Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4460/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 02 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004 về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội, có mã HS: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Ma-lai-xi-a, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a và Lãnh thổ Đài Loan (mã số vụ việc 13-KN-BPG-01) với nội dung chi tiết nêu trong Thông báo gửi kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Trình tự thủ tục điều tra thực hiện theo pháp luật về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh và Thủ trưởng các đơn vị, các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng;
- Các Bộ: Tài chính, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông;
- Cục Xuất nhập khẩu;
- Các Vụ: CNNg, ĐB, PC, TC;
- Lưu: VT, QLCT (04).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Khánh

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ
(Kèm theo Quyết định số 4460/QĐ-BCT ngày 02 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Theo quy định của Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004 về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (“Pháp lệnh 20/2004”) và Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (“Nghị định 90/2005”), Bộ Công Thương thông báo nội dung chi tiết về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam như sau:

1. Thông tin cơ bản:

Ngày 06 tháng 5 năm 2013, Bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam, có mã HS 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90 (sau đây gọi là “hàng hóa thuộc đối tượng điều tra”), của Công ty TNHH POSCO VST và Công ty cổ phần Inox Hòa Bình (sau đây gọi là “Bên yêu cầu”).

2. Bên Yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Tên đầy đủ:

Công ty TNHH POSCO VST

Địa chỉ:

Phòng 1201, tầng 12, Tòa nhà Diamond Plaza, Số 34, Đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:

(08).3.823.2206

Fax:

(08).3.823.2210

 

Tên đầy đủ:

Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình

Địa chỉ:

Yên Phú, Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên

Điện thoại:

(84) 3213 969809

Fax:

(84) 3213 969812

3. Hàng hóa thuộc đối tượng điều tra

Mô tả: hàng hóa thuộc đối tượng điều tra là thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc dạng tấm có chứa 1,2% hàm lượng cacbon hoặc ít hơn tính theo trọng lượng và chứa 10,5% hàm lượng crôm hoặc nhiều hơn, có hoặc không có các nguyên tố khác. Thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc tấm với độ dày 3,5 mm hoặc ít hơn được ủ hoặc được xử lý nhiệt bằng phương pháp khác và ngâm hoặc được cạo gỉ để loại bỏ tạp chất dư thừa trên bề mặt của thép không gỉ. Những sản phẩm này được tiếp tục xử lý (được cắt hoặc được xẻ) với điều kiện là quá trình đó không làm thay đổi các đặc điểm kỹ thuật và kích thước của sản phẩm.

Phân loại theo Mã HS: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90.

Các sản phẩm sau đây được loại trừ khỏi phạm vi điều tra: (1) thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc ở dạng tấm nhưng không được ủ hoặc xử lý nhiệt (Full Hard). (2) thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc ở dạng tấm với độ dày lớn hơn 3,5 mm.

Các đặc tính cơ bản: Thép không gỉ chủ yếu là thép hàm lượng cacbon thấp (1,5% hoặc thấp hơn tính theo trọng lượng), trong đó chứa từ 10,5% hàm lượng Crôm trở lên tính theo trọng lượng. Việc bổ sung hàm lượng Crôm mang lại cho thép đặc tính không gỉ, chống ăn mòn. Hàm lượng Crôm trong thép cho phép hình thành nên một lớp oxit Crôm chống gỉ, rất mỏng như vô hình, bám chặt trên bề mặt thép. Nếu có bất kỳ sự tổn hại nào về mặt vật lý hoặc hóa học, cơ chế oxi hóa chống gỉ sẽ tự động khắc phục các tổn hại, ăn mòn đó, kể cả những tổn hại rất nhỏ. Đặc tính chống ăn mòn và các đặc tính hữu ích khác của thép sẽ được bổ sung bằng cách tăng hàm lượng Crôm, và các yếu tố khác như Niken, mô-lip-đen, Nitơ.

Mục đích sử dụng chính: Sản phẩm thép không gỉ được ứng dụng vào ngành công nghiệp sản xuất đồ gia dụng (bồn rửa bát, đồ nội thất dạng ống, hệ thống nước nóng, bồn tắm và những vật dụng khác), các bộ phận của xe hơi, vật liệu xây dựng, dụng cụ làm bếp, bộ đồ ăn (xoong, nồi, dao, đĩa), bồn nước. Tùy thuộc vào đặc tính vật lý của từng loại sản phẩm thép không gỉ, có thể sử dụng chúng với những công dụng khác nhau.

Mức thuế nhập khẩu hiện hành: từ 0 đến 10%

4. Nước/vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa bị điều tra

Bên yêu cầu đề nghị áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép không gỉ nhập khẩu từ 03 nước gồm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan.

5. Cáo buộc bán phá giá

Cáo buộc bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ 04 nước/vùng lãnh thổ, được căn cứ trên việc so sánh giá trị thông thường và giá xuất khẩu của hàng hóa từ 04 nước/vùng lãnh thổ nêu trên. Hành vi bán phá giá của các nhà sản xuất/xuất khẩu của Trung Quốc, Malaysia và Indonesia được dựa trên việc so sánh giữa giá trị thông thường do Bên yêu cầu tự tính toán với giá hàng hóa được xuất khẩu vào Việt Nam. Đối với lãnh thổ Đài Loan, hành vi bán phá giá được xác định dựa trên so sánh giá trị thông thường căn cứ trên giá cơ sở của nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất tại lãnh thổ Đài Loan với giá hàng hóa được xuất khẩu vào Việt Nam.

6. Cáo buộc thiệt hại

Bên yêu cầu cáo buộc rằng lượng và giá của hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng điều tra, bên cạnh các yếu tố khác, đã tạo ra tác động tiêu cực tới lượng hàng hóa được bán bởi ngành sản xuất trong nước của Việt Nam, điều này dẫn đến tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất: công suất sản xuất giảm, tỷ lệ thua lỗ tăng cao, doanh thu giảm, giảm giá bán, lượng hàng tồn kho tăng… cùng với việc gia tăng lượng nhập khẩu hàng hóa bị yêu cầu điều tra đe dọa gây thiệt hại ngành sản xuất trong nước của Việt Nam.

7. Giai đoạn điều tra: từ ngày 01 tháng 4 năm 2012 đến ngày 31 tháng 3 năm 2013

8. Tham vấn

Cơ quan điều tra sẽ tổ chức phiên tham vấn công khai với các bên liên quan đến vụ việc trước khi kết thúc điều tra. Thời gian tiến hành phiên tham vấn sẽ được thông báo cho các bên liên quan 45 ngày trước khi diễn ra phiên tham vấn. Chậm nhất là 30 ngày trước ngày tổ chức phiên tham vấn, các bên liên quan phải gửi văn bản đăng ký tham gia phiên tham vấn cho Cơ quan điều tra, trong đó nêu rõ những vấn đề cần tham vấn kèm theo lập luận bằng văn bản.

9. Thủ tục điều tra tiếp theo

Căn cứ theo quy định tại điều 17 của Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11, trong vòng 90 ngày kể từ ngày có quyết định khởi xướng điều tra kết luận sơ bộ của vụ việc sẽ được công bố. Trong trường hợp đặc biệt có thể gia hạn thêm nhưng không quá 60 ngày.

Theo quy định tại điều 16 của Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11, kết luận cuối cùng của cuộc điều tra sẽ được công bố trong vòng 12 tháng kể từ ngày có quyết định khởi xướng điều tra, trong trường hợp đặc biệt có thể gia hạn thêm nhưng không quá 6 tháng.

10. Chọn mẫu

Theo quy định tại điều 25 của Nghị định 90/2005/NĐ-CP, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ xem xét việc giới hạn phạm vi điều tra bằng việc tiến hành chọn mẫu điều tra. Để có cơ sở cho việc chọn mẫu, Cục Quản lý cạnh tranh gửi kèm theo thông báo này các bản câu hỏi về lượng và giá trị cho các nhà sản xuất/xuất khẩu thuộc các nước/vùng lãnh thổ bị yêu cầu điều tra; các nhà nhập khẩu và các nhà sản xuất của Việt Nam đối với hàng hóa thuộc đối tượng điều tra. Thời hạn cho việc trả lời bản câu hỏi là trước 17.00 ngày 18 tháng 7 năm 2013.

11. Bảo mật thông tin

Khi cung cấp các thông tin được đề nghị bảo mật, bên cung cấp thông tin phải gửi kèm theo thông tin đó bản giải trình chi tiết về lý do đề nghị bảo mật thông tin và bản tóm tắt những nội dung của thông tin mật có thể công bố công khai cho các bên liên quan khác. Nếu bên liên quan cho rằng không thể tóm tắt được, cần giải trình lý do không thể tóm tắt được.

12. Các bên có quyền lợi liên quan

Các bên liên quan nếu muốn tiếp cận thông tin lưu hành công khai về vụ việc này phải đăng ký với Cơ quan điều tra để được tiếp cận và được cung cấp thông tin. Đơn đăng ký quyền tiếp cận thông tin liên quan của vụ việc phải được gửi tới Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương theo địa chỉ dưới đây trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra.

13. Thông tin liên hệ

Mọi thông tin liên lạc đề nghị gửi về:

Phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước

Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương

Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: (+84 4) 222.05002 (Máy lẻ: 1038) (Anh Thái Ninh)

Fax: (+84 8) 222.05003

Email: ninhtt@moit.gov.vn; pvtm@moit.gov.vn.

14. Công khai thông tin

Thông tin chi tiết về quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa thuộc đối tượng điều tra có thể truy cập tại trang thông tin điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương: www.vca.gov.vn hoặc www.qlct.gov.vn