Ký) |
VỀ MUA BÁN HẠN MỨC TÍN DỤNG GIỮA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/QĐ-NH14 ngày 26-02-1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Điều 1.- Hạn mức tín dụng là một công cụ để thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nhằm hạn chế mức dư nợ tín dụng tối đa đến với nền kinh tế của tổ chức tín dụng .
Điều 2.- Hàng quý, Ngân hàng Nhà nước giao Hạn mức tín dụng (HMTD) cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) và quản lý kiểm soát quá trình thực hiện hạn mức tín dụng đối với tất cả các TCTD được giao.
Điều 3.- Hạn mức tín dụng được giao căn cứ tổng hạn mức tín dụng của các TCTD đối với nền kinh tế, được Thống đốc phê duyệt cho các TCTD theo các chỉ tiêu:
- HMTD của NHNN đối với các TCTD thông qua hình thức tái cấp vốn.
- HMTD của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế.
Chỉ tiêu HMTD đối với nền kinh tế giao cho tổ chức tín dụng là chỉ tiêu khống chế tối đa, tổ chức tín dụng không được phép vi phạm trong suốt quá trình thực hiện.
Điều 4.- Các TCTD được phép mua, bán lẫn nhau về HMTD đối với nền kinh tế trong phạm vi chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao.
Điều 5.- Hạn mức tín dụng của các TCTD đối với nền kinh tế được quản lý chặt chẽ; nếu TCTD vi phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành phạt trên số tiền cho vay vượt hạn mức được giao, số tiền phạt tính theo công thức:
F = (C - C*) (r + 0,3)t
F: Số tiền phạt do vượt HMTD
C*: Dư nợ tính theo HMTD được giao
C: Dư nợ thực tế của TCTD trong ngày
(r + 0,3): Lãi suất phạt:
Trong đó:
- r: là lãi suất tối đã cho vay khách hàng của TCTD (%/tháng)
- 0.3: Mức lãi suất phạt phụ thêm
- t: Thời gian vượt hạn mức (tính theo tháng)
QUY ĐỊNH VỀ MUA BÁN HẠN MỨC TÍN DỤNG GIỮA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Điều 6.- Các TCTD có thể bán cho các TCTD khác có nhu cầu, toàn bộ hay một phần HMTD của mình không dùng đến.
Điều 7.- Một TCTD có thể bán HMTD, không dùng đến của mình, một hoặc nhiều lần cho một hoặc nhiều TCTD khác nhau.
Điều 8.- Một TCTD có thể mua HMTD một hoặc nhiều lần của một hoặc nhiều TCTD khác nhau.
Điều 9.- Giá trị tối thiểu của một lần mua, bán HMTD là 1 (Một) tỷ đồng.
Điều 10.- Việc mua, bán HMTD được thực hiện hàng tháng trên cơ sở cung - cầu của các TCTD và được thực hiện theo một trong hai phương thức:
- Mua, bán HMTD có thời hạn, thời gian tối thiểu một tháng và được tính tròn theo tháng.
- Mua, bán hẳn, theo toàn bộ thời hạn của HMTD
Điều 11.- Một TCTD đã bán HMTD chỉ được phép mua HMTD của các TCTD khác sau khi việc bán HMTD đã kết thúc.
Điều 12.- Khi đến hạn của một khoản HMTD bán theo thời hạn, người mua phải trả lại HMTD cho người bán.
Điều 13.- Giá mua, bán HMTD do các bên ký hợp đồng tự thoả thuận và quy định .
Điều 14.- Những khoản mua, bán HMTD được người mua và người bán thông báo đồng thời trong ngày cho Ngân hàng Nhà nước Trung ương qua Vụ tín dụng và chỉ có hiệu lực thi hành sau khi đã được NHNN chấp thuận bằng văn bản. Trong thông báo này cần nêu:
- HMTD Ngân hàng Nhà nước đã giao cho từng TCTD;
- HMTD mua, bán giữa các TCTD;
- Phí mua bán HMTD;
- Thời hạn mua bán HMTD.
Điều 15.- Ngân hàng Nhà nước có thể là người trung gian giữa bên bán và bên mua HMTD trong trường hợp hai bên không giao dịch trực tiếp được với nhau (Thông qua thị trường nội tệ Liên Ngân hàng).
Điều 16.- Ngân hàng Nhà nước đảm bảo hoàn toàn bí mật các giao dịch mua bán HMTD giữa các TCTD nếu các bên mua, bán yêu cầu (tên các bên giao dịch, số lượng mua, bán...).
Điều 17.- Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo kịp thời cho các TCTD các yêu cầu và điều kiện mới nhất trong giao dịch HMTD trên thị trường.
Điều 18.- Các TCTD có trách nhiệm:
- Lập và gửi Ngân hàng Nhà nước kế hoạch hạn mức tín dụng đúng thời hạn quy định.
- Chấp hành nghiêm túc HMTD được giao;
- Thực hiện việc mua bán lẫn nhau các HMTD được giao theo các nội dung trong quy chế này;
- Hàng tháng, TCTD phải tổng hợp báo cáo NHNN về các giao dịch mua bán HMTD của mình và HMTD còn lại của TCTD.
Điều 19.- Vụ Nghiên cứu kinh tế có trách nhiệm
- Xác định tổng HMTD được tăng thêm trong năm đối với nền kinh tế và của Ngân hàng Nhà nước được phép cung ứng thêm trong kinh tế để trình Thống đốc quyết định.
- Thông báo các chỉ tiêu HMTD tổng hợp đã được Thống đốc phê duyệt gửi Vụ tín dụng.
Điều 20.- Vụ Tín dụng có trách nhiệm:
- Tổng hợp kế hoạch hạn mức tín dụng của các tổ chức tín dụng.
- Xác định HMTD cho từng TCTD trên cơ sở chỉ tiêu HMTD tổng hợp để trình Thống đốc duyệt, sau đó thông báo cho các TCTD;
- Thông báo điều chỉnh kịp thời, phù hợp các giao dịch HMTD của các TCTD; thống kê, tổng hợp việc mua bán HMTD theo kỳ hạn giữa các TCTD;
- Báo cáo Thống đốc về tình hình thực hiện HMTD của các TCTD và đề xuất ý kiến điều chỉnh cho hợp lý (nếu có);
Điều 21.- Trách nhiệm của các đơn vị liên quan khác:
- Vụ kế toán tài chính có trách nhiệm hướng dẫn hạch toán nghiệp vụ mua bán hạn mức tín dụng.
- Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm thực hiện việc hạch toán theo quy định; cùng với Vụ tín dụng thực hiện xử lý các TCTD vi phạm HMTD; và thực hiện các nghiệp vụ liên quan khác.
- Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm giám sát và kiểm tra việc chấp hành các quy định trong quy chế này.
- 1 Quyết định 248/2000/QĐ-NHNN21 sửa đổi "Quy định về xác định Hạn mức tín dụng bán buôn cho các Tổ chức Tín dụng tham gia Dự án tài chính nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trợ" kèm theo Quyết định 423/1999-QĐ-NHNN21 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 2 Nghị định 15-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 3 Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1990 do Hội đồng Nhà nước ban hành