Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4476/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 15 tháng 11 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TRẺ EM TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2019-2022

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em;

Căn cứ Luật trẻ em năm 2016;

Căn cứ Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 3/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 22/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về triển khai thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020;

Theo Hướng dẫn số 35-HD/HĐĐTW ngày 08/3/2017 của Hội đồng Đội Trung ương về xây dựng thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, thành phố giai đoạn 2017 - 2020;

Xét đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tại Tờ trình số 122-TTr/TĐTN-TTNTH ngày 05/11/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Hoạt động của Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019 - 2022 (Có Đề án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, và các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai hiệu quả Đề án.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TW Đoàn TNCS HCM;
- Hội đồng Đội TW;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

ĐỀ ÁN

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TRẺ EM TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2019 - 2022
(ban hành kèm theo Quyết định số 4476/QĐ-UBND ngày 15/11/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong điều kiện tốt nhất là trách nhiệm của toàn xã hội và là quốc sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990. Đây là văn kiện quan trọng nhất về quyền con người của trẻ em trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người, bao gồm các điều luật như: Trẻ em có quyền được lắng nghe, được bày tỏ quan điểm về tất cả các vấn đề có tác động đến trẻ, được phát biểu, suy nghĩ, hội họp và tiếp cận thông tin... Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chính sách để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, tạo môi trường thuận lợi nhất và nâng cao năng lực cho các em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật trẻ em năm 2016.

Tỉnh Quảng Bình hiện nay có 243.885 trẻ em, trong đó có 76.658 đội viên và 167.227 thiếu niên, nhi đồng đang học tập, sinh hoạt trong 372 liên đội. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo, định hướng cho Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo trong tổ chức các hoạt động thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em như: mô hình Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, các diễn đàn trẻ em từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, đối thoại giữa học sinh với Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đoàn thể để các em có cơ hội bày tỏ những băn khoăn, thắc mắc, những tâm tư, nguyện vọng của bản thân. Thông qua đó công tác bảo vệ quyền, lợi ích, chăm lo về đời sống tinh thần cũng như nâng cao sức khỏe, động viên, khích lệ các em thiếu nhi rèn luyện bản thân và phấn đấu học tập được nâng lên.

Tuy nhiên, việc thực hiện Quyền trẻ em hiện còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại về kinh tế, xã hội, tâm lý. Khái niệm “Quyền trẻ em” vẫn còn rất mới mẻ trong xã hội, chưa tạo được môi trường riêng biệt để các em được bày tỏ ý kiến, tâm tư nguyện vọng của mình. Việc đóng góp, tham gia ý kiến của trẻ em tại gia đình, nhà trường, địa bàn dân cư nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; nhận thức của gia đình, nhà trường và xã hội về quyền tham gia của trẻ em còn mức độ.

Việc thành lập Hội đồng Trẻ em nhằm tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em toàn tỉnh trong việc thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Đồng thời, giúp trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng và giúp các cơ quan, tổ chức có liên quan đến trẻ em hoàn thiện quá trình xây dựng luật pháp, hoạch định chính sách và ra các quyết định về trẻ em.

II. Căn cứ pháp lý xây dựng Đề án

- Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em;

- Khoản 1 Điều 37 Chương II Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) năm 2013;

- Luật Trẻ em số 102/2016/QH13.

- Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, ngày 09/5/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.

- Quyết định số 1235/QĐ-TTg, ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.

- Kế hoạch số 123/KH-UBND, ngày 22/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.

- Hướng dẫn số 35-HD/HĐĐTW ngày 8/3/2017 của Hội đồng Đội Trung ương hướng dẫn xây dựng thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, thành phố giai đoạn 2017 - 2020.

Phần thứ hai

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. Mục tiêu của Đề án

- Xây dựng được diễn đàn phù hợp, tạo môi trường giúp trẻ em được bày tỏ ý kiến, tâm tư nguyện vọng, đưa ra những đề xuất thiết thực trong việc học tập, vui chơi, giải trí và về các vấn đề có liên quan đến trẻ em.

- Là cầu nối giúp lãnh đạo các cấp, các cơ quan, tổ chức nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu của trẻ em làm cơ sở xây dựng luật pháp, hoạch định chính sách và ra quyết định về trẻ em.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức của thiếu nhi và toàn xã hội về Luật Trẻ em, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em; thay đổi thái độ, hành vi, nhận thức của nhà trường, gia đình và toàn xã hội về quyền tham gia của trẻ em.

- Xây dựng lớp đội viên, thiếu niên mạnh dạn, tự tin, năng động, bước đầu chủ động làm quen với thể chế Nhà nước xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị hành trang cho công dân tương lai của tỉnh nhà. Tạo sự quan tâm, hỗ trợ và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong việc thực hiện hóa các quyền của trẻ em.

II. Thời gian thực hiện

1. Năm 2019

- Thành lập Hội đồng Trẻ em tỉnh Quảng Bình.

- Thành lập Ban Tham vấn Hội đồng Trẻ em.

- Tổ chức Hội nghị Ban Tham vấn.

- Ra mắt Hội đồng Trẻ em tỉnh Quảng Bình.

- Tập huấn cho thành viên Hội đồng Trẻ em các kiến thức về Luật Trẻ em, kỹ năng lãnh đạo, vận động chính sách.

- Tổ chức kỳ họp lần 1 Hội đồng Trẻ em tỉnh Quảng Bình.

- Tổ chức tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND tỉnh.

2. Năm 2020-2022

- Tổ chức kỳ họp Hội đồng Trẻ em tỉnh Quảng Bình theo định kỳ.

- Tổ chức tập huấn cho trẻ em tham gia Hội đồng Trẻ em.

- Hoạt động của Hội đồng trẻ em tại địa phương - thu thập thông tin, ý kiến của trẻ em để xây dựng các kiến nghị với các Bác lãnh đạo.

- Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Ban Tham vấn và Thường trực Hội đồng Trẻ em

- Tổ chức tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND tỉnh.

- Tổng kết việc thực hiện Đề án (năm 2022).

III. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Bình

1. Khái niệm

Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Bình (gọi tắt là Hội đồng trẻ em tỉnh) là nhóm đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với lãnh đạo tỉnh về các vấn đề liên quan đến trẻ em tại tỉnh Quảng Bình.

2. Nguyên tắc hoạt động

- Thành viên Hội đồng trẻ em được lựa chọn công khai thông qua hệ thống các nhà trường, Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh/huyện, đảm bảo tính đại diện cho các nhóm đối tượng trẻ em khác nhau, đang học tập, sinh sống trên địa bàn tỉnh.

- Thành viên hội đồng trẻ em sau khi được trẻ em bầu chọn, cần có sự đồng thuận cho phép tham gia của bố mẹ hoặc người giám hộ.

- Hội đồng trẻ em được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, có sự hướng dẫn của Ban Tham vấn.

- Các quyết định của Hội đồng trẻ em phải được thông qua tại phiên họp và có sự đồng ý của trên 50% thành viên Hội đồng.

3. Cơ cấu tổ chức

3.1. Số lượng: 35 trẻ em, trong đó:

- Chủ tịch Hội đồng: 01 em.

- Phó Chủ tịch Hội đồng: 02 em.

- Các Ủy viên: 32 em.

3.2. Cơ cấu thành phần

- Ban Chỉ huy Liên đội tiêu biểu tại các huyện, thị xã, thành phố: 19 em (do Hội đồng Đội các huyện, thị xã, thành phố giới thiệu).

- Thiếu nhi tiêu biểu sinh hoạt tại các câu lạc bộ, đội, nhóm thuộc Nhà thiếu nhi tỉnh, thành viên câu lạc bộ phóng viên nhỏ: 04 (do Nhà thiếu nhi tỉnh giới thiệu).

- Thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt đang sinh sống, học tập tại Trung tâm bảo trợ xã hội, làng trẻ SOS, thiếu nhi khuyết tật: 04 em (do Sở Lao động Thương binh & Xã hội giới thiệu).

- Thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi dân tộc: 04 em (do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh và tổ chức Plan giới thiệu).

- Thiếu nhi có thành tích xuất sắc trong học tập, trong hoạt động nghệ thuật, đã đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, hội thi năng khiếu có ảnh hưởng tích cực trong thiếu nhi: 04 em (do Sở Giáo dục và Đào tạo giới thiệu).

3.3. Cơ cấu về độ tuổi

- Từ 9 - 11 tuổi: 8 em.

- Từ 12 - 13 tuổi: 15 em.

- Từ 14 đến dưới 16 tuổi: 12 em.

4. Tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu tham gia Hội đồng Trẻ em tỉnh

4.1. Tiêu chuẩn

- Là trẻ em Việt Nam có độ tuổi từ 9 đến dưới 16 tuổi, đang học tập, sinh sống tại tỉnh Quảng Bình.

- Có mong muốn tham gia vào các hoạt động thúc đẩy việc thực hiện Quyền trẻ em, Bình đẳng giới tại địa phương.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, thành tích học tập tốt (xếp loại học lực hoàn thành xuất sắc đối với Tiểu học, xếp loại học lực Giỏi đối với Trung học cơ sở).

- Có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày, phát biểu, có năng khiếu và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi trong nhà trường và địa phương.

Với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số không áp dụng các tiêu chí xếp loại học tập và năng khiếu.

4.2. Điều kiện tham gia

- Tự nguyện đăng ký tham gia Hội đồng Trẻ em tỉnh.

- Được sự đồng ý tiến cử của Liên đội và giáo viên Tổng phụ trách Đội, Ban Giám hiệu Nhà trường, Hội đồng Đội cấp xã, cấp huyện.

- Được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

- Bảo đảm sức khỏe và thời gian tham gia Hội đồng trẻ em.

5. Quy trình bình chọn và giới thiệu đại biểu tham gia Hội đồng trẻ em tỉnh

Thông tin rộng rãi về mô hình Hội đồng trẻ em đến toàn bộ trẻ em trên địa bàn tỉnh thông qua hoạt động tuyên truyền của nhà trường và các kênh truyền thông khác đến trẻ em.

Phát đơn đăng ký tham gia ứng cử Hội đồng trẻ em qua kênh trường học và các đơn vị đầu mối có trách nhiệm giới thiệu ứng cử viên.

Thành lập hội đồng tuyển chọn, dựa trên các đơn đăng ký được gửi về từ các đơn vị đầu mối. Ban tham vấn giúp quá trình lựa chọn thành viên dựa trên đơn đăng ký của trẻ em, từ năm thứ 2 trở đi, thành viên Hội đồng trẻ em sẽ tham gia vào việc lựa chọn, tuyển bổ sung các đại biểu.

6. Nội dung hoạt động

6.1. Hội nghị định kỳ

- Thời gian: Hội đồng Trẻ em tỉnh họp định kỳ 01 năm 02 lần trước kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Nội dung: Nội dung thảo luận tại Hội nghị định kỳ được thống nhất theo đề xuất của Hội đồng trẻ em tỉnh trong kỳ họp trước và được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn quyết định chọn, trong đó tập trung vào các nội dung chính sau:

+ Thực trạng thực hiện quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em ở địa phương, đơn vị.

+ Phản ánh, đấu tranh với những hành vi, vi phạm quyền trẻ em tại địa phương.

+ Đề xuất, kiến nghị liên quan đến nhu cầu vui chơi, giải trí và sự phát triển của thiếu nhi ở địa phương, đơn vị.

+ Góp ý các dự thảo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hoặc phản ánh việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến vấn đề bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa phương.

+ Các vấn đề xã hội tại địa phương liên quan đến trẻ em.

+ Thảo luận, sinh hoạt các nội dung liên quan đến thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em quan tâm.

- Hình thức: Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng trẻ em sẽ phát biểu, thảo luận, tranh luận theo mô hình một phiên họp của Hội đồng nhân dân. Sau khi trẻ em phản ánh ý kiến, các thành viên Ban Tham vấn phát biểu giải đáp, tiếp thu các kiến nghị của trẻ em. Trưởng Ban Tham vấn phát biểu tổng hợp ý kiến. Các ý kiến của Hội đồng trẻ em tại cuộc họp sẽ được tổng hợp gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

6.2. Hoạt động của thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh tại địa phương, đơn vị

- Mỗi thành viên của Hội đồng trẻ em tỉnh được phân công theo dõi, phụ trách địa bàn, có kế hoạch làm việc của mình trên địa bàn phụ trách nhằm tiếp thu, lắng nghe và tổng hợp các vấn đề trẻ em trên địa bàn phản ánh, kiến nghị.

- Các em sẽ được đào tạo về kỹ năng thu thập thông tin và trước mỗi kỳ họp; các em cần thu thập thông tin của ít nhất 40 bạn, để tổng hợp, chuẩn bị báo cáo về nhu cầu, nguyện vọng và các vấn đề trẻ em đang gặp phải.

- Ngoài ra, trong quá trình sinh sống tại địa phương, đơn vị, các thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh nếu nhận thấy các vấn đề bất cập về quyền trẻ em tại địa phương có thể trực tiếp thông tin bằng cách điện thoại, trao đổi qua email với Thường trực Hội đồng trẻ em tỉnh, Thường trực Hội đồng Đội tỉnh.

6.3. Điều kiện hỗ trợ trẻ em tham gia hoạt động của Hội đồng

- Đơn vị nơi trẻ em là Ủy viên Hội đồng trẻ em tỉnh sinh hoạt, học tập hỗ trợ, tạo điều kiện về thời gian, phương tiện đi lại, kinh phí (nếu cần thiết) đối với trẻ em tham gia Hội đồng.

- Đơn vị nơi có trẻ em là Ủy viên tham gia Hội đồng sinh hoạt, học tập định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý tổ chức các hoạt động để trẻ em phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị. Giúp ủy viên Hội đồng tổng hợp kiến nghị, đề xuất của trẻ em, gửi về Thường trực Hội đồng trẻ em tỉnh.

6.4. Lãnh đạo Hội đồng Nhân dân tỉnh làm việc với Hội đồng trẻ em tỉnh

Ban Thường vụ Đoàn Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, Sở Giáo dục & Đào tạo đề xuất để Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh định kỳ làm việc với Hội đồng trẻ em tỉnh. Cụ thể:

6.4.1. Thời gian: 1 năm 01 lần, trước kỳ họp cuối năm của Hội đồng Nhân dân tỉnh.

6.4.2. Nội dung

- Thông báo kết quả giải quyết những kiến nghị của Hội đồng trẻ em trong năm vừa qua.

- Tiếp nhận các ý kiến của Hội đồng trẻ em để chỉ đạo thực hiện trong năm tới.

6.4.3. Tiến trình

- Đại diện Hội đồng trẻ em báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng và các Ủy viên Hội đồng trong năm, tổng hợp kết quả các kỳ họp và các kiến nghị của Hội đồng trẻ em.

- Đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh thông báo kết quả tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị của Hội đồng trẻ em trong năm.

- Các em thiếu nhi trong Hội đồng phát biểu ý kiến, đề xuất, kiến nghị.

- Lãnh đạo Hội đồng Nhân dân tỉnh phát biểu, kết luận.

Ban Tham vấn của Hội đồng trẻ em tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh chuẩn bị nội dung làm việc của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh với Hội đồng trẻ em tỉnh.

6.5. Hội đồng trẻ em tỉnh tham dự kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh

6.5.1. Thời gian: Theo thời gian các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.

6.5.2. Số lượng, thành phần: Theo đề xuất của Ban Tham vấn và ý kiến chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

6.5.3. Nội dung: Nghe các nội dung của kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh; nghiên cứu và tham gia ý kiến các vấn đề liên quan đến trẻ em (nếu có) được nêu ra tại kỳ họp; đề xuất, kiến nghị các vấn đề của trẻ em.

IV. Tổ chức hoạt động của Ban Tham vấn

Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em tỉnh có nhiệm vụ trực tiếp định hướng hoạt động và thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức các hoạt động của Hội đồng trẻ em tỉnh.

1. Số lượng, cơ cấu Ban Tham vấn

1.1. Số lượng: 15 người.

1.2. Cơ cấu Ban Tham vấn gồm:

- Trưởng ban Tham vấn: Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh.

- Phó Trưởng Ban Tham vấn:

+ Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

+ Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ Phó Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Các thành viên

+ Đại diện Ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh Đoàn.

+ Đại diện Nhà Thiếu nhi tỉnh.

+ Đại diện Phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ Đại diện phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

+ Chủ tịch Hội đồng Đội cấp huyện, cấp xã (02 đồng chí).

+ Ban Giám hiệu nhà trường đại diện khối Tiểu học và khối THCS (02 đồng chí).

+ Tổng phụ trách Đội tiêu biểu (02 đồng chí).

+ Đại diện của tổ chức Plan International.

Ngoài ra, tùy vào chủ đề của từng kỳ họp Hội đồng Trẻ em tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn có thể mời thêm đại diện các Sở, ban, ngành, Ban Giám hiệu các trường, các chuyên gia trong lĩnh vực trẻ em, các văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực trẻ em, giáo viên Tổng phụ trách Đội tiêu biểu tham gia Hội nghị Ban Tham vấn.

2. Nhiệm vụ của Ban Tham vấn

- Hỗ trợ và tham vấn cho hoạt động của Hội đồng trẻ em tỉnh.

- Định hướng nội dung và hỗ trợ công tác tổ chức Hội nghị định kỳ của Hội đồng trẻ em tỉnh.

- Tổng hợp các ý kiến trong các kỳ họp của Hội đồng trẻ em tỉnh gửi Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn để phản ánh đến Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Rà soát các kiến nghị của trẻ em phản ánh trong các kỳ họp trước.

Đầu mối duy trì hoạt động thường xuyên của Ban Tham vấn là thường trực Hội đồng Đội tỉnh, có trách nhiệm điều phối chung hoạt động của Ban Tham vấn phát huy vai trò của các thành viên trong Ban Tham vấn công tác ở các ngành và giữ liên hệ thường xuyên với Ban Thường trực Hội đồng trẻ em để triển khai các hoạt động. Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em tỉnh được phép sử dụng con dấu của Hội đồng Đội tỉnh để trao đổi công việc bằng văn bản đến các đơn vị có liên quan.

3. Hội nghị Ban Tham vấn

3.1. Thời gian: Ban Tham vấn họp 01 năm 02 lần, trước kỳ họp của Hội đồng Trẻ em.

3.2. Nội dung: Rà soát kết quả thực hiện các kiến nghị của trẻ em tại kỳ họp Hội đồng trước; chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Hội đồng Trẻ em.

3.3. Hình thức

+ Họp cùng Hội đồng trẻ em tại các phiên họp với đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh.

+ Họp chuyên đề (có thể mở rộng thành phần, đối tượng)

+ Họp đột xuất (nếu cần).

V. Kinh phí thực hiện

Kinh phí cấp cho việc triển khai thực hiện Đề án từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tổ chức Plan International và kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Tỉnh đoàn

- Là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án. Phối hợp với các ngành, tổ chức liên quan Thành lập Hội đồng Trẻ em cấp tỉnh và Ban Tham vấn Hội đồng Trẻ em cấp tỉnh, xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để duy trì, tổ chức thực hiện hoạt động Hội đồng Trẻ em theo các nội dung của Đề án.

- Phân công cán bộ nắm bắt thực tế hoạt động của các thành viên Hội đồng trẻ em tại địa phương, đơn vị. Tham mưu chương trình, lịch hoạt động của Hội đồng Trẻ em và Ban Tham vấn.

- Phối hợp chuẩn bị các nội dung phục vụ chương trình hoạt động của Hội đồng Trẻ em và Ban Tham vấn; dự trù kinh phí hoạt động của Hội đồng Trẻ em hàng năm.

- Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án; định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Hội đồng Đội Trung ương; tổng kết việc thực hiện Đề án.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với Tỉnh Đoàn để thành lập, duy trì, tổ chức hoạt động của Hội đồng trẻ em.

- Phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thành viên Hội đồng Trẻ em.

- Phối hợp chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp Hội đồng Trẻ em, tham dự các kỳ họp của Hội đồng Trẻ em và Ban Tham vấn.

- Chỉ đạo các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Đoàn Thanh niên các huyện, thị xã, thành phố triển khai và tổ chức các hoạt động của Hội đồng Trẻ em tại địa phương.

- Cử lãnh đạo tham gia Ban Tham vấn Hội đồng.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Tỉnh Đoàn để thành lập, duy trì, tổ chức hoạt động của Hội đồng trẻ em.

- Phối hợp chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp Hội đồng Trẻ em, tham dự các kỳ họp của Hội đồng Trẻ em và Ban Tham vấn.

- Chỉ đạo các Phòng Giáo dục các huyện, thành phố, các trường học tổ chức các hoạt động để thành viên Hội đồng Trẻ em tổng hợp các ý kiến, đề xuất tại cơ sở; tạo điều kiện, bố trí cho học sinh là thành viên Hội đồng Trẻ em tham gia các kỳ họp của Hội đồng.

- Cử lãnh đạo tham gia Ban Tham vấn Hội đồng Trẻ em.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Tùy vào điều kiện tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, tạo điều kiện bố trí kinh phí địa phương để triển khai mô hình Hội đồng trẻ em cấp huyện theo Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 22/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.

- Chỉ đạo, tạo điều kiện cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp huyện, thị xã, thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường học trên địa bàn phối hợp triển khai có hiệu quả Đề án.

- UBND huyện Quảng Ninh quan tâm, chỉ đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Quảng Ninh ơn vị được lựa chọn triển khai mô hình Hội đồng trẻ em cấp huyện, do tổ chức Plan hỗ trợ) và các phòng, ban liên quan phối hợp triển khai có hiệu quả mô hình trẻ em cấp huyện.