Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 433/2005/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÔNG ĐOÀN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VÀ CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY TRỰC THUỘC TLĐLĐVN TRONG CÙNG MỘT BỘ 

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá IX; Thông tri số 02/2004TTr-TLĐ ngày 22 tháng 3 năm 2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
Theo đề nghị của Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn LĐVN.

 QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phối hợp hoạt động giữa Công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong cùng một Bộ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định nội bộ trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong cùng một Bộ và các Ban của Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN
CHỦ TỊCH



 
Cù Thị Hậu

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÔNG ĐOÀN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VÀ CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY TRỰC THUỘC TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM TRONG CÙNG MỘT BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 433/2005/QĐ-TLĐ ngày 23 tháng 3 năm 2005 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN) 

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG 

Điều 1. Quy định này quy định việc phối hợp hoạt động giữa Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong cùng một Bộ (gọi tắt là Công đoàn ngành và Công đoàn tổng công ty).

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện phối hợp:

l. Các bên phối hợp dựa trên nguyên tắc hợp tác, dân chủ, bình đẳng, quyết định theo đa số.

2. Đảm bảo sự thống nhất trong phối hợp. Thực hiện tốt quyền đại diện cho CNVCLĐ của tổ chức Công đoàn trong cùng một Bộ.

3. Bảo đảm sự lãnh đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban cán sự Đảng của Bộ.

Điều 3. Công đoàn ngành thay mặt và đại diện cho Công đoàn Tổng công ty làm việc, tham gia với Bộ, Nhà nước những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nguyện vọng của CNVCLĐ cùng ngành nghề thuộc các thành phần kinh tế.

Điều 4. Các cuộc họp chung giữa Công đoàn ngành và Công đoàn Tổng công ty tổ chức theo định kỳ ít nhất 6 tháng một lần; được trích kinh phí trong ngân sách cấp mình để chi cho các hoạt động chung. Thành phần dự các cuộc họp và mức kinh phí đóng góp cho các hoạt động phối hợp do các Công đoàn thoả thuận.

Chương 2:

NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG 

Điều 5. Nội dung phối hợp gồm:

l. Nghiên cứu tham gia, kiến nghị với Bộ, Nhà nước và Tổng Liên đoàn về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của ngành; xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật, chế độ, chính sách về: Lao động, tiền lương, bảo hộ lao động, BHXH và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến quyền, lợi ích của CNVCLĐ cùng ngành nghề thuộc các thành phần kinh tế.

2. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách ngành nghề, việc làm, thu nhập của các đơn vị và CNVCLĐ trong ngành thuộc các thành phần kinh tế

3. Cùng với Bộ xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản liên tịch liên quan đến chỉ đạo, hướng dẫn chung trong bộ; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến cán bộ, công chức do Bộ quản lý.

Điều 6. Trách nhiệm của Công đoàn ngành trong quan hệ phối hợp.

l.Thay mặt và đại diện cho Công đoàn Tổng công ty làm việc, tham gia, kiến nghị với Bộ, Nhà nước theo các nội dung tại Điều 5 Quy định này.

2. Là đại diện của Công đoàn tham gia các ban chỉ đạo, hội đồng theo yêu cầu của Bộ.

3. Thay mặt và đại diện thương lượng, ký kết các văn bản liên tịch với Bộ trong phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn giữa Công đoàn và lãnh đạo Bộ.

4. Cử đại diện của Công đoàn tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra theo yêu cầu của Bộ. Nếu các cuộc thanh kiểm tra của Bộ đối với các đơn vị thuộc quyền quản lý của Công đoàn Tổng công ty thì Công đoàn ngành thảo luận, thống nhất với Công đoàn Tổng công ty cử người tham gia.

5. Đại diện tham dự các cuộc họp theo yêu cầu của Bộ. Trong những cuộc họp có liên quan trực tiếp đến Tổng công ty thì Công đoàn ngành thống nhất với Bộ cùng mời đại diện Công đoàn Tổng công ty tham dự. Trước khi tham gia với Bộ, kiến nghị với các cấp những vấn đề có liên quan đến nội dung tại Điều 5, Công đoàn ngành phải trao đổi thống nhất với Công đoàn Tổng công ty.

6. Các cuộc họp thường kỳ hoặc đột xuất giữa Công đoàn ngành và Công đoàn Tổng công ty do Chủ tịch Công đoàn ngành triệu tập và phối hợp chủ trì. Văn phòng Công đoàn ngành là đầu mối trực tiếp giúp việc phối hợp hoạt động giữa Công đoàn ngành và Công đoàn Tổng công ty. Các văn bản có liên quan đến nội dung phối hợp giữa Bộ, TLĐ do Chủ tịch Công đoàn ngành ký và sử dụng con dấu của Công đoàn ngành

7. Định kỳ báo cáo kết quả phối hợp hoạt động với Ban cán sự Đảng Bộ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 7. Trách nhiệm của Công đoàn Tổng công ty trong quan hệ phối hợp

l. Tham gia, đề xuất, kiến nghị với Bộ những vấn đề có liên quan đến nội dung tại Điều 5 thông qua Công đoàn ngành.

2. Cử đại diện dự các hội nghị và tham gia phối hợp với Công đoàn ngành, hoặc với Bộ khi được mời.

3. Thông tin kịp thời cho Công đoàn ngành về tình hình CNVCLĐ, việc làm, đời sống và những vấn đề cần giải quyết của Tổng công ty có liên quan đến nội dung phối hợp với Công đoàn ngành.

4. Báo cáo kết quả phối hợp giữa Công đoàn ngành và Công đoàn Tổng công ty với Ban cán sự Đảng, Đảng uỷ (nếu có), lãnh đạo Tổng công ty và thông báo tới các cấp Công đoàn trong Tổng công ty

5. Thực hiện những thoả thuận trong quan hệ phối hợp.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

Điều 8. Công đoàn ngành và Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong cùng một Bộ có trách nhiệm thực hiện Quy định này và cụ thể hoá Quy định này để thực hiện (nếu thấy cần thiết). Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét để bổ sung, sửa đổi.