ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2006/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 03 tháng 5 năm 2006 |
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2010 CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 1006/2005/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành phố Đà Nẵng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược về xây dựng Gia đình của thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 (viết tắt là Chiến lược) với các nội dung chủ yếu sau:
1. Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách, giữ gìn và phát huy truyền thống tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng gia đình ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là động lực của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
3. Xây dựng gia đình là nhiệm vụ của mỗi gia đình và của toàn xã hội. Sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền từ thành phố đến xã, phường, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, gia đình và cá nhân là yếu tố quyết định sự thành công của công tác gia đình.
4. Gia đình có trách nhiệm với các thành viên trong gia đình và xã hội. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình.
5. Giáo dục và xây dựng gia đình kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn liền với tiếp thu những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
6. Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Nhà nước ưu tiên bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội và tranh thủ sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế cho công tác gia đình.
1. Mục tiêu chung: Từng bước ổn định, củng cố và xây dựng gia đình ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
2. Các mục tiêu cụ thể:
2.1. Mục tiêu 1: Củng cố, ổn định gia đình trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện quy mô gia đình ít con; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.
Các chỉ tiêu cơ bản cần đạt vào năm 2010:
Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa lên 85%.
Chỉ tiêu 2: Mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con.
Chỉ tiêu 3: Tăng tỷ lệ nam, nữ thanh niên được trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình trước khi kết hôn lên 90% .
Chỉ tiêu 4: Tăng tỷ lệ người cao tuổi trong gia đình được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình lên 90 - 100%. Trường hợp người cao tuổi không còn người chăm sóc, phụng dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và Gia đình hoặc có người chăm sóc, phụng dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và Gia đình nhưng không đủ khả năng chăm sóc, phụng dưỡng thì được Nhà nước, cộng đồng hỗ trợ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chỉ tiêu 5: Tăng tỷ lệ gia đình thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lên 95%-100%.
2.2. Mục tiêu 2: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; tăng cường phòng, chống bạo lực trong gia đình; khuyến khích phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.
Các chỉ tiêu cơ bản cần đạt vào năm 2010:
Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ gia đình được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình trong việc ổn định và phát triển xã hội lên 95 - 100%.
Chỉ tiêu 2: Tăng tỷ lệ gia đình không có bạo lực trong gia đình lên 85%.
Chỉ tiêu 3: Tăng tỷ lệ gia đình không bị các tệ nạn xã hội xâm nhập vào lên 85%. Duy trì mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”.
2.3. Mục tiêu 3: Nâng cao mức sống gia đình trên cơ sở phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt quan tâm đối với các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng, gia đình người dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Các chỉ tiêu cơ bản cần đạt vào năm 2010:
Chỉ tiêu 1: Cơ bản không còn hộ gia đình nghèo. Không có người lang thang xin ăn.
Chỉ tiêu 2: Giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 3,6-4%.
Chỉ tiêu 3: 100% gia đình liệt sỹ được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước; gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng, gia đình người dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được Chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các ngành, đoàn thể và cộng đồng quan tâm chăm sóc, hỗ trợ nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần.
Chỉ tiêu 4: 100% gia đình có nhà ở, không còn nhà tạm.
Chỉ tiêu 5: Tăng tỷ lệ người dân thuộc các gia đình người dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục và các phúc lợi xã hội khác lên 95%.
Chỉ tiêu 6: Tăng tỷ lệ dân cư ở thành thị được sử dụng nước sạch lên 90-95% và tăng tỷ lệ dân cư ở nông thôn được sử dụng nước sạch lên 8-85%.
1. Lãnh đạo, tổ chức và quản lý:
a. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình.
Cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp cần chủ động rà soát, đánh giá tình hình gia đình tại địa phương và xác định công tác gia đình là một nội dung quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên khi xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của địa phương; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng, chống các tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ, đồi trụy; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chăm lo xây dựng gia đình văn hóa và vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa; gắn việc xây dựng gia đình với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
b. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân số, gia đình và trẻ em các cấp.
UBND các cấp cần quy hoạch, đào tạo và bố trí đủ cán bộ có năng lực phụ trách công tác gia đình; tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân số, gia đình và trẻ em các cấp để thực hiện tốt quản lý nhà nước về lĩnh vực dân số, gia đình và trẻ em.
c. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác gia đình
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình các cấp tham mưu cho UBND cấp mình về kế hoạch và phân bổ kinh phí hàng năm cho công tác gia đình của địa phương. UBND các cấp chỉ đạo việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội trên địa bàn trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình của địa phương.
- Nghiên cứu xây dựng mô hình gia đình với các tiêu chí phù hợp để rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trên địa bàn thành phố.
- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu về gia đình để kịp thời cung cấp thông tin cho việc chỉ đạo, thực hiện công tác gia đình.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác gia đình trên cơ sở kế hoạch hàng năm để kịp thời khắc phục những thiếu sót, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
d. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình, tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, gia đình, cộng đồng và mọi người dân vào việc thực hiện Chiến lược xây dựng Gia đình đến năm 2010 của thành phố..
- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng và những người tình nguyện tham gia xây dựng và thực hiện các chương trình, các dự án, các loại hình dịch vụ gia đình.
- Tạo phong trào rộng khắp với sự tham gia của các gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội trong việc xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
- Đẩy mạnh việc thực hiện và lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình “5 không”, Chương trình “3 có”, phong trào ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền với các chương trình và kế hoạch công tác gia đình.
- Khuyến khích mô hình gia đình nhiều thế hệ để con cháu có điều kiện chăm sóc và phụng dưỡng ông bà, cha mẹ.
- Mỗi gia đình có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nâng cao vai trò trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, chăm lo phụng dưỡng người cao tuổi, thương yêu tôn trọng lẫn nhau, xây dựng mối quan hệ bình đẳng, tiến bộ trong gia đình, có ý chí tự lực vươn lên và gìn giữ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
- Gia đình cần thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng, thực hiện tốt hương ước, quy ước của cộng đồng, quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Tăng cường phối hợp, lồng ghép hoạt động giữa các chương trình, dự án liên quan đến gia đình và các chương trình, dự án khác của các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác gia đình.
2. Truyền thông, giáo dục, vận động:
a. Đẩy mạnh hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cấp, các ngành và nhân dân thành phố, tập trung vào các nội dung sau:
- Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực gia đình như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Dân số và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác dân số, gia đình, trẻ em, thực hiện tốt các chương trình, phong trào của thành phố liên quan đến xây dựng gia đình.
- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm của gia đình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; trách nhiệm của gia đình với cộng đồng và từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi và vấn đề bình đẳng giới.
- Cung cấp kiến thức và kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình văn minh, tiến bộ; thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
b. Đa dạng hóa và huy động sức mạnh tổng hợp của các loại hình truyền thông:
- Xây dựng các phóng sự, viết tin, bài về những gương gia đình tiêu biểu, những vấn đề cần phê phán như bạo hành gia đình, tệ nạn cờ bạc, ma tuý…và chuyên mục tư vấn về gia đình trên sóng phát thanh, truyền hình, báo chí của địa phương và trung ương.
- Tổ chức nói chuyện chuyên đề, truyền thông trực tiếp, tư vấn cộng đồng, tư vấn cá nhân cho các thành viên trong gia đình tuỳ theo độ tuổi, theo vùng dân cư, địa lý…
- Tăng cường các hoạt động tư vấn, giáo dục kiến thức về gia đình cho học sinh, sinh viên và tư vấn tiền hôn nhân về xây dựng gia đình cho đối tượng thanh niên trước khi kết hôn.
- Lựa chọn và phổ biến các tài liệu và sản xuất các tờ rơi hướng dẫn tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, kỹ năng làm cha mẹ để cung cấp cho các gia đình và các đối tượng trong giai đoạn tiền hôn nhân.
- Xây dựng mô hình gia đình theo các chuẩn mực no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc để tạo điều kiện cho các gia đình tham gia sinh hoạt, giúp nhau xây dựng gia đình văn minh, giàu mạnh.
3. Phát triển kinh tế gia đình:
a. Thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, khuyến khích đầu tư và xúc tiến thương mại, tìm thị trường, bảo hiểm rủi ro để ổn định và phát triển kinh tế gia đình.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, nhân rộng các mô hình kinh tế hộ tiên tiến, thực hiện tốt các chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
- Quan tâm tới các hộ gia đình nghèo, các hộ khó khăn do chuyển đổi chỗ ở, ngành nghề lao động, sản xuất trong quá trình chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng và các hộ tái định cư trong vùng quy hoạch mới.
- Triển khai và mở rộng các loại hình dịch vụ an sinh xã hội để nâng cao năng lực tự chủ của của mỗi gia đình, ổn định cuộc sống; Khuyến khích các gia đình ở vùng nông thôn khai thác và sử dụng đất có hiệu quả.
b. Thực hiện một số chính sách ưu tiên của thành phố để phát triển kinh tế gia đình.
- Có chính sách ưu tiên về thuế đối với những gia đình sản xuất kinh doanh các ngành nghề truyền thống, các sản phẩm mới, sử dụng nguyên liệu tại chỗ để phát triển kinh tế gia đình. Hỗ trợ gia đình trong việc giải quyết thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Tạo điều kiện cho các gia đình vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất phát triển bằng nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội và các nguồn vốn khác.
c. Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong việc hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế.
- Chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về thị trường và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới cho các gia đình. Khuyến khích phát triển các ngành, nghề mới. Tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và tiểu thủ công nghiệp.
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các trường học, các trường dạy nghề và các trung tâm đào tạo nghề của các ngành và các đoàn thể. Khuyến khích tư nhân tham gia hướng nghiệp và đào tạo nghề.
d. Lồng ghép phát triển kinh tế gia đình với các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương.
- Lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các chương trình dân số-gia đình-trẻ em, chương trình xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm để giảm nhanh các hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu.
- Khuyến khích các gia đình tham gia các Hội nghề nghiệp, các Câu lạc bộ gia đình, các nhóm tín dụng - tiết kiệm; tham gia các hình thức liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các nhà cung ứng, thu mua sản phẩm để phát triển kinh tế gia đình.
4. Phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ gia đình và cộng đồng:
- Củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm tư vấn về dân số, gia đình và trẻ em, Nhà Văn hóa của các địa phương. Chú trọng tư vấn về pháp luật hôn nhân và gia đình, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát triển kinh tế gia đình.
- Nâng cao chất lượng các tổ hòa giải ở cộng đồng; hình thành các loại hình tư vấn phù hợp với nhu cầu của gia đình trong thời kỳ mới.
- Xây dựng, củng cố các loại hình dịch vụ gia đình và cộng đồng như chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, thể dục-thể thao, văn hoá, văn nghệ, các dịch vụ sinh hoạt gia đình, trợ giúp nạn nhân bạo lực trong gia đình, chăm sóc người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam.
- Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục mầm non, đặc biệt là hoạt động của các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình ngoài công lập.
- Khuyến khích các tổ chức, tư nhân tham gia tổ chức các dịch vụ về gia đình.
5. Chính sách ưu tiên, ưu đãi và trợ giúp xã hội:
- Thực hiện chính sách ưu đãi đối với các gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh, gia đình bệnh binh, gia đình có công với cách mạng; chính sách ưu tiên đối với gia đình người dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình ở vùng khó khăn.
- Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với các gia đình gặp khó khăn đột xuất, thiên tai, gia đình neo đơn, gia đình người tàn tật và gia đình nghèo.
6. Nghiên cứu khoa học và đào tạo:
- Đẩy mạnh ứng dụng kết quả các nghiên cứu về gia đình trong quản lý công tác gia đình. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu về gia đình để phục vụ việc hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch về công tác gia đình của thành phố.
- Rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình.
- Tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý nhà nước về gia đình, kỹ năng tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về gia đình cho các cán bộ làm công tác gia đình.
7. Tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực gia đình:
Tăng cường và mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế để trao đổi kinh nghiệm về quản lý công tác gia đình và tranh thủ vận động nguồn lực hỗ trợ cho công tác gia đình của thành phố.
8. Kinh phí thực hiện Chiến lược:
Từ nguồn Trung ương hỗ trợ, ngân sách của địa phương và huy động sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế.
1. Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành phố là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện tham mưu cho UBND thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược hàng năm; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược về UBND thành phố; tham mưu tổ chức sơ kết Chiến lược vào năm 2007 và tổng kết Chiến lược vào năm 2010.
2. Sở Kế hoạch-Đầu tư nghiên cứu, đề xuất việc lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố hàng năm, 5 năm và cân đối kinh phí để thực hiện.
3. Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư cân đối nguồn vốn thực hiện Chiến lược; hướng dẫn và kiểm tra các ngành, địa phương quản lý, sử dụng cá kinh phí theo quy định hiện hành.
4. Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm, thực hiện tốt chính sách, chế độ ưu đãi đối với gia đình liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội.
5. Sở Thủy sản - Nông - Lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác phổ biến kiến thức, khoa học, kỹ thuật về nông nghiệp; Xây dựng hệ thống dịch vụ ở nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, chế biến và tiêu dùng để hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình.
6. Sở Tư pháp quản lý công tác trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; hướng dẫn và kiểm tra hoạt động hòa giải liên quan đến gia đình ở cơ sở.
7. Sở Văn hóa -Thông tin chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em và Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, giáo dục về phong tục, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
8. Các Sở: Y tế, Giáo dục-Đào tạo, Khoa học-Công nghệ, Tài nguyên-Môi trường và các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện Chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao.
9. UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch của địa phương để thực hiện Chiến lược; đưa các mục tiêu của Chiến lược vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và ngắn hạn của địa phương, xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch về công tác gia đình hàng năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành phố để tổng hợp báo cáo UBND thành phố; chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, các Luật khác và các văn bản pháp quy liên quan đến gia đình, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào xây dựng gia đình của thành phố.
10. Đề nghị UBMTTQVN thành phố, Liên đoàn lao động thành phố, Hội liên hiệp phụ nữ thành phố, Thành đoàn, Hội Nông dân thành phố, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận tích cực tham gia triển khai Chiến lược trong phạm vi hoạt động của mình và phối hợp hiệu quả với các sở, ban, ngành và Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành phố trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành phố, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 110/2006/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 2 Quyết định 85/2006/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010
- 3 Nghị quyết 77/2006/NQ-HĐND Kế hoạch thực hiện chiến lược xây dựng gia đình giai đoạn 2006 - 2010 do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 4 Quyết định 106/2005/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004
- 6 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7 Pháp lệnh dân số năm 2003
- 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000
- 1 Quyết định 110/2006/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 2 Quyết định 85/2006/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010
- 3 Nghị quyết 77/2006/NQ-HĐND Kế hoạch thực hiện chiến lược xây dựng gia đình giai đoạn 2006 - 2010 do tỉnh Phú Thọ ban hành