Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/2008/QĐ-UBND

 Kon Tum, ngày 23 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ THÔN, LÀNG TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 3653/1999/QĐ-BYT, ngày 15 tháng 11 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định chức năng và nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản”;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25 tháng 4 năm 2008 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BYT, ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy dân số - kế hoạch hóa gia đình ở địa phương;

Xét đề nghị của Giám đốc sở Y tế; Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum (tờ trình số 1277/TTr-SNV, ngày 20 tháng 8 năm 2008),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, làng tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thày thế Quyết định số 13/2007/QĐ-UBND, ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc ban hành Quy chế thực hiện lồng ghép nhân viên y tế thôn, làng với cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em thôn, làng.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Thị Ngọc Ánh

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ THÔN, LÀNG TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2008/QĐ-UBND, ngày 23 tháng 9 năm 2008 của UBND tỉnh Kon Tum)

Chương I:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, làng tỉnh Kon Tum nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh, đồng thời tập trung nguồn lực, tăng mức phụ cấp cho đội ngũ này.

Điều 2. Quy định này quy định việc lồng ghép nhân viên y tế thôn, làng với cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn, làng trên địa bàn tỉnh Kon Tum và thống nhất tên gọi là nhân viên y tế thôn, làng. Đồng thời quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện.

Điều 3. Nhân viên y tế thôn, làng chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) và sự quản lý của trưởng thôn, trưởng làng, tổ trưởng dân phố (gọi chung là trưởng thôn).

Điều 4. Mỗi thôn, làng được bố trí một nhân viên y tế và được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định của Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Chương II:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ THÔN, LÀNG

Điều 5. Chức năng của nhân viên y tế thôn, làng.

Nhân viên y tế thôn, làng thực hiện các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; giúp Trạm Y tế xã thực hiện chức năng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; tuyên truyền, vận động về DS-KHHGĐ, vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu trên địa bàn phụ trách.

Điều 6. Nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, làng.

1. Tuyên truyền - Giáo dục sức khoẻ: Thực hiện tuyên truyền các kiến thức bảo vệ sức khoẻ và an toàn cộng đồng, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khoẻ thông thường.

2. Hướng dẫn thực hiện vệ sinh phòng bệnh: Hướng dẫn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý; hướng dẫn vệ sinh 3 sạch (ăn sạch, ở sạch, uống sạch), 4 diệt (diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột, diệt bọ chét), sử dụng nguồn nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; thực hiện các hoạt động tiêm chủng và phòng dịch.

3. Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em: Vận động khám thai, đăng ký thai nghén và hỗ trợ đẻ thường khi không kịp đến Trạm Y tế; hướng dẫn một số biện pháp đơn giản để theo dõi sức khoẻ trẻ em.

4. Sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường: Sơ cứu ban đầu các cấp cứu và tai nạn, chăm sóc một số bệnh thông thường và chăm sóc người mắc bệnh xã hội tại nhà.

5. Thực hiện các chương trình y tế: Thực hiện các hoạt động chương trình y tế thôn, làng; ghi chép, báo cáo về dân số; hướng dẫn đăng ký việc sinh, tử và dịch bệnh tại thôn, làng đầy đủ và kịp thời theo quy định; quản lý và sử dụng tốt túi thuốc của thôn, làng.

6. Xây dựng chương trình công tác tháng, tuần về DS-KHHGĐ; phối hợp với các tổ chức trên địa bàn triển khai các hoạt động quản lý và vận động tới từng hộ gia đình.

7. Trực tiếp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tư vấn về DS-KHHGĐ và cung cấp bao cao su, thuốc uống tránh thai đến từng hộ gia đình.

8. Kiểm tra việc duy trì thực hiện các nội dung DS-KHHGĐ của các hộ gia đình tại địa bàn quản lý.

9. Thực hiện chế độ ghi chép ban đầu, thu thập số liệu, lập báo cáo tháng về DS-KHHGĐ theo quy định hiện hành; lập các sơ đồ và biểu đồ, quản lý sổ hộ gia đình về DS-KHHGĐ tại địa bàn quản lý.

10. Bảo quản và sử dụng các tài liệu (sổ sách, biểu mẫu báo cáo…) liên quan đến nhiệm vụ được giao.

11. Dự giao ban hàng tháng để phản ảnh tình hình và báo cáo kết quả hoạt động DS-KHHGĐ của địa bàn được giao quản lý. Giải quyết hoặc xin ý kiến cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã để giải quyết những vấn đề phát sinh.

12. Tham dự đầy đủ các khóa tập huấn do cơ quan cấp trên tổ chức.

13. Phát hiện và đề xuất với cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã các vấn đề cần thực hiện về DS-KHHGĐ tại địa bàn quản lý.

Chương III

TIÊU CHUẨN, CÔNG NHẬN, THÔI CÔNG NHẬN ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN Y TẾ THÔN, LÀNG

Điều 7. Tiêu chuẩn.

- Là người có sức khoẻ, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác và có uy tín trong cộng đồng;

- Là người ở tại địa phương hoặc những người ở nơi khác đến đăng ký phục vụ lâu dài tại địa phương;

- Trình độ văn hoá tốt nghiệp phổ thông trung học; đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn nếu chưa tốt nghiệp phổ thông trung học thì ít nhất phải tốt nghiệp trung học cơ sở;

- Trình độ chuyên môn từ sơ cấp y tế trở lên;

- Đã tham gia các lớp tập huấn về dân số, gương mẫu thực hiện KHHGĐ.

Điều 8. Việc công nhận và thôi công nhận nhân viên y tế thôn, làng.

Trưởng trạm Y tế xã chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn đề nghị Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn xem xét và quyết định công nhận và thôi công nhận nhân viên y tế thôn, làng thuộc địa bàn quản lý.

Điều 9. Công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Sở Y tế có kế hoạch để đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên y tế thôn, làng đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Giám đốc Sở Y tế báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp./.