Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 431/QÐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 14 tháng 4 năm 2016

 

QUYẾT ÐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động cơ quan Kiểm lâm các cấp; thanh toán chi phí cho các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng và Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BNN-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư liên tịch số 61/2007/TTLT/BNN-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2007;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

QUYẾT ÐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 816/QĐ-UBND.HC ngày 11 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý rừng, các chủ rừng và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT/TU, TT/HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu: VT, NC/KTN Đ.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Thanh Hùng

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Kèm theo Quyết định số 431/QĐ-UBND-HC ngày 14 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này điều chỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (gọi tắt là PCCCR), bao gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nghĩa vụ bảo vệ rừng, chấp hành những quy định về PCCCR.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Chủ rừng: Là Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng sản xuất, các đơn vị được nhà nước giao đất trồng rừng (gọi chung là các đơn vị quản lý rừng) và hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê hoặc giao đất trồng rừng.

2. Rừng tràm: Là hệ sinh thái rừng ngập nước chua phèn, trong đó cây tràm chiếm đa số và hệ thảm thực vật như: dây leo, cỏ năn, cỏ ống, mồm mốc, lúa ma…; đồng thời là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã.

3. Cháy rừng: Là sự xuất hiện và lan truyền của những đám cháy trong rừng mà không nằm trong sự kiểm soát của con người; gây tổn thất về tài nguyên, của cải và môi trường.

4. Phòng cháy rừng: Là áp dụng những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy rừng.

5. Chữa cháy rừng: Là việc huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị và điều hành, chỉ huy chữa cháy để dập tắt đám cháy rừng, nhằm hạn chế, chấm dứt thiệt hại do cháy rừng gây ra.

6. Lực lượng chuyên trách PCCCR: Ngoài lực lượng chuyên trách là Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, còn có lực lượng chuyên trách PCCCR do cơ quan kiểm lâm và các chủ rừng thành lập tại đơn vị để thực hiện nhiệm vụ PCCCR.

7. Lực lượng bán chuyên trách PCCCR: Là lực lượng do đơn vị quản lý rừng phối hợp với Ủy ban nhân dân xã có rừng, ven rừng thành lập các Tổ (đội) quần chúng tham gia bảo vệ rừng, PCCCR.

8. Công trình PCCCR: Là các đường băng cản lửa, ao, hồ, cống, đập, kênh, mương PCCCR; đài quan sát; hệ thống biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn; hệ thống thông tin liên lạc; trạm bơm, hệ thống cấp nước chữa cháy và các công trình khác phục vụ cho công tác PCCCR.

9. Ban chỉ huy PCCCR cơ sở: Là các Ban chỉ huy PCCCR của các đơn vị quản lý rừng và Ban chỉ huy PCCCR các xã có rừng, ven rừng.

10. Người dẫn đường: Là người của lực lượng kiểm lâm hoặc của chủ rừng chịu trách nhiệm hướng dẫn các lực lượng chi viện đến vị trí chữa cháy đã được phân công.

Chương II

NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC PHÕNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, giúp Trưởng ban điều hành kế hoạch PCCCR; ký ban hành văn bản chỉ đạo điều hành công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra Chi cục Kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ về PCCCR và kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR.

Điều 5. Chi cục Kiểm lâm

Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (Chi cục Kiểm lâm), trực tiếp tham mưu về công tác PCCCR. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm là Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, được thừa ủy quyền Trưởng ban, ký ban hành một số văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác PCCCR. Chịu trách nhiệm xây dựng cấp dự báo cháy rừng; xây dựng kế hoạch và phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tổ chức thực hiện công tác vận động, tuyên truyền giáo dục về PCCCR trong cộng đồng dân cư; hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR, đề xuất các giải pháp phù hợp với từng chủ rừng theo từng thời điểm; trực tiếp theo dõi, hướng dẫn công tác kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện PCCCR của các chủ rừng, các địa phương có rừng trong việc triển khai thực hiện các biện pháp, kế hoạch, phương án PCCCR.

Điều 6. Công an tỉnh

1. Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự trong công tác bảo vệ rừng.

2. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ thực hiện nhiệm vụ như sau:

a) Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thẩm định, phê duyệt phương án PCCCR, phương án đốt chủ động vật liệu cháy của các chủ rừng; định kỳ, đột xuất, kiểm tra và phúc tra việc thực hiện công tác PCCCR của các đơn vị quản lý rừng, các chủ rừng theo quy định của pháp luật.

b) Hướng dẫn chủ rừng xây dựng lực lượng PCCCR. Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCCCR, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy cho các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách về PCCCR.

c) Tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh huy động, điều hành công tác phối hợp giữa các lực lượng và trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia chữa cháy rừng.

3. Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tham gia thực hiện chữa cháy rừng khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh), đồng thời phối hợp chặt với cơ quan kiểm lâm và các cơ quan có liên quan tổ chức điều tra nguyên nhân vụ cháy, xác minh đối tượng gây cháy rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hiệp đồng với các đơn vị đóng quân trên địa bàn tham gia công tác bảo vệ rừng, PCCCR, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có lệnh huy động của Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh. Đồng thời, giám sát việc thực hiện kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự trong công tác bảo vệ rừng.

Điều 8. Ủy ban nhân dân các huyện có rừng

1. Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ rừng, PCCCR và trực tiếp huy động lực lượng, phương tiện, chỉ huy việc chữa cháy rừng trên địa bàn huyện khi có xảy ra cháy rừng.

2. Chỉ đạo các ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện kế hoạch phối hợp với chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 9. Hạt Kiểm lâm

Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn huyện; phối hợp với Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện các biện pháp PCCCR của các chủ rừng. Huy động lực lượng kiểm lâm tham gia chữa cháy; phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tham mưu cho

Trưởng Ban chỉ huy PCCCR huyện chỉ đạo, điều hành công tác chữa cháy rừng trên địa bàn.

Điều 10. Ủy ban nhân dân xã, thị trấn có rừng

1. Chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự cấp xã phối hợp với chủ rừng và lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCCCR; xây dựng lực lượng PCCCR cơ sở; huy động lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn và chi viện chữa cháy rừng khi có yêu cầu huy động của Ban Chỉ huy PCCCR các cấp.

2. Chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch PCCCR trên địa bàn và trực tiếp chỉ huy chữa cháy rừng của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã quản lý.

3. Chỉ đạo Đài Truyền thanh xã thường xuyên thông tin tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, PCCCR hàng năm, vào thời điểm trước và trong mùa khô.

4. Chỉ đạo lực lượng Công an xã xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền; phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng theo quy định.

Chương III

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN CHỈ HUY PCCCR CÁC CẤP

Điều 11. Cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ huy PCCCR các cấp

1. Cấp tỉnh: Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban Thường trực, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh là Phó Trưởng ban; các Ủy viên gồm: lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh, lãnh đạo các đơn vị có liên quan và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện có rừng.

2. Cấp huyện: Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện do lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện làm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban; các Ủy viên gồm: lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, Công an, Quân sự, Nông nghiệp, Tài chính, các đơn vị liên quan cấp huyện, lãnh đạo các đơn vị quản lý rừng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã có rừng.

3. Ban chỉ huy PCCCR cấp cơ sở:

a) Cấp xã: Đối với rừng của các hộ gia đình, cá nhân phải thành lập Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã do lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã làm Trưởng ban; các ủy viên tùy thuộc vào điều kiện, yêu cầu công tác PCCCR của từng xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định.

b) Các đơn vị quản lý rừng: Ban Chỉ huy PCCCR của các đơn vị quản lý rừng do lãnh đạo đơn vị đó làm Trưởng ban; các ủy viên tùy theo điều kiện đặc thù của từng đơn vị do Thủ trưởng đơn vị quyết định.

Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh

1. Nhiệm vụ:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, điều hành việc phối hợp giữa các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, PCCCR và khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra.

b) Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, phương án, kế hoạch PCCCR của tỉnh.

c) Trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và các biện pháp PCCCR của Ban Chỉ huy PCCCR các cấp.

2. Quyền hạn:

a) Chỉ đạo việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, thay mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định huy động các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các tổ chức, cá nhân và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tham gia chữa cháy rừng trong trường hợp cấp bách khi xảy ra cháy rừng nghiêm trọng, vượt khả năng chữa cháy của các huyện.

b) Quyết định các biện pháp chữa cháy rừng trong từng trường hợp cụ thể.

Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện

1. Nhiệm vụ.

a) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch PCCCR của Ban chỉ huy PCCCR cấp cơ sở trên địa bàn huyện.

b) Trực tiếp chỉ đạo các biện pháp chữa cháy rừng trên địa bàn.

2. Quyền hạn.

a) Trưởng Ban chỉ huy PCCCR huyện thay mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị trên địa bàn huyện tham gia chữa cháy rừng.

b) Quyết định các biện pháp chữa cháy rừng khi Ban Chỉ đạo tỉnh chưa trực tiếp chỉ đạo.

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ huy PCCCR cấp cơ sở

1. Nhiệm vụ của Ban chỉ huy PCCCR cấp xã.

a) Xây dựng kế hoạch PCCCR trên địa bàn xã; chỉ đạo các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân xây dựng kế hoạch PCCCR.

b) Huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị, trực tiếp chỉ huy chữa cháy rừng của các hộ gia đình, cá nhân và tham gia chữa cháy rừng của tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã; chấp hành nghiêm lệnh huy động của Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR huyện trong trường hợp có lệnh huy động chi viện chữa cháy.

2. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy PCCCR tại các đơn vị quản lý rừng.

a) Trực tiếp và thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng, PCCCR trên khu vực rừng do đơn vị quản lý.

b) Tổ chức xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR theo quy định.

c) Triển khai thực hiện các biện pháp PCCCR theo phương án đã được phê duyệt và chịu sự chỉ đạo, điều động của Ban chỉ huy PCCCR cấp trên.

d) Tổ chức phân công các tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR.

đ) Đảm bảo phương tiện, máy móc, lực lượng và hậu cần tại đơn vị, ứng trực sẵn sàng theo phương châm bốn tại chỗ.

e) Trực tiếp chỉ đạo và điều động lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp thời khi xảy ra cháy rừng.

g) Thực hiện các biện pháp PCCCR đảm bảo có hiệu quả và phù hợp với quy định chung về PCCCR, tham mưu đề xuất các biện pháp PCCCR.

h) Khi xảy ra cháy rừng vượt khả năng chữa cháy của đơn vị; ngoài việc phân công lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy phải tổ chức, sắp xếp nhân sự tiếp nhận lực lượng, thiết bị chi viện và tiến hành bàn giao cho Ban chỉ huy PCCCR cấp trên để chỉ đạo chữa cháy phù hợp với diễn biến vụ cháy; đồng thời phải chuẩn bị phương tiện, phân công người dẫn đường để đưa lực lượng và thiết bị chi viện đến nơi chữa cháy theo mệnh lệnh của tổng chỉ huy chữa cháy.

Điều 15. Nhiệm vụ của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân

1. Triển khai thực hiện các giải pháp PCCCR trên diện tích rừng đang quản lý.

2. Tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng do mình làm chủ sở hữu; phối hợp với các chủ rừng liền kề tổ chức liên kết thực hiện quản lý, bảo vệ rừng.

3. Khi có xảy ra cháy rừng, chủ động chuẩn bị phương tiện để chữa cháy, báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để kịp thời chi viện.

4. Phối hợp chặt chẽ với các hộ sản xuất nông nghiệp quanh rừng để thực hiện các biện pháp phòng tránh cháy lan vào rừng khi đốt vệ sinh đồng ruộng.

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC PHÕNG CHÁY RỪNG

Điều 16. Công tác tuyên truyền về PCCCR

1. Tuyên truyền là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác PCCCR; là trách nhiệm chung của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội, các đơn vị quản lý rừng, chủ rừng và của toàn dân.

2. Các phương tiện thông tin đại chúng căn cứ vào tình hình thực tế phải dành thời lượng thích hợp để thực hiện công tác tuyên truyền về PCCCR vào thời điểm mùa khô.

3. Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyên truyền về PCCCR trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với cơ quan Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, các cơ quan Báo, Đài địa phương thực hiện các chương trình tuyên truyền, biên soạn, phát hành tài liệu, mở các lớp tuyên truyền về PCCCR.

4. Hạt Kiểm lâm có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên địa bàn huyện và phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Đài Truyền thanh huyện, các cơ quan đoàn thể trực tiếp tuyên truyền đến các tổ chức, cộng đồng dân cư ven rừng.

5. Chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về bảo vệ rừng, PCCCR cho cán bộ, công chức và lồng ghép vào các buổi họp dân tại các xóm, ấp trong cộng đồng dân cư tại địa phương.

6. Các tổ chức đoàn thể phối hợp với chính quyền các cấp, cơ quan Kiểm lâm, các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền cho các thành viên, hội viên và nhân dân biết, thực hiện.

7. Chủ rừng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trên diện tích rừng được giao quản lý.

8. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp và thiết thực.

Điều 17. Xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR

1. Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ban chỉ đạo tỉnh, Ban chỉ huy PCCCR huyện xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR của cấp mình và hướng dẫn cho các chủ rừng xây dựng phương án, kế hoạch theo quy định.

2. Các đơn vị quản lý rừng phải xây dựng phương án PCCCR định kỳ 03 năm/lần trên diện tích rừng được giao quản lý; định kỳ hàng năm phải tổ chức kiểm tra rà soát phương án PCCCR, nếu có phát sinh vướng mắc phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị. Hàng năm phải xây dựng kế hoạch PCCCR và tổ chức triển khai thực hiện.

3. Phương án PCCCR phải xây dựng hoàn thành trước ngày 30 tháng 10 của năm trước khi phương án kết thúc; Chi cục Kiểm lâm và Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) có trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án PCCCR cho các đơn vị quản lý rừng chậm nhất ngày 30 tháng 11 của năm trước khi phương án kết thúc.

Điều 18. Xây dựng, phê duyệt, thực thi và kiểm tra việc thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh trên đất rừng tràm

1. Xây dựng dự án, phương án.

Các đơn vị quản lý rừng khi xây dựng các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh trên diện tích rừng phải có các giải pháp PCCCR kèm theo.

2. Phê duyệt phương án.

a) Các phương án sản xuất, kinh doanh có tác động đến rừng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Chỉ xem xét phê duyệt và cho phép thực thi các dự án, phương án khi đã xây dựng các giải pháp PCCCR phù hợp.

3. Thực hiện phương án.

a) Chủ rừng chỉ đưa vào thực hiện các dự án, phương án đã được xem xét và phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

b) Các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh trên khu vực rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu xét duyệt, cấp phép, kiểm tra, giám sát, có sự tham gia của một số ngành liên quan và chính quyền địa phương. Các dự án, phương án thực hiện trong mùa khô có ảnh hưởng đến công tác PCCCR phải tham khảo ý kiến của Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR cùng cấp.

4. Kiểm tra việc thực hiện dự án, phương án: Lực lượng Kiểm lâm có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án, phương án của các chủ rừng, kịp thời phát hiện, xử lý, yêu cầu khắc phục đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Cống, đập điều tiết nước

1. Tất cả các cống, đập có tác dụng giữ nước PCCCR được xác định cụ thể trong phương án của các đơn vị phải được đóng cống, đắp đập kịp thời để giữ nước trong mùa khô. Việc đắp đập giữ nước phải đảm bảo yêu cầu giữ nước, giữ độ ẩm của rừng để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

2. Thời điểm đóng cống, đập giữ nước là đỉnh lũ hàng năm theo thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn. Tùy theo lượng mưa, số giờ nắng hàng năm và lượng nước thực tế trong khu rừng, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thông báo đến các chủ rừng tham khảo để quyết định tháo bớt nước hoặc bơm nước bổ sung để giữ ẩm trên các khu vực rừng do mình quản lý và chịu trách nhiệm khi xảy ra cháy rừng do quyết định chủ quan gây ra.

Điều 20. Xây dựng các công trình phục vụ PCCCR

Việc xây dựng các công trình phục vụ PCCCR phải được thực hiện theo dự án, phương án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ nghiêm các quy định về PCCCR. Không được tháo nước dự trữ trong rừng để thi công các công trình xây dựng cơ bản vào thời gian cao điểm thực hiện công tác PCCCR (từ đầu tháng 01 đến cuối tháng 5 hàng năm).

Điều 21. Trực phòng cháy, chữa cháy và thông tin liên lạc

1. Mỗi đơn vị quản lý rừng phải trang bị hệ thống thông tin đảm bảo liên lạc thông suốt từ trạm, chốt bảo vệ đến Ban chỉ huy PCCCR cơ sở. Chế độ thông tin báo cáo do Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh quy định cụ thể áp dụng thống nhất cho tất cả các đơn vị quản lý rừng trong tỉnh.

2. Trực và thực hiện chế độ thông tin liên lạc, theo dõi, báo cáo diễn biến tình hình PCCCR phải được tổ chức thống nhất từ Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ huy PCCCR huyện, Ban Chỉ huy PCCCR cơ sở. Thời gian trực PCCCR tùy theo điều kiện tình hình thực tế hàng năm (từ đầu tháng 01 đến hết tháng 7 hàng năm), các tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 02 đến tháng 6) phải đảm bảo chế độ trực 24/24.

3. Mỗi ca trực PCCCR tại các đơn vị quản lý rừng phải có ít nhất 01 người trong Ban lãnh đạo đơn vị hoặc lãnh đạo Ban Chỉ huy PCCCR cơ sở. Lãnh đạo ca trực phải chịu trách nhiệm theo dõi và báo cáo kịp thời về tình hình PCCCR trong thời gian trực.

Điều 22. Tổ chức xây dựng hệ thống chốt, trạm và lực lượng tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR

1. Lực lượng xung kích và quần chúng thực hiện PCCCR.

a) Ban Chỉ huy PCCCR huyện, xã hàng năm phải xây dựng kế hoạch, phân công lực lượng để tham gia công tác PCCCR; nồng cốt là Dân quân tự vệ, Công an xã; tổ chức chặt chẽ, sẵn sàng tập hợp và cơ động nhanh khi có lệnh huy động chữa cháy rừng.

b) Đối với các đơn vị quản lý rừng phải xây dựng lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ PCCCR, nòng cốt là cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị và lực lượng bán chuyên trách là quần chúng tham gia bảo vệ rừng. Lực lượng này được xây dựng thành các tổ, đội bố trí trên toàn địa bàn rừng và theo từng khu vực rừng, được trang bị những dụng cụ cần thiết để phục vụ công tác PCCCR.

c) Đối với chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân phải tự tổ chức bảo vệ rừng, PCCCR trên diện tích rừng đang sở hữu.

2. Bố trí hệ thống trạm, chốt tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR.

a) Xây dựng lực lượng và các tổ máy bơm chữa cháy: Hệ thống trạm chốt bảo vệ rừng, PCCCR được tổ chức khép kín trên địa bàn rừng. Mỗi trạm, chốt phải đảm bảo đủ lực lượng, duy trì hoạt động thường xuyên đặc biệt là trong mùa khô và bố trí lực lượng, máy bơm ứng trực sẵn sàng ở những nơi có nguy cơ cháy cao.

b) Trạm, chốt bảo vệ rừng: Thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, trực tiếp theo dõi dự báo khả năng cháy rừng, kiểm tra ngăn chặn việc xâm nhập vào rừng trái phép; giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân được phép ra vào rừng; tổ chức vận động tuyên truyền nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, PCCCR.

Điều 23. Tập huấn, diễn tập PCCCR

Tùy theo điều kiện, tình hình thực tế về công tác PCCCR, hàng năm Chi cục Kiểm lâm phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCCR cho các lực lượng chuyên trách tại các Ban quản lý rừng và lực lượng bán chuyên trách tại cơ sở. Tổ chức diễn tập PCCCR theo cụm hoặc theo đơn vị quản lý rừng, đảm bảo công tác chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao theo phương châm “bốn tại chỗ” khi cần thiết.

Điều 24. Việc đốt lửa trong rừng và ven rừng

1. Các đơn vị quản lý rừng trong tỉnh khi đốt vật liệu cháy có điều khiển (đốt chủ động) phải xây dựng phương án hoặc kế hoạch cụ thể, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trước khi đốt phải chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị chữa cháy đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để cháy lan vào rừng và phải được kiểm soát chặt chẽ đến khi lửa tắt hoàn toàn.

2. Đốt vệ sinh rừng sau khai thác phải lập kế hoạch và giải pháp quản lý cháy lan ngoài khu vực đốt gửi cơ quan kiểm lâm, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thẩm định và tổ chức đốt vào thời điểm thích hợp. Trước khi đốt phải thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm và Cảnh sát phòng cháy chữa cháy để theo dõi; chủ rừng phải bố trí lực lượng, trang thiết bị, dụng cụ sẵn sàng để phòng cháy lan và kiểm soát chặt chẽ đến khi lửa tắt hoàn toàn.

3. Chủ rừng có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp ven rừng khi đốt vệ sinh đồng ruộng phải liên hệ chặt chẽ với chủ rừng để chủ động chuẩn bị lực lượng, thiết bị chữa cháy ứng trực sẵn sàng, tuyệt đối không để xảy ra cháy lan vào rừng.

4. Đối với việc sử dụng lửa trong khu vực rừng phục vụ sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động trong rừng phải tránh những nơi có nhiều vật liệu cháy, đảm bảo tuyệt đối an toàn, không được rời nơi được phép sử dụng lửa và dập tắt hoàn toàn sau khi sử dụng.

Điều 25. Việc ra, vào rừng

Tổ chức, cá nhân ra, vào rừng phải tuân thủ nghiêm những quy định sau:

1. Phải có thẻ ra, vào rừng do chủ rừng cấp.

2. Phải tuân thủ nghiêm các nội quy, quy định về PCCCR.

3. Chỉ được phép hoạt động và đi lại trong phạm vi được cho phép.

4. Phải có trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vô ý hay cố ý gây ra cháy rừng tại khu vực được phép ra, vào rừng.

Điều 26. Kiểm tra việc thực thi các biện pháp PCCCR

1. Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Ủy ban nhân dân huyện, xã thực hiện kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCCCR của các chủ rừng. Công tác kiểm tra phải thực hiện vào đầu mùa khô hàng năm và tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất các tháng cao điểm mùa khô; trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện vi phạm phải lập biên bản kiến nghị khắc phục những thiếu sót hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Các chủ rừng phải tạo điều kiện thuận lợi để đoàn kiểm tra thực thi nhiệm vụ và thực hiện nghiêm những kiến nghị của đoàn kiểm tra và chấp hành quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

Chương V

QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 27. Trách nhiệm chung về báo cháy, tham gia chữa cháy

1. Chữa cháy rừng là trách nhiệm chung của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Người phát hiện cháy rừng phải khẩn trương báo cháy trong thời gian sớm nhất cho một trong các đơn vị sau đây:

a) Chủ rừng.

b) Trạm, chốt bảo vệ rừng; Đội phòng cháy, chữa cháy nơi gần nhất. c) Chính quyền địa phương nơi xảy ra cháy rừng.

d) Cơ quan Kiểm lâm hoặc cơ quan Công an gần nhất.

đ) Đơn vị Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy điện thoại số máy 114 hoặc số điện thoại đường dây nóng trực PCCCR của kiểm lâm, số máy 067.3852672.

2. Người có mặt tại nơi xảy ra cháy rừng phải tìm mọi biện pháp để ngăn chặn cháy lan và dập tắt đám cháy, người tham gia chữa cháy phải tuyệt đối tuân thủ theo lệnh của người chỉ huy chữa cháy.

Điều 28. Người chỉ huy chữa cháy khi xảy ra cháy rừng

1. Khi cấp dự báo cháy rừng là cấp I - II hoặc đám cháy có diện tích từ 0,1 đến 0,5 ha báo động cấp cơ sở; người chỉ huy chữa cháy là:

a) Chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã hoặc Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR xã hoặc người được ủy quyền tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.

b) Chủ rừng là các cơ quan, tổ chức: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy.

2. Khi cấp dự báo cháy rừng là cấp III - IV hoặc đám cháy có diện tích từ trên 0,5 đến 01 ha báo động cấp huyện: Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR huyện hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy.

3. Khi cấp dự báo cháy rừng là cấp V hoặc đám cháy có diện tích trên 01 ha báo động cấp tỉnh: Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy.

Điều 29. Trách nhiệm của chủ rừng trong công tác chữa cháy rừng

1. Khi phát hiện cháy rừng, chủ rừng phải thực hiện ngay biện pháp để dập tắt đám cháy nhằm hạn chế khả năng cháy lan và báo cáo ngay về Ban Chỉ huy PCCCR huyện, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh; đồng thời tổ chức huy động khẩn cấp lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy.

2. Trong quá trình chữa cháy rừng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, đánh giá đúng khả năng có thể xảy ra và hiệu quả chữa cháy để báo cáo đầy đủ, kịp thời về Ban chỉ huy cấp trên có biện pháp xử lý.

3. Các đơn vị quản lý rừng, chủ rừng có trách nhiệm chuẩn bị hậu cần cho lực lượng chữa cháy rừng (lực lượng tại chỗ và lực lượng được huy động chi viện) và tổ chức bảo vệ chặt chẽ hiện trường vụ cháy sau khi dập tắt và bàn giao cho các cơ quan có chức năng điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân gây cháy.

Điều 30. Trách nhiệm của các Ban Chỉ huy PCCCR các cấp khi xảy ra cháy rừng

1. Ban Chỉ huy PCCCR cơ sở: Khi xảy ra cháy rừng thuộc mức báo động của cấp cơ sở, phải huy động nhanh nhất các lực lượng và phương tiện trong phạm vi quản lý của mình để dập tắt ngay đám cháy, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng cháy lan; đồng thời báo nhanh về Ban Chỉ huy PCCCR huyện và Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh có kế hoạch chuẩn bị phương án huy động lực lượng, phương tiện chi viện để đối phó kịp thời khi tình hình cháy rừng vượt quá tầm khống chế của cơ sở. Ban Chỉ huy PCCCR cơ sở phải báo cáo và giữ liên lạc thường xuyên về tình hình, diễn biến vụ cháy với Ban Chỉ huy cấp trên cho đến khi dập tắt hoàn toàn đám cháy.

2. Ban Chỉ huy PCCCR huyện: Khi xảy ra cháy rừng vượt tầm khống chế của cấp cơ sở, Ban Chỉ huy PCCCR huyện có trách nhiệm huy động nhanh nhất các lực lượng, phương tiện trong phạm vi quản lý của huyện chi viện kịp thời để dập tắt đám cháy, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng cháy lây lan trên diện rộng. Đồng thời báo cáo nhanh và giữ liên lạc thường xuyên với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh để có kế hoạch chuẩn bị huy động các lực lượng, phương tiện của tỉnh, nhằm kịp thời chi viện nếu tình hình cháy rừng diễn biến phức tạp, vượt quá tầm khống chế của huyện.

3. Ban Chỉ đạo tỉnh: Khi tình hình cháy rừng vượt quá tầm khống chế của cấp huyện và cấp cơ sở; tùy tình hình và diễn biến của vụ cháy Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh điều động các lực lượng của tỉnh gồm: Kiểm lâm, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, lực lượng Quân đội của tỉnh và các lực lượng khác nhanh chóng đến hiện trường tham gia chữa cháy. Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh hoặc người được ủy quyền trực tiếp chỉ huy tại nơi xảy ra cháy là người tổng chỉ huy chữa cháy, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị tham gia chữa cháy rừng. Người có chức vụ cao nhất của lực lượng Kiểm lâm có mặt tại hiện trường tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh hoặc trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác chữa cháy khi được ủy quyền (Tổng chỉ huy). Người có chức vụ cao nhất của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia chữa cháy.

4. Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng phải chấp hành nghiêm theo sự phân công, chỉ đạo điều hành, biện pháp chữa cháy của Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR cấp trên và người chỉ huy chữa cháy.

Điều 31. Phương án chỉ huy và điều hành phối hợp giữa các lực lượng tham gia chữa cháy.

1. Cụm phối hợp liên tịch số 1: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959.

a) Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR cơ sở: Khi xảy ra cháy rừng Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR tại nơi xảy ra cháy huy động lực lượng thuộc quyền quản lý tham gia chữa cháy rừng và trực tiếp chỉ huy chữa cháy; thông báo cho chủ rừng tham gia ký kết liên tịch để tham gia chữa cháy (nếu có yêu cầu); đồng thời thông tin nhanh và giữ liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy PCCCR huyện và Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh; sau khi tiếp nhận thông tin báo cháy Chi cục Kiểm lâm thông báo cho Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) biết để chuẩn bị lực lượng, phương tiện; huy động lực lượng, phương tiện của kiểm lâm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh để có kế hoạch huy động lực lượng chi viện; lực lượng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng và chủ rừng ký kết liên tịch (nếu có yêu cầu) khẩn trương đến ngay hiện trường để phối hợp chữa cháy; người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của chủ rừng là tổ chức trực tiếp chỉ huy chữa cháy.

Khi đám cháy vượt khả năng kiểm soát của cơ sở, Ban Chỉ huy PCCCR cơ sở báo cáo Ban Chỉ huy PCCCR huyện và tiến hành bàn giao công tác chỉ huy chữa cháy khi Ban Chỉ huy PCCCR huyện đến nơi xảy ra cháy. Nội dung bàn giao gồm: báo cáo tình hình diễn biến vụ cháy, số lượng người và phương tiện đã được huy động chữa cháy, các công việc đã phân công và thực hiện công tác tiếp nhận các lực lượng chi viện, phân công phục vụ hậu cần, người dẫn đường, phương tiện vận chuyển lực lượng chi viện đến vị trí chữa cháy theo lệnh của người chỉ huy chữa cháy,…; đồng thời trực tiếp tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR huyện trong công tác chữa cháy.

b) Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR huyện: Sau khi tiếp nhận thông tin từ

Ban Chỉ huy PCCCR cơ sở, khẩn trương quan sát thực địa, huy động các lực lượng trên địa bàn huyện chi viện và trực tiếp điều hành, chỉ huy chữa cháy; người có chức vụ cao nhất của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Kiểm lâm huyện có mặt tại hiện trường, trực tiếp tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR huyện hoặc người được ủy quyền điều hành chữa cháy; đồng thời báo cáo tình hình và diễn biến vụ cháy về Ban Chỉ đạo tỉnh và tiến hành bàn giao công tác chỉ huy chữa cháy khi Ban Chỉ đạo tỉnh đến nơi xảy ra cháy. Nội dung bàn giao gồm: báo cáo tình hình, diễn biến, số người, phương tiện đã được huy động chữa cháy, phương pháp chữa cháy và vị trí các lực lượng chữa cháy đã được phân công,…; đồng thời trực tiếp tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh trong công tác chữa cháy. Phân công chủ rừng phục vụ hậu cần cho lực lượng chữa cháy.

2. Cụm phối hợp liên tịch số 2: Rừng tràm Gáo Giồng, Rừng Phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười, Trại Động Cát, Khu Di tích Gò Tháp, Rừng tràm Hậu cần (Công an tỉnh), Khu Di tích Xẻo Quýt và Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.

a) Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR cơ sở: Khi xảy ra cháy rừng Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR tại nơi xảy ra cháy huy động lực lượng thuộc quyền quản lý tham gia chữa cháy rừng và trực tiếp chỉ huy chữa cháy; thông báo cho chủ rừng tham gia ký kết liên tịch để tham gia chữa cháy (nếu có yêu cầu); đồng thời báo cáo nhanh và giữ liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy PCCCR huyện và Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh; sau khi tiếp nhận thông tin báo cháy Chi cục Kiểm lâm ra khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện của kiểm lâm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy; thông báo cho Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ biết để chuẩn bị lực lượng, phương tiện và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh để có kế hoạch huy động lực lượng chi viện; lực lượng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tháp Mười - Cao Lãnh và các chủ rừng ký kết liên tịch (nếu có yêu cầu) khẩn trương đến ngay hiện trường để phối hợp chữa cháy; người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của chủ rừng là tổ chức trực tiếp chỉ huy chữa cháy.

Khi đám cháy vượt khả năng kiểm soát của cơ sở, Ban Chỉ huy PCCCR cơ sở báo cáo Ban Chỉ huy PCCCR huyện và tiến hành bàn giao công tác chỉ huy chữa cháy khi Ban Chỉ huy PCCCR huyện đến nơi xảy ra cháy. Nội dung bàn giao gồm: báo cáo tình hình diễn biến vụ cháy, số lượng người và phương tiện đã được huy động chữa cháy, công việc đã phân công và thực hiện công tác tiếp nhận các lực lượng chi viện, phân công phục vụ hậu cần, người dẫn đường, phương tiện vận chuyển lực lượng chi viện đến vị trí chữa cháy theo lệnh của người chỉ huy chữa cháy,…; đồng thời trực tiếp tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR huyện trong công tác chữa cháy.

b) Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR huyện: Sau khi tiếp nhận thông tin từ Ban Chỉ huy PCCCR cơ sở khẩn trương quan sát thực địa, huy động các lực lượng trên địa bàn huyện chi viện và trực tiếp điều hành, chỉ huy chữa cháy; người có chức vụ cao nhất của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và kiểm lâm huyện có mặt tại hiện trường trực tiếp tham mưu cho Trưởng Ban chỉ huy PCCCR huyện hoặc người được ủy quyền điều hành chữa cháy; đồng thời báo cáo tình hình và diễn biến vụ cháy về Ban chỉ đạo tỉnh. Khi đám cháy vượt khả năng kiểm soát của huyện báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh và tiến hành bàn giao công tác chỉ huy chữa cháy khi Ban chỉ đạo tỉnh đến nơi xảy ra cháy. Nội dung bàn giao gồm: báo cáo tình hình, diễn biến, số người, phương tiện đã được huy động chữa cháy, phương pháp chữa cháy và vị trí các lực lượng chữa cháy đã được phân công,…; đồng thời trực tiếp tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh trong công tác chữa cháy. Phân công chủ rừng phục vụ hậu cần cho lực lượng chữa cháy.

3. Trường hợp vụ cháy vượt khả năng chữa cháy của cấp huyện: Khi đến hiện trường Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh nghe báo cáo của Ban Chỉ huy PCCCR huyện, khẩn trương quan sát thực địa, điều động lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Kiểm lâm và các lực lượng, phương tiện, thiết bị của các chủ rừng khác trên địa bàn tỉnh (ưu tiên huy động các chủ rừng được trang bị phương tiện, máy chữa cháy công suất lớn) nhanh chóng chi viện để phối hợp chữa cháy; khi tiếp nhận lệnh huy động, các chủ rừng nhanh chóng di chuyển đến vị trí chữa cháy để tiếp nhận phân công. Trong trường hợp khẩn cấp đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh điều động lực lượng Công an, Quân đội và các lực lượng khác của tỉnh đến hỗ trợ tham gia chữa cháy.

Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh hoặc người được ủy quyền là Tổng chỉ huy, người có chức vụ cao nhất của lực lượng Kiểm lâm có trách nhiệm tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh hoặc trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác chữa cháy khi được ủy quyền (Tổng chỉ huy). Người có chức vụ cao nhất lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia chữa cháy.

4. Trường hợp vụ cháy phức tạp, kéo dài vượt khả năng chữa cháy của tỉnh: Trưởng Ban Chỉ đạo xin ý Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh hiệp đồng với các lực lượng Quân đội của Quân khu đóng quân trên địa bàn tỉnh chi viện. Trong trường hợp cấp thiết (thiếu nhân lực, thiết bị,…), vụ cháy diễn biến phức tạp báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng xin chi viện chữa cháy.

Điều 32. Phương pháp chữa cháy

1. Chữa cháy trực tiếp: Sử dụng lực lượng, các phương tiện thủ công và cơ giới tại chỗ tác động trực tiếp để dập lửa khi đám cháy mới phát sinh, diện tích cháy nhỏ, ít nguy cơ cháy lan trên diện rộng.

2. Chữa cháy gián tiếp: Sử dụng lực lượng và phương tiện để giới hạn đám cháy bằng băng trắng (lợi dụng địa hình tự nhiên hoặc chặt dọn cây rừng) để hạn chế cháy lan hoặc kết hợp băng khống chế cháy với việc dùng lửa đốt chặn; áp dụng trong trường hợp đám cháy lớn, cường độ cháy cao, tốc độ lan tràn nhanh hoặc cùng lúc xảy ra nhiều điểm đám.

Điều 33. Tổ chức chỉ huy chữa cháy

Người chỉ huy chữa cháy có quyền quyết định áp dụng các biện pháp chữa cháy rừng và điều động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy; xác định khu vực chữa cháy, đề ra các yêu cầu đảm bảo khống chế vùng cháy, chống cháy lan, dập tắt đám cháy; tổ chức hậu cần, y tế phục vụ cho chữa cháy rừng và đề xuất các yêu cầu khác phục vụ cho việc chữa cháy đạt hiệu quả cao. Người chỉ huy chữa cháy rừng phải chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình trong công tác điều hành chữa cháy.

Điều 34. Lực lượng huy động, tham gia chữa cháy

1. Khi xảy ra cháy rừng, lực lượng Kiểm lâm và Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải khẩn trương đến ngay hiện trường khi có yêu cầu của Thường trực Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để dập tắt lửa. Trong trường hợp đám cháy diễn biến phức tạp hoặc có nhiều đám cháy xảy ra cùng một thời điểm thì việc cơ động chữa cháy thực hiện theo quyết định của người trực tiếp chỉ huy chữa cháy.

2. Các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền huy động tham gia chữa cháy rừng phải cử lực lượng đảm bảo có đủ điều kiện về phương tiện, dụng cụ, sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và có kinh nghiệm chữa cháy rừng. Việc chi viện lực lượng, phương tiện, thiết bị chữa cháy phải khẩn trương, đúng theo yêu cầu của người có thẩm quyền; người chỉ huy lực lượng chi viện khi đến hiện trường phải tiến hành bàn giao lực lượng, phương tiện, thiết bị được huy động cho người chỉ huy chữa cháy và tham gia điều hành lực lượng chi viện của mình tuân thủ tuyệt đối theo sự phân công của người chỉ huy chữa cháy.

3. Nghiêm cấm mọi trường hợp lợi dụng việc chữa cháy rừng để săn bắt động vật rừng, khai thác ong, cá và các nguồn lợi khác trong rừng.

Điều 35. Khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra.

1. Lực lượng Cảnh sát PCCC, kiểm lâm và chủ rừng có trách nhiệm phối hợp tổ chức điều tra, xác minh nguyên nhân vụ cháy; xác định địa điểm, loại rừng, diện tích và mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra.

2. Các chủ rừng có trách nhiệm tổ chức các biện pháp khắc phục như thu dọn vệ sinh rừng, trồng lại rừng.

3. Báo cáo nhanh về đơn vị chủ quản, Ban Chỉ huy PCCCR huyện; Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Chương VI

KINH PHÍ PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÕNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 36. Kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng

1. Các chủ rừng là rừng sản xuất tự cân đối nguồn kinh phí để thực hiện các biện pháp PCCCR trên diện tích rừng được giao theo phương án được duyệt.

2. Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí cho công tác PCCCR tại các khu rừng đặc dụng; rừng phòng hộ; phục vụ cho hoạt động PCCCR của kiểm lâm; kinh phí xây dựng các công trình cơ bản PCCCR và mua sắm trang thiết bị, phương tiện, máy móc chữa cháy rừng.

3. Kinh phí PCCCR hàng năm do chủ rừng lập đồng thời với kế hoạch tài chính năm của đơn vị để đề nghị cơ quan tài chính xem xét, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ.

4. Chi phí và chế độ bồi dưỡng cho các lực lượng được huy động chi viện tham gia chữa cháy rừng đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện thanh toán theo quy định tại Thông tư liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động cơ quan Kiểm lâm các cấp; thanh toán chi phí cho các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng và Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BNN-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư liên tịch số 61/2007/TTLT/BNN-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2007.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 37. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Khen thưởng: Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCCR hoặc có công phát hiện, ngăn chặn những hành vi phá hoại, khắc phục, hạn chế những thiệt hại do cháy rừng gây ra sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Xử lý vi phạm: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCCCR tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Chủ rừng thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định về PCCCR hoặc thực hiện các biện pháp PCCCR không đúng theo quy định, để xảy ra cháy rừng, không có các biện pháp cần thiết ngăn chặn kịp thời để xảy ra cháy lan, cháy lớn; tùy theo tính chất và mức độ thiệt hại có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Điều khoản thi hành

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh và các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành, phố có rừng và các chủ rừng hướng dẫn triển khai, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này.

2. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt công tác PCCCR theo quy định này.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật về PCCCR mới ban hành trái với quy định này. Trong thời gian chờ chỉnh sửa, bổ sung thì áp dụng theo quy định hiện hành.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.