- 1 Quyết định 550/QĐ-VKSTC-V9 năm 2013 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2 Quyết định 74/QĐ-VKSTC năm 2019 về Quy chế trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại cho công chức lãnh đạo các cấp trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3 Quyết định 400/QĐ-VKSTC năm 2021 về Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiễm, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 4 Quyết định 208/QĐ-VKSTC năm 2023 về Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 1 Quyết định 550/QĐ-VKSTC-V9 năm 2013 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2 Quyết định 74/QĐ-VKSTC năm 2019 về Quy chế trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại cho công chức lãnh đạo các cấp trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3 Quyết định 400/QĐ-VKSTC năm 2021 về Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiễm, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 4 Quyết định 208/QĐ-VKSTC năm 2023 về Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 442/QĐ-VKSTC | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2023 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC, CÁCH CHỨC ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ;
Căn cứ Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị;
Căn cứ Thông báo số 20-TB/TW ngày 08 tháng 9 năm 2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| VIỆN TRƯỞNG |
QUY CHẾ
MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC, CÁCH CHỨC ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 442/QĐ-VKSTC ngày 12 tháng 12 năm 2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy chế này được áp dụng đối với công chức của Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong quá trình miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân.
2. Đối với Viện kiểm sát Quân sự thực hiện theo quy chế này và các quy định chung của Bộ Quốc phòng.
3. Quy chế này không áp dụng đối với các chức vụ, chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, cán bộ điều tra Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Miễn nhiệm là việc công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.
Miễn nhiệm chức vụ là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho công chức thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức;
Miễn nhiệm chức danh là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho công chức thôi giữ chức danh khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm vì các lý do xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc đương nhiên được miễn nhiệm theo luật định.
2. Từ chức là việc công chức đang giữ chức vụ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
3. Cách chức là việc công chức đang giữ chức vụ hoặc chức danh bị cấp có thẩm quyền quyết định không tiếp tục giữ chức vụ hoặc chức danh đó khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm vì lý do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật.
4. Cấp ủy là Ban Thường vụ (nơi không có Ban thường vụ là Đảng ủy), Chi ủy.
5. Đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ là Vụ Tổ chức cán bộ ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phòng được giao thực hiện công tác tổ chức cán bộ tại Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
6. Người đứng đầu là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Vụ trưởng và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Trưởng phòng và tương đương.
Điều 4. Nguyên tắc thực hiện
1. Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân. Lãnh đạo, đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân cấp cao lãnh đạo công tác cán bộ ở Viện kiểm sát nhân dân cấp cao. Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ ở Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
2. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ và quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức.
3. Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với công chức thuộc trường hợp phải miễn nhiệm,
Điều 5. Thẩm quyền thực hiện
1. Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho công chức miễn nhiệm, từ chức, cách chức.
2. Đối với công chức thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì cấp ủy, tập thể lãnh đạo báo cáo cơ quan, đơn vị sử dụng công chức đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức, cách chức.
3. Cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức khi có đủ căn cứ theo Quy chế này.
Chương II
MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC, CÁCH CHỨC
Điều 6. Căn cứ xem xét miễn nhiệm chức vụ
1. Việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
a. Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao;
b. Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một thời hạn bổ nhiệm;
c. Có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định;
d. Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;
đ. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác;
e. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ theo quy định của Đảng đến mức phải miễn nhiệm;
g. Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.
2. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
Điều 7. Căn cứ xem xét miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên, Kiểm tra viên
Việc miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được tiến hành trong các trường hợp sau đây:
1. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đương nhiên được miễn nhiệm chức danh khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành.
2. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có thể được miễn nhiệm chức danh vi lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Điều 8. Quy trình xem xét miễn nhiệm
1. Việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo quản lý được thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì đại diện lãnh đạo đơn vị sử dụng công chức và đại diện đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ trao đổi với công chức. Đơn vị sử dụng công chức đề xuất với cấp có thẩm quyền về việc miễn nhiệm chức vụ đối với công chức (qua đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ);
- Bước 2: Đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ trình cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý công chức. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất, tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền phải thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định miễn nhiệm đối với công chức phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định.
2. Việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức giữ chức danh Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được thực hiện như sau:
- Bước 1: Khi có dù căn cứ miễn nhiệm, đại diện lãnh đạo đơn vị sử dụng công chức và đại diện đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ trao đổi với công chức. Đơn vị sử dụng công chức đề xuất với cấp có thẩm quyền về việc xem xét miễn nhiệm chức danh đối với công chức (qua đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ);
- Bước 2: Đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ trình Ủy ban kiểm sát cùng cấp cho ý kiến về việc miễn nhiệm chức danh đối với công chức. Việc miễn nhiệm được thực hiện khi có trên 50% tổng số thành viên tán thành; trường hợp đạt tỷ lệ 50% thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng;
- Bước 3: Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao miễn nhiệm Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính của cấp mình; trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp miễn nhiệm chức danh Kiểm tra viên.
Điều 9. Hồ sơ xem xét miễn nhiệm
Hồ sơ xem xét miễn nhiệm gồm các tài liệu sau:
1. Tờ trình về việc miễn nhiệm của đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ;
2. Các văn bản có liên quan: Quyết định, văn bản kết luận, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền...;
3. Biên bản, Nghị quyết họp và bản tổng hợp kết quả phiếu hoặc ý kiến;
4. Các tài liệu khác có liên quan.
Điều 10. Căn cứ xem xét từ chức
1. Việc xem xét từ chức đối với công chức xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
a. Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao;
b. Có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng;
c. Có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định;
d. Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
2. Việc xem xét từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
a. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.
b. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
3. Không xem xét việc từ chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a. Đang đảm nhận nhiệm vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nếu từ chức ngay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung của Đảng và Nhà nước.
b. Đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Đảng và pháp luật.
Điều 11. Quy trình xem xét từ chức
Việc xem xét từ chức được thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Khi có đủ căn cứ từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì đại diện lãnh đạo đơn vị sử dụng công chức và đại diện đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ có trách nhiệm trao đổi với công chức. Đơn vị sử dụng công chức đề xuất với cấp có thẩm quyền về việc xem xét từ chức đối với công chức (qua đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ).
Trường hợp công chức rút đơn xin từ chức thì dừng việc xem xét.
- Bước 2: Đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ trình cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý công chức. Chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất, tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền phải thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định để công chức từ chức phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định.
Khi chưa có quyết định cho từ chức của cơ quan có thẩm quyền, công chức vẫn phải tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điều 12. Hồ sơ xem xét từ chức
Hồ sơ xem xét từ chức gồm các tài liệu sau:
1. Tờ trình về việc từ chức của đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ;
2. Các văn bản có liên quan: Quyết định, văn bản kết luận, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, đơn đề nghị của công chức...;
3. Biên bản hội nghị và biên bản kiểm phiếu;
4. Các tài liệu khác có liên quan.
Điều 13. Cách chức đối với công chức
1. Căn cứ và quy trình cách chức đối với công chức giữ chức vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật đối với công chức.
2. Căn cứ và quy trình cách chức đối với công chức giữ chức danh Kiểm sát viên, Kiểm tra viên
2.1. Căn cứ cách chức đối với công chức giữ chức danh Kiểm sát viên
a. Kiểm sát viên đương nhiên bị cách chức chức danh Kiểm sát viên khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
b. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật công chức và của ngành Kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên có thể bị cách chức chức danh Kiểm sát viên khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Vi phạm trong khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
- Vi phạm quy định những việc Kiểm sát viên không được làm theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân;
- Vi phạm về phẩm chất đạo đức;
- Có hành vi vi phạm pháp luật khác.
2.2. Căn cứ cách chức đối với công chức giữ chức danh Kiểm tra viên
a. Kiểm tra viên đương nhiên bị cách chức khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
b. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật công chức và của ngành Kiểm sát nhân dân, Kiểm tra viên có thể bị cách chức chức danh Kiểm tra viên khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Vi phạm pháp luật trong khi thực hiện nhiệm vụ;
- Vi phạm những việc công chức không được làm;
- Vi phạm về phẩm chất đạo đức;
- Có hành vi vi phạm pháp luật khác.
2.3. Quy trình cách chức đối với công chức giữ chức danh Kiểm sát viên, Kiểm tra viên
- Bước 1: Khi có căn cứ cách chức, cơ quan, đơn vị sử dụng công chức tổ chức họp kiểm điểm, xác minh, làm rõ sai phạm của công chức. Việc tổ chức họp kiểm điểm được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật đối với công chức và các quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.
- Bước 2: Trên cơ sở kết quả bước 1, cơ quan, đơn vị sử dụng công chức đề xuất cấp có thẩm quyền về việc xem xét cách chức chức danh đối với công chức (qua đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ).
- Bước 3: Đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ trình Ủy ban kiểm sát cùng cấp cho ý kiến về việc cách chức chức danh đối với công chức. Việc cách chức được thực hiện khi có trên 50% tổng số thành viên tán thành; trường hợp đạt tỷ lệ 50% thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng.
- Bước 4: Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính của cấp mình; trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp cách chức Kiểm tra viên.
3. Cách chức đối với công chức giữ chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện cần có ý kiến của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và của cấp ủy địa phương cùng cấp.
4. Cách chức đối với công chức giữ chức vụ, chức danh thuộc Viện kiểm sát quân sự các cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương quyết định hoặc đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo quy định.
Điều 14. Hồ sơ xem xét cách chức
Hồ sơ xem xét cách chức gồm các tài liệu sau:
1. Bản kiểm điểm của người bị xem xét cách chức;
2. Các tài liệu xác minh, kết luận vi phạm của người bị xem xét cách chức;
3. Biên bản họp cơ quan, đơn vị kiểm điểm vi phạm của người bị xem xét cách chức;
4. Biên bản họp Hội đồng kỷ luật cơ quan, đơn vị (nếu có);
5. Văn bản đề nghị cách chức;
6. Biên bản, Nghị quyết họp của Ủy ban kiểm sát (đối với cách chức chức danh Kiểm sát viên, Kiểm tra viên);
7. Văn bản của Ban cán sự đảng, cấp ủy địa phương đối với trường hợp cách chức Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện;
8. Các tài liệu khác có liên quan.
Điều 15. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức
1. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc miễn nhiệm, từ chức, cách chức thực hiện theo quy định của Đảng; quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hiện hành.
2. Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo thì các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thi hành quyết định miễn nhiệm, từ chức, cách chức của cấp có thẩm quyền.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có đủ cơ sở kết luận việc miễn nhiệm, từ chức, cách chức là sai thì cấp có thẩm quyền phải có quyết định bố trí lại chức vụ, chức danh và giải quyết các quyền lợi hợp pháp liên quan đến chức vụ, chức danh cũ của công chức.
Điều 16. Chế độ, chính sách đối với công chức từ chức, miễn nhiệm, cách chức
1. Công chức lãnh đạo quản lý sau khi có quyết định từ chức được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định hiện hành đến hết thời hạn giữ chức vụ.
Công chức sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Công chức đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm theo quy định.
2. Công chức bị miễn nhiệm, cách chức không được hưởng phụ cấp chức vụ, chức danh kể từ ngày có quyết định.
Công chức bị miễn nhiệm vụ lý do xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong 02 năm liên tiếp thì cơ quan có thẩm quyền cho thôi việc theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Việc bố trí công tác đối với công chức sau khi miễn nhiệm, từ chức, cách chức
Việc bố trí công chức sau khi từ chức, miễn nhiệm, cách chức thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành Kiểm sát nhân dân và theo định hướng như sau:
1. Công chức tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghi công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng của công chức theo quy định.
2. Công chức từ chức, miễn nhiệm (chức vụ) có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí như sau:
a. Trường hợp thời gian công tác còn dưới 5 năm: cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm.
b. Trường hợp thời gian công tác còn từ trên 5 năm trở lên:
- Cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác theo nguyên tắc như Khoản a nêu trên.
- Công chức sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật. Sau 24 tháng ở vị trí công tác mới, nêu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, bổ nhiệm lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương tương.
3. Công chức bị miễn nhiệm chức danh, cách chức được cấp có thẩm quyền căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Hiệu lực thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký quyết định ban hành.
2. Quy chế này thay thế các quy định về miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân tại Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành theo Quyết định số 400/QĐ-VKSTC ngày 17/11/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các quy định trước đây trái với Quy chế này bị bãi bỏ.
Điều 19. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Quy chế này đến toàn thể công chức của đơn vị và tổ chức thực hiện.
2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với các chức vụ và chức danh Kiểm sát viên, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên các ngạch thuộc Viện kiểm sát quân sự theo Quy chế này và quy định về quản lý cán bộ của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.
4. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao để được hướng dẫn./.
- 1 Quyết định 550/QĐ-VKSTC-V9 năm 2013 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2 Quyết định 74/QĐ-VKSTC năm 2019 về Quy chế trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại cho công chức lãnh đạo các cấp trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3 Quyết định 400/QĐ-VKSTC năm 2021 về Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiễm, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 4 Quyết định 208/QĐ-VKSTC năm 2023 về Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành