ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2007/QĐ-UBND | Long Xuyên, ngày 27 tháng 8 năm 2007 |
VỀ QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THUỘC HỆ THỐNG BẮC VÀM NAO.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04/4/2001;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị quyết số 06/2007/NQ-HĐND ngày 13/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh tỷ lệ điều tiết nguồn thu thủy lợi phí, tiền nước (phí sử dụng nguồn nước) giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện đối với diện tích đất nằm trong vùng thuộc hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao;
Căn cứ Quyết định số 2194/2005/QĐ-UBND ngày 01/8/2005 của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại tờ trình số 992/TT-SNN-TL ngày 07/8/2007;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuộc hệ thống Bắc Vàm Nao.
Điều 2. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Ban Quản lý hệ thống Bắc Vàm Nao, Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nội dung Quy định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục Thuế, Trưởng ban Quản lý hệ thống Bắc Vàm Nao và Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Châu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THUỘC HỆ THỐNG BẮC VÀM NAO.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2007/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Điều 1. Phạm vi áp dụng và đối tượng áp dụng:
1. Phạm vi áp dụng: Quy định này quy định về phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi và công trình giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý, khai thác công trình của các cơ quan quản lý trong hệ thống Bắc Vàm Nao, tỉnh An Giang.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quản lý, khai thác công trình thủy lợi và công trình giao thông đường bộ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện; cán bộ phụ trách quản lý, khai thác công trình thủy lợi và công trình giao thông đường bộ;
b) Doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi và công trình giao thông đường bộ;
c) Các tổ chức quản lý tiểu vùng, tổ chức hợp tác dùng nước;
d) Cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi và và công trình giao thông đường bộ.
Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kênh
a) Kênh ranh tiểu vùng: là kênh ranh giữa các tiểu vùng;
b) Kênh nội vùng: là kênh nằm trong phạm vi giới hạn của từng tiểu vùng.
2. Đê
a) Đê vành đai: là đê bao xung quanh toàn bộ diện tích của hệ thống Bắc Vàm Nao, đồng thời cũng là các tuyến lộ giao thông bao quanh khu vực;
b) Đê tiểu vùng: là công trình đê bao quanh từng tiểu vùng và các đê bao bên trong tiểu vùng.
3. Cống
a) Cống dưới đê vành đai: là cống dưới các tuyến đê vành đai;
b) Cống dưới đê tiểu vùng: là cống dưới các tuyến đê tiểu vùng.
4. Mạng lưới đường bộ được định nghĩa như sau:
c) Hệ thống đường tỉnh: là các đường trục trong địa bàn 1 tỉnh hoặc 2 tỉnh, gồm đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc với trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường nối quốc lộ với trung tâm hành chính của huyện;
d) Hệ thống đường huyện: là các đường nối từ trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường nối đường tỉnh với trung tâm hành chính của xã hoặc trung tâm cụm xã;
đ) Hệ thống đường xã: là các đường nối trung tâm hành chính của xã với các ấp, xóm hoặc đường nối giữa các xã.
5. Phân cấp quản lý, khai thác công trình: là giao trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo trì, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa công trình cho các cấp, tổ chức có liên quan.
6. Tổ chức cung cấp dịch vụ cấp hệ thống: là tổ chức được Ban Quản lý hệ thống Bắc Vàm Nao giao trách nhiệm quản lý, khai thác hệ thống công trình kiểm soát lũ vành đai và các kênh tạo nguồn chính để thực hiện các hoạt động dịch vụ thủy lợi trong hệ thống Bắc Vàm Nao.
7. Ban Quản lý tiểu vùng: là tổ chức đại diện cho những người sử dụng các dịch vụ thủy lợi trong tiểu vùng.
Điều 3. Nguyên tắc tổ chức, quản lý công trình:
1. Tinh gọn, hợp lý, hiệu quả đáp ứng được yêu cầu về quản lý, khai thác công trình, kết hợp quản lý ngành và địa phương;
2. Mỗi hệ thống công trình có một tổ chức hoặc cá nhân quản lý, khai thác phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả của công trình, bảo đảm an toàn và tính thống nhất của hệ thống công trình;
3. Tuân thủ các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của Luật Doanh nghiệp đối với tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi là doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã đối với tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi là hợp tác xã, Luật Dân sự đối với các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi không thuộc hai loại hình trên.
Điều 4. Nguyên tắc phân cấp quản lý, khai thác công trình:
1. Bảo đảm tính hệ thống của công trình, không chia cắt theo địa giới hành chính, tuân theo quy hoạch, kế hoạch, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định pháp luật có liên quan;
2. Phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống công trình sau khi phân cấp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người sử dụng;
3. Phân định rõ trách nhiệm quản lý, khai thác công trình giữa các cấp chính quyền, các cơ quan có liên quan, doanh nghiệp khai thác công trình với cá nhân, tổ chức quản lý khác; đặc biệt trong bảo vệ, duy tu bảo dưỡng nhằm bảo đảm an toàn công trình và trách nhiệm tài chính giữa các bên.
Điều 5. Phân cấp quản lý công trình:
Các tổ chức được phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi và công trình giao thông trong hệ thống Bắc Vàm Nao như sau:
1. Sở Giao thông Vận tải: tổ chức bộ máy quản lý, bảo trì và khai thác phần mặt đường và cầu độc lập trên đường thuộc các đường tỉnh 953 và 954.
2. Ủy ban nhân dân huyện: tổ chức bộ máy quản lý, bảo trì và khai thác phần mặt đường và cầu độc lập trên đường thuộc hai tuyến: Đông sông Hậu và Bắc rạch Cái Tắc; các tuyến đường huyện và cầu độc lập trên đường huyện trong phạm vi địa giới hành chính của huyện.
3. Ủy ban nhân dân xã: tổ chức bộ máy quản lý, bảo trì và khai thác các tuyến đường xã và cầu độc lập trên đường xã trong phạm vi địa giới hành chính của xã.
4. Tổ chức cung cấp dịch vụ cấp hệ thống: trực tiếp quản lý, khai thác và duy tu bảo dưỡng các loại công trình:
a) Các tuyến đê vành đai (trừ phần mặt và cầu độc lập thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân huyện): là các tuyến đường giao thông quanh bao khu vực dự án, bao gồm 4 tuyến: đường tỉnh 953, 954, Đông sông Hậu và Bắc rạch Cái Tắc;
b) Các cống dưới đê vành đai;
c) Các kênh ranh tiểu vùng.
5. Ban Quản lý tiểu vùng: trực tiếp quản lý, khai thác và duy tu bảo dưỡng các loại công trình:
a) Các tuyến đê tiểu vùng (ngoại trừ các tuyến đê tiểu vùng có kết hợp giao thông là đường xã);
b) Các cống dưới đê tiểu vùng;
c) Các kênh nội vùng.
Điều 6. Phân công trách nhiệm:
1. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm:
a) Tổ chức bộ máy quản lý, khai thác các tuyến đường tỉnh, thực hiện bảo trì phần mặt đường và cầu độc lập trên các tuyến đường theo phân cấp quản lý, bao gồm các mặt công tác: theo dõi tình trạng công trình đường bộ, tổ chức giao thông, kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất;
b) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi quản lý phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và của Bộ Giao thông Vận tải;
c) Cấp, thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ hoạt động gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Tổ chức bộ máy quản lý, khai thác và bảo trì các tuyến đường theo phân cấp quản lý thuộc phạm vi địa giới hành chính của huyện;
b) Quản lý, sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất trái phép đất hành lang an toàn đường bộ;
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
d) Phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ;
đ) Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, chống lấn chiếm, cưỡng chế dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép để giải toả hành lang an toàn đường bộ;
e) Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa;
g) Cấp, thu hồi giấy phép thi công trên đường bộ theo phân cấp.
h) Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
a) Tổ chức bộ máy quản lý, khai thác và bảo trì các tuyến đường theo phân cấp quản lý thuộc phạm vi địa giới hành chính của xã;
b) Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
c) Phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ bao gồm cả việc giữ gìn các cột mốc lộ giới;
d) Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ;
đ) Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tại, địch họa;
e) Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn cấp xã quản lý theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức cung cấp dịch vụ cấp hệ thống có trách nhiệm:
a) Trực tiếp quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa các công trình đê vành đai, các cống dưới đê vành đai và nạo vét kênh ranh tiểu vùng theo phân cấp quản lý;
b) Tổ chức vận hành hệ thống công trình đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của cộng đồng dân cư trong khu vực;
c) Phối hợp với các Ban Quản lý tiểu vùng trong các hoạt động vận hành và khai thác hệ thống công trình thủy lợi đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững;
d) Chủ động tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng kế hoạch khai thác và phương án bảo vệ công trình.
5. Ban Quản lý tiểu vùng có trách nhiệm:
a) Trực tiếp quản lý, khai thác các công trình được giao trách nhiệm quản lý, xây dựng phương án phối hợp hiệu quả với tổ chức cung cấp dịch vụ cấp hệ thống trong việc vận hành, khai thác các công trình thủy lợi thuộc trách nhiện quản lý theo phân cấp;
b) Xây dựng hoặc tham gia xây dựng kế hoạch vận hành, duy tu bảo dưỡng; theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố nhằm bảo đảm an toàn công trình; kiểm tra, sửa chữa công trình trước và sau mỗi mùa mưa lũ;
c) Tổ chức để nhân dân tham gia xây dựng kế hoạch khai thác và phương án bảo vệ công trình.
QUY ĐỊNH VỀ SỰ PHỐI HỢP GIỮA CÁC TỔ CHỨC QUẢN LÝ
Điều 10. Nguyên tắc quản lý, khai thác công trình thủy lợi kết hợp giao thông:
1. Việc cải tạo đê để kết hợp làm đường giao thông phải bảo đảm an toàn đê điều;
2. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác mặt đê đã cải tạo để kết hợp làm đường giao thông có trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa mặt đê đó; việc bảo dưỡng, sửa chữa phải tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật về đê điều và giao thông;
3. Trường hợp các đoạn vừa là đường giao thông vừa là đê, việc sử dụng, khai thác phải tuân theo pháp luật về bảo vệ đê điều và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đồng thời bảo đảm nguyên tắc ưu tiên bảo đảm an toàn đê điều.
Điều 11. Quản lý, bảo trì và duy tu bảo dưỡng công trình:
1. Trường hợp các cơ quan quản lý công trình đường bộ và cơ quan quản lý công trình thuỷ lợi đều có kế hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp công trình thì việc xây dựng mới, cải tạo nâng cấp công trình phải kết hợp với nhau;
2.Việc xây dựng công trình mới làm ảnh hưởng đến độ bền vững của công trình có trước hoặc làm trở ngại đến tác dụng của công trình đó thì cơ quan chủ quản công trình xây dựng mới phải có biện pháp xử lý bằng kỹ thuật theo sự thoả thuận của cơ quan chủ quản công trình cũ bị ảnh hưởng và chịu phí tổn để sửa chữa, khôi phục. Nếu đồng thời muốn cải tạo, mở rộng nâng cấp công trình có trước thì cơ quan chủ quản công trình cũ phải đầu tư phần tăng thêm.
Điều 12. Bảo vệ công trình trong trường hợp khẩn cấp:
1. Trường hợp khẩn cấp, tất cả các ban, ngành đều có trách nhiệm huy động kịp thời lực lượng vật tư, phương tiện của địa phương, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn đê điều;
2. Trường hợp khẩn cấp, cơ quan phòng chống lụt bão có thẩm quyền có thể sử dụng công trình đường bộ phục vụ cho việc phòng chống lụt bão, sau khi hoàn thành phải khôi phục lại trạng thái ban đầu của công trình đường bộ.
KẾ HOẠCH VÀ KINH PHÍ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH
Điều 13. Kế hoạch quản lý, khai thác công trình:
1. Các tổ chức được phân cấp quản lý, khai thác công trình có trách nhiệm lập kế hoạch quản lý, vận hành khai thác, bảo trì, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa công trình thông qua Ban Quản lý hệ thống Bắc Vàm Nao để tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung cho toàn hệ thống và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các tổ chức trực tiếp quản lý, khai thác công trình phải báo cáo Ban Quản lý hệ thống Bắc Vàm Nao về các hoạt động về quản lý, khai thác công trình theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 14. Kinh phí quản lý, khai thác công trình:
1. Việc sử dụng kinh phí để quản lý, vận hành khai thác, bảo trì, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa công trình phải thực hiện đúng với các quy định hiện hành.
2. Các tổ chức quản lý, khai thác công trình được sử dụng kinh phí để quản lý, vận hành khai thác, bảo trì, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa công trình từ các nguồn như sau:
a) Ngành giao thông: sử dụng nguồn vốn sự nghiệp ngành giao thông để quản lý, bảo trì và sửa chữa nhỏ các công trình theo phân cấp quản lý; khi cần sửa chữa lớn công trình, nếu thiếu kinh phí đề nghị ngân sách cấp bổ sung.
b) Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân xã: sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật để quản lý, bảo trì các công trình giao thông đường bộ theo phân cấp.
c) Tổ chức cung cấp dịch vụ cấp hệ thống: được sử dụng từ 80% nguồn thu thủy lợi phí, tiền nước trong hệ thống (mức thu thu thủy lợi phí, tiền nước thực hiện theo Quyết định 2720/2005/QĐ-UBND ngày 30/9/2005 của UBND tỉnh) được để lại ngân sách tỉnh. Nguồn kinh phí này do Ban Quản lý hệ thống Bắc Vàm Nao quản lý và chi trả cho tổ chức cung cấp dịch vụ cấp hệ thống theo hợp đồng dịch vụ để thực hiện các mặt công tác: quản lý, vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy lợi theo phân cấp quản lý. Khi cần xây dựng mới hoặc sửa chữa lớn công trình, nếu thiếu kinh phí đề nghị ngân sách tỉnh cấp bổ sung.
d) Các Ban Quản lý tiểu vùng: được sử dụng từ 20% nguồn thu thủy lợi phí, tiền nước trong hệ thống (mức thu thu thủy lợi phí, tiền nước thực hiện theo Quyết định 2720/2005/QĐ-UBND ngày 30/9/2005 của UBND tỉnh) được để lại ngân sách huyện. Nguồn kinh phí này do UBND huyện quản lý và phân bổ cho từng tiểu vùng để thực hiện công tác quản lý, vận hành khai thác các công trình thủy lợi theo phân cấp quản lý và hỗ trợ một phần cho duy tu, sửa chữa và nạo vét các công trình thủy lợi trong tiểu vùng. Đối với các công trình kênh nội đồng, kinh phí nạo vét kênh được sử dụng từ nguồn vốn do huy động các hộ dân có đất trong tiểu vùng đóng góp.
Điều 15. Nguyên tắc sử dụng kinh phí:
Nguồn thu thủy lợi phí, tiền nước trong hệ thống Bắc Vàm Nao chỉ được sử dụng cho công tác quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi trong hệ thống, không được sử dụng cho các mục đích khác.
Điều 16. Trách nhiệm thực hiện:
1. Giám đốc các Sở Nông nghiệp và PNTNT, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Quản lý hệ thống Bắc Vàm Nao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Phú Tân và Tân Châu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã trong hệ thống Bắc Vàm Nao, Trưởng ban Quản lý các tiểu vùng chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.
2. Ban Quản lý hệ thống Bắc Vàm Nao có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quy định này.
Điều 17. Khen thưởng và xử phạt:
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ công trình sẽ được khen thưởng. Tổ chức, cá nhân vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ảnh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, bổ sung cho phù hợp./.
- 1 Luật Doanh nghiệp 2005
- 2 Quyết định 2720/2005/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định thu thủy lợi phí, tiền nước (phí sử dụng nguồn nước) trên địa bàn tỉnh An Giang do UBND tỉnh An Giang ban hành
- 3 Quyết định 2194/2005/QĐ-UBND về việc phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi do UBND tỉnh An Giang ban hành
- 4 Bộ luật Dân sự 2005
- 5 Nghị định 186/2004/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
- 6 Nghị định 143/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi
- 7 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 8 Luật Hợp tác xã 2003
- 9 Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001
- 1 Quyết định 44/2020/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh An Giang kèm theo Quyết định 44/2018/QĐ-UBND
- 2 Quyết định 186/QĐ-UBND năm 2021 công bố danh mục nghị quyết, quyết định quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong năm 2020