Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 446-BYT/QĐ

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ Y TẾ VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC Y, DƯỢC 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước ban hành ngày 8-11-1991;
Căn cứ Nghị định số 153-CP ngày 6-10-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế và Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng số 84-HĐBT ngày 9-3-1992 ban hành Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước;
Xét yêu cầu quan trọng của công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong lĩnh vực y, dược;
Theo đề nghị của ông Chánh Văn phòng và ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Lao động Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước trong lĩnh vực y, dược.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế Thông tư số 14-BYT/TT ngày 12-11-1985; phần IV của Quy chế bảo vệ nội bộ ban hành theo Quyết định của Bộ Y tế số 213-BYT/QĐ ngày 28-4-1989. Các quy định trước đây trái với quy định trong Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ trong cơ quan Bộ, Giám đốc các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và các đơn vị y tế các ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Lê Văn Truyền

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC Y, DƯỢC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 446-BYT/QĐ ngày 6-5-1993).

Để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, nghĩa vụ của công nhân viên chức ngành y tế trong việc bảo vệ bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực y, dược, góp phần tích cực vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Chương 1:

DANH MỤC CÁC MỨC ĐỘ MẬT NHÀ NƯỚC THUỘC LĨNH VỰC Y, DƯỢC

Điều 1. Danh mục bí mật Nhà nước loại: "Tuyệt mật":

1. Kế hoạch chiến lược về y tế bảo đảm phục vụ tốt cho công tác hậu cần thuộc lĩnh vực phòng thủ đất nước.

2. Kế hoạch và các tài liệu chuyên ngành y tế từ hoà bình sang chiến tranh.

3. Thuốc và trang thiết bị y tế dự trữ quốc gia: chủng loại, số lượng, chất lượng, địa điểm.

4. Những tin tức của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển cho Việt Nam theo yêu cầu của bên giao được cấp có thẩm quyền xác định thuộc loại "Tuyệt mật".

5. Kế hoạch, hồ sơ, tài liệu bảo vệ sức khoẻ lãnh tụ, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước.

6. Điện, các tài liệu của các cơ quan của Đảng, Nhà nước chuyển đến thuộc loại "Tuyệt mật".

Điều 2. Danh mục bí mật Nhà nước loại "Tối mật":

1. Tin tức về các cuộc đàm phán, nội dung ký kết thuộc lĩnh vực y, dược giữa nước ta với một hay nhiều nước chưa được công bố hoặc không công bố.

2. Tin tức có được bằng con đường không chính thức có liên quan đến y, dược trong quan hệ với nước ngoài mà việc để lộ sẽ dẫn đến làm lộ nguồn tin.

3. Những sáng chế, phát minh, giải pháp hữu ích, công nghệ mới có liên quan đến y, dược không được công bố hoặc không công bố.

4. Số liệu tuyệt đối về thu, chi ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực y, dược chưa công bố.

5. Điện, các tài liệu của các cơ quan Đảng và Nhà nước chuyển đến thuộc loại "Tối mật".

6. Những tin tức của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển cho Việt Nam theo yêu cầu của bên giao được cấp có thẩm quyền xác định thuộc loại "Tối mật".

Điều 3.- Danh mục bí mật Nhà nước thuộc loại "Mật":

1. Những công trình nghiên cứu phát minh y, dược có giá trị về khoa học và kinh tế, những quy hoạch điều tra dược liệu, các số liệu, bản đồ, mẫu vật, kết quả đã điều trị được, các cây thuốc quý, các quy trình công nghệ sản xuất thuốc mà Nhà nước đang xuất khẩu.

2. Tình hình các dịch vụ, số người mắc, số người chết, mức độ, địa điểm chưa được công bố hoặc không công bố.

3. Tài liệu thống hê kế hoạch Nhà nước của ngành y tế hàng năm, quy hoạch cán bộ, hồ sơ lý lịch cán bộ, danh sách cán bộ, nhân sự.

4. Hồ sơ công tác thanh tra, kiểm tra mới có nhận định đánh giá mà chưa có cấp thẩm quyền phê duyệt.

5. Điện mật và các tài liệu mật của các cơ quan Đảng và Nhà nước chuyển đến.

Chương 2:

BẢO QUẢN, SỬ DỤNG VÀ TIÊU HUỶ CÁC BÍ MẬT NHÀ NƯỚC THUỘC LĨNH VỰC Y, DƯỢC

Điều 4. Thống kê, lưu trữ, bảo quản các bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực y, dược:

1. Việc thống kê, lưu trữ, bảo quản các tài liệu mật của Nhà nước phải được giao cho cán bộ làm công tác bảo mật của đơn vị.

2. Mọi bí mật Nhà nước phải được phân loại thống kê theo trình tự thời gian và từng mật độ, bao gồm những bí mật hiện có, mới phát sinh và được tiếp nhận.

3. Những bí mật Nhà nước về lĩnh vực y, dược thuộc loại "Tuyệt mật", "Tối mật", phải được cất giữ riêng trong tủ sắt hoặc gỗ chắc chắn, có khoá tốt, trong phòng có đủ điều kiện chống mối, mọt, hư hỏng, chống được kẻ gian thâm nhập.

4. Không được đưa tài liệu mật về nhà riêng, sau khi dùng phải bỏ vào tủ khoá lại và bảo quản theo chế độ chung chắc chắn, an toàn.

5. Cán bộ đi công tác chỉ được mang những tài liệu, vật phẩm thuộc phạm vi bí mật Nhà nước có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao, phải được người đứng đầu cơ quan duyệt và cấp giấy, đăng ký với bộ phận bảo mật, có kế hoạch bảo vệ trong thời gian mang đi và khi hoàn thành nhiệm vụ phải cùng với bộ phận bảo mật kiểm tra và nộp lại cơ quan.

6. Không được làm công việc bí mật trong lúc có mặt người không có trách nhiệm liên quan đến công việc đó.

7. Khi mất tài liệu mật, người đánh mất phải báo ngay với Thủ trưởng đơn vị, Thủ trưởng đơn vị phải báo ngay lên Thủ trưởng trực tiếp, đồng thời báo cho cơ quan công an có trách nhiệm để kịp thời truy xét.

Điều 5. Soạn thảo, in ấn, sao chụp tài liệu mật Nhà nước:

1. Phải tổ chức việc soạn thảo, in ấn, sao chụp tài liệu mật Nhà nước ở nơi bảo đảm an toàn.

2. Nghiêm cấm việc đánh máy in, sao chụp thừa số bản đã được quy định. Sau khi đánh máy, in, sao chụp xong phải kiểm tra lại và huỷ bỏ ngay bản thảo (nếu không cần lưu) và những bản đánh máy, in thử, hỏng, thừa, giấy than, giấy nến, bản in, có sự chứng kiến của cán bộ bảo mật.

3. Người thực hiện những việc này phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định đối với người làm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.

4. Tài liệu đánh máy, in, sao chụp ra phải đóng dấu bảo mật, dấu thu hồi (nếu cần), đánh số trang, số bản, số lượng in ấn, phạm vi lưu hành, nơi nhận, tên người đánh máy, in soát tài liệu.

5. Việc sao chụp hoặc chuyển sang dạng mang tin khác phải được nơi ban hành tài liệu gốc đồng ý bằng văn bản ghi cụ thể số lượng được thực hiện đối với tài liệu "Tuyệt mật", "Tối mật"; đối với tài liệu "Mật" phải do người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp tài liệu "Mật" đó quyết định.

Điều 6. Các dấu độ mật, dấu thu hồi:

1. Dấu "Mật": Hình chữ nhật (20mm x 8mm) có đường viền xung quanh, bên trong là chữ "Mật" in hoa nét đậm, cách đều đường viền 2 mm.

2. Dấu "Tối mật": Hình chữ nhật (30mm x 8mm) có đường viền xung quanh, bên trong là chữ "Tối mật" in hoa nét đậm, cách đều đường viền 2 mm.

3. Dấu "Tuyệt mật": Hình chữ nhật (40mm x 8mm) có đường viền xung quanh, bên trong là chữ "Tuyệt mật" in hoa nét đậm, cách đều đường viền 2 mm.

4. Dấu thu hồi: Hình chữ nhật (80mm x 15mm) có đường viền xung quanh, bên trong có hai hàng chữ: Hàng trên là chữ: "Tài liệu thu hồi" in hoa nét đậm, hàng dưới là chữ "thời hạn" in thường ở đầu hàng và các dấu chấm cho đến hết, chữ ở hai hàng cách đều đường viền 2mm (đoạn... ở hàng dưới để khi sử dụng tuỳ từng trường hợp phải thu hồi mà ghi vào, có 3 trường hợp: "xong hội nghị", "từng buổi" đối với tài liệu thu phát từng buổi; đề rõ ngày, tháng, năm đối với những trường hợp quy định cụ thể thời hạn trả lại).

5. Dấu "Chỉ người có tên mới được bóc bì": Hình chữ nhật (110mm x 10mm) có đường viền xung quanh, bên trong là chữ "Chỉ người có tên mới được bóc bì" in hoa nét đậm, cách đều đường viền 2mm.

Mực đóng dấu độ mật, dấu thu hồi dùng loại mực màu đỏ tươi. Bộ phận văn thư xử lý tài liệu mật của cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý và đóng các dấu độ mật, dấu thu hồi vào văn bản theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền xác định độ mật theo quy định.

Điều 7. Vận chuyển giao nhận bí mật Nhà nước:

1. Gửi tài liệu mật đi:

- Vào sổ: Tài liệu mật trước khi gửi đi các nơi nhất thiết phải vào sổ "Tài liệu mật đi" riêng để theo dõi. Sổ "Tài liệu mật đi" phải ghi đầy đủ các cột mục: Số thứ tự (đồng thời là số của tài liệu gửi đi) , ngày, tháng, năm, nơi nhận, trích yếu nội dung độ mật, độ khẩn, người ký, ghi chú (ghi văn bản kèm theo nếu có).

Trường hợp tài liệu "Tuyệt mật" thì người chuẩn bị văn bản vẫn lấy số đi và đăng ký theo đúng các cột mục trong sổ, riêng cột trích yếu nội dung bỏ trống (ghi sau, nếu người có thẩm quyền đồng ý) cho vào bì dán kín và làm các yêu cầu bảo mật trước khi đưa đến văn thư để làm bì ngoài gửi đi.

- Lập phiếu gửi: Tài liệu mật gửi đi phải kèm theo phiếu gửi bỏ chung trong bì với tài liệu.

Phiếu gửi ghi rõ nơi gửi, nơi nhận, số ký hiệu từng tài liệu gửi đi, đóng dấu độ mật, độ khẩn theo độ mật, độ khẩn của tài liệu vào góc phải phía trên của tờ phiếu. Nơi nhận khi nhận được tài liệu mật phải hoàn lại ngay phiếu gửi cho nơi gửi.

- Làm bì: Tài liệu mật gửi đi không gửi chung trong một bì với tài liệu thường. Giấy làm bì phải là loại giấy dai, khó bóc, không thấm nước, không nhìn thấu qua được, gấp bì theo mối chéo, hồ dán phải dính, khó bóc.

Tài liệu độ "Mật" ngoài bì đóng dấu ký hiệu chữ "C" in hoa nét đậm (không đóng dấu "Mật").

Tài liệu "Tuyệt mật", "Tối mật" gửi bằng hai bì:

+ Bì trong: Ghi rõ số, ký hiệu của tài liệu, tên người nhận, đóng dấu độ mật theo độ mật của tài liệu. Nếu là tài liệu "Tuyệt mật" gửi đích danh cho người có trách nhiệm giải quyết, thì đóng dấu Cchỉ người có tên mới bóc bì".

+ Bì ngoài: Ghi như tài liệu thường, đóng dấu ký hiệu độ mật chữ "A", in hoa nét đậm là "Tuyệt mật", chữ "B", in hoa nét đậm là "Tối mật" (không đóng dấu "Tuyệt mật", "Tối mật").

Niêm phong tài liệu "Tuyệt mật", "Tối mật" gửi đi, bì trong sau khi dán bằng hồ, phải dán bằng keo đè lên các mép dán hồ và niêm phong bằng chỉ hoặc si hoặc bằng giấy thật mỏng khó bóc, niêm lên giao điểm các mối chéo phía sau của bì, dấu niêm phong ở các góc giấy mềm, một nửa trên giấy niêm, một nửa trên giấy bì. Mực niêm phong dùng loại mực màu đỏ tươi.

2. Nhận tài liệu mật đến:

- Mọi tài liệu mật đến bất cứ từ nguồn nào đều phải qua văn thư vào sổ "Tài liệu mật đến" riêng để theo dõi và chuyển đến người có trách nhiệm giải quyết.

- Trường hợp tài liệu mật đến mà bì trong có dấu "Chỉ người có tên mới được bóc bì" thì văn thư vào sổ số ghi ngoài bì và chuyển đến ngay người có tên nhận. Nếu người có tên trên đi vắng, thì chuyển đến người có trách nhiệm giải quyết. Văn thư không được bóc bì.

Tài liệu mật gửi đến không đủ thủ tục theo quy định, một mặt chuyển ngay đến người có trách nhiệm giải quyết, một mặt tìm cách nhanh chóng hỏi lại và rút kinh nghiệm với nơi gửi.

3. Thu hồi tài liệu mật:

Văn thư phải theo dõi, thu hồi hoặc trả lại nơi gửi đúng kỳ hạn những tài liệu mật có đóng dấu thu hồi. Khi nhận cũng như khi trả đều phải kiểm tra, đối chiếu và xoá sổ.

4. Giao nhận tài liệu mật:

Mọi trường hợp giao nhận tài liệu mật giữa các khâu (người dự thảo, đánh máy, in, văn thư, giao thông viên, người có trách nhiệm giải quyết, người cất giữ bảo quản...) đều phải vào sổ có ký nhận giữa hai bên giao nhận trực tiếp, tại phòng làm việc theo quy định của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

5. Vận chuyển tài liệu mật:

Mọi trường hợp vận chuyển tài liệu mật phải có phương tiện mang giữ tốt (hòm sắt, cặp có khoá chắc chắn), không buộc sau xe đạp, mô tô, không được giao cho người không có trách nhiệm giữ hộ, không được để bất cứ nơi nào mà không có người có trách nhiệm coi giữ cẩn thận.

Điều 8. Bảo vệ bí mật của Nhà nước trong thông tin liên lạc:

1. Không được thông tin nội dung các tài liệu mật trên máy điện thoại, các máy phát sóng, điện báo và fax. Khi cần chuyển thông tin mật phải chuyển qua hệ thống điện mật của Bộ Y tế.

2. Việc lắp đặt máy phát sóng phải được Bộ Y tế đồng ý và đề nghị Bộ Nội vụ xét duyệt lý lịch người quản lý, Tổng cục Bưu điện cấp giấy phép mới được thực hiện.

Điều 9. Sử dụng những bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực y, dược:

1. Tài liệu bí mật chỉ được phổ biến trong phạm vi những người có trách nhiệm được biết, nhất thiết không được cho người khác biết khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

2. Việc trao đổi tin tức, tài liệu mật nhất thiết phải được Bộ trưởng cho phép. Những số liệu tin tức mật được đưa ra tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng phải được Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách công việc đó xét duyệt và chịu trách nhiệm.

3. Tổ thư ký Văn phòng Bộ lập hồ sơ về tài liệu thuộc loại "Tuyệt mật", "Tối mật", "Mật".

- Khi cần sử dụng các tài liệu "Mật", chuyên viên các Vụ sau khi được lãnh đạo Vụ đề nghị và Chánh Văn phòng đồng ý thì được đến nghiên cứu tại tổ thư ký, không được mang tài liệu này ra khỏi tổ thư ký; Trường hợp khẩn cấp nếu được sự đồng ý của Chánh Văn phòng, Vụ trưởng có thể trực tiếp mượn và chịu trách nhiệm bảo quản tài liệu đã mượn, tổ thư ký làm sổ cho mượn ghi ngày, tháng, năm cho mượn, thời hạn cho mượn, ngày, tháng trả, có ký nhận và ký trả. Mọi sự mất mát và để lộ bí mật thì Vụ trưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Khi cần sử dụng các tài liệu mật thuộc loại "Tối mật" và "Tuyệt mật", đồng chí Vụ trưởng chỉ được nghiên cứu tại tổ thư ký sau khi được sự nhất trí của đồng chí Chánh Văn phòng, không được mang tài liệu này ra khỏi tổ thư ký.

Điều 10. Thủ tục xét duyệt những thông tin có liên quan đến bí mật Nhà nước cung cấp cho tổ chức quốc tế, nước ngoài và mang ra nước ngoài:

1. Khi có yêu cầu phải cung cấp các bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực y, dược cho các tổ chức quốc tế, nước ngoài hoặc mang ra nước ngoài được quy định như sau:

- Loại "Tuyệt mật" phải được Thủ tướng Chính phủ duyệt.

- Loại "Tối mật" phải được Bộ trưởng Bộ Nội vụ duyệt.

- Loại "Mật" phải được Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách công việc đó duyệt và thông báo cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ biết.

Đơn vị và người thực hiện chỉ được cung cấp đúng các nội dung đã được duyệt.

Khi mang tài liệu mật ra nước ngoài phải có văn bản trình bầy rõ thực hiện chương trình quốc tế nào, nội dung bí mật mang ra nước ngoài như thế nào, ý kiến của cơ quan cấp trên theo hệ thống dọc và những nơi có liên quan về vấn đề này, đề xuất của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân chủ quản gửi đến cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản này để xem xét quyết định, đồng gửi Bộ Nội vụ.

2. Cán bộ nhân viên ngành y tế khi tiếp xúc với người nước ngoài chỉ được thông tin những tin tức đã được Thủ trưởng đơn vị đó duyệt và phải lập biên bản khi tiếp xúc, báo cáo Thủ trưởng đơn vị đó và lưu hồ sơ.

3. Những người tiếp xúc bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực y, dược khi ra nước ngoài đều phải làm thủ tục cam kết bảo vệ bí mật quốc gia.

Điều 11. Thanh lý và tiêu huỷ các bí mật Nhà nước:

Việc thanh lý hoặc tiêu huỷ các bí mật Nhà nước " Tuyệt mật", " Tối mật", "Mật" do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mọi trường hợp thanh lý hoặc tiêu huỷ các bí mật Nhà nước đều phải do Hội đồng gồm những người đứng đầu cơ quan, người trực tiếp quản lý các bí mật được thanh lý hoặc tiêu huỷ và cán bộ bảo mật thực hiện, Hội đồng thanh lý, tiêu huỷ các bí mật Nhà nước phải lập biên bản thống kê đầy đủ, nói rõ phương thức tiến hành, người thực hiện.

Trong quá trình thực hiện phải tuyệt đối bảo đảm yêu cầu không làm lộ, không để lọt ra ngoài các bí mật Nhà nước, nếu thanh lý phương tiện hoặc vật thể phải làm thay đổi hình dạng và tính năng tác dụng, nếu tiêu huỷ tài liệu thì phải đốt, xé hoặc nghiền nhỏ tới mức không thể chắp lại được.

Biên bản thanh lý, tiêu huỷ lưu tại bộ phận bảo mật của cơ quan.

Nghiêm cấm việc tự tiện tiêu huỷ tài liệu, việc bán thanh lý tài liệu mật ra ngoài.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ MẬT NHÀ NƯỚC THUỘC LĨNH VỰC Y, DƯỢC

Điều 12. Tuyển chọn cán bộ làm công tác bảo mật thuộc lĩnh vực y, dược:

Khi tuyển chọn cán bộ làm công tác bảo mật, Thủ trưởng các đơn vị phải chọn người có lý lịch rõ ràng, có tư cách đạo đức tốt, tác phong ngăn nắp, kín đáo, cẩn thận, tránh thay đổi những người làm công tác bảo mật. Khi tuyển chọn cũng khi chuyển công tác khác, phải được sự thoả thuận của cơ quan an ninh cùng cấp.

Khi nhận công tác hoặc thôi làm công tác bảo mật phải làm cam kết bảo vệ bí mật Nhà nước (có phụ lục kèm theo). Khi ra nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Điều 13. Trách nhiệm cụ thể của Thủ trưởng các đơn vị:

1. Hàng năm, phải có quy định độ mật từng bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực y tế ngay từ khi phát sinh, ban hành, có chữ ký ở tài liệu gốc và đóng dấu độ mật. Tuỳ theo nội dung và tính chất của từng độ mật các bí mật Nhà nước, người quy định độ mật có trách nhiệm xem xét thay đổi độ mật, điều chỉnh biện pháp bảo mật và quyết định hết hiệu lực bí mật và thông báo cho các nơi liên quan biết để thực hiện.

2. Trong phạm vi quản lý của mình, Thủ trưởng đơn vị phải kiểm tra công tác giữ gìn bí mật một cách thường xuyên, sau mỗi lần kiểm tra phải lập biên bản lưu tại cơ quan, tổ chức được kiểm tra, gửi lên cơ quan cấp trên trực tiếp theo hệ thống dọc, đồng thời gửi cơ quan an ninh cùng cấp để theo dõi đôn đốc việc chấn chỉnh những hồ sơ, thiếu sót qua kiểm tra phát hiện.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Người nào vi phạm các quy định của Quy chế này, tuỳ theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy tố theo quy định của Luật hình sự.

Điều 15. Bộ giao cho đồng chí Chánh Văn phòng và Vụ trưởng Vụ Tổ chức lao động chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này trong toàn ngành y tế và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện với Bộ trưởng.

PHỤ LỤC

BẢN CAM KẾT BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
(Ban hành theo quy định của "Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước" dùng cho người làm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước).

Họ và tên Bí danh:

Ngày.... tháng.... năm sinh:

Quê quán:

Chức vụ:

Đơn vị công tác:

Được phân công làm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước từ ngày....tháng....năm...

Tôi hiểu rằng việc giữ gìn bí mật Nhà nước là để bảo vệ lợi ích của Tổ quốc Việt Nam; Tôi đã được hướng dẫn nghiên cứu Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước, các quy định của Hiến pháp (Điều 79), của Bộ luật Hình sự (các diều 74, 92, 93, 222, 223, 262, 263).

Tôi xin cam kết như sau:

1. Thực hiện nghiêm "Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước".

2. Không để mất, lọt ra ngoài, gây thất thoát, làm lộ những bí mật Nhà nước mà tôi được giao tiếp xúc xử lý.

Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật và kỷ luật của Nhà nước về những sai phạm lời cam kết của mình.

Chứng nhận của Thủ trưởng ... Ngày...tháng...năm...

cơ quan, đơn vị Người cam kết

(ký tên, đóng dấu)